Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy môn học hệ thống thông tin kế toán tại Khoa Tài chính - Thương mại, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

NCS.ThS. TRẦN NAM TRUNG (Khoa Tài chính - Thương mại, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh - HUTECH)

TÓM TẮT:

Trong xu thế tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi mạnh mẽ, nên yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng là đòi hỏi cấp thiết. Nhận thức được vấn đề này, các trường đại học - cao đẳng luôn quan tâm và đưa ra những thay đổi để nâng cao chất lượng đào tạo. Một trong những thay đổi phải kể đến đó là thay đổi trong phương pháp giảng dạy, hướng đến sự chủ động và sáng tạo cho sinh viên.

Phương pháp giảng dạy tình huống (Case Study) là phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay. Phương pháp này đã đáp ứng được những chuẩn mực giảng dạy mới, trong đó tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và nhận thức của người học, sự rèn luyện và chủ động, sáng tạo trong suy nghĩ của người học. Bài viết trình bày quá trình vận dụng phương pháp giảng dạy tình huống vào môn học Hệ thống thông tin kế toán, qua đó đưa ra những ưu và nhược điểm trong quá trình vận dụng để nâng cao chất lượng dạy và học cho môn học này.

Từ khóa: chất lượng, phương pháp giảng dạy tình huống, hệ thống thông tin kế toán.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, có nhiều phương pháp giảng dạy mang lại hiệu quả cao trong quá trình truyền tải kiến thức đến cho người học. Một trong số  phương pháp mà các trường đại học, cao đẳng đang áp dụng là phương pháp giảng dạy tình huống. Phương pháp này đòi hỏi giảng viên không ngừng nghiên cứu, sáng tạo để có những tình huống hay, tổ chức lớp học khoa học và đem lại nguồn cảm hứng cho cả người dạy và người học. Để có thể vận dụng tốt phương pháp giảng dạy này đòi hỏi chúng ta cần biết những đặc điểm cơ bản của phương pháp giảng dạy và những yêu cầu khi áp dụng phương pháp này.

Bài viết này, tác giả trình bày quá trình vận dụng phương pháp giảng dạy tình huống cho môn học hệ thống thông tin kế toán. Bên cạnh đó còn giới thiệu một số tình huống đã được biên soạn và áp dụng vào giảng dạy trong thời gian qua để làm rõ những đặc điểm cơ bản của phương pháp giảng dạy tình huống và các bước cụ thể để thực hiện. 

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Khái niệm tình huống

Theo Boehrer, J. (1995) “Tình huống là một câu chuyện, có cốt truyện và nhân vật, liên hệ đến một hoàn cảnh cụ thể, từ góc độ cá nhân hay nhóm, và thường là hành động chưa hoàn chỉnh. Còn theo Hammond, J.S - Đại học Havard “Case Study hay còn gọi là Case method là phương pháp dạy học thông qua nghiên cứu trường hợp điển hình. Ở đây, người học được giới thiệu một tình huống cụ thể, có thật và được đặt vào vị trí của người ra quyết định để giải quyết vấn đề trong tình huống ấy”.

Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng sự đa dạng của các tình huống được đưa ra không chỉ khuyến khích người học phát huy tính chủ động, óc sáng tạo mà còn đem đến sự thoải mái, sảng khoái về mặt tinh thần khi tham dự lớp. Yếu tố này tạo cho người học có thể tiếp thu nội dung kiến thức bài giảng dễ dàng, sâu và nhớ lâu hơn các phương pháp giảng dạy truyền thống (Scholz và Olaf, 2002).

Tóm lại, phương pháp giảng dạy tình huống đòi hỏi những người tham gia tình huống vừa nắm vững lý thuyết, vừa cập nhật, thậm chí phải trải nghiệm thực tế mới thành công được.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính như phương pháp thống kê mô tả, so sánh tổng hợp để đánh giá quá trình thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu.

Dữ liệu nghiên cứu được sử dụng chủ yếu là dữ liệu thứ cấp, bao gồm: các môn học trong chương trình đào tạo, sĩ số lớp học lý thuyết, sĩ số lớp học thực hành.

