Những quyết sách hướng đến công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra những giải pháp đồng bộ khuyến khích các doanh nghiệp, hướng đến sử dụng những công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch.
sản xuất công nghiệp

Hoàn thiện khung pháp lý

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.

Trên cơ sở Quyết định 280/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Khung kế hoạch 5 năm bám sát 9 hợp phần của Chương trình với đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể. Các hoạt động tập trung vào: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý; Hỗ trợ kỹ thuật tài chính thúc đẩy TKNL; Xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam; Tăng cường năng lực; Đẩy mạnh truyền thông, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học…

Để triển khai Chương trình, ngày 22 tháng 04 năm 2019 Bộ Công Thương có công văn số 2797/BCT-TKNL về xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, yêu cầu các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình triển khai các hoạt động thuộc lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương; đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ trách nhiệm được giao quy định tại các Điều 44, 45, 46 Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Điều 33, 34 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2011 và Quyết định số 280/QĐ-TTg để xây dựng và phê duyệt Kế hoạch triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Hiện nay Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 21. Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan đối với Nghị định 21.

Qua 2 lần Hội thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp quan trọng cho việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 21. Hầu hết các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả qua hơn 10 năm thực thi đã bộc lộ những hạn chế. Việc sửa đổi Luật sẽ đòi hỏi thời gian trong khi những yêu cầu cấp bách từ thực tế cần được nhanh chóng giải quyết. Do đó, việc sửa đổi Nghị định 21 để phù hợp với thực tế là việc làm rất thiết thực vào thời điểm này. Dự kiến, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 21 sẽ được Bộ Công Thương đưa vào chương trình nhiệm vụ năm 2021, làm cơ sở cho các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan.

Bộ Công Thương cũng đã xây dựng dự thảo chỉ thị tiết kiệm điện 2020-2025 và trình Chính Phủ. Ngày 07/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025. Việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này là tiền đề quan trọng cho phép cả nước tiếp tục đẩy nhanh, mạnh việc cải thiện chất lượng sử dụng điện, coi tiết kiệm điện là một giải pháp then chốt để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2020 - 2025.

Trong tháng 12 năm 2019, Bộ Công Thương tổ chức “Hội thảo tham vấn và đào tạo về triển khai các quy trình theo thông tư 09/2012/TT-BCT và thông tư 19/2016/TT-BCT” tại 2 khu vực Hà Nội (Ngày 5-6/12) và Tp. Hồ Chí Minh (Ngày 9-10/12). Hội thảo được diễn ra trong 2 ngày. Ngày 1 là Chương trình đào tạo cho các Sở Công Thương sử dụng 3 quy trình quản lý liên quan, gồm có: Tổng hợp danh sách Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm; Kiểm tra tuân thủ quy định về báo cáo 1 năm, báo cáo 5 năm và báo cáo kiểm toán năng lượng; Lập báo cáo hàng năm cho Bộ Công Thương và UBND về tình hình tuân thủ quy định của các Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Ngày 2 là Hội thảo tham vấn về 3 Quy trình mới cho Sở Công Thương:  Quy trình kiểm soát chất lượng của báo cáo kiểm toán năng lượng tuân thủ theo Thông tư 09; Quy trình kiểm tra tuân thủ Thông tư về Định mức tiêu hao năng lượng trong ngành Bia và Nước giải khát cùng các hướng dẫn liên quan cho doanh nghiệp; và Dự thảo kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của tỉnh phù hợp với mục tiêu của Chương trình VNEEP 3. Các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo sẽ là căn cứ để Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh và ban hành Thông tư 09 sửa đổi trong thời gian tới cũng như các quy trình quản lý liên quan nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà nước của các Sở Công Thương theo Thông tư 09 và các thông tư về định mức tiêu hao năng lượng, biểu mẫu kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp tỉnh.

