Giá dầu thô tăng tuần thứ 4 liên tiếp, IEA tiếp tục giữ dự báo nhu cầu sử dụng dầu năm nay ở mức cao kỷ lục

Tính chung tuần này, giá dầu thô tăng thêm 2,4%, xác lập tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp, chủ yếu bởi lo ngại nguồn cung dầu sẽ trở nên căng thăng hơn trong thời gian tới khi nhu cầu đang tăng cao.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent đạt 86,31 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 82,52 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã tăng 1,5% và giá dầu thô WTI tăng 2,4%; qua đó, xác lập tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp - mạch tăng giá dài nhất kể từ hồi tháng 6/2022.

Đà tăng giá của dầu thô trong tuần này tiếp tục được nâng đỡ chủ yếu bởi lo ngại nguồn cung trên toàn cầu trong thời gian tới sẽ trở nên căng thẳng hơn khi liên minh OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác mạnh hơn kể từ tháng 5/2023.

Tâm lý trên thị trường trong phiên giao dịch được củng cố khi báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định nhu cầu sử dụng dầu thô trên thế giới trong năm 2023 sẽ tăng thêm 2 triệu thùng so với năm 2022, đạt mức cao kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày. Động lực tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô chủ yếu đến từ Trung Quốc trong bối cảnh nước này tái mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Dữ liệu mới được Chính phủ Trung Quốc công bố cũng cho thấy lượng dầu thô được nước này nhập khẩu trong tháng 3/2023 đã tăng tới 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái khi các hoạt động kinh tế tại nước này được tái khởi động.

IEA cũng cho biết nhu cầu sử dụng nhiên liệu của ngành hàng không chiếm đến 57% mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm nay. Trước đó, một bộ phận thị trường đã lo ngại IEA có thể giảm dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô do các biến động kinh tế vĩ mô gần đây.

Về phía nguồn cung, IEA dự báo nguồn cung dầu thô sẽ giảm 400.000 thùng/ngày vào cuối năm nay, chủ yếu do sự sụt giảm nguồn cung từ liên minh OPEC+. Liên minh OPEC+ hiện đang kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Giá dầu thô còn được hỗ trợ bởi thông tin cho thấy số lượng giàn khoan dầu hoạt động tại Hoa Kỳ trong tuần này tiếp tục giảm tuần thứ 3 liên tiếp, xuống còn 588 giàn - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022. Điều này sẽ khiến sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ khó có thể tăng lên trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, thị trường hiện cũng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ sớm đảo ngược chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Qua đó, sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác giảm xuống, giúp các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư đang nắm giữ loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô trong tuần này phần nào bị kìm hãm khi liên minh OPEC+ cảnh báo thị trường đối mặt một số rủi ro khiến nhu cầu sử dụng dầu thô trong mùa hè này có thể không cao như kỳ vọng. Đây cũng là nguyên nhân khiến liên minh OPEC+ chủ động giảm mạnh thêm sản lượng khai thác vào đầu mùa hè năm nay.

Tường Vy