Những bất cập trong chống chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại việt nam

TS. Nguyễn Thị Thu Hoài (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Chuyển giá là một vấn đề nhức nhối và phức tạp, song cho đến nay, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động này vẫn chỉ ở tầm Thông tư của Bộ Tài chính, dẫn đến hiệu lực thi hành chưa cao. Ngoài ra, chuyển giá có thể xảy ra ở trong tất cả các giao dịch của doanh nghiệp, tuy nhiên, các quy định tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật chuyên ngành, làm cơ sở cho cơ quan thuế quy định chi tiết chưa được các cơ quan quy định. Chưa có các quy định về các khung giá hay khung lợi nhuận hợp lý để doanh nghiệp có thể xác định chính sách giá một cách hợp lý. Bài viết tiến hành đánh giá những bất cập trong hoạt động chuyển giá ở các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Từ khóa: Chống chuyển giá, doanh nghiệp FDI, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Chống chuyển giá là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và cấp bách ở Việt Nam nhằm phát triển kinh tế thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Để công cuộc chống chuyển giá có hiệu quả, Việt Nam và các quốc gia khác đã thực hiện nhiều giải pháp. Song, trên thực tế các hành vi chuyển giá diễn ra ngày càng phổ biến, gây thiệt hại cho Nhà nước và cho cả các chủ thể kinh doanh có đạo đức kinh doanh và kinh doanh đúng quy định của pháp luật. Hoạt động chuyển giá có tác động tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô như gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chấp hành tốt nghĩa vụ về thuế và doanh nghiệp không chấp hành tốt nghĩa vụ về thuế, gia tăng giá trị nhập khẩu và gia tăng giá trị nhập siêu gây mất cân bằng giữa cán cân thương mại và cán cân thanh toán, từ đó gia tăng áp lực giảm giá đối với đồng tiền nội. Thực tế hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.

2. Thực trạng những bất cập trong hoạt động chuyển giá ở các doanh nghiệp tại Việt Nam

Thứ nhất, bất cập về khung pháp lý: Chuyển giá là một vấn đề nhức nhối và phức tạp, song cho đến nay, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động này vẫn chỉ ở tầm Thông tư của Bộ Tài chính, dẫn đến hiệu lực thi hành chưa cao.

Ở Việt Nam, việc xác định giá chuyển nhượng giữa các bên liên kết đã được hướng dẫn từ năm 1997 tại Thông tư số 74/1997/TT-BTC và được bổ sung hoàn thiện bằng Thông tư 66/2010/TT-BTC (năm 2010) nhưng việc kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế; cùng với những kẽ hở của luật pháp, cũng như những yếu tố khác thuộc về quản trị và con người nên kiểm soát chuyển giá chưa hiệu quả, hiện tượng chuyển giá diễn ra phổ biến trong khu vực DN FDI. Cho đến nay, quy phạm về đấu tranh chống chuyển giá mới chỉ được nêu tại Điểm e Khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế quy định một nội dung có liên quan có thể được vận dung làm cơ sở để đấu tranh chống chuyển giá. Còn lại, các văn bản quy phạm pháp luật thì đã có từ năm 1997 nhưng không cụ thể và chi tiết vào các quan hệ pháp luật mới trên thực tế đó là Thông tư, như Thông tư 74/1997/TT-BTC hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài; Thông tư 89/1999/TT-BTC, Thông tư 13/2001/TT-BTC và đặc biệt là Thông tư 117/2005/TT-BTC năm 2005 mà hiện nay là Thông tư 66/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.

Thông tư 66/2010/TT-BTC đưa ra hướng dẫn chi tiết về các phương pháp xác định giá thị trường nhưng các hướng dẫn này đều mang tính lý thuyết, gây khó khăn cho cả cơ quan thuế và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, việc đưa ra định nghĩa về “các giao dịch liên kết” quá rộng sẽ làm tăng khối lượng các giao dịch cần kiểm tra và do đó ảnh hưởng đến hiệu quả.

