Những lớp dạy nghề miễn phí nhờ tấm lòng bi mẫn

Nhờ tấm lòng bi mẫn của tăng, ni, phật tử, các nhà hảo tâm, nhiều lớp học miễn phí đã được mở ra cho những người yếu thế trong xã hội như trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ, các học viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Các học viên có cơ hội hoàn thiện tay nghề, tự mình vươn lên trong đời sống, hoà nhập với cộng đồng xã hội.
dạy nghề miễn phí
Khai giảng lớp điện dân dụng và điện lạnh dân dụng (tháng 7/2023) tại Chùa Kỳ Quang II

Từ những lớp dạy nghề miễn phí...

Theo Báo cáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại  tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, một số Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành  đã tổ chức nhiều trường, lớp dạy nghề miễn phí cho con em gia đình Phật tử, gia đình lao động nghèo, người khuyết tật. Hiện có khoảng 10 trường dạy nghề miễn phí các nghề may, thêu, đan, điện gia dụng, tin học vi tính văn phòng, ngoại ngữ, mộc mỹ nghệ, sửa xe, hớt tóc…, như Trường dạy nghề ở chùa Long Thọ và Tây Linh (Thừa Thiên Huế), chùa Long Phước, Long Thành (Long An), Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Trường dạy nghề điêu khắc gỗ chùa KomPong Chrây (chùa Hang, Trà Vinh).

Điển hình là chùa Phú Thiện ở Quảng Ngãi đã vận động xây dựng phòng máy vi tính, đồng thời liên hệ với các thầy dạy bộ môn Tin học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh về trực tiếp giảng dạy công nghệ thông tin miễn phí cho hàng trăm trẻ em nghèo. Ban đầu, số học sinh đến lớp học đa phần chỉ là con em phật tử quanh chùa. Dần dần, số học sinh đến xin học tăng lên. Các em được tiếp cận với những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, như kiến thức soạn văn bản word, cách truy cập mạng và tìm kiếm thông tin hữu ích.

Điểm nhấn của những ngôi chùa dạy nghề miễn phí là phù hợp với nhu cầu thị trường trên địa bàn và phù hợp với cả những đối tượng đặc biệt, như người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi. Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, Trưởng Phân ban Huấn nghệ và Phát triển cộng đồng (thuộc Ban Từ thiện xã hội T.Ư), Giám đốc Cơ sở Từ thiện xã hội Phật giáo chùa Kỳ Quang II (TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chùa tiếp tục khai giảng lớp điện dân dụng và điện lạnh dân dụng đến các học viên có nhu cầu. Vì đây là nghề rất cần thiết trong cuộc sống và dễ dàng tìm việc làm. Có một nghề nghiệp ổn định là điều hết sức quan trọng cho mỗi người, để tự tin làm việc, xây dựng cuộc sống ngày tốt hơn”. Chùa Kỳ Quang II cũng là nơi tổ chức dạy ấn huyệt, xoa bóp cho những người khiếm thị. Bên cạnh  các học viên khiếm thị tại TP. Hồ Chí Minh, còn có nhiều học viên đến từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Đắk Lắk… được bố trí chỗ ở nội trú trong thời gian học ở chùa. Mặc dù là lớp học miễn phí, nhưng các giáo viên được mời dạy nghề được đánh giá là có chất lượng, có thâm niên trải nghiệm làm nghề và dạy nghề. Cụ thể, giáo viên giảng dạy cho lớp khiếm thị mới mở trong tháng 6 năm 2023 là  thầy Nguyễn Viết Xô, Trưởng Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh đường (chùa Kỳ Quang 2); Lương y Nguyễn Tấn Xuân, Chủ tịch Hội Đông y Quận Gò Vấp; Lương y Nguyễn Văn Chuyền, Lương y Dương Phú Cường - Phó Chủ tịch Hội Đông y Quận Gò Vấp; thầy Châu Cao Minh, Giám đốc cơ sở Kỳ Quang Minh; bác sĩ Trần Văn Năm, Nguyên Viện trưởng Viện Y học Dân tộc TP. Hồ Chí Minh.

Với chùa Kampongnigrodha (Chùa Hang), thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, thì cơ duyên mở lợp dạy nghề khá đặc biệt. Xuất phát từ việc một nghệ nhân ở Vĩnh Long đến chùa thực hiện một số hạng mục điêu khắc trong khu chánh điện, nhân đó dạy nghề điêu khắc cho các nhà sư của chùa, tạo tiền đề cho việc hình thành nên xưởng điêu khắc gỗ trong chùa. Sau đó, , sư cả Thạch Suông đứng ra thành lập Câu lạc bộ điêu khắc chùa Hang với hơn các thành viên là những vị sư thầy có tay nghề cao. Từ đó, câu lạc bộ đã dạy nghề cho các thanh niên Khmer trong vùng. Qua đó đào tạo cho hàng trăm thợ lành nghề. Nhiều người sau khi thành nghề đã trở về địa phương mở cơ sở sản xuất, và đứng ra dạy nghề cho thợ học việc.

... đến cơ hội hoà nhập cộng đồng

Chùa Tây Linh, thành phố Huế, là địa chỉ dạy nghề miễn phí cho con em các gia đình Phật tử nghèo, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng trẻ khuyết tật, bao gồm tàn tật và câm, nhằm giúp các em này có điều kiện hội nhập với cộng đồng xã hội. Trải qua quá trình hoạt động vừa dạy vừa xây dựng vừa phát triển, cơ sở dạy nghề chùa Tây Linh đến nay đã có được hàng chục lớp học, chuyên dạy về các ngành nghề may, thêu, đan (cả bằng máy dân dụng, lẫn kỹ thuật vi tính) với một phân xưởng dành cho học viên thực tập cũng như sản xuất. Đa số học viên là những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, nên nhà chùa ngoài việc không thu học phí còn hỗ trợ ăn uống, những trường hợp xa có thể tá túc lại trong chùa. Để có tiền trang trải, trả lương cho các giáo viên giảng dạy tại hai cơ sở dạy nghề tại Huế và Quảng Trị, nhà chùa phải tự mình tìm nguồn kinh phí, đồng thời tiép cận các nơi tìm đầu ra cho các sản phẩm do các học viên làm ra để họ có thu nhập thường xuyên, ổn định.

Không chỉ có các nhà sư, mà tham gia vào việc thiện nguyện dạy nghề có cả các cư sĩ. Như cư sĩ Lê Văn Diêu, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Quảng Trị; Giám đốc Trung tâm Dạy nghề miễn phí Phùng Xuân. Ông là người đứng ra làm hồ sơ gửi các cấp, ngành và Giáo hội Phật giáo để thành lập Trung tâm Dạy nghề miễn phí Phùng Xuân. Trung tâm Dạy nghề Phùng Xuân đã đào tạo được gần 70 khóa, số lượng học viên ra trường được cấp chứng chỉ nghề trên 2.000 học viê, trong đó có 448 học viên người dân tộc thiểu số,17 học viên khuyết tật.

Nhờ tấm lòng bi mẫn của tăng, ni, phật tử, các nhà hảo tâm, nhiều lớp học miễn phí đã được mở ra cho những người yếu thế trong xã hội như trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ, các học viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Các học viên có cơ hội hoàn thiện tay nghề, tự mình vươn lên trong đời sống, hoà nhập với cộng đồng xã hội.

Ngô Hà Trung