TÓM TẮT:
Rèn luyện tư duy đóng vai trò quan trọng trong quá trình dạy học, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả học tập cho sinh viên. Phương pháp tình huống, bằng bối cảnh thực tiễn, phát triển năng lực tư duy cho sinh viên rất hiệu quả. Bài viết trình bày quy trình một hoạt động dạy học sử dụng phương pháp tình huống nhằm phát triển tư duy cho sinh viên. Tác giả cũng đưa ra một số cách thức giúp giáo viên lấy ý tưởng xây dựng tình huống trong dạy học địa lí.
Từ khóa: Phương pháp tình huống, phát triển tư duy, dạy học, địa lí kinh tế Việt Nam, sinh viên.
1. Đặt vấn đề
Phương pháp tình huống là một phương pháp dạy học tích cực, trong đó sinh viên đặt trong một tình huống thực tiễn hoặc lấy bối cảnh gắn với thực tiễn để giải quyết các vấn đề mà tình huống đặt ra. Đây là phương pháp dạy học có khả năng, làm tăng hứng thú học tập, phát huy năng lực tư duy của sinh viên và gắn kiến thức lí thuyết với thực tiễn.
Chương trình địa lí cho sinh viên, cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về địa lí tự nhiên, địa lí dân cư - xã hội, địa lí các ngành kinh tế và địa lí các vùng kinh tế của Việt Nam. Nội dung này rất gần gũi với thực tiễn cuộc sống và để hiểu được bản chất của các hiện tượng tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước, sinh viên phải hiểu được những thuộc tính, những mối liên hệ phức tạp, ẩn sau những hiện tượng đó. Điều này đòi hỏi sinh viên cần tích cực tư duy, luôn có ý thức so sánh, phân tích, khái quát hóa,… trong quá trình học địa lí.
Các thao tác trí tuệ của sinh viên đã đạt đến độ trưởng thành, đã có thể tư duy logic, mà không cần vật thật chứng minh. Do sự phát triển của tâm lí và vị thế trong xã hội nên sinh viên có thể độc lập, chủ động, sáng tạo trong nhận thức. Các em cũng ham hiểu biết và thích tìm tòi khám phá thế giới tự nhiên cũng như cuộc sống xung quanh. Do đó, giáo viên có thể vận dụng các tình huống của thực tế để phát triển tư duy khoa học cho các em, khơi gợi tính tích cực học tập, làm cho các em có động cơ học tập đúng đắn và đạt hiệu quả cao.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Phương pháp tình huống trong dạy học
Phương pháp tình huống là phương pháp dạy học dựa vào các sự kiện, sự việc đã hoặc đang diễn ra trong thực tế. Phương pháp này dựa trên cơ sở lý thuyết kiến tạo và hướng tới mục tiêu: giáo dục là sự chuẩn bị cho việc giải quyết các tình huống cuộc sống. Học tập thông qua giải quyết các tình huống giúp sinh viên tiếp nhận tri thức một cách chủ động, có chiến lược, có thể vận dụng linh hoạt những kiến thức và kĩ năng đã học, phát triển khả năng giải quyết vấn đề.
Dạy học theo tình huống ở cấp độ thấp, sinh viên dựa vào lý thuyết để phân tích tình huống, hiểu và phát hiện được vấn đề trong tình huống, giáo viên là người cung cấp tri thức, hướng dẫn làm việc nhóm mô phỏng quan hệ mang tính xã hội. Như vậy, vai trò của giáo viên vẫn là chủ đạo. Ở cấp độ cao, vai trò của người giáo viên chỉ là hướng dẫn, còn sinh viên tiếp thu, vận dụng kiến thức, kĩ năng thông qua làm việc nhóm hoặc tự đặt mình vào tình huống để giải quyết vấn đề. Như vậy, phương pháp này giúp sinh viên làm quen với các vấn đề trong thực tiễn, phát triển khả năng tư duy, rèn luyện kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề.
