Nhân tố tác động đến việc thực hiện kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp sản xuất khu vực Thành phố Hồ Chí Minh

TĂNG TRÍ HÙNG (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang) - NGUYỄN HUỲNH NHÂN (Khoa Kinh doanh và Luật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn)

TÓM TẮT:

Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ (KTNB) có hiệu lực từ tháng 04/2019 là cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp. Do vậy, nghiên cứu tìm hiểu những nhân tố tác động đến việc triển khai thực hiện KTNB tại 146 doanh nghiệp sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh). Kết quả cho thấy nhân tố kiến thức có tác động mạnh nhất, kế đến là nhận thức về lợi ích - chi phí và yếu nhất là nguồn lực tổ chức. Kết quả này giúp Nghị định số 05/2019/NĐ-CP được thực hiện sâu rộng hơn và đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.  

Từ khóa: kiểm toán nội bộ, thực hiện kiểm toán nội bộ, doanh nghiệp sản xuất.

1. Đặt vấn đề

Việc phòng ngừa và phát hiện gian lận cực kỳ thiết yếu trong hoạt động quản trị rủi ro của các doanh nghiệp. KTNB giữ vai trò không thể thiếu đối với hoạt động này. Nó không chỉ đảm bảo sự hiệu quả của hoạt động quản trị rủi ro mà còn giúp cắt giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận và giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu trung - dài hạn và nâng cao giá trị gia tăng trong tương lai (Petraþcu & Tieanu, 2014) .

Nghị định số 05/2019/NĐ-CP của Chính phủ về KTNB được ban hành và có hiệu lực từ tháng 04/2019 chính là cơ hội để các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng trong triển khai thực hiện KTNB tại tổ chức của mình. Vì thế, nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu những nhân tố tác động đến việc thực hiện KTNB của các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh, từ đó đánh giá mức độ tác động cũng như đề xuất các kiến nghị phù hợp, nhằm giúp các doanh nghiệp có có thể sớm triển khai thực hiện hoạt động KTNB trong tổ chức của mình.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Tổng quan về kiểm toán nội bộ

Theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA 610; 2007), KTNB là hoạt động thẩm định được thiết lập như một dịch vụ trong một tổ chức.

Theo Viện kiểm toán viên nội bộ quốc tế (Institute of Internal Auditors - IIA; 2010), KTNB được xem là một hoạt động tư vấn mang tính khách quan, độc lập nhằm gia tăng giá trị và cải thiện hoạt động của tổ chức.

Trong nghiên cứu của Nzechukwu (2016), chức năng chính của KTNB là giám sát hoạt động kiểm soát nội bộ. KTNB sẽ giúp tổ chức hoàn thành các mục tiêu của mình bằng cách đưa ra các kiến nghị một cách có hệ thống, có kỷ luật, nhằm đánh giá và cải thiện hiệu quả của quá trình quản lý, kiểm soát và quản trị rủi ro.

Có thể nhận thấy, KTNB về bản chất chính là thực hiện các chức năng liên quan đến việc đánh giá hoạt động quản trị rủi ro của tổ chức. Và nó hoạt động như một dịch vụ khách quan, độc lập bên trong tổ chức.

Theo Nghị định số 05/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mục tiêu và các nguyên tắc cơ bản của KTNB bao gồm:

- Mục tiêu: (1) đảm bảo khả năng phòng ngừa, phát hiện và xử lý các rủi ro của tổ chức; (2) đảm bảo tính hiệu quả và có hiệu suất cao đối với các quy trình quản trị và quy trình quản lý rủi ro; và (3) đảm bảo đạt được các mục tiêu hoạt động, chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ công tác của tổ chức.

- Nguyên tắc: (1) người làm công tác KTNB phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình; (2) Tổ chức phải đảm bảo KTNB không chịu bất cứ sự can thiệp nào trong khi thực hiện báo cáo và đánh giá; và (3) Tổ chức phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động KTNB.

2.2. Nhân tố ảnh hưởng đến thực hiện kiểm toán nội bộ

Nhận thức về chi phí và lợi ích: Lý thuyết Nhận thức Xã hội (Social Cognitive Theory) của Holt và Brown (1931) cho rằng hành vi của một cá nhân bị ảnh hưởng đáng kể bởi quá trình so sánh giữa lợi ích nhận được và chi phí bỏ ra. Về mặt lợi ích, theo Petraþcu & Tieanu (2014): việc thực hiện KTNB mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như đảm bảo sự hiệu quả của hoạt động quản trị rủi ro, cắt giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận và nâng cao giá trị gia tăng của doanh nghiệp. Về mặt chi phí, trong Lý thuyết chi phí thích ứng (Adaptive Cost Theory) của Cohen và Lambie (1978) giải thích: cá nhân có xu hướng lo lắng về nguồn lực hạn chế khi phải ra quyết định trong các tình huống lựa chọn của mình. Theo Sedighi và các cộng sự (2016), sự tiêu hao nguồn lực làm phát sinh chi phí của doanh nghiệp; do vậy, doanh nghiệp sẽ chỉ sẵn lòng triển khai thực hiện KTNB khi và chỉ khi họ nhận thức được lợi ích lớn hơn chi phí phải bỏ ra (Sedighi và cộng sự, 2016). Từ đó, các tác giả đề xuất giả thuyết:

