Phát triển công nghệ số và nhân lực công nghệ thông tin phục vụ xây dựng đô thị thông minh của Thành phố Hà Nội

TS. TRẦN ĐÌNH NAM1,2 (1 Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Bưu điện - 2 Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)

TÓM TẮT:

Xây dựng đô thị thông minh là xu hướng tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với cộng đồng kinh tế thế giới và khu vực, việc xây dựng đô thị thông minh cũng đang đặt ra hết sức cấp bách, đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong phạm vi nghiên cứu về Thành phố Hà Nội, xây dựng đô thị thông minh còn gắn liền với phát triển Chính phủ điện tử, kết nối với các hoạt động ngoại giao, chính trị, văn hóa, xã hội về mặt điện tử. Để xây dựng và vận hành đô thị thông minh, yêu cầu khách quan là phải phát triển nhân lực công nghệ thông tin cho cả nước, đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: phát triển nhân lực, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, Thành phố Hà Nội.

1. Một số quan điểm về yêu cầu về phát triển nhân lực công nghệ thông tin phục vụ xây dựng đô thị thông minh

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin là số lượng và chất lượng người làm công tác đào tạo về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; người chuyên nghiên cứu, quản lý, vận hành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và công nghiệp; nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đội ngũ cán bộ, viên chức và nhân viên sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ đất nước, kể cả hoạt động cá nhân tư nhân.

Phát triển nhân lực công nghệ thông tin là tổng thể các hoạt động nhằm xây dựng lực lượng chuyên gia, kỹ sư, chuyên viên và lao động công nghệ thông tin đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương nói riêng và của đất nước nói chung theo yêu cầu hội nhập và xu hướng công nghệ số của thế giới.

Trong một đô thị thông minh, mọi cư dân đều cần nắm được kiến thức về công nghệ thông tin ở một mức nào đó, dù ít hay nhiều. Từ những cư dân phổ thông nhất, có trình độ giáo dục thấp hoặc trung bình, cho đến những cư dân thuộc giới thượng lưu, với trình độ học vấn cao. Đó là góc nhìn đơn lẻ từ phía những cư dân sử dụng tiện ích của đô thị thông minh cho những sinh hoạt bình thường. Một góc nhìn khác, những tiện ích hiện hữu trong các đô thị thông minh mặc dù được trang bị bởi những công nghệ tiên tiến nhất, hiện đại nhất, nhưng không thể hoàn toàn tách khỏi sự vận hành, can thiệp của con người. Những con người trực tiếp vận hành hệ thống thông tin vừa đóng vai trò là cư dân của đô thị thông minh cũng vừa đóng vai trò nguồn nhân lực tiên quyết cho sự vận hành của đô thị. Những nhân lực công nghệ thông tin này cần một mức độ đào tạo chuyên sâu hơn hẳn so với những cư dân bình thường. Tuy nhiên, cả hai nhóm nhân lực công nghệ thông tin kể trên đều chỉ xuất hiện và đảm nhiệm chính thức vai trò sau khi đô thị thông minh đã được xây dựng xong và đi vào hoạt động ổn định. Đối với những đô thị thông minh còn đang trên ý tưởng, hoặc đang trong quá trình triển khai xây dựng, thiết lập, cần đến những nhân lực công nghệ thông tin ở cấp độ chuyên sâu hơn.

Từ những phân tích trên, thấy rằng có thể chia ra 3 cấp độ cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ cho mục tiêu xây dựng, vận hành đô thị thông minh, gắn liền với Thủ đô Hà Nội. Tạm coi các cư dân của đô thị thông minh là nguồn nhân lực cấp 1; các chuyên viên, kỹ thuật viên, nhân viên quản lý hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông của các đô thị thông minh là nguồn nhân lực cấp 2; và các chuyên gia cấp cao, những nhà quản lý đô thị thông minh, hoạch định công nghệ, những kiến trúc sư hệ thống thông tin thông minh của đô thị... Việc phân định 3 cấp độ của nguồn nhân lực công nghệ thông tin giúp việc xây dựng nguồn nhân lực hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm nhất đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh Hà Nội.

Nguồn lực công nghệ thông tin cấp chuyên gia thực hiện nhiệm vụ này sẽ tiết kiệm hơn hẳn so với con đường tự phát triển mô hình đô thị thông minh bắt đầu tư con số không. Dự kiến nhân lực công nghệ thông tin ở giai đoạn 2 và 3 không có nhiều sự khác biệt đáng kể so với các quốc gia đi trước. Giai đoạn tích hợp công nghệ, để tạo ra nguồn lực công nghệ thông tin phù hợp với yêu cầu một cách nhanh chóng nhất, chiến lược đã được đề xướng là liên kết đào tạo cả trong nước và liên kết với tổ chức quốc tế. Biện pháp sao chép công nghệ trực tiếp này giúp tạo ra lực lượng nhân lực công nghệ thông tin phù hợp nhất, với chi phí thấp nhất trong mục tiêu phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam.

