Ngoại thương phục vụ mở rộng quy mô sản xuất

Hoạt động nhập khẩu đã cung cấp thiết bị để khôi phục và mở rộng xây dựng mới hàng trăm nhà máy xí nghiệp. Trong vòng 10 năm (1965- 1975), nhờ các mặt hàng nhập khẩu thiết bị lẻ và thiết bị toàn bộ, Nhà nước đã tiến hành bổ sung, trang bị thêm cơ sở vật chất cho các nhà máy, xí nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất.
ngoại thương
Những chiếc lốp xe đạp vừa được tháo ra từ khuôn hấp của dây chuyền sản xuất mới của Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội tháng 10/1974. (Ảnh: TTXVN)

Hoạt động ngoại thương có ý nghĩa quan trọng trong tái thiết miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, năm 1958, Bộ Thương nghiệp tách ra thành Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương. Bộ Ngoại thương là cơ quan cao nhất, và có trách nhiệm quản lý toàn bộ công tác ngoại thương theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch của ngoại thương, đẩy mạnh xuất khẩu, tranh thủ nhập khẩu…

Theo Nghị định số 203-CP ngày 23/11/1961 của Hội đồng Chính phủ, Bộ Ngoại thương có 11 nhiệm vụ:

1. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, thể lệ về ngoại thương; tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chính sách, thể lệ ấy.

2. Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn kế hoạch ngoại thương; tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch ấy.

3. Nghiên cứu tình hình thị trường ngoài nước, các chính sách kinh tế, chính sách mậu dịch, các tổ chức và biện pháp ngoại thương của nước ngoài để phát triển công tác ngoại thương.

4. Thi hành các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với nước ngoài về mặt ngoại thương. Trong phạm vi ủy quyền của Chính phủ, ký kết các hiệp định về ngoại thương với các cơ quan ngoại thương nước ngoài.

5. Căn cứ vào chính sách giá cả của Nhà nước, chỉ đạo giá xuất khẩu, nhập khẩu, tham gia ý kiến vào việc quy định giá bàn buôn hàng nhập khẩu và giá thu mua hàng xuất khẩu.

6. Trong phạm vi kế hoạch ngoại tệ được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn, quản lý việc sử dụng ngoại tệ vào việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bảo đảm thực hiện kế hoạch thu chi ngoại tệ về ngoại thương.

7. Chỉ đạo việc tổ chức những cuộc triển lãm các mặt hàng hóa của ta ở các Hội chợ nước ngoài và việc tổ chức những cuộc triển lãm các mặt hàng hóa ở trong nước có tính chất ngoại thương.

8. Tham gia ý kiến với các Bộ, các ngành ở Trung ương và các Ủy ban hành chính địa phương về các vấn đề có quan hệ đến ngoại thương, nhằm mở rộng khai thác nguồn hàng, bảo đảm vật tư xuất khẩu, áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, sử dụng hợp lý ngoại tệ trong việc nhập hàng.

9. Thống nhất quản lý xuất khẩu, nhập khẩu trong toàn quốc kể cả mậu dịch xuất khẩu, nhập khẩu địa phương, mậu dịch tiểu ngạch biên giới. Cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh hàng hóa; đề ra những biện pháp để thực hiện việc thống nhất quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

10. Quản lý các tổ chức kinh doanh trực thuộc Bộ, các Thương vụ và Đại diện thương mại ở nước ngoài.

11. Quản lý tài sản, tài vụ, vật tư trong ngành, quản lý vốn của Nhà nước giao cho Bộ.

Trong quan hệ ngoại thương, xuất khẩu và nhập khẩu đều quan trọng, nhưng giai đoạn này xuất khẩu còn nhỏ bé, trong khi nhập khẩu theo hình thức viện trợ và cho vay chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu, có tác động trực tiếp, to lớn tới quốc phòng, các ngành kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và đời sống nhân dân.

Vì vậy, có thể coi việc đàm phán các hợp đồng thương mại sao cho phát huy cao nhất hiệu quả của các hiệp định thương mại và viện trợ với các nước ngoài; đôn đốc lịch giao hàng của đối tác và kế hoạch vận chuyển hàng về nước sao cho đủ số lượng, đúng chủng loại, đảm bảo thời gian theo yêu cầu của kế hoạch trong nước, nhất là đối với các loại vật tư chiến lược, như xăng dầu, phân bón, hóa chất…; lập kế hoạch phân phối và định giá các mặt hàng... là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong hoạt động ngoại thương.

Phương hướng, nhiệm vụ hoạt động ngoại thương cũng như quy mô, nhịp độ, cơ cấu xuất nhập khẩu những năm có chiến tranh 1965 - 1975 về cơ bản khác giai đoạn trước.

Ở thời kỳ khôi phục kinh tế 1955-1957, ngoại thương hướng tới tái thiết đất nước, khôi phục mở rộng công suất các nhà máy cũ và cải thiện đời sống nhân dân đang rất khó khăn sau hòa bình trên miền Bắc. Do đó, hàng nhập khẩu phục vụ tiêu dùng chiếm tỷ trọng khá lớn, cao hơn hàng tư liệu sản xuất.

Khi cuộc chiến phá hoại bằng đường không trên miền Bắc, ngoại thương chuyển hướng mạnh mẽ, nhiệm vụ chủ yếu là tranh thủ tới mức cao nhất sự viện trợ quốc tế phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, kịp thời đưa hàng nhập khẩu về nước nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế, tiềm lực quốc phòng của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa để tích cực chi viện tiền tuyến; bảo đảm các nhu cầu cơ bản trong đời sống nhân dân. Giai đoạn 1965 - 1975, hàng nhập khẩu là tư liệu sản xuất lớn hơn nhiều lần hàng nhập khẩu phục vụ tiêu dùng.

Năm 1955, hàng nhập khẩu phục vụ tiêu dùng chiếm hơn một nửa tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu, những năm 1965 - 1975 có sự đảo chiều, hàng tư liệu sản xuất nhập khẩu thường cao hơn gấp 2 lần hàng tiêu dùng.

Công tác nhập khẩu đã cung cấp thiết bị để khôi phục và mở rộng xây dựng mới hàng trăm nhà máy xí nghiệp. Trong vòng 10 năm (1965-         1975), nhờ các mặt hàng nhập khẩu thiết bị lẻ và thiết bị toàn bộ, Nhà nước đã tiến hành bổ sung, trang bị thêm cơ sở vật chất cho các nhà máy, xí nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất.

Các nhà máy: Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Sứ Hải Dương, Khu Gang thép Thái Nguyên, Mỏ Apatit Lào Cai, Gỗ Cầu Đuống, In Tiến bộ, Thủy tinh Hải Phòng... đều là những cơ sở quan trọng của các ngành Công nghiệp được nhập khẩu các thiết bị toàn bộ.

Đào Mạnh Đức