Giả thuyết H1: Nhận thức về chi phí và lợi ích có liên quan đến việc thực hiện KTNB của các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh.

Kiến thức về kiểm toán nội bộ: Để có thể triển khai KTNB trong tổ chức, các nhân viên thực hiện vai trò như kiểm toán viên nội bộ phải có kiến thức sâu rộng về KTNB. Đặc biệt là các kiến thức về các quy trình và hoạt động kinh doanh, kiến thức về các vấn đề rủi ro và kiểm soát, kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến kế toán và kiểm toán (Zaman & Sarens, 2013). Thật vậy, điều quan trọng là kiểm toán viên nội bộ phải có kinh nghiệm và được trang bị đầy đủ kiến thức cụ thể và hiểu biết sâu sắc về các quy trình kinh doanh, quản lý rủi ro và hoạt động kiểm soát để họ có thể thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả (Abidin, 2017). Do đó, các tác giả cho rằng:

Giả thuyết H2: Kiến thức về KTNB của nhân viên có liên quan đến việc thực hiện KTNB của các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn lực của tổ chức: Để KTNB thực hiện được chức năng và nhiệm vụ của mình, các nguồn lực cho hoạt động này cần phải được đảm bảo (Abidin, 2017). Nzechukwu (2016) cho thấy để đảm bảo cho việc lập kế hoạch, thực hiện, đánh giá và kiểm toán của KTNB cần có 4 nguồn lực bao gồm: văn bản giải thích rõ các nguyên tắc của kiểm toán hệ thống quản lý, hướng dẫn quản lý các chương trình kiểm toán, hướng dẫn về thực hiện KTNB và năng lực của kiểm toán viên. Khi các nguồn lực được cung cấp cho hoạt động KTNB một các dồi dào, nó ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của KTNB. Theo quan điểm tương tự, Zaman & Sarens (2013) cho thấy bộ phận KTNB có quy mô lớn với nhiều nhân viên KTNB sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ kiểm toán hơn. Vì thế, giả thuyết được đặt ra:

Giả thuyết H3: Nguồn lực của tổ chức có liên quan đến việc thực hiện KTNB của các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh.

Từ kết quả của tổng hợp lý thuyết và các nghiên cứu liên quan trước đó, khung lý thuyết nghiên cứu được xây dựng như mô tả ở Hình 1.

Hình 1: Khung lý thuyết nghiên cứu

Khung lý thuyết nghiên cứu

Nguồn: Các tác giả đề xuất

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Thu thập dữ liệu

Bảng câu hỏi khảo sát được phát triển dựa trên tổng hợp các nghiên cứu trước đó, Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ban hành ngày 22/01/2019 của Chính phủ cùng với các chuẩn mực KTNB quốc tế.

Nghiên cứu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh, vì hoạt động sản xuất bao gồm nhiều quy trình, công đoạn, cũng như yêu cầu cao về mặt kiểm soát và chống gian lận.

Đối tượng tham gia khảo sát bao gồm giám đốc, kế toán trưởng và lãnh đạo của các bộ phận trong doanh nghiệp với thời gian công tác tại tổ chức ít nhất 1 năm, nhằm đảm bảo các đối tượng này hiểu rõ hoạt động cũng như nhu cầu triển khai thực hiện KTNB để tăng cường hoạt động quản trị rủi ro của tổ chức.

Các quan sát được đo lường bằng thang đo Likert 5 mức độ từ rất không đồng ý đến rất đồng ý và các khảo sát được gửi trực tiếp đến đáp viên của 150 doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh. Số lượng khảo sát đảm bảo được cỡ mẫu tối thiểu theo công thức của Hair và các cộng sự (N = 5 x số quan sát).

3.2. Xử lý dữ liệu

Dữ liệu sau thu thập được “làm sạch” bằng cách loại bỏ các trả lời không phù hợp như trả lời không đầy đủ, trả lời như nhau cho tất cả các câu hỏi, thiếu thông tin cần thiết cho quá trình phân tích. Sau đó, dữ liệu được ghi nhận và xử lý thông qua phần mềm xử lý số liệu SPSS bằng các công cụ thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy thang đo, phân tích nhân tố khám phá và hồi quy OLS.

Đồng thời, để đánh giá mức độ tác động của các nhân tố, các tác giả đề xuất phương trình hồi quy chuẩn hóa có dạng sau:

THKTNB = β1*NTCPLI  + β2*KTHUC + β2*NLTC

Trong đó: THKTNB là Thực hiện KTNB tại các doanh nghiệp sản xuất TP. Hồ Chí Minh; NTCPLI: Nhận thức về chi phí và lợi ích; KTHUC: Kiến thức về KTNB; NLTC: Nguồn lực của tổ chức.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Có 146/150 khảo sát được thu hồi, kiểm tra và làm sạch, tương ứng tỷ lệ thu thập 97,33%.

Bảng 1. Thống kê thông tin đối tượng khảo sát

Thống kê thông tin đối tượng khảo sát

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả mô tả thông tin đáp viên thể hiện được các điều kiện đảm bảo độ tin cậy của dữ liệu. 100% đáp viên tham gia khảo sát đều thuộc cấp quản lý. Trong đó, số lượng kế toán trưởng chiếp tỷ lệ cao nhất với 65,07%, tương ứng với 95 đáp viên. Đồng thời, tất cả đáp viên đều có thời gian làm việc tại tổ chức lớn hơn một năm và tỷ lệ làm việc trên 5 năm chiếm tỷ lệ đến 66,44% tương ứng với 97 đáp viên. Bên cạnh, 139 đáp viên tương ứng với tỷ lệ 95,20% có trình độ chuyên môn cao gồm đại học và sau đại học.

Bảng 2. Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo

 Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Số liệu Bảng 2 đã thể hiện tất cả các thang đo của các biện độc lập và biến phụ thuộc đều đạt độ tin cậy với hệ số tương quan biến tổng của 18 thang đo đề lớn hơn 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha của 4 biến đều lớn hơn 0,7, từ 0,779 đến 0,870. Vì vậy, tất cả 18 thang đo được đưa vào thực hiện EFA.

Bảng 3. Kết quả kiểm định EFA cho các biến độc lập và biến phụ thuộc

Kết quả kiểm định EFA cho các biến độc lập và biến phụ thuộc

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Kết quả kiểm định EFA cho thấy hệ số KMO của các biến độc lập và biến phụ thuộc lần lượt là 0,745 và 0,725 cũng như kiểm định Barlett có giá trị Sig. = 0,000. Đồng thời, giá trị Eigenvalue của 3 nhóm biến độc lập và biến phụ thuộc đều lớn hơn 1, tương ứng lần lượt gồm 3,363; 2,606; 2,430 và 2,318. Bên cạnh, tổng giá trị phương sai trích của các biến độc lập là 62,138 (với tổng số quan sát là 14, 1 quan sát thuộc nhận thức lợi ích chi phí bị loại do chênh lệch hệ số tải trên các thành phần không thỏa điều kiện lớn hơn 0,3), chứng tỏ 62,138% sự biến thiên của dữ liệu được giải thích bởi 3 biến độc lập, còn lại 37,862% được giải thích bằng các biến độc lập khác không có trong mô hình nghiên cứu.

Bảng 4. Kết quả kiểm định giả thuyết

Kết quả kiểm định giả thuyết

Nguồn: Dữ liệu khảo sát của tác giả

Từ kết quả tổng hợp kiểm định tương quan và hồi quy Bảng 4, số liệu cho thấy giả thuyết H1 và H2 được chấp nhận với độ tin cậy 99%. Điều này có nghĩa khi nhận thức về lợi ích mang lại sẽ lớn hơn chi phí bỏ ra cũng như kiến thức và sự hiểu biết về KTNB của nhân viên (ban quản lý) càng lớn thì các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh càng sẵn lòng triển khai thực hiện KTNB trong tổ chức của mình. Kết quả này hoàn toàn tương đồng với các nghiên cứu trước đó của Abidin (2017), Petraþcu & Tieanu (2014), Sedighi và các cộng sự (2016) và Zaman & Sarens (2013).

Trong khi đó, kết quả cho thấy sự tương quan giữa nguồn lực tổ chức và việc thực hiện KTNB không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, kết quả hồi quy thể hiện nguồn lực tổ chức có tác động cùng chiều đến việc thực hiện KTNB tại các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh với độ tin cậy 95%. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu trước đó của Abidin (2017), Nzechukwu (2016) và Zaman & Sarens (2013). Hơn nữa, khi các tổ chức có được nguồn lực cho hoạt động KTNB dồi dào, nó sẽ tác động đáng kể đến hiệu quả của KTNB (Nzechukwu, 2016) cũng như cho phép hoạt động KTNB được diễn ra ở nhiều khía cạnh, nhiệm vụ hơn (Zaman & Sarens, 2013). Do vậy, giả thuyết H3 được chấp nhận.

