Giải pháp nâng cao chất lượng các môn học thực hành ngành Kế toán tại Khoa Tài chính - Thương mại, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH)

NCS.ThS. TRẦN NAM TRUNG (Khoa Tài chính - Thương mại, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh - HUTECH)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở phân tích số liệu thu thập được từ các sinh viên đang theo học tại Khoa Tài chính - Thương mại, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH). Mục tiêu của nghiên cứu nhằm tìm hiểu nguyên nhân và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các môn học thực hành của ngành Kế toán. Để hoàn thành nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng kết hợp 2 phương pháp là nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng dưới sự trợ giúp của phần mềm SPSS. Kết quả cho thấy, có 6 nhân tố tác động đến hiệu quả các môn học thực hành, gồm: Cơ sở vật chất, Giảng viên, Phương pháp giảng dạy, Đề cương môn học, Tài liệu học tập, và Phương tiện học tập.

Từ khóa: nâng cao, chất lượng, thực hành, kế toán.

1. Đặt vấn đề

Mục tiêu của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (Hutech) nói chung và của Khoa Tài chính - Thương mại nói riêng là đào tạo lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản của nghề nghiệp, có khả năng làm việc độc lập và có tính sáng tạo cao, ứng dụng công nghệ vào công việc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đây là một vấn đề hết sức cần thiết với mục tiêu đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ tri thức chuyên ngành Kế toán, Tài chính theo yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Từ những yêu cầu và đòi hỏi trên là động lực để tác giả tiến hành điều tra, khảo sát và phân tích các dữ liệu thu thập được nhằm có cái nhìn tổng quan và cụ thể của từng nhân tố tác động, từ đó đề ra các giải pháp cải tiến và nâng cao chất lượng.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Theo Trần Khánh Đức (2013), hiệu quả dạy và học là một phạm trù của khoa học giáo dục. Việc đổi mới phương pháp dạy học cần dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn giáo dục. Trong thực tiễn cần xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể để xác định và áp dụng những định hướng, biện pháp thích hợp.

Theo Đinh Văn Tiến - Ulrich Lipp (2003), hiệu quả học tập có một số đặc điểm cơ bản sau: Định hướng thực hiện mục tiêu dạy học; Là sự thống nhất của phương pháp dạy và phương pháp học; Thực hiện thống nhất chức năng đào tạo và giáo dục; Là sự thống nhất của logic nội dung dạy học và logic tâm lý nhận thức. Phương pháp dạy học có mặt khách quan và mặt chủ quan, là sự thống nhất của cách thức hành động và phương tiện dạy học.

Tóm lại, các môn học thực hành ngành kế toán có thể hiểu là các môn học trang bị cho người học có năng lực thực hành tương đối thành thạo nghiệp vụ kế toán ở vị trí công tác được giao.

Hiệu quả môn học thực hành: là một tiêu chí được sử dụng để đánh giá những thay đổi được xác định trong hệ thống mục tiêu, về hành vi, năng lực,… gắn liền với việc đạt được trạng thái kết thúc, đạt được mục tiêu hoặc tạo ra ảnh hưởng.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu thống kê mô tả, nghiên cứu nhân quả kết hợp với phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để có thể vừa khám phá vấn đề, vừa có thể kiểm định lại các khám phá đó thông qua việc khảo sát trên số lượng lớn các đối tượng nghiên cứu.

Phương pháp định tính:  Tiến hành tìm hiểu tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu, tìm các công trình nghiên cứu trong nước và nước ngoài để tổng quan tài liệu. Xây dựng bộ câu hỏi nghiên cứu sơ bộ, phỏng vấn ý kiến của 2 nhóm đối tượng gồm nhóm 10  sinh viên hệ Đại học chính quy đang theo học tại khoa và nhóm 10 chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, cán bộ phụ trách, thầy cô đang giảng dạy tại khoa để xây dựng những câu hỏi nghiên cứu thông qua việc phỏng vấn trực tiếp dạng câu hỏi mở. Tiến hành thảo luận nhóm nhằm thu thập thông tin góp phần định hướng nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện mô hình và các thang đo của đề tài nghiên cứu.

Phương pháp định lượng: Tiến hành khảo sát sinh viên về đề tài nghiên cứu. Phân tích dữ liệu khảo sát thông qua phần mềm SPSS. Kiểm định mô hình, các giả thuyết nghiên cứu và đánh giá mức độ tác động của các yếu tố đến hiệu quả học tập. Kiểm định T-Test và ANOVA để kiểm định sự khác biệt trung bình của từng nhóm đối tượng đánh giá.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Thống kê mô tả

Đầu tiên, tác giả xác định mô hình nghiên cứu. Sau đó từ mô hình nghiên cứu ban đầu, tác giả xây dựng bảng câu hỏi, tiến hành thảo luận, hoàn thiện và điều tra thu thập số liệu. Tác giả phát ra 620 phiếu khảo sát và thu về 583 phiếu hợp lệ, sau đó tiến hành thống kê mô tả về giới tính, ngành học, sinh viên các khóa và số môn học thực hành đã học.