Vấn đề cơ bản của phương pháp tình huống là phải tìm được tình huống tốt. Tình huống xuất phát từ thực tế và được chỉnh sửa để mang tính điển hình, phục vụ tốt cho mục tiêu dạy học, có thể giúp sinh viên hiểu và vận dụng tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo. Thông qua làm việc với các tình huống, sinh viên phát triển các thao tác tư duy phân tích, tổng hợp, đánh giá, so sánh và trình bày được ý tưởng của mình, từ đó, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Hình thức của tình huống khá đa dạng, có thể là một đoạn clip, một đoạn kịch ngắn tranh ảnh, một đoạn ghi âm, nhưng thông dụng nhất là một đoạn văn.
2.2. Đặc điểm tư duy của sinh viên Trường Đại học Công đoàn
Hoạt động tư duy của sinh viên lứa tuổi đại học phát triển mạnh. Các thao tác tư duy: Phân tích - tổng hợp, so sánh, trừu tượng hóa - khái quát hóa được thực hiện khá tốt giúp cho các em có thể lĩnh hội mọi khái niệm phức tạp và trừu tượng. Các em có thể tư duy trực quan và tư duy trừu tượng một cách độc lập, sáng tạo. Sinh viên đạt đến trình độ nhận thức cao, nắm được các thuộc tính bản chất, các mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của sự vật, hiện tượng. Các em cũng có khả năng phán đoán và giải quyết vấn đề nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn còn học tập thụ động, chưa phát huy hết năng lực độc lập suy nghĩ của bản thân, còn kết luận vội vàng theo cảm tính.
Đối với môn Địa lí kinh tế Việt Nam, một số em vẫn quan niệm đây là môn học thuộc, chỉ cần nhớ được các ý chính, các số liệu và địa danh; do đó, kết quả học tập chưa cao. Vì vậy, giáo viên cần hướng dẫn, các em tư duy một cách tích cực, độc lập để phân tích và tự rút ra kết luận cuối cùng.
2.3. Vận dụng phương pháp tình huống để phát triển tư duy cho sinh viên qua môn địa lí cho sinh viên Trường Đại học Công đoàn
2.3.1. Thiết kế tình huống trong dạy học địa lí nhằm phát triển tư duy cho sinh viên
Trong phương pháp tình huống, điều đầu tiên và quan trọng nhất là tìm được tình huống tốt. Có nhiều yêu cầu đối với một tình huống tốt, nhưng để đảm bảo phát triển tư duy cho sinh viên thì một tình huống phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Tình huống phải làm cho người học có nhu cầu tư duy: Phân tích, đánh giá, liên tưởng và nêu lên ý tưởng của mình, từ đó, sinh viên chiếm lĩnh tri thức hoặc vận dụng kiến thức vào thực tế. Vì tư duy chỉ phát triển khi gặp tình huống có vấn đề. Tuy nhiên, đối với sinh viên, tư duy trừu tượng phát triển khá tốt nên có thể tạo ra tình huống kiểu đóng vai để các em phát huy năng lực giải quyết vấn đề.
Tình huống mang tính thời sự, sát với thực tế để tạo hứng thú và mang tính giáo dục cho sinh viên. Nội dung kiến thức trong mỗi tình huống nên vừa đủ để kích thích sinh viên suy nghĩ, tìm hiểu.
Tình huống nên có nhiều giải pháp để sinh viên phân tích, đánh giá và tìm ra giải pháp tối ưu.
Cách viết tình huống rõ ràng, dễ hiểu để sinh viên không tư duy sai hướng. Câu chuyện trong tình huống tương đối hoàn chỉnh để không phải tìm hiểu thêm quá nhiều thông tin.
Các nguồn thông tin để lấy ý tưởng cho tình huống rất đa dạng:
* Lấy ý tưởng từ các phương tiện thông tin đại chúng:
Đây là nguồn thông tin phong phú và đa dạng mà giáo viên có thể tận dụng khai thác. Tuy vậy, giáo viên cần chọn lựa thông tin mang tính giáo dục và đảm bảo mục tiêu bài học.