 Ngoài ra, tác giả cũng thu thập thông tin về cách thức sắp xếp học phần hệ thống thông tin kế toán và triển khai thực hiện tại một số trường đại học, cao đẳng để tham khảo.

3. Triển khai việc dạy học bằng phương pháp tình huống

  • Đặc thù môn học hệ thống thông tin kế toán tại Khoa Tài chính - Thương mại

Hệ thống thông tin kế toán là học phần bắt buộc đối với sinh viên chuyên ngành kế toán. Học phần này cung cấp các khái niệm và các cách thức tổ chức, xử lý, đánh giá và kiểm soát hệ thống thông tin kế toán trong điều kiện tin học hóa, đồng thời giới thiệu về các chu trình kinh doanh của một doanh nghiệp. Từ đó là cơ sở để có thể tiếp cận được công tác kế toán trong thực tế của doanh nghiệp. Tùy theo cách sắp xếp môn học của các trường, tuy nhiên thông thường sẽ gồm có 3 học phần hoặc là 2 học phần kết hợp với 1 môn học là phần mềm kế toán Việt Nam. 

Bảng 1. Các học phần trong môn hệ thống thông tin kế toán

tại một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP. HCM

cac_hoc_phan_trong_mon_he_thong_thong_tin_ke_toan

                                                      Nguồn: Tác giả tổng hợp, 2021

Bảng 2. Cách sắp xếp học phần HTTTKT tại HUTECH

cach_sap_xep_hoc_phan

    Nguồn: Tác giả tổng hợp, 2021

Với phương châm rút ngắn khoảng cách lý thuyết và thực tế, môn học phần mềm kế toán Việt Nam sinh viên đang được học phần mềm MISA.SME.NET phiên bản mới nhất trong phòng máy khang trang hiện đại với sĩ số chỉ khoảng 20-30 sinh viên sẽ giúp sinh viên tiếp cận thực tế và có thể vận dụng được ngay khi ra trường. Đối với hệ thống thông tin kế toán 1 hay còn gọi là ứng dụng excel vào công tác kế toán, sinh viên sẽ được chia nhóm và thuyết trình các chủ đề được phân công, và để làm tốt thì sinh viên phải thực hành nhiều ở lớp cũng như ở nhà. Do vậy, cả 2 môn học trên đều thiên về phần ứng dụng, thực hành nên trong quá trình tổ chức không gặp nhiều khó khăn và sinh viên rất dễ tiếp thu bài thông qua quá trình thực hành. Đối với môn học hệ thống thông tin kế toán 2, sinh viên sẽ được tìm hiểu đa phần là lý thuyết về tổ chức và xử lý dữ liệu, kiểm soát hệ thống thông tin kế toán, chu trình nghiệp vụ và chu trình phát triển hệ thống thông tin kế toán. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy cho môn hệ thống 2 để sinh viên tiếp thu bài tốt hơn đó là vấn đề đặt ra cho các giảng viên đang giảng dạy học phần 2 tại khoa. 

Bảng 3. Hình thức học và sĩ số lớp học cho các học phần

hệ thống thông tin kế toán

hinh_thuc_hoc_va_si_so_lop_hoc_cho_cac_hoc_phan_he_thong_thong_tin_ke_toan

                                                                            Nguồn: Tác giả tổng hợp, 2021

 3.2. Vận dụng phương pháp giảng dạy tình huống

Giả định tình huống: Nhận xét tình huống trên và đề ra các thủ tục kiểm soát cần thiết.

An vừa được nhận vào làm việc tại rạp chiếu phim ABC, công việc chính của An là bán vé và thu tiền của khách hàng. Cụ thể, khách muốn xem phim đến quầy mua vé, trả tiền và nhận vé từ An. Khi vào rạp, người xem phải trình diện vé cho người soát vé, người này xé vé đưa cho người xem và giữ lại cùi vé.