Truyền thông lan tỏa

Song song với hoàn thiện khung pháp lý, Bộ Công Thương đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Sự kiện “Giờ trái đất” được tổ chức thường niên do Bộ Công Thương chủ trì được đánh giá có sức lan tỏa lớn, độ tương tác phổ cập rộng với người sử dụng năng lượng. Với Thông điệp “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ trái đất”  Chiến dịch “Giờ trái đất” 2019 có nhiều hoạt động hưởng ứng: Cam kết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, các hộ gia đình; kết nối với các nhà máy thực hiện sáng kiến tiết kiệm điện trong sản xuất; tọa đàm “Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai”; các đại sứ giao lưu với các học sinh, sinh viên; dán poster, phát tờ rơi tuyên truyền về chiến dịch; tuyên truyền, quảng bá trên mạng xã hội... thì Chiến dịch “Giờ Trái đất” 2020 theo hình thức không tổ chức tập trung đông người để phòng tránh lây nhiễm dịch Covid-19 nhưng vẫn có những hoạt động thích hợp trong tuyên truyền sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái sử dụng và tái chế chất thải, chống rác thải nhựa, bảo vệ động vật hoang dã...

Đồng thời, các chương trình truyền thông cho cộng đồng về tiết kiệm năng lượng đã được triển khai trên tất cả mọi loại hình báo chí, tới mọi tỉnh, thành của cả nước. Gần đây nhất là cuộc tọa đàm “Giải pháp nào đạt được các mục tiêu tiết kiệm điện theo yêu cầu của Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ?” trên kênh VOV quốc gia, khách mời gồm lãnh đạo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam). Thông qua cuộc tọa đàm, các khách mời chia sẻ về ý nghĩa của Chỉ thị số 20 cũng như tiềm năng của thị trường tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Từ đó tác động tới cộng đồng, tạo được thói quen thực hiện tiết kiệm năng lượng một cách tự nguyện nhất.

Hợp tác quốc tế

Hợp tác quốc tế là một phần quan trọng trong Kế hoạch thực hiện VNEEP3. Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư  và các Bộ liên quan hoàn thiện thẩm định, ký kết Hiệp định tài trợ đối với Chương trình Chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU giai đoạn 2021-2025 do Liên Minh Châu tài trợ. Đây là nguồn ngân sách quan trọng góp phần thực hiện  Chương trình trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với đó là phối hợp với Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc thực hiện Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính khai mở thị trường. Dự án được thực hiện từ tháng 12-2017 đến tháng 12-2019, gồm ba hợp phần chính: (i) Xây dựng năng lực phát triển dự án đầu tư TK và HQNL trong công nghiệp; (ii) Xác định các dự án đầu tư TK và HQNL trong công nghiệp (giai đoạn thí điểm I); (iii) Hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư TK và HQNL trong công nghiệp (giai đoạn thí điểm II). Dự án đã kết thúc, nhưng các khóa đào tạo về quản lý và công nghệ đã giúp người tham gia bao gồm bao gồm các ESCO, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm nắm bắt được các xu hướng của công nghệ chính sách năng lượng chung, góp phần trực tiếp vào thực hiện hiệu quả VNEEP3.

Bộ Công Thương hiện đang chủ trì Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) cùng với các đồng chủ trì Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB). Thông qua các cuộc họp thường kỳ của Ban chỉ đạo, Báo cáo Tiến độ và Hội nghị cấp cao hàng năm, VEPG thảo luận và đưa ra các khuyến nghị hữu ích về 5 chủ đề trọng tâm: năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, tái cấu trúc ngành năng lượng, tiếp cận năng lượng và thống kê ngành năng lượng.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện mạnh mẽ Quyết định 280/QĐ-TTg nhằm đạt các mục tiêu hướng đến năng lượng sạch,  tiết kiệm 8 - 10% cho giai đoạn đến năm 2030.

Khuyến khích sử dụng công nghệ sạch

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện mạnh mẽ Quyết định 280/QĐ-TTg nhằm đạt các mục tiêu hướng đến năng lượng sạch,  tiết kiệm 8 - 10% cho giai đoạn đến năm 2030.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; cơ chế quản lý tài chính của Quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; cơ chế tài chính thúc đẩy thị trường dịch vụ năng lượng; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng quy định cấp chứng chỉ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng quy định về chứng nhận sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho cơ sở sử dụng năng lượng, bao gồm: tiêu chí đánh giá; tổ chức đánh giá, giám sát, kiểm tra, cấp chứng nhận và quy trình thực hiện việc cấp chứng nhận; chủ trì thực hiện việc hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy các dự án đầu tư, lắp đặt, cải tạo, sản xuất phương tiện thiết bị, quy trình công nghệ chuyển đổi nhiên liệu và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các cơ sở sản xuất, thương mại và các hộ gia đình; hướng dẫn các địa phương trong công tác lập, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Những kết quả thu về đáng khích lệ. Điển hình là các doanh nghiệp ngành thép.

Theo thống kê của Hiệp Hội Thép, Việt Nam 29 đơn vị sản xuất thép, trong đó có 5 đơn vị sử dụng BOF, 15 đơn vị sử dụng EAF và 8 đơn vị sử dụng IF.

Đối với công nghệ Lò chuyển (Basic Oxygen Furnace - BOF), tiêu biểu Thép Formosa, Thép Hòa Phát, việc luyện thép bằng lò chuyển chỉ sử dụng oxy và điện để vận hành các thiết bị phụ trợ. Vì vậy, tiêu hao năng lượng của khâu công nghệ này rất ít, chỉ khoảng 200 MJ/tấn. Đối với các lò có dung tích trên 100 tấn còn có thể phát thêm điện năng nếu thực hiện thu hồi nhiệt khí thải để phát điện. Điển hình như Hòa Phát, quy trình sản xuất thép từ thượng nguồn qua 4 bước: Đầu tiên quặng sắt thô được đưa vào nhà máy chế biến nguyên liệu để loại bỏ các tạp chất, làm tăng hàm lượng sắt và viên thành dạng cục tròn; quặng sắt vê viên, than cốc, vôi và phụ gia khác được đưa vào lò cao để nấu lỏng thành nước gang; sau đó Gang lỏng từ lò cao sẽ được chuyển sang các lò tinh luyện của nhà máy luyện thép để cho ra phôi đảm bảo tiêu chuẩn quy định; cuối cùng, phôi vừa ra lò được chuyển ngay sang Nhà máy cán để cho ra thép xây dựng thành phẩm và hoàn thành chu trình sản xuất khép kín. Xét về công nghệ, ưu điểm của công nghệ lò chuyển có khả năng tiêu thụ điện năng thấp hơn so với công nghệ đang được đa số các doanh nghiệp trong ngành thép Việt Nam sử dụng, lò điện (EAF) từ 10%-15%. Mặc dù có ưu thế vượt trội về tiết kiệm điện năng, nhưng suất đầu tư lớn nên không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam và FDI theo đuổi công nghệ lò điện hồ quang (Electric Arc Furnace - EAF). Hiện thép từ các nhà máy sử dụng công nghệ EAF chiếm 65% sản lượng cả nước. Năng lượng sử dụng trong công nghệ EAF chủ yếu là điện năng. Về tiêu hao năng lượng, cho thể chia làm 3 nhóm theo trình độ công nghệ. Với nhóm sử dụng công nghệ EAF tiên tiến, tiêu biểu là Pomina, Thép miền Nam, Vina Kyoei… mức tiêu hao năng lượng khoảng 380-400 kWh/tấn, tương đương với WBP (World Best Practice - Tiêu chuẩn thực hành tốt nhất thế giới). Với nhóm công nghệ trung bình, tiêu hao khoảng 500-600 kWh/tấn, gấp 1,2 -1,5 lần so với WBP. Và nhóm công nghệ lạc hậu, tiêu hao khoảng 650-750 kWh/tấn, gấp 1,5-1,8 lần WBP.

Với sản lượng chiếm tới 65%, năng lượng sử dụng chủ yếu là điện năng, đây là khu vực có tiềm năng nhất tiết kiệm năng lượng. Riêng với nhóm sử dụng công nghệ EAF trung bình và lạc hậu có cơ hội tiết kiệm điện năng lên tới 28%.

Đối với công nghệ lò điện cảm ứng (Induction Furnace - IF), để sản xuất được 1 tấn phôi thép bằng lò IF ở nước ta tiêu hao khoảng 600-800 kWh/tấn. Đây cũng là nhóm tiềm năng về tiết kiệm năng lượng, dù sản lượng từ công nghệ này chỉ chiếm dưới 10% tổng sản lượng thép cả nước.