Thông tư 66/2010/TT-BTC yêu cầu các tài liệu, chứng từ, dữ liệu sử dụng làm căn cứ phân tích phải là các thông tin công khai và có nguồn gốc xuất xứ được chấp thuận. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam doanh nghiệp không thể tiếp cận được báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của các doanh nghiệp khác. Do vậy, yêu cầu này là không khả thi. Hơn nữa, Thông tư 66/2010/TT-BTC còn yêu cầu lưu giữ thông tin, cung cấp thông tin, tài liệu chứng từ quá rộng. Quy định về việc in ấn mức giá tính thuế không rõ ràng nên sẽ khó thực hiện vì hiện nay bản thân cơ quan thuế cũng không có số liệu so sánh. Trường hợp thu thập được thông tin dữ liệu thích hợp từ các tổ chức nước ngoài cũng không đủ cơ sở pháp lý đối với nguồn dữ liệu này để áp dụng ấn định giá.

Cho đến nay, chưa có chế tài xử phạt đối với trường hợp doanh nghiệp chưa kê khai giao dịch liên kết theo Thông tư 66. Chưa có quy định rõ ràng về các khoản chi ngân sách phục vụ chống chuyển giá cũng như quy chế phối hợp giữa các bên liên quan để giúp ngành Thuế thu thập thông tin phục vụ công tác chống chuyển giá. Ngoài ra, chưa có một quy trình để giải quyết việc đánh thuế trùng trong trường hợp cơ quan thuế thực hiện các điều chỉnh về giá. Sự chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới, do đó, có tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có công ty mẹ tại nước có mức thuế suất thấp hơn đã thực hiện các cách nhằm chuyển lợi nhuận về nơi ưu đãi thuế hơn. Việc thiếu một chế tài nghiêm minh, mang tính răn đe đã làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giá.

Thứ hai, bất cập từ chính sự phức tạp của vấn đề chuyển giá: Chuyển giá là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong lĩnh vực thuế. Về sâu xa, chuyển giá là việc chia quyền đánh thuế giữa các quốc gia. Về nguyên tắc, thu nhập sẽ chuyển về quốc gia, vùng lãnh thổ có thuế thấp để tính thu nhập chịu thuế. Mặc dù mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 25%, thấp hơn một số nước trong khu vực, nhưng lợi nhuận vẫn bị chuyển ra khỏi Việt Nam vì màu cờ sắc áo của nước họ.

Bên cạnh đó, sự hấp dẫn về lợi ích kinh tế của chuyển giá đã được các chuyên gia hoạch định chiến lược tài chính doanh nghiệp, đặc biệt là trong MNCs lưu tâm. Do đó, hầu hết các TNCs, MNCs đều có bộ phận chuyên trách về chuyển giá hoặc thuê các công ty tư vấn tài chính xử lý hồ sơ để đối phó với các cơ quan chức năng tại các quốc gia này.

Ngoài ra, giao dịch nội bộ của các MNCs diễn ra đa dạng, phức tạp; do vậy, các cơ quan thuế riêng lẻ của từng quốc gia sẽ khó khăn trong việc kiểm soát, quản lý.

Thứ ba, bất cập từ khó khăn trong quản lý người nộp thuế có quan hệ liên kết, có giao dịch liên kết và nhận diện dấu hiệu chuyển giá.

Luật quản lý thuế xác định việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế bao gồm: Thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; Xây dựng các bộ tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; Đề xuất, áp dụng các biện pháp quản lý thuế. Từ đó, cơ quan quản lý thuế quản lý, ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để đánh giá rủi ro về thuế.