Ví dụ: Để sinh viên trình bày được nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường là do con người khai thác quá mức và gia tăng chất thải vào môi trường, giáo viên có thể chọn tình huống sau:
Em đang tham gia hội thảo quốc gia về vấn đề suy giảm, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Các nhà khoa học đã phân tích nguyên nhân của hiện trạng này. Tiến sĩ Trần Văn Chiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho rằng: Việt Nam là nước đất chật, người đông với tổng số dân và mật độ ở mức cao báo động so với tài nguyên đang có. Việc sử dụng môi trường chưa hợp lý như hiện nay, tài nguyên đất, nước, không khí... của Việt Nam đang có nguy cơ bị tàn phá, cạn kiệt. "Dân số gắn với môi trường, trong đó có kinh tế, xã hội và thiên nhiên. Sinh càng nhiều, càng nhanh thì tài nguyên càng bị thu hẹp và con người càng phải đối mặt với nhiều thách thức. Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó". Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam lại phân tích mức tăng dân số bao nhiêu và mật độ cao thế nào không ảnh hưởng tới môi trường bằng chính cách con người đối xử với môi trường sống của mình. Năm 1945, Việt Nam có 20 triệu dân. Hiện tại, con số này đã gấp hơn 4 lần. Cùng với đó, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, tuổi thọ người Việt cũng tăng lên gấp 2-3 lần. Như vậy, nếu tổ chức tốt, biết sử dụng hợp lý những gì mình có thì một khu vực nhỏ nhiều người sống vẫn có thể có môi trường trong lành, phát triển tốt. [Theo VnExpress.net, 31/10/2011].
Đến lượt mình phát biểu, em sẽ nói gì?
Ví dụ:
Mục tiêu: Phân tích được các tài nguyên du lịch ở nước ta gồm có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn.
Giáo viên chiếu một đoạn clip về các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, cả tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Em là người biên tập và đọc lời bình cho đoạn clip trên. Hãy viết lời bình của em.
* Lấy ý tưởng từ cuộc sống của bản thân sinh viên:
Tình huống liên quan đến cuộc sống của sinh viên thường có hiệu quả cao vì gần gũi với sinh viên. Giáo viên có thể sử dụng những khó khăn, sai sót của sinh viên làm ý tưởng cho tình huống. Hoặc giáo viên yêu cầu sinh viên chuẩn bị những tình huống theo cá nhân hay theo nhóm và coi đó như một bài tập - dự án nhỏ và lựa chọn chỉnh sửa trước khi thảo luận nhóm.
Ví dụ:
Mục tiêu sinh viên chứng minh được đặc điểm nông nghiệp Việt Nam: Nền nông nghiệp nhiệt đới, sản xuất ngày càng hiệu quả, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Địa phương em có loại gạo đặc sản, chất lượng tốt, được mọi người ưa chuộng nhưng hiện chỉ được tiêu thụ ngay tại gia đình vì sản lượng thấp. Em là lãnh đạo địa phương, muốn đưa loại gạo này tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Em đề xuất:
- Tăng cường sử dụng máy móc, vật tư nông nghiệp vào sản xuất
- Nghiên cứu mở rộng diện tích và liên kết với các cơ sở chế biến
- Thành lập nhóm tiếp thị thị trường
Các thành viên khác phản đối kế hoạch này của em. Em sẽ thuyết phục mọi người bằng cách nào?
* Lấy ý tưởng từ kinh nghiệm của giáo viên:
Với vốn sống phong phú, những trải nghiệm trên trên khắp các vùng miền, giáo viên chuyển kinh nghiệm của mình thành tình huống dạy học, cho sinh viên đóng vai bản thân giáo viên và giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, các kinh nghiệm này đều phải được kiểm tra vì không phải ai cũng có một nguồn tri thức đủ rộng để có thể thiết kế một tình huống cụ thể và hiệu quả.
