Phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách

Sáng ngày 16/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách”.

Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Hiển – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Năm 2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hiện nay, Ban Kinh tế Trung ương đang cùng các cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

TS Nguyễn Đức Hiển – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về "Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đề ra nhiệm vụ xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có những cơ hội lớn nhưng đang đối diện những bài toán lớn như: Tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ; nguồn vốn lớn và dài hạn; việc thể chế hóa và cụ thể hóa yêu cầu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi nêu tại Nghị quyết 55 được các cấp có thẩm quyền triển khai còn chậm, kết quả còn hạn chế.

Nhiều vấn đề lớn đặt ra cần phải làm rõ như về quy hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, quy định cho thuê, cấp phép, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định vận hành, cơ chế giá điện và hợp đồng mua bán điện và các quy định về vận hành hệ thống điện, hệ thống cảng biển, phát triển chuỗi cung ứng…

Từ thực tế phát triển điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới ở Việt Nam, đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia đã có kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi như Đan Mạch rất có giá trị đối với Việt Nam.

"Việc tổ chức Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch năng lượng theo yêu cầu của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết.

Cũng tại Hội thảo, TS Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, tiềm năng nhu cầu phát triển điện gió trong đó có điện gió ngoài khơi tại các vùng biển của Việt Nam là rất lớn. Để thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

"Về công tác lập pháp, trong nhiệm kỳ đã, đang, sẽ đánh giá, rà soát và xem xét việc sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực năng lượng như: Luật Điện lực, Luật sử dụng năng lượng tiết liệm và hiệu quả, các Luật liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)”-TS Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz cho biết: sự ủng hộ và đồng hành của Đan Mạch với Việt Nam trong việc chuyển đổi xanh của ngành năng lượng

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz đánh giá: "Điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam: Một cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz

Ông Henrik Scheinemann, Đồng Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Copenhagen Offshore Partners (CIP) chia sẻ: "Điều quan trọng là Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường đã phát triển và có các thành tích tốt để chọn cho mình một mô hình điện gió ngoài khơi phù hợp với nhu cầu và kỹ năng của đất nước". Đồng thời cam kết Tập đoàn CIP sẽ hỗ trợ Việt Nam trên hành trình lâu dài này.

Tại Hội thảo, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), cũng chia sẻ về các thông lệ quốc tế trong một nghiên cứu điển hình về các dự án điện gió ngoài khơi ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Trong đó, Ông Mark Hutchinson đề cập tới thực hiện cơ chế thí điểm và cơ chế đấu thầu dự án phải được phát triển song song, đảm bảo cho mục tiêu đạt 7GW đến năm 2030. Cơ chế phát triển nhanh nâng cao chuỗi cung ứng, năng lực doanh nghiệp trong nước.

Hội thảo gồm 05 báo cáo chính từ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học quốc tế có kinh nghiệm. Các báo cáo chính đã tập trung phân tích, trình bày tổng quan quá trình phát triển điện gió ngoài khơi toàn cầu và những điều kiện cần để khởi động các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam cũng như kinh nghiệm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại một số nước, như: Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan..., các cơ chế thi điểm, cơ chế đặc biệt cho các dự án phát triển điện gió ngoài khơi và gợi ý chính sách cho Việt Nam, khai thác nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi để bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải.

Toàn cảnh Hội thảo

Bên cạnh các báo cáo chính, Hội thảo còn có phiên trao đổi, thảo luận để đại diện các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và các đại biểu trao đổi kinh nghiệm liên quan đến những thách thức và cơ hội lớn cho phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam như: Cơ chế cấp phép cho hoạt động khảo sát điện gió ngoài khơi hiện nay và trong thời gian tới, cơ chế lựa chọn các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi…

Thăng Long