Thông thường, hai doanh nghiệp trong một kỳ tính thuế có quan hệ giao dịch kinh doanh thuộc một trong 13 trường hợp sau thì xác định là các bên liên kết:

- Quan hệ về sở hữu (4 trường hợp)

- Quan hệ về quản lý điều hành (4 trường hợp)

- Quan hệ về hợp tác kinh doanh (5 trường hợp)

Hiện nay, việc thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế chủ yếu dựa vào thông tin trên hồ sơ khai thuế. Do đó, việc xác định các doanh nghiệp (DN) thuộc 13 trường hợp có quan hệ liên kết như quy định tại Thông tư 66/2010/TT-BTC thực sự gặp nhiều khó khăn. Cơ quan thuế chỉ nhận dạng được 2/13 trường hợp có quan hệ liên kết. Còn các dấu hiệu gián tiếp nêu trên chỉ được nhận biết qua thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại DN. Tuy nhiên số lượng DN được thanh tra, kiểm tra hàng năm quá nhỏ... Thực tế nêu trên cho thấy còn quá nhiều đối tượng nằm ngoài tầm ngắm của cơ quan thuế về chống chuyển giá do hạn chế về thông tin, dữ liệu.

Việc thống kê thuộc diện phải kê khai mẫu GCN-01/QLT theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại công văn 1025/TCT-CC ngày 29/3/2011 hiện nay gặp nhiều khó khăn. Việc xác định các bên có quan hệ liên kết phần nào còn có căn cứ nhưng cơ quan thuế rất khó phát hiện các trường hợp có phát sinh giao dịch liên kết mà người nộp thuế không kê khai theo quy định (ngay cả DN trong nước cũng có nhiều giao dịch liên kết nhưng không kê khai)... Việc kê khai giao dịch liên kết phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự giác của người nộp thuế .

Thứ tư, bất cập từ sự thiết hụt nguồn lực: Cho đến nay, Việt Nam chưa xây dựng hoàn thiện một cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hóa được giao dịch giữa các công ty độc lập và công ty liên kết với nhau. Vì vậy, khi một nghiệp vụ mua bán nội bộ xảy ra, các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc tìm kiếm một nghiệp vụ mua bán tương đương để so sánh xem nghiệp vụ mua bán nội bộ này có tuân theo nguyên tắc giá thị trường hay không. Điều này đặc biệt khó khi giao dịch với bên liên kết ở nước ngoài và sản phẩm dịch vụ có tính chất đặc thù.

- Do sự phức tạp của các quy định tại Thông tư 117/2005/TT-BTC và Thông tư 66/2010/TT-BTC, một bộ phận không nhỏ cán bộ thuế tuy dành nhiều thời gian nghiên cứu Thông tư 117/2005/TT-BTC và Thông tư 66/2010/TT-BTC nhưng mức độ nắm bắt rất hạn chế;

- Do định giá chuyển nhượng là một vấn đề mới, phức tạp; không được đào tạo chuyên sâu về chống gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng… không ít cán bộ thuế chưa biết cách triển khai, áp dụng trên thực tế;

- Do số cuộc thanh tra, kiểm tra chống gian lận thuế qua định giá chuyển nhượng (theo đúng nghĩa của chống chuyển giá) không đáng kể nên số lượng cán bộ có kinh nghiệm thực sự về chống chuyển giá hiện rất thấp…

Có thể khẳng định: Nếu so với yêu cầu của công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có quan hệ liên kết nói chung và chống chuyển giá nói riêng trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới ngày càng mở rộng và phức tạp thì đội ngũ cán bộ thuế hiện nay không thể đáp ứng.

Thực tế các cuộc thanh tra chống chuyển giá đã được thực hiện cho thấy, ngay cả CBCC làm công tác chống chuyển giá cũng lúng túng trong việc áp dụng phương pháp xác định giá và lựa chọn cơ sở dữ liệu để so sánh.

Việc ấn định mức giá giao dịch phải nằm trong khuôn khổ của 5 phương pháp quy định tại Điều 5 hoặc 2 biện pháp xác định giá thị trường đối với một số trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 6 Thông tư 66/2010/TT-BTC.

Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu trầm trọng về nguồn lực, cũng như kinh nghiệm để thực hiện việc đấu tranh chống chuyển giá. Hiện nay, cơ quan chức năng chưa có nhóm chuyên trách về chống chuyển giá. Kiểm toán chuyển giá được khởi xướng từ năm 2007 và như một phần của kiểm toán thuế nói chung. Tuy nhiên, việc kiểm toán chuyển giá ít được thực hiện. Việc kiểm tra, thanh tra về chuyển giá được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ thanh tra thuế của các cục thuế địa phương, bản thân nhiều cán bộ thuế cũng chưa hiểu nhiều về chuyển giá và chưa có kinh nghiệm để thực hiện các cuộc kiểm tra chống chuyển giá. Do vậy hiệu quả không cao và cách xử lý vấn đề không theo các chuẩn mực về chống chuyển giá, nên đối tượng nộp thuế đôi khi có phản ứng tiêu cực. Qua thanh tra, các cơ quan chức năng đã xác định được hành vi gian lận có dấu hiệu chuyển giá của doanh nghiệp FDI nhưng không thể tìm được giao dịch độc lập để so sánh; các phương pháp tính lại giá vốn, giá bán trên thực tế rất khó thực hiện đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng cả nước chưa có.

Mặt khác, do hiện nay ngành Thuế chưa có những chuyên gia kinh tế, kĩ thuật giỏi, hiểu biết sâu rộng về các ngành kinh tế đặc biệt là những ngành đặc thù, phức tạp, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng chất xám, thương hiệu cao nên khi thực hiện việc phân tích hoạt động, phân tích việc xác định giá chuyển nhượng… của các cơ sở kinh doanh có giao dịch với các bên có quan hệ liên kết hết sức khó khăn, không đạt được yêu cầu.

Thứ năm, bất cập từ quy định thẩm quyền của cơ quan thuế: Cho đến nay, cơ quan thuế chưa được giao thẩm quyền điều tra về thuế nên rất khó khăn trong đấu tranh chống chuyển giá. Một trong những cơ sở quan trọng để xác định hành vi có chuyển giá hay không và áp dụng phương pháp nào để xác định chuyển giá trong trường hợp có hành vi chuyển giá là phải có thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về các người nộp thuế, song nếu không có thẩm quyền điều tra thì rất khó khăn trong thu thập thông tin.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư nước ngoài từ các cơ quan cấp phép mới chỉ dừng lại ở bước kiểm tra tiến độ dự án, tình hình triển khai các hạng mục theo cam kết tại Giấy chứng nhận đầu tư và tập trung giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án… Chúng ta chưa có bộ phận chuyên trách về thu thập thông tin phục vụ hoạt động thanh tra thuế nói chung và chống chuyển giá nói riêng ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề thông tin ở tầm quốc tế.

Công tác tuyên truyền phổ biến cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện theo Thông tư 66 của Bộ Tài chính còn hạn chế, chưa triệt để nên các doanh nghiệp hầu như không tự điều chỉnh đối với các trường hợp có quan hệ giao dịch kinh doanh liên kết và cơ quan thuế chưa đủ điều kiện áp dụng các biện pháp đối với các trường hợp không chấp hành.

Mức độ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế đối với các trường hợp chuyển giá còn quá nhẹ, quy định chung với các hành vi vi phạm khác về thuế (quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành, tại Nghị định số 98/2007/NĐ-CP và Thông tư số 61/2007/TT-BTC) mà chưa có hình thức xử phạt riêng, nghiêm khắc hơn nên chưa đủ sức răn đe đối với người nộp thuế có hành vi chuyển giá tránh thuế (trường hợp cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp liên kết, thực hiện điều chỉnh giá làm giảm lỗ của doanh nghiệp thì cũng không có chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế đối với doanh nghiệp; trường hợp cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp liên kết, thực hiện điều chỉnh giá làm tăng số thuế thu nhập doanh nghiệp thì cũng chỉ xử phạt kê khai sai (10%) và phạt chậm nộp (0,05%/1 ngày chậm nộp). Các trường hợp chuyển giá dẫn tới số lỗ lũy kế bằng hoặc vượt số vốn chủ sở hữu cũng chưa có quy định bắt buộc người nộp thuế không được hoàn thuế giá trị gia tăng hoặc phải giải thể doanh nghiệp;.

