Nhu cầu ảm đạm, giá thép trong nước giảm lần thứ 2 liên tiếp

Trong tuần này, giá thép tiếp tục giảm lần thứ 2 liên tiếp, xuống quanh mức 15 - 16 triệu đồng/tấn khi hoạt động xây dựng ảm đạm khiến nhu cầu yếu.
Giá thép Tập đoàn Hoà Phát điều chỉnh giảm
 Giá thép cuộn và thép thanh vằn của Tập đoàn Hoà Phát hiện dao động từ 15,2 - 15,58 triệu đồng/tấn tại thị trường Hà Nội

Tại thị trường Hà Nội, giá thép Hoà Phát đã được điều chỉnh giảm giá bán. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 giảm 460 đồng, hiện ở mức 15.200 đồng/kg; giá thép thanh vằn D10 CB300 giảm 310 đồng, xuống mức 15.580 đồng/kg.

Thép Việt Ý cũng ghi nhận việc điều chỉnh giảm giá bán. Trong đó, giá thép cuộn CB240 giảm 300 đồng, xuống mức 15.300 đồng/kg; giá thép thanh vằn D10 CB300, giảm 150 đồng xuống còn 15.400 đồng/kg.

So với thời điểm đầu tháng này, giá thép đã giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn. Như vậy, giá thép xây dựng trong nước ghi nhận lần giảm giá thứ hai liên tiếp sau 5 lần tăng trước đó. Một số thương nhân kinh doanh, phân phối thép cho biết mặc dù giá thép đã giảm đáng kể nhưng do thời tiết mưa ẩm nên nhu cầu tiêu thụ yếu. Nhu cầu tiêu thụ cũng như giá thép được kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới khi hoạt động xây dựng bước vào mùa cao điểm.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép trong nước giảm do tác động của giá nguyên vật liệu trên thế giới. Giá nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, than cốc trong thời gian qua cũng liên tục suy yếu, góp phần hạ nhiệt giá thép thành phẩm trong nước.

Tuy vậy, hầu hết các hoạt động sản xuất thời gian qua của doanh nghiệp thép gặp khó khăn, cán cân cung - cầu ngành thép hiện tại vẫn chưa thực sự có thay đổi nhiều. Sản lượng tiêu thụ của ngành thép được dự báo vẫn duy trì mức thấp trong quý 2/2023, có chăng tăng trưởng sẽ nằm ở phân khúc xây dựng nhà ở, những công trình nhỏ. Trong trường hợp xấu, tình trạng ảm đạm của thị trường có thể tiếp tục kéo dài về cuối năm 2023.

Trong thời gian vừa qua, lĩnh vực bất động sản nhà suy yếu đã khiến nhu cầu về thép nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung giảm đáng kể. Thị trường hiện kỳ vọng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản của Chính phủ cũng như việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công trong năm nay sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng thép thời gian tới.

Vừa qua, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát cho biết, giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép có lẽ đã đi qua và tình hình kinh doanh của Tập đoàn Hoà Phát qua từng quý gần như đại diện cho bức tranh của toàn ngành. Lượng thép tiêu thụ của tập đoàn này trong quý I/2023, sản lượng của Tập đoàn Hoà Phát chỉ đạt 1,2 triệu tấn thép thô, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép HRC chỉ đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022.

Lãnh đạo Tập đoàn Hoà Phát nhấn mạnh nội lực của Hoà Phát và các doanh nghiệp trong ngành là tốt, nhưng tương lai triển vọng vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường và bày tỏ mong muốn Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công hơn nữa trong thời gian tới.

Ngày 12/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì họp phiên thứ 5 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm điểm kết quả phiên họp lần thứ 4 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thực hiện các công trình, dự án.

Tại phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc, có trách nhiệm trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai các nhiệm vụ; thúc đẩy thi công đồng loạt các dự án từ Bắc tới Nam, trên 6 vùng kinh tế - xã hội. Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết về thủ tục các dự án; tổng hợp các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi đất lúa, đất rừng, cơ chế, chính sách và các ưu đãi để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét.

Các địa phương chủ động, linh hoạt xử lý các vấn đề theo thẩm quyền, nhất là nguyên vật liệu, đường hậu cần, bãi thải…; đặc biệt, xử lý vấn đề nguyên vật liệu xây dựng trên tinh thần nghiêm túc triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông này được kỳ vọng sẽ góp phần kích cầu đối với ngành Thép nội địa trong thời gian tới.

Quỳnh Trang