An nghĩ rằng, sau mỗi ca làm việc, anh ta có thể lấy được một số tiền thu được từ việc bán vé mà không ai biết. Bởi vì số lượng người xem trung bình mỗi ca là hơn 200 người, do đó sẽ rất khó đếm chính xác số lượng người xem mỗi ca.

Gợi ý thảo luận tình huống:

            Đối với tình huống này đa phần sinh viên chỉ trả lời 1 vế là An không thể thực hiện được hành vi gian lận. Tuy nhiên sau khi sinh viên trả lời, giảng viên sẽ đặt tiếp câu hỏi gợi mở để sinh viên trả lời tiếp là khi nào An có thể thực hiện được hành vi gian lận của mình. Hay nói một cách khác nếu chúng ta là An thì chúng ta có thể thực hiện được các hành vi như thế nào để gian lận. Khi sinh viên biết rằng có những hành vi sau để gian lận thì khi đó việc đưa ra thủ tục kiểm soát sẽ phù hợp cho từng hành vi cụ thể. Và sau khi trao đổi, giảng viên đưa ra câu trả lời:

Không thực hiện được vì: Thu tiền (An); Xét duyệt (người soát vé); Ghi chép (cùi vé) và có thể thực hiện được khi có sự thông đồng giữa An và người soát vé.

Gợi ý thủ tục kiểm soát: Tổ chức bộ phận hướng dẫn chỗ ngồi cho khách vào xem có vé hợp lệ, lắp camera, khâu tuyển dụng nhân viên cần lưu ý và nội quy quy định của rạp chiếu phim xử lý như thế nào khi phát hiện gian lận.

4. Ưu, nhược điểm trong quá trình vận dụng và biện pháp khắc phục

4.1. Ưu điểm

Sinh viên sẽ chủ động tìm kiếm tài liệu tham khảo từ các nguồn để giải quyết các vấn đề đặt ra của tình huống, qua đó hình thành kỹ năng và phương pháp làm việc khoa học, phục vụ cho việc nghiên cứu và đi làm sau này.

Thông qua mỗi tình huống, sinh viên sẽ nhập vai một nhân vật nào đó, qua đó sẽ nắm bắt các quy trình thực hiện cũng như hòa mình vào môi trường làm việc thực tế, với cách thực hiện này sẽ giúp sinh viên tập tư duy xử lý tình huống cho phù hợp và sẽ nhớ rất lâu.

Một tình huống đưa ra và được trao đổi phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau sẽ tạo ra cơ hội học hỏi lẫn nhau cho sinh viên.

4.2. Nhược điểm

Không phải một ngày một buổi mà học được. Các giảng viên có nhiều kinh nghiệm sẽ dễ dàng vận dụng phương pháp giảng dạy tình huống so với những giảng viên tập sự.

Không phải có thể áp dụng cho tất cả các ngành học và chương trình đào tạo. Thực tế cho thấy, một số chương trình hàn lâm vận dụng phương pháp giảng dạy tình huống đem lại hiệu quả chưa cao.

Cần có sự đầu tư từ giảng viên và chuẩn bị chu đáo trước, trong và cả sau khi triển khai tình huống thì mới đạt kết quả tốt.

4.3. Biện pháp khắc phục

Để có thể khắc phục, giảng viên cần lưu ý thực hiện tốt các bước sau:

Bước 1: Giảng viên cần căn cứ vào đề cương môn học để phân bổ chi tiết nội dung cho phù hợp. Cụ thể, vào các buổi học sinh viên cần nắm được những kiến thức gì để qua đó sắp xếp tình huống cho phù hợp. Giảng viên cũng sẽ đưa ra 1 loạt tình huống công bố cho sinh viên vào buổi đầu và cho sinh viên chia nhóm, bốc thăm chủ đề nhóm sẽ thực hiện theo từng buổi. 

Bước 2: Các tình huống đưa ra cần có sự chọn lọc và bám sát vào nội dung bài giảng. Với các tình huống, giảng viên có thể tự xây dựng hoặc tham khảo từ các nguồn và chọn lọc tình huống phù hợp.