Phát triển nguồn nhân lực ở các ngành, lĩnh vực khác nhau, nhưng đều chỉ ra rằng phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực công nghệ thông tin nói riêng được thực hiện chủ yếu thông qua các chính sách về sử dụng, chính sách đào tạo, điều kiện làm việc và chính sách đãi ngộ.

Hiện nay trên thế giới, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ và thông tin. Học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam rất nhiều trên con đường phát triển nhân lực công nghệ thông tin. Chính sách chi trả lương cao và tạo nhiều cơ hội việc làm đã giúp Hoa Kỳ thu hút lao động chất lượng cao và tạo động lực cho học sinh, sinh viên theo học ngành Công nghệ thông tin (CNTT).

2. Một số mục tiêu về phát triển công nghệ số của đô thi thông minh Thành phố Hà Nội

2.1. Mục tiêu chung

Hiện nay, TP. Hà Nội thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng. Thành phố Hà Nội cần nhanh chóng phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động hệ thống thông tin hiện đại, đồng bộ trong quản lý, điều hành ở tất cả các cấp. Đến năm 2024, Hà Nội cần phấn đấu 100% hồ sơ công việc tại cấp Thành phố, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Trên 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Thành phố. Đến năm 2024, Hà Nội cần hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố.

Đến năm 2024, Hà Nội cần phấn đấu cơ bản hoàn thành Chính quyền số Thành phố Hà Nội. Hà Nội phấn đấu tiếp tục giữ vững vị trí thuộc nhóm 3 địa phương đứng đầu cả nước về phát triển Chính quyền điện tử, xây dựng Chính quyền số. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; dữ liệu được chia sẻ rộng khắp (trừ những dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

2.2. Một số mục tiêu cụ thể

Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: Kinh tế số phát triển mạnh mẽ; phấn đấu giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP của Thành phố Hà Nội. Năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm. Hà Nội là Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.

Phát triển xã hội sốthu hẹp khoảng cách số: Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang toàn Thành phố, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.

Thành phố Hà Nội xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu thực hiện chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số với 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp tương ứng gồm: 1) Chuyển đổi nhận thức, 2) Kiến tạo thể chế, 3) Phát triển Hạ tầng và nền tảng số, 4) Thông tin và Dữ liệu số, 5) Hoạt động chuyển đổi số, 6) An toàn, an ninh mạng, 7) Đào tạo và phát triển nhân lực, cụ thể:

Về Chính quyền số, cần chuyển đổi nhận thức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về xây dựng Chính quyền số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính quyền số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và Thành phố về Chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số, từng bước nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố; tổ chức các hội thảo chuyên đề về Chính quyền số. Hàng năm, Thành phố tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số” để giới thiệu kết quả phát triển Chính quyền số và tôn vinh các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố có thành tích xuất sắc trong phát triển Chính quyền số.

Phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước của Thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; giữa các hội, hiệp hội công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố với hội, hiệp hội chuyên ngành trong các lĩnh vực khác để tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cần sớm ký ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng thành phố giai đoạn đến năm 2025. Kiện toàn Ban chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử Thành phố Hà Nội, bổ sung chức năng, nhiệm vụ về chuyển đổi số. Bổ sung chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức về chuyển đổi số cho Sở Thông tin và Truyền thông. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, thẩm quyền của Thành phố đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình phát triển Chính quyền số. Rà soát, ban hành các chính sách, quy định khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ Chính phủ số theo hướng dẫn.

Hà Nội cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn Thành phố phát triển các giải pháp công nghệ mới, như: trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR). Có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ manh các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển và khuyến khích các doanh nghiệp lớn, truyền thông đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ này vào hoạt động sản xuất, thương mại; Xây dựng hệ thống điện toán có năng lực đủ mạnh để xử lý, phân tích dữ liệu, huy động được sự tham gia của cộng đồng, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp cùng khai thác phục vụ phát triển hệ sinh thái sản phẩm sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tích cực tham gia các tổ chức quốc tế (Tổ chức các thành phổ thông minh thế giới - WEGO, Mạng lưới các thành phố thông minh bền vững ASEAN - ASCN) và chủ trì, dẫn dắt triển khai một số sáng kiến về chuyển đổi số.

Về phát triển Hạ tầng và nền tảng số. TP. Hà Nội cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng mạng đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền số của Thành phố, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của Thành phố, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số. Hoàn thành chuyển đổi sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (Ipv6). Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ điện toán đám mây (Cloud) với các mô hình triển khai và các loại hình dịch vụ cung cấp trên đám mây khác nhau, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước của Thành phố.

Cần sớm hình thành Trung tâm điều hành thông minh của Thành phố Hà Nội. Phát triển Trung tâm dữ liệu chính, Trung tâm dữ liệu dự phòng, hướng tới hình thành trung tâm tích hợp dữ liệu dùng chung của Thành phố.

Hà Nội cần sớm phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi, chuyên ngành của Thành phố và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài. Cần phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính quyền số gắn kết với phát triển Thành phố thông minh để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số.