Ví dụ:
Mục tiêu: Phân tích việc sử dụng các thế mạnh để phát triển các ngành kinh tế của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; một số vấn đề đặt ra và biện pháp khắc phục.
Em vừa có chuyến công tác dài ngày, đi khắp vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Khi về em háo hức mô tả: địa hình chủ yếu là đồi núi, đồi thấp dạng bát úp ở vùng trung du, núi cao giáp biên giới, cao nguyên khá bằng phẳng. Khí hậu đặc trưng là có mùa đông lạnh. Vùng có nhiều sông lớn, độ dốc cao, nhiều hồ có cảnh đẹp. Vùng có nhiều loại khoáng sản: than, đồng, chì, kẽm, apatit,… Vùng biển của Trung du miền núi Bắc Bộ không lớn nhưng có kì quan vịnh Hạ Long, cảng nước sâu, bãi cá tôm,… Các đồng nghiệp hỏi em, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nên phát triển những ngành kinh tế nào để khai thác hiệu quả các tiềm năng đó? Em trả lời các bạn như thế nào?
* Lấy ý tưởng từ những điều bất thường:
Những sự kiện xảy ra bất thường, trái với quy luật thông thường như trên lí thuyết luôn kích thích trí tò mò, ham hiểu biết của sinh viên, thúc đẩy các em tìm hiểu và giải thích. Có nhiều vấn đề mâu thuẫn giữa lí thuyết và thực tiễn có liên quan đến nội dung địa lí, giáo viên có thể khéo léo chuyển thành tình huống trong dạy học.
Ví dụ:
Mục tiêu: Phân tích được các thành phần tự nhiên để chứng minh sự phân hóa đa dạng của thiên nhiên Việt Nam.
Em có một người bạn ở Đức và thường xuyên viết thư, chat facebook với bạn ấy. Em thường kể về đất nước Việt Nam với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, cây cối xanh tốt quanh năm. Một hôm, bạn gửi cho em hình ảnh tuyết rơi ở Sa Pa, người dân Hà Nội mặc quần áo ấm đi chơi tết, người dân TP. Hồ Chí Minh đón tết trong nắng ấm. Bạn thắc mắc tại sao Việt Nam là nước nhiệt đới mà lại có tuyết rơi, có gió lạnh, tại sao thời tiết Hà Nội lại khác TP. Hồ Chí Minh. Em viết thư giải thích cho bạn như thế nào?
Ngoài ra, những chủ trương, chính sách mới của đất nước, những vấn đề có tính thời sự,… đều có thể trở thành tình huống trong dạy học địa lí.
2.3.2. Quy trình dạy học theo phương pháp tình huống
Dạy học theo tình huống dựa trên cơ sở lí thuyết kiến tạo: Môi trường học tập được cấu trúc hóa và nội dung dạy học xuất phát từ một vấn đề phức hợp. Sinh viên được đặt vào các tình huống thực tế, suy nghĩ tích cực, thảo luận để tự mình khám phá tri thức mới. Trong quá trình đó, sinh viên được rèn luyện năng lực tư duy, học tập chủ động.
- Bước 1: Xác định mục tiêu:
Các tình huống được sử dụng linh hoạt trong các hoạt động dạy học nên giáo viên cần xác định mục tiêu cụ thể cho từng hoạt động sử dụng phương pháp này. Các mục tiêu phải rõ ràng, được lượng hóa cả về kiến thức, kĩ năng, thái độ và các năng lực nhằm xây dựng tình huống xác thực nhất.
Ví dụ: Khi dạy vấn đề việc làm ở nước ta, mục tiêu kiến thức được xác định là:
- Trình bày được khái niệm “thất nghiệp”, “thiếu việc làm”
- Phân biệt được tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở nông thôn, thành thị.
- Giải thích được vì sao việc làm là vấn đề gay gắt ở nước ta.