Bước 3: Chia nhóm để giải quyết tình huống cũng cần lưu ý tùy vào lớp học để phân nhóm, thường là khoảng 3-5 sv/nhóm. Không nên để một nhóm có quá nhiều sinh viên sẽ không hiệu quả.

Bước 4: Giảng viên sẽ gợi ý và cung cấp một số kiến thức, tài liệu để sinh viên có thể có hướng để giải quyết tình huống.

Bước 5: Khi đưa ra tình huống nhất thiết phải có các câu hỏi kèm theo để gợi ý cho sinh viên thảo luận. Qua các câu hỏi này có thể phản biện lại câu trả lời từ nhóm và nhóm sẽ có thời gian thảo luận để trả lời câu hỏi từ giảng viên và các bạn trong lớp.

Bước 6: Mỗi nhóm sẽ có khoảng thời gian từ 10-15 phút để báo cáo tình huống. Sau đó, giảng viên sẽ bổ sung thêm các câu hỏi cho nhóm trình bày.

Bước 7: Khuyến khích các ý kiến đóng góp từ các nhóm khác để buổi học được sinh động và tạo nguồn cảm hứng cho cả giảng viên và sinh viên. Sau đó, giảng viên tổng kết, nhận xét và đánh giá các nhóm, rút ra kết luận các giải pháp có liên quan đến nội dung lý thuyết môn học.

5. Kết luận

Hiện nay phương pháp giảng dạy tình huống đã được áp dụng ở rất nhiều ngành học của các trường đại học cao đẳng trên cả nước. Phương pháp này đem lại hiệu quả tốt cho các ngành học mang tính ứng dụng như kinh tế, kỹ thuật nhiều hơn so với các ngành học mang tính hàn lâm. Tuy nhiên điều cốt lõi chúng ta cần rút ra là tình huống rất quan trọng, những tình huống hay và thu hút sẽ tạo hiệu quả tích cực cho môn học. Vì vậy, các giảng viên cần có sự đầu tư để có thể biên soạn được những tình huống phù hợp tạo sự lôi cuốn và hấp dẫn cho môn học.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Võ Đăng Bình (2012), Giảng dạy bằng phương pháp nghiên cứu tình huống cho sinh viên các ngành kinh tế, Tạp chí Quản lý Giáo dục số 41 (10/2012).
  2. Nguyễn Hữu Mạnh (2021), Sử dụng phương pháp giảng dạy tình huống trong giảng dạy học phần tài chính tiền tệ với các lớp đông sinh viên. <http://www.ntu.edu.vn/Portals/96/Bai%20viet%20cua%20CBGD/Khoa%20Ke%20toan-Tai%20chinh/S%E1%BB%AD%20d%E1%BB%A5ng%20pp%20nghi%C3%AAn%20c%E1%BB%A9u%20TH_Manh.docx>
  3. Boehrer, J. (1995). How to teach a case, Kennedy School of Government Case Programme. Retrieved 28/1/2021 from: http://www.ksgcase.harvard.edu.

 

SOLUTIONS TO IMPROVE THE TEACHING QUALITY OF ACCOUNTING INFORMATION SYSTEM SUBJECT AT THE FACULTY OF FINANCE - COMMERCE, HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF TECHNOLOGY

Ph.D student, Master. TRAN NAM TRUNG

Faculty of Finance - Commerce

Ho Chi Minh City University of Technology  

ABSTRACT:

The rapid development of socio-economic fields has raised the urgent need of qualified human resources. To meet the requirements of employers, many higher educational institutions have improved their training quality in order to encourage the initiative and creativity of students.

 Case study teaching method is one of the most popular teaching methods in these days. This method meets new teaching requirements, improving skills, awareness and creativity of learners. This paper presents the process of implementing the case study teaching method in the subject named “Accounting Information System”. This paper presents the advantages and the disadvantages of this teaching method to improve the teaching quality in this subject.

Keywords: quality, case study, accounting information system.