3.2 .Phân tích Cronbach Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Sau khi phân tích thống kê mô tả, dữ liệu được làm sạch bằng phương pháp phân tích Cronbach Alpha cho tất cả các biến độc lập và biến phụ thuộc. Kết quả phân tích đối với 10 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc “Hiệu quả môn học thực hành” của sinh viên cho thấy, từ những biến quan sát ban đầu, sau khi phân tích bằng hệ số tin cậy Cronbach Alpha đã loại ra một số biến, còn lại 24 biến sẽ được đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA kế tiếp. Sau khi phân tích EFA, tác giả xây dựng được mô hình nghiên cứu hiệu chỉnh như sau: Biến phụ thuộc “Hiệu quả các môn học thực hành” chịu tác động bởi 6 biến phụ thuộc, gồm: Giảng viên (X1), Đề cương môn học (X2), Cơ sở vật chất (X3). Phương pháp giảng dạy (X4), Phương tiện học tập (X5), Tài liệu học tập (X6).  

3.3. Một số những phân tích khác

Phân tích hệ số tương quan Pearson: Đối với nghiên cứu kết quả cho thấy hệ số tương quan tuyệt đối giữa các biến dao động từ 0,028 đến 0,419, nghĩa là không vượt quá hệ số điều kiện 0,85. Điều đó chứng minh giá trị phân biệt đã đạt yêu cầu. Các thang đo trong nghiên cứu này đã đo lường được các khái niệm nghiên cứu khác nhau.

Phân tích hồi quy bội: Kết quả các thông số của từng biến trong phương trình hồi quy cho thấy, giá trị Sig. của 6 biến độc lập là “Giảng viên” (GV); “Đề cương môn học” (DCMH); “Cơ sở vật chất” (CSVC); “Phương pháp giảng dạy” (PPGD); Phương tiện học tập và “Tài liệu học tập” đều nhỏ hơn 0,05. Do đó, 6 biến độc lập này đều có ý nghĩa thống kê, nói cách khác đều có ảnh hưởng nhất định đến “Hiệu quả môn học thực hành”.

Phương trình hồi quy có hệ số đã chuẩn hóa có dạng như sau:

Y = 4,884 x 10-18 + 0,297X1 + 0,126X2 + 0,414X3 + 0,210X4 + 0,076X5 + 0,092X6 + ε

Trong đó:

Y:  Hiệu quả môn học thực hành

X1: Giảng viên, X2: Đề cương môn học, X3: Cơ sở vật chất, X4: Phương pháp giảng dạy, X5: Phương tiện học tập, X6: Tài liệu học tập, ε: Sai số ngẫu nhiên

4. Kết luận và khuyến nghị

4.1. Kết luận

Thông qua dữ liệu khảo sát của 583 phiếu khảo sát hợp lệ và kết quả kiểm định mô hình, phân tích mô hình hồi quy bội cho thấy 6 yếu tố chính ảnh hưởng đến “Hiệu quả môn học thực hành”, gồm: (1) “Cơ sở vật chất”, (2) “Giảng viên”, (3) “Phương pháp giảng dạy”, (4) “Đề cương môn học”, (5) “Tài liệu học tập” và (6) “Phương tiện học tập”. Trong đó, yếu tố tác động mạnh nhất đến “Hiệu quả môn học thực hành” là yếu tố “Cơ sở vật chất” với Beta = 0,414; kế đến lần lượt là “Giảng viên” (Beta = 0,297); “Phương pháp giảng dạy” (Beta = 0,210); “Đề cương môn học” với Beta = 0,126; “Tài liệu học tập” với Beta = 0,092 và ảnh hưởng nhỏ nhất là yếu tố “Phương tiện học tập” với Beta = 0,076.

4.2. Khuyến nghị

Về nhân tố cơ sở vật chất và phương tiện học tập: Đây là nhân tố có tác động mạnh nhất tới chất lượng giảng dạy, bởi vậy Nhà trường cần kịp thời trong việc hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện học tập, cơ sở vật chất (máy tính, máy chiếu, phòng học,...) để nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần thực hành.

Về nhân tố giảng viên: Giảng viên trực tiếp giảng dạy học phần thực hành là người có ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp tới hiệu quả các môn học thực hành, bởi vậy, những giải pháp đề xuất mang tính gần gũi thực tế. Cụ thể, trong từng buổi lên lớp, cần chuẩn bị đầy đủ nội dung và đề cương chi tiết, thiết kế giáo án sinh động trước giờ thực hành: Lập kế hoạch dạy học chi tiết cho từng tiết thực hành, thể hiện rõ nhiệm vụ tiết học, mục tiêu kết quả cần đạt được và hình thức kiểm tra kết quả thực hành của sinh viên.

