Phương pháp nghiên cứu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp

NGUYỄN THANH PHONG - NGUYỄN PHƯỢNG LÊ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam)

TÓM TẮT:

Ở Việt Nam hiện nay, việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất (TCSX) là yêu cầu đặt ra có tính cấp thiết đối với ngành Nông nghiệp. Theo đó, các ngành có liên quan và các chính quyền địa phương cần tập trung nhân rộng các hình thức TCSX phù hợp và hiệu quả. Các hình thức TCSX phổ biến gồm: hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Bài viết chỉ ra thực trạng và một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi các hình thức TCSX trong nông nghiệp ở Việt Nam.

Từ khóa: phát triển, hình thức tổ chức sản xuất, nông nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, việc TCSX trong nông nghiệp là vấn đề quan trọng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm [8]. Cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện tiêu chí số 13 - hình thức TCSX. Đây được xem là tiêu chí quan trọng nhằm định hướng, hỗ trợ cho người dân phát triển hình thức sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị kinh tế [6]. Đổi mới các hình thức TCSX, là mục tiêu trọng tâm đặt ra đối với ngành Nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, chất lượng cao. Đẩy mạnh việc kêu gọi doanh nghiệp, HTX tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nông nghiệp, nhất là tại các vùng sản xuất tập trung như: vùng lúa chất lượng cao, vùng nguyên liệu mía, cây ăn trái, rau màu,… Các hình thức TCSX hiệu quả luôn được tổng kết, đánh giá và nhân rộng, như: kinh tế hộ, kinh tế tập thể, HTX, các hình thức hợp tác, liên kết doanh nghiệp được đánh giá là mô hình tổ chức khá hiệu quả hiện nay. Trong phạm vi nghiên cứu, bài viết tập trung thảo luận phương pháp luận về phát triển các hình thức TCSX trong nông nghiệp.

2. Bản chất phát triển hình thức TCSX trong nông nghiệp

TCSX trong nông nghiệp là việc phối hợp các nguồn lực, điều kiện của sản xuất nông nghiệp thông qua việc thiết lập các hình thức kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của sản xuất nông nghiệp. Do đó, phát triển TCSX trong nông nghiệp, chính là phát triển các hình thức TCSX phù hợp với quy mô và trình độ TCSX nông nghiệp, nhằm không chỉ tạo ra sản lượng cao, mà còn đem lại giá trị kinh tế cao của nông sản sản xuất ra. Ngoài ra, phát triển các hình thức liên kết kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cũng là một trong những nội dung quan trọng của phát triển TCSX trong nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển các hình thức TCSX trong nông nghiệp là phát triển các hình thức TCSX phù hợp với quy mô và trình độ TCSX nông nghiệp nhằm không chỉ tạo ra sản lượng cao, mà còn đem lại giá trị kinh tế cao cho nông sản. Phát triển các hình thức liên kết kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cũng là một trong những nội dung quan trọng của phát triển hình thức TCSX trong nông nghiệp.

Hiện nay ở khu vực nông thôn đang có rất nhiều hình thức sản xuất trong nông nghiệp, tuy nhiên, tập trung ở một số mô hình TCSX chính bao gồm:

Hộ nông dân: Trên thế giới, khái niệm “hộ” phổ biến được hiểu là một nhóm người cùng đóng góp các nguồn lực hoặc “ăn chung một nồi” [11]. Đơn giản hơn, một hộ được định nghĩa là có các thành viên sống và cùng nhau chia sẻ các hoạt động. Đó có thể là một gia đình nông dân hoặc một nhóm người có cùng mối quan hệ huyết thống hoặc không. Khái niệm hộ được sử dụng trong các cuộc điều tra lớn được định nghĩa là một hoặc một nhóm người ở chung tại một địa chỉ từ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng, tính từ thời điểm khảo sát và có chung quỹ thu chi [12]. Hộ nông dân có thể là một gia đình nông dân hoặc một nhóm người có cùng mối quan hệ huyết thống hoặc không cùng huyết thống cùng nhau chia sẻ các hoạt động nông nghiệp ở nông thôn.

HTX nông nghiệp: HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính trong phạm vi vốn điều lệ, vốn tích lũy và các nguồn vốn khác của HTX theo quy định của pháp luật [14].