Thanh tra, kiểm tra thuế đối với hoạt động chuyển giá là lĩnh vực quản lý khó, phức tạp, tốn nhiều thời gian và nguồn lực để thu thập thông tin, phân tích, so sánh, loại trừ khác biệt ảnh hưởng đến đơn giá sản phẩm được chuyển giao, lựa chọn và áp dụng phương pháp xác định giá thị trường… Tuy nhiên, theo quy định của Luật Thanh tra, quy trình kiểm tra hiện hành, không quy định riêng thời gian thanh tra, kiểm tra thuế đối với hoạt động chuyển giá mà quy định chung như thời gian thanh tra, kiểm tra thuế đối với các trường hợp thông thường khác. Hạn chế này đã dẫn tới các hiệu quả thanh tra, kiểm tra về giá chuyển nhượng trong giai đoạn vừa qua chưa đạt hiệu quả cao.

3. Các giải pháp đồng bộ

Để chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay cần phải có các giải pháp đồng bộ, bên cạnh đó, từ khi đặt ra các biện pháp đến quá trình thực hiện trên thực tế phải bảo đảm nguyên tắc: (1) Các chủ thể kinh doanh bình đẳng trước pháp luật, có quyền tự chủ, tự định đoạt; (ii) Chống chuyển giá phải được pháp luật điều chỉnh nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các chủ thể kinhdoanh.

Qua thực tiễn chống chuyển giá nhiều năm qua, chúng ta thấy đây là một lĩnh vực rất nhạy cảm và nó liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể trong nền kinh tế như: nhà đầu tư nước ngoài, nhà nước, người tiêu dùng… Vì vậy, để có một nền tảng pháp lý đủ mạnh cho công tác này đã đến lúc các ngành chức năng, các địa phương cần kiên quyết và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp đồng bộ chống chuyển giá, để tránh những thua thiệt khi thu hút FDI.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính (2010), Thông tư 66/2010/TT-BTC.

2. Bộ Tài chính (2013), Thông tư 201/2013/TT-BTC.

3. Nguyễn Thị Thu Hoài - NCS. Dương Văn An, Chống chuyển giá tại các nước ASEAN và bài học cho Việt Nam (2015), Tạp chí Tài chính, số 619, tháng 10, tr.44-46.

4, Nguyễn Thị Thu Hoài - NCS. Dương Văn An, Chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI: Thực trạng và giải pháp khắc phục, Tạp chí Tài chính (2015), số 623, tháng 12, tr.17-20.

5. OECD (2010), “Transfer Pricing Guidelines for Multinational Enterprises and Tax Administration”.


LIMITATION ON FIGHTING AGAINST TRANSFER PRICING

ACTIVITIES AT FDI FIRMS IN VIETNAM

· Ph.D. Nguyen Thi Thu Hoai

Vietnam National University, Hanoi - University of Economics and Business

Abstract:

Transfer pricing is a persistent and complicated issue. However, the level of legal documents relating this isue is still only circulars of the Ministry of Finance. Therefore, the effectiveness of these legal documents is not high. The transfer pricing can occur in all deals of enterprises. However, the standard rules and specialized technical terms, used as the core for management of tax authorities in Vietnam, have yet prepared by relevant agencies. There are no regulations on pricing margin and profit margin of enteprises which can be used by enterprises to determine reasonable pricing policies. This study analyses limitations on fighting against transfer pricing activities in Vietnam.

Keywords: Fighting against transfer pricing, foreign direct investment enterprises, Vietnam.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 01 tháng 01/2017 tại đây