- Bước 2: Lựa chọn tình huống:
Việc lấy ý tưởng cho tình huống không đơn giản, nhất là khi tình huống đó phải đảm bảo tính sư phạm, phù hợp với đặc điểm nhận thức của sinh viên. Nguồn ý tưởng phong phú nhất chính là từ các phương tiện thông tin đại chúng: ti vi, báo, sách, truyện và internet. Tình huống được xây dựng từ các thông tin mới cập nhật thường rất hứng thú với sinh viên và các em tham gia thảo luận rất sôi nổi.
- Bước 3: Thực hiện dạy học:
Đây là bước thực hiện trên lớp, với sự tham gia của cả giáo viên và sinh viên. Giáo viên có vai trò hướng dẫn, tạo điều kiện, tạo môi trường học tập, thúc đẩy sinh viên tham gia. Sinh viên là người chủ động lĩnh hội tri thức và thực hành rèn luyện kĩ năng. Để giúp sinh viên phát triển khả năng tư duy tốt nhất, gáo viên nên để sinh viên “sống” trong tình huống, tự tìm cách giải quyết vấn đề hoặc xác định, phân tích tình huống theo quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, với những sinh viên chưa quen với cách tư duy độc lập, giáo viên cần hướng dẫn cụ thể hơn, kết hợp cung cấp tri thức với liên hệ, vận dụng tri thức theo từng giai đoạn của hoạt động học tập. Vì vậy, các bước dưới đây cần được vận dụng linh hoạt, vai trò của người giáo viên thay đổi tùy thuộc vào điều kiện học tập và trình độ nhận thức của sinh viên.
* Xác định vấn đề cần giải quyết: Tùy thuộc vào mục tiêu bài học, trình độ sinh viên và nội dung kiến thức mà giáo viên chọn cách đưa ra câu hỏi cho sinh viên.
Ở những tình huống ngắn gọn, lượng kiến thức không nhiều, thời gian ngắn giáo viên có thể yêu cầu sinh viên suy nghĩ và trả lời ngay.
Ở những tình huống phức tạp, giáo viên có thể thảo luận với sinh viên để tìm ra vấn đề hoặc để sinh viên tự tìm ra vấn đề và cách giải quyết.
* Giải quyết vấn đề: Trong phương pháp tình huống, cách giải quyết vấn đề chủ yếu thông qua làm việc nhóm. Tuy nhiên, giáo viên có thể áp dụng đa dạng, linh hoạt. Sinh viên có thể làm việc cá nhân, làm việc kết hợp cá nhân và nhóm, làm việc theo nhóm nhỏ. Giáo viên cũng có thể sáng tạo kết hợp với nhiều phương pháp khác: đóng vai, tranh luận, dự án nhỏ,…
Ví dụ: Để sinh viên phân tích được cơ cấu xuất nhập khẩu của ngoại thương, giáo viên đưa ra tình huống:
Em là thành viên nhóm nghiên cứu về hoạt động xuất-nhập khẩu của Việt Nam. Thực tế thời gian qua, cán cân xuất nhập khẩu của nước ta mất cân đối, tỉ lệ nhập siêu luôn cao. Có ý kiến cho rằng điều này chứng tỏ kinh tế Việt Nam kém phát triển, trong tương lai khó phát triển, luôn trong tình trạng thiếu vốn vì nhập siêu thời gian dài. Cũng có ý kiến cho rằng điều này chứng tỏ kinh tế nước ta đang phát triển vì chủ yếu nhập nguyên liệu, máy móc để sản xuất. Em hãy nêu ý kiến của mình và thuyết phục thành viên khác ý kiến của mình là đúng? Giáo viên chia lớp thành nhóm nhỏ, có cùng quan điểm. Sau khi sinh viên thảo luận, giáo viên cho các nhóm tranh luận.
* Trình bày vấn đề
Sinh viên trình bày và bảo vệ quan điểm của mình. Giáo viên yêu cầu sinh viên trình bày theo các luận điểm, có lập luận rõ ràng, có thể đưa ra các dẫn chứng để chứng minh quan điểm của mình. Các sinh viên khác nêu câu hỏi để cùng thảo luận. Giai đoạn này yêu cầu sinh viên phải thực sự hiểu vấn đề và trình bày lại được để thuyết phục giáo viên và sinh viên khác. Trình bày vấn đề cũng góp phần các năng lực ngôn ngữ, giao tiếp, vì thế giáo viên nên luân phiên để nhiều em có cơ hội nói trước lớp.