Bên cạnh, phương trình hồi quy chuẩn hóa về các nhân tố tác động đến việc thực hiện KTNB được xác định như sau:

THKTNB = 0,269 NTLICP + 0,586 KTHUC + 0,144 NLTC

Qua đó cho thấy trong 3 nhân tố có tác động đến việc thực hiện KTNB tại các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh, nhân tố kiến thức có sự tác động mạnh nhất, kế đến là sự nhận thức về quan hệ lợi ích - chi phí và yếu nhất là nguồn lực tổ chức. Mức độ tác động của yếu tố nguồn lực có thể được giải thích do trong trường hợp doanh nghiệp không có đủ nguồn lực, họ có thể thuê ngoài dịch vụ kế toán để triển khai công tác KTNB cho tổ chức của mình.

5. Kết luận

Như vậy, nhằm đánh giá khả năng triển khai thực hiện Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về thực hiện KTNB tại các tổ chức, kết quả nghiên cứu cho thấy kiến thức về KTNB của đội ngũ quản lý, nhận thực về mối quan hệ lợi ích - chi phí và nguồn lực của tổ chức chính là 3 nhân tố tác động đến việc thực hiện KTNB tại các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, kiến thức về KTNB có mức độ tác động mạnh nhất và nguồn lực doanh nghiệp có mức tác động yếu nhất. 

Qua đó, các tác giả đề xuất một số kiến nghị: (1) Các cơ quan chính sách và quản lý nhà nước cùng với hội nghề nghiệp cần nghiên cứu và ban hành các văn bản/mẫu biểu hướng dẫn rõ hơn liên quan đến các thủ tục và quy trình triển khai thực hiện KTNB tại các doanh nghiệp; (2) Sớm tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức KTNB dành cho đối tượng quản lý; (3) Các chủ doanh nghiệp cần tích cực và chủ động hơn trong tìm hiểu, nâng cao kiến thức về KTNB cũng như triển khai thực hiện KTNB tại doanh nghiệp của mình.

Nghiên cứu góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng cũng như những nhân tố tác động đến việc thực hiện KTNB tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức độ giải thích của mô hình chỉ 46,1% và được thực hiện với 3 biến độc lập. Do vậy, còn nhiều yếu tố khác như quy mô doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ hội nghề nghiệp, hệ thống chính sách văn bản liên quan đến KTNB, các chuyên gia,... cần được tiếp tục nghiên cứu và mở rộng đối tượng, cỡ mẫu nghiên cứu trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2019). Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ban hành ngày 22/01/2019 về kiểm toán nội bộ.
  2. Abidin, N. H. Z. (2017). Factors influencing the implementation of risk-based auditing. Asian Review of Accounting, 25(3), 361-375.
  3. Nzechukwu, P. O. (2016). Internal Audit Practice from A to Z. Germany: Auerbach Publications.
  4. Petraşcu, D., & Tieanu, A. (2014). The role of internal audit in fraud prevention and detection. Procedia Economics and Finance, 16, 489-497.
  5. Sedighi, M., van Splunter, S., Brazier, F., van Beers, C., & Lukosch, S. (2016). Exploration of multi-layered knowledge sharing participation: the roles of perceived benefits and costs. Journal of Knowledge Management, 20(6), 1247-1267.
  6. Zaman, M., & Sarens, G. (2013). Informal interactions between audit committees and internal audit functions: Exploratory evidence and directions for future research. Managerial Auditing Journal, 28(6), 1-30.

FACTORS AFFECTING THE INTERNAL AUDIT

IN MANUFACTURING ENTERPRISES LOCATED

IN HO CHI MINH CITY

• TANG TRI HUNG1

• NGUYEN HUYNH NHAN2

1Faculty of Accounting - Auditing, Van Lang University

2Faculty of Business and Law, Saigon International University

ABSTRACT:

The Decree 05/2019/ND-CP date Jan 22, 2019 on Internal Audit took effective from April 2019 brings opportunities and challenges to enterprises in Vietnam. This study examines the factors affecting the internal audit in 146 manufacturing enterprises in Ho Chi Minh City. The study finds out that the factor of Knowledge is the most influential factor and it is followed by the Perceived benefits-cost. Meanwhile, the least influential factor is the factor of Resources. These results are expected to promote the enforcement of the Decree 05/2019/ND-CP and support the sustainable development of enterprises.

Keywords: internal audit, conducting internal audit, manufacturing enterprises

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24, tháng 10 năm 2021]