Cùng với thay đổi công nghệ, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch hơn, một nguồn tiết kiệm năng lượng khác đến từ các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Điển hình như Hòa Phát đã đầu tư 4 tổ máy phát điện nhiệt dư với tổng công suất 60 MW, hoà cùng nguồn điện cấp cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương. Hiện tại, lượng phát điện có thể cung cấp được 1/3 lượng điện tiêu thụ của toàn Khu liên hợp, tức lượng điện phát ra sau khi trừ lượng tự dùng là khoảng 30 - 35 MW. Cũng để tiết kiệm năng lượng, Hòa Phát đã đưa vào sử dụng bộ tách ẩm không khí trước khi đưa vào lò cao nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu đốt ban đầu. Hệ thống tách khí ẩm này giúp giảm độ ẩm của không khí thông thường từ 18.6 g/Nm3 xuống còn 12.4 g/Nm3 và nhiên liệu đốt (than) nhờ đó giảm được 4 kg/tấn sản phẩm gang lỏng.

Tổng công ty Thép Việt Nam thì đầu tư chiều sâu cải tạo các thiết bị sẵn có, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến và tổ chức sắp xếp lại sản xuất để giảm tiêu hao năng lượng và tăng tính hiệu quả trong sản xuất thép như tăng công suất máy biến thế lò để rút ngắn thời gian nấu chảy và sử dụng nước làm mát tường lò và đỉnh lò; đầu tư thiết bị gia công phế thép để làm sạch sắt thép vụn, rút ngắn thời gian nạp liệu, giảm số lần ngừng lò và mở nắp lò, giảm tổn thất điện năng; sử dụng gang lỏng trong phối liệu; loại bỏ tất cả các lò điện có dung lượng nhỏ hơn 10 tấn, tổ chức sản xuất 2 ca, 10h/ca vào các giờ thấp điểm và bình thường, dành giờ cao điểm để kiểm tra bảo dưỡng thiết bị và chuẩn bị nguyên liệu… Những giải pháp này đã giúp giảm tiêu thụ điện năng gần 20%.

Không chỉ ở những công ty lớn, sẵn sàng chi tiền tỷ cho cải tiến công nghệ, ngay ở những doanh nghiệp bình thường như Công ty CP Gang thép Cao Bằng, chỉ bằng lòng say mê cũng đóng góp rất lớn vào tiết kiệm năng lượng. Cho đến đầu năm 2019 than cám 3A vẫn được dùng làm chất đốt mà khi sử dụng, nhiều hạt than 3A không cháy hết gây lãng phí. Trước thực tế đó, sau gần 1 tháng trăn trở, tìm tòi, các cán bộ Phòng Kỹ thuật Công ty đề xuất thử nghiệm loại than cốc bột, than cám 4A. Kết quả giảm tiêu hao nhiệt lượng, tiết kiệm cho công ty 30 tỷ đồng/năm.

Dưới góc độ quản lý nhà nước , Bộ Công Thương đã ban hành 7 thông tư quy định về định mức tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp trọng điểm như thép, hóa chất, sản xuất mía đường… Thời gian tới, Vụ TKNL và phát triển bền vững sẽ tiếp tục xây dựng, kiện toàn hệ thống quy chuẩn, các văn bản quy phạm pháp luật về định mức tiêu hao để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm cho những ngành công nghiệp trọng điểm. Qua đó, các ngành công nghiệp trọng điểm đều phải thực hiện những giải pháp về kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng và thực thi giải pháp TKNL.

Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng hệ thống đánh giá và giám sát toàn bộ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo địa phương, ngành và lĩnh vực. Song song với đó, xây dựng trung tâm dữ liệu đặt tại Bộ Công Thương. Trung tâm này sẽ giúp xác định đơn vị nào làm chưa tốt, các ngành có mức tiêu thụ công nghệ năng lượng/sản phẩm cao, lãng phí hay địa phương nào chưa thực hiện nghiêm…

Những giải pháp đồng bộ nêu trên là động lực mạnh mẽ khuyến khích các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành Thép hướng đến sử dụng những công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, chủ động cải tiến dây chuyền, thiết bị sao cho tiêu hao năng lượng một cách thấp nhất.

Trần Đình Viên