Về nhân tố phương pháp giảng dạy: Đây là một trong những nhân tố rất quan trọng trong tiết thực hành, cụ thể giảng viên phải tổ chức và điều khiển các đối tượng sinh viên trên lớp. Để lôi cuốn được các sinh viên cùng tham gia thực hành, có thể chia lớp học thành các nhóm học tập (tùy theo quy mô lớp và năng lực người học để chia nhóm). Với việc chia nhóm, sinh viên có điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không chỉ thụ động tiếp thu từ giáo viên. Giáo viên hướng dẫn sinh viên các kỹ năng thao tác trong bài thực hành, thao tác mẫu bằng máy chiếu cho sinh viên quan sát. Tổ chức hướng dẫn sinh viên thực hành, gợi mở, khuyến kích sinh viên tích cực hoạt động, đồng thời quan sát, theo dõi và bổ trợ sinh viên khi cần.

Chia nhỏ nội dung thực hành: Nội dung thực hành của mỗi học phần kế toán thường có dung lượng khá lớn, Giảng viên có thể giảm nhẹ việc học thực hành bằng cách chia nhỏ các nội dung trong mỗi phần thực hành: Thực hành hoàn thiện bộ chứng từ, thực hành lên sổ sách và báo cáo.

Về nhân tố đề cương môn học và tài liệu học tập: Cần thay đổi đề cương và tài liệu học tập theo hướng lấy người học làm trung tâm. Điều này mang lại tính chủ động, sáng tạo cho người học trong việc tiếp thu kiến thức kỹ năng. Lấy người học làm trung tâm còn có ý nghĩa là dạy những gì người học cần chứ không phải là dạy những gì mà cơ sở đào tạo có khả năng thực hiện. Hướng sinh viên tự thực hiện rèn luyện các kỹ năng, tố chất cần thiết, như cẩn thận, thành thạo chuyên môn, ứng dụng tin học và làm việc theo nhóm,...

Xây dựng đề cương các chương trình giảng dạy thực hành nghiệp vụ Kế toán, phải gắn với nhu cầu về nghề nghiệp của xã hội. Để thực hiện được yêu cầu này, khi xây dựng chương trình đào tạo cần dựa trên việc phân tích nghề, phân tích công việc kế toán một cách đầy đủ, khoa học. Giảm thời gian, thời lượng các học phần giáo dục đại cương để tăng thêm thời gian học tập các học phần thực hành. Ngoài việc thực hành ở các học phần cụ thể, nên xây dựng những bộ số liệu bài tập tổng hợp, điều này giúp người học dễ dàng có được sự hình dung và cách tiếp cận hệ thống về nghề nghiệp. Những bài tổng hợp tạo sự mới lạ còn góp phần tạo sự hứng thú, tăng sự chủ động cho SV trong việc học tập.

Đổi mới tài liệu học tập, ngân hàng đề thi mang tính tổng hợp cao. Đề thi gồm 2 phần: Một là: Phần trình bày hiểu biết về các văn bản, thông tư, quyết định liên quan đến vấn đề kế toán cụ thể theo hiểu biết của SV; Hai là: Phần thực hành ứng dụng tổng hợp mỗi nội dung thực hành đều được lồng ghép, đưa vào đề thi đánh giá năng lực người học. Điều này đòi hỏi ở sinh viên tính chủ động tìm hiểu và tự thực hành, để có được kết quả đánh giá tốt ở môn học.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Khánh Đức (2013). Lý luận và PPDH hiện đại. NXB Giáo dục, Hà Nội.
  2. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. NXB Hồng Đức, Hà Nội.
  3. Trịnh Xuân Hưng, Trần Nam Trung (2018). Nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học tập các môn thực hành tại Hutech. Tạp chí Tài chính, số tháng 9, trang 107.
  4. Trịnh Xuân Hưng, Trần Nam Trung (2018). Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học tập các học phần thực hành của sinh viên chuyên ngành kế toán tại Khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp Khoa, trang 15.
  5. Trịnh Xuân Hưng, Trần Nam Trung (2018). Phương pháp giảng dạy các môn học thực hành ngành Kế toán để đạt được hiệu quả cao nhất tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH). Đề tài nghiên cứu Khoa học cấp Trường.
  6. Đinh Văn Tiến - Ulrich Lipp (2003). Cẩm nang phương pháp sư phạm. NXB TP. Hồ Chí Minh.

 

SOLUTIONS TO IMPROVE THE QUALITY OF PRACTICAL ACCOUNTING SUBJECTS PROVIDED BY THE FACULTY OF FINANCE AND COMMERCE, HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF TECHNOLOGY

Ph.D student TRAN NAM TRUNG

Faculty of Finance and Commerce, Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

By analyzing data collected from students who are studying at the Faculty of Finance and Commerce, Ho Chi Minh City University of Technology, this study finds out the causes and proposes solutions to improve the quality of teaching and learning of practical accounting subjects. The SPSS Statistics, qualitative research and quantitative research methods were used in this study. The study’s results show that there are 6 factors affecting the quality of practical accounting subjects, namely Facilities, Lecturers, Teaching methods, Subject outlines, Learning materials and Learning facilities.

Keywords: improve, quality, practice, accounting.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 23, tháng 10 năm 2021]