Giáo viên có thể áp dụng một trong các cách trình bày vấn đề của phương pháp nhóm: Phương pháp thị trường, hội chợ, triển lãm để làm cho giờ sinh viên động và phát triển được nhiều loại kĩ năng cho sinh viên: giao tiếp, tổ chức, điều hành,…
* Tổng kết, đánh giá
Sau khi sinh viên trình bày, giáo viên tổng kết tình huống, rút ra kết luận hoặc nhắc lại kết luận đã được sinh viên tìm ra. Giáo viên phân tích nguyên nhân dẫn đến những cách hiểu sai/đúng của sinh viên, giúp sinh viên tìm ra được cách tư duy đúng đắn trong những tình huống tiếp theo. Trên cơ sở vấn đề đã được giải quyết, giáo viên gợi mở các vấn đề tiếp theo để sinh viên cùng suy nghĩ.
2.3.3. Một số lưu ý khi thực hiện phương pháp tình huống
- Phương pháp tình huống thường được sử dụng kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực khác: thảo luận, làm việc nhóm, đóng vai, dự án,…
- Khi xây dựng tình huống, trước hết phải căn cứ vào mục tiêu của bài học, tránh việc đưa ra những tình huống không ý nghĩa. Vì đây là hoạt động dạy học nên vẫn phải đảm bảo mục tiêu đề ra.
- Tình huống trong phương pháp tình huống không nhất thiết phải chứa đựng mâu thuẫn, vấn đề; nhưng để kích thích tư duy cho sinh viên, tình huống phải hấp dẫn, khơi gợi hứng thú học tập.
- Để phát triển tư duy cho sinh viên, giáo viên nên kết hợp rèn luyện kĩ năng phân tích, so sánh, đánh giá, khai thác thông tin tình huống từ phương tiện trực quan của địa lí: bản đồ, biểu đồ, bảng số liệu,…
3. Kết luận
Dạy học thông qua tình huống thực tế giúp sinh viên tiếp thu được tri thức mới, cách tìm ra tri thức, phát triển khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự đầu tư của giáo viên trong việc lựa chọn tình huống sát thực và tổ chức các hoạt động học tập linh hoạt, sáng tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Benrd Meier, Nguyễn Văn Cường, Lí luận dạy học hiện đại, NXB Đại học Sư phạm, 2014.
2. Đặng Văn Đức, Lí luận dạy học địa lí, phần đại cương, NXB Đại học Sư phạm, 2012.
3. Lê Đức Hải, Phát triển tư duy sinh viên trong giảng dạy địa lí kinh tế, NXB Giáo dục, 1983.
4. Nguyễn Thị Phương Hoa, Sử dụng phương pháp tình huống trong giảng dạy môn giáo dục học tại trường ĐHNN-ĐHQG Hà Nội, Đề tài cấp Đại học quốc gia, 2010.
5. Nguyễn Xuân Thức, Giáo trình tâm lí học đại cương, NXB Đại học Sư phạm, 2013.
APPLYING CASE STUDY METHOD IN TEACHING VIETNAM ECONOMIC-GEOGRAPHY TO DEVELOP CRITICAL THINKING FOR STUDENTS AT TRADE UNION UNIVERSICTY
MA. NGUYEN DUC TUAN
Lecturer of Economic - Geography
Department of Basic science – Trade Union University
ABSTRACT:
Training critical thinking plays an important role in the teaching process, improves the learning capacity and effectiveness of the students. This article shows the process of the teaching activity using case study method to develop students' critical thinking. The author also suggests some approaches to help teachers get ideas for building case study in economic-geography subject.
Keywords: Case study methodology, critical thinking development, Teaching, Economic-geography of Vietnam.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây