Phú Thọ: 6 tháng đầu năm ngành công nghiệp tăng nhưng xuất khẩu giảm

Theo cáo cáo của Sở Công Thương Phú Thọ, trong 6 tháng đầu năm 2023, các chỉ số về sản xuất công nghiệp, thương mại đều tăng, tuy nhiên hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn, giá trị xuất, nhập khẩu giảm so cùng kỳ.

Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp – xây dựng đạt 9.706,6 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng so cùng kỳ đạt 10,87% (So với Kế hoạch năm 2023 đạt 47,5% KH). Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 39,29% (cùng kỳ 38,55%).

Trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng 10,11% (nằm trong nhóm 10/63 tỉnh, thành có tốc độ tăng cao); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 15,3% so cùng kỳ, có 4/4 ngành công nghiệp tăng khá, trong đó: Chế biến, chế tạo tăng 15,3% (cùng kỳ tăng 12,4%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18,1% (cùng kỳ tăng 15,5%); khai khoáng tăng 26,9%.

Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 07/18 ngành cấp II tăng so cùng kỳ (sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 34,9%- nhờ đóng góp chủ yếu năng lực mới của Công ty điện tử BYD; sản xuất thiết bị điện tăng 60,3% v.v...).

ngành công nghiệp
Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm giảm 24,3%

Mặc dù một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên, do khó khăn trong tiêu thụ, thiếu đơn hàng, nhiều ngành hàng truyền thống, sản phẩm chủ lực giảm sâu so cùng kỳ như: Quần áo trang phục giảm 18,5%; dệt giảm 13,9%; da và các sản phẩm có liên quan giảm 14,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 25,2%; chế biến thực phẩm giảm 24,3%; đồ uống giảm 23,2%; In, sao chép bản ghi các loại giảm 14,1%; gạch các loại, xi măng lượng hàng tồn kho lớn....

Đối với hoạt động thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 24.419,2 tỷ đồng, tăng 18,4% so cùng kỳ (trong đó doanh thu bán lẻ đạt 19.932,6 tỷ đồng, tăng 14,2%). So với kế hoạch năm 2023 đạt 48% (KH đề ra là 50.700 tỷ đồng). Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng ước tăng 3,0%. Hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn, giá trị xuất, nhập khẩu giảm so cùng kỳ (xuất khẩu đạt 5.050 triệu USD, bằng 82,5%, nhập khẩu đạt 3.742 triệu USD, bằng 66,2% so cùng kỳ).

ngành công nghiệp
Phú Thọ 6 tháng đầu năm các chỉ tiêu ngành công nghiệp tăng

Nguyên nhân hoạt động xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ chủ yếu phụ thuộc vào khu vực FDI. Công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư chưa được triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khách quan do diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình an ninh chính trị thế giới; kinh tế thế giới phục hồi chậm, lạm phát, lãi suất ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, sự thiếu đồng bộ trong một số quy định của chính sách.

Để hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu được giao để hoàn thành kế hoạch năm 2023, ngành Công Thương Phú Thọ đã đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể trong 6 tháng cuối năm như sau:

Tiếp tục triển khai quyết liệt cải cách hành chính, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư. Tập trung nâng cao chất lượng, dịch vụ hành chính công; Rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành gây phiền hà, tốn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân;

ngành công nghiệp
Rà soát, kiến nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ngành gây phiền hà, tốn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy SXKD cho các doanh nghiệp; Thu hút phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; ưu tiên phát triển những sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường. Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến và một số ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh và gia tăng kim ngạch xuất khẩu;

Tăng cường công tác dự báo thị trường, công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và lợi thế của tỉnh; Thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu.Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu áp dụng các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thị trường, giá cả, chống đầu cơ, găm hàng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chỉ tiêu cụ thể 6 tháng cuối năm 2023: Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp - xây dựng (giá SS 2010) phấn đấu đạt 10.733,4 tỷ đồng để cả năm đạt trên 20.440 tỷ đồng (trong đó CN đạt trên 15.100 tỷ đồng)Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 26.330 tỷ đồng để cả năm đạt trên 50.700  tỷ đồng.Xuất khẩu ước đạt 10.390 triệu USD để cả năm đạt trên 15.000 triệu USD.Nhập khẩu ước đạt 9.853 triệu USD để cả năm đạt trên 13.000 triệu USD.

Nguyên Vỵ