Tất cả các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, hạ tầng giao thông, đô thị thông minh của TP. Hà Nội khi xây dựng phải có nội dung nghiên cứu, phân tích để xem xét, bổ sung hạng mục ứng dụng, kết nối mạng IoT, tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số. Các nội dung phát triển hạ tầng IoT phải bảo đảm hiệu quả, phát triển các hạ tầng dùng chung, tránh đầu tư trùng lặp. Cần trang bị, nâng cấp máy tính, các thiết bị đầu cuối phục vụ kịp thời các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước của Thành phố ở các cấp.

Hà Nội cần thúc đẩy, hỗ trợ cơ quan nhà nước thuộc thành phố chuyển đổi IPv6; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống CNTT, kết nối Internet, cổng thông tin điện tử các cơ quan nhà nước, cổng dịch vụ công trực tuyến Thành phố thống nhất, đồng bộ, hiện đại để đảm bảo an toàn thông tin, phát triển hạ tầng số, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp về nhu cầu truy cập, sử dụng dịch vụ cơ quan nhà nước qua IPv6. Hà Nội cần xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư phát triển các hệ thống này.

3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ xây dựng đô thị thông minh của Thành phố Hà Nội

Chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin là quan điểm, quyết sách, quyết định chính trị có liên quan của Chính quyền Hà Nội với mục tiêu giải pháp, lộ trình phát triển phù hợp nhằm xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin có cơ cấu, số lượng, chất lượng hợp lý, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu xây dựng đô thị thông minh. Theo đó, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần có những giải pháp cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Một là, nghiên cứu, xây dựng, ban hành sớm cơ chế ưu đãi, chế độ đặc thù nhằm thu hút các chuyên gia công nghệ giỏi; nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng mức lương, phụ cấp hợp lý đối với đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin nhằm tạo động lực cho nhân lực chất lượng cao yên tâm và nỗ lực cống hiến. Cần nghiên cứu cơ chế đặc thù để tuyển dụng nhân lực CNTT chất lượng cao cho các vị trí then chốt trong các sở, ban, ngành của Thành phố. Đặc biệt chú trọng đến đội ngũ công chức của Sở Thông tin và Truyền thông. Đây là đội ngũ cốt lõi phục vụ quản lý nhà nước khi phát triển thành phố thông minh.

Hai là, thu hút nhân lực CNTT trình độ cao từ nước ngoài thông qua việc nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy phép lao động; Phát triển các mạng lưới kết nối nhân tài người Hà Nội, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; Đưa người Hà Nội vào làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ngoài, sau đó trở về nước làm việc.

Ba là, đẩy mạnh công tác tạo động lực thông qua cơ hội thăng tiến trong công việc. Mạnh dạn sử dụng, giao trọng trách, nhiệm vụ lớn và tạo điều kiện để nhân lực thử thách trong môi trường sáng tạo và đem sức lực, trí tuệ cống hiến cao nhất, tốt nhất, tương xứng với tài năng của mình. Các nhà khoa học hàng đầu nếu được bổ nhiệm các chức vụ quản lý đơn vị chuyên môn sẽ phát huy được tài năng tốt nhất. Những nhà khoa học có năng lực nổi bật về lãnh đạo nếu được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, tổ chức sẽ không chỉ phát triển đơn vị và còn giúp ngành CNTT phát triển lớn mạnh.

Bốn là, nhân lực CNTT cần được ưu đãi đặc biệt về điều kiện làm việc (như phòng thí nghiệm, thư viện, internet, phương tiện đi lại,…), được đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm hiện đại hoặc được sử dụng miễn phí các phòng thí nghiệm trọng điểm của Hà Nội.

Năm là, ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, huy động ngân sách của Hà Nội, các nguồn lực xã hội để sớm thực hiện chính sách đãi ngộ dành cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2012). Văn bản số 263/BTTTT-UDCNTT về việc kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý công nghệ thông tin tại địa phương, ban hành ngày 4 tháng 2 năm 2012.
  2. Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (2021). Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, bài học cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Tổng luận khoa học công nghệ kinh tế, Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia, số 5-2021.
  3. Quốc hội (2008). Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12, ban hành ngày 13 tháng 11 năm 2008.
  4. Quốc hội (2006). Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11, ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2006.
  5. Wojcieh Kozlowski, Kacper Suwar (2021). Smart city: Difinitions, Dimensions, and Initiatives. European Research Studies Journal, 0(Special 3), 509-520.

Developing digital technology and information technology human resources for the development of smart cities in Hanoi

Ph.D Tran Dinh Nam

Deputy Director, Economics Institute off Posts and Telecomunications

Posts and Telecomunications Institute of Technology

Abstract:

Building smart cities is an inevitable trend that is taking place strongly in the world. Vietnam is integrating deeply with the world and regional economic community, the development of smart cities is considered an urgent task for cities in Vietnam, especially in Hanoi and Ho Chi Minh City. Within the scope of research on Hanoi City, building a smart city is also associated with the development of e-Government which connect diplomatic, political, cultural and social activities electronically. To build and operate a smart city, an objective requirement is to develop information technology human resources for the whole country, especially Hanoi and Ho Chi Minh City.

Keywords: human resource development, information technology, smart city, Hanoi city.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]