Nhật Bản: Nền kinh tế đã chạm đáy, có thể hoãn việc tăng cường kích thích kinh tế

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản mới đây cho biết nền kinh tế Nhật Bản có thể đã chạm đáy. Dự kiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ hoãn việc tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn.
Phố Tokyo
 Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều cơ sở kinh doanh tại Nhật Bản phải đóng cửa và sức tiêu dùng suy giảm mạnh (Ảnh: Teemusphoto)

Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản vào ngày 12/6, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết “Chúng ta đã thành công trong việc ngăn nền kinh tế (Nhật Bản) tiếp tục lao dốc, nền kinh tế dường như đã chạm đáy. Sự phục hồi của nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào các điều kiện của thị trường nội địa mà còn phục thuộc vào tình hình các thị trường nước ngoài.”

Tuy nhiên, ông Taro Aso cũng nhấn mạnh các điều kiện tác động đến nền kinh tế Nhật Bản sẽ còn tiếp tục ở mức “tiêu cực” trong thời gian tới do nhiều rủi ro còn tồn tại như khả năng bùng phát đại dịch Covid-19 lần hai. Phát biểu của ông Taro Aso nhằm cảnh báo các tâm lý lạc quan đang lan rộng trong giới chức lãnh đạo Nhật Bản sau khi các biện pháp phong toả, phòng chống đại dịch Covid-19 được nới lỏng.

Các nhận định của ông Taro Aso được đưa ra trước khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiến hành nhóm họp đánh giá chính sách lãi suất trong tuần tới. Dự kiến BOJ sẽ hoãn việc tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn mà Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch triển khai. Giới phân tích cũng dự báo BOJ sẽ tiếp tục duy trì quan điểm cho rằng nền kinh tế Nhật Bản đang dần phục hồi trở lại sau khi kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, là nền kinh tế lớn đầu tiên trên toàn cầu chính thức rơi vào suy thoái kinh tế dưới các tác động của đại dịch Covid-19 với GDP quý 1/2020 đạt -3,4%. Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Nhật Bản đã tiềm ẩn nhiều bất ổn với lực tăng trưởng kinh tế yếu khi GDP quý 3/2019 gần như ở mức 0% và GDP quý 4/2019 ở mức -1,9%.

Các số liệu kinh tế quý 2/2020 của Nhật Bản được dự báo sẽ còn ở mức tiêu cực hơn khi các tác động của đại dịch Covid-19 được phản ánh đầy đủ hơn vào các hoạt động kinh tế tại đây. Trong giai đoạn từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng mạnh, buộc các cơ sở kinh doanh phải tạm ngưng hoạt động và người dân được khuyến khích ở nhà. Điều này đã tác động mạnh đến lợi nhuận các doanh nghiệp và khiến sức tiêu dùng suy giảm mạnh.

Cuối tuần trước, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua việc bổ sung ngân sách lần 2 nhằm có nguồn tài chính cho gói kích thích kinh tế trị giá 1.100 tỷ USD thứ hai. Trước đó, Nhật Bản đã tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 1.100 tỷ USD thứ nhất vào đầu tháng 4/2020. Cả hai gói kích thích kinh tế này đều có quy mô lớn nhất trong lịch sử kinh tế Nhật Bản và lớn hơn nhiều so với những gì nước này từng làm để cứu trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Gói kích thích kinh tế lần hai được Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sẽ giúp đưa nền kinh tế nước này trở lại quỹ đạo như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso hiện giữ quan điểm Nhật Bản chưa cần đến đợt bổ sung ngân sách lần 3 để tung ra các gói kích thích kinh tế tiếp theo.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cung cấp các gói tài chính giúp các doanh nghiệp Nhật Bản tồn tại, ngăn chặn tình trạng sa thải nhân sự diễn ra và giữ thị trường ổn định. Giới phân tích cho biết BOJ vẫn có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản vượt qua các thách thức kinh tế.  

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)