Tổ hợp tác: Loại hình tổ hợp tác (hoặc nhóm sở thích) trong nông nghiệp, nông thôn ra đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng, một loại hình kinh tế hợp tác đơn giản. Đó là các tổ, hội nghề nghiệp hình thành trên cơ sở tự nguyện của các thành viên tự tham gia hoặc tự ra khỏi tổ, quản lý dân chủ, cùng có lợi. Mục đích là cộng tác, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, nhằm mục tiêu tối đa lợi nhuận của mỗi thành viên. Loại hình tổ hợp tác không có điều lệ, không có tư cách pháp nhân, quan hệ ràng buộc với nhau được xây dựng trên cơ sở tình cảm, tập quán, truyền thống cộng đồng, không mang tính chất pháp lý.

Kinh tế trang trại: Kinh tế trang trại là một trong những hình thức TCSX tiên tiến trong nông nghiệp, góp phần đánh thức tiềm năng đất đai nhiều địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân [8].

Doanh nghiệp nông nghiệp: Doanh nghiệp nông nghiệp là tổ chức kinh tế tham gia vào sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, tham gia toàn bộ vào thị trường đầu vào và đầu ra, được tổ chức và hoạt động phù hợp với Luật Doanh nghiệp mà Nhà nước ban hành. Khác với nông hộ và trang trại, doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở đăng ký kinh doanh, được tổ chức theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia toàn bộ vào thị trường đầu vào và đầu ra. Doanh nghiệp nông nghiệp có thể thuộc loại hình sở hữu tư nhân, nhà nước, tập thể hoặc có vốn đầu tư nước ngoài.

Liên kết kinh tế: Theo Key và Runsten (1999), “Liên kết kinh tế chỉ các tình huống khi mà các khu vực khác nhau của một nền kinh tế thường là khu vực công nghiệp và nông nghiệp hoạt động phối hợp với nhau một cách có hiệu quả và phụ thuộc lẫn nhau, là một yếu tố của quá trình phát triển. Điều kiện này thường đi kèm với sự tăng trưởng bền vững” [7].

Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là cách thức tổ chức phân công lao động xã hội, trong đó các hộ, các doanh nghiệp phối hợp, gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau thông qua các cam kết, các thỏa thuận về điều kiện sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nhằm đem lại lợi ích cho các bên [5].

Vùng chuyên canh (cánh đồng lớn): Vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung: Là vùng sản xuất tập trung một hay một nhóm sản phẩm nông nghiệp cùng loại có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của mỗi địa phương, tuân thủ các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp [2].

3. Phương pháp tiếp cận nghiên cứu phát triển các hình thức TCSX trong nông nghiệp

Tiếp cận hệ thống: Tiếp cận hệ thống nhấn mạnh vào việc xác định và mô tả mối liên kết giữa các yếu tố cấu tạo nên hệ thống và tương tác giữa chúng [10]. Trong nghiên cứu này, mỗi hình thức liên kết được xem xét như một hệ thống và tiếp cận hệ thống được sử dụng trong việc đánh giá các yếu tố bên trong hệ thống và các yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng đến hệ thống. Các yếu tố bên trong hệ thống liên kết tiêu thụ sản phẩm ở nông thôn bao gồm các tác nhân tham gia liên kết, các nội dung liên kết, các phương thức liên kết và kết quả thực hiện liên kết. Các yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng đến các hình thức liên kết bao gồm các yếu tố thuộc về chủ thể liên kết trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ở nông thôn như chính sách, điều kiện cơ sở hạ tầng, thị trường tiêu thụ sản phẩm,...

Như vậy, tiếp cận dựa trên thành tố và tiếp cận dựa trên tổng thể, các yếu tố đầu ra và đầu vào có ảnh hưởng đến phát triển các hình thức TCSX trong nông nghiệp được đặt trong một hệ thống các yếu tố có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau.

Tiếp cận có sự tham gia: Tham gia được coi vừa là mục đích vừa là phương tiện, vì nó xây dựng kỹ năng và nâng cao năng lực hành động của người dân trong việc giải quyết các vấn đề và cải thiện cuộc sống của họ, đóng góp cho các chính sách phát triển tốt hơn [15]. Tham gia là một quá trình mà thông qua đó các tác nhân có liên quan sẽ tạo ảnh hưởng và chia sẻ quyền quyết định trong quản lý các nguồn lực, thực hiện các hoạt động hay các sáng kiến được đề xuất từ quá trình tham gia đó. Sự tham gia của các bên liên quan có vai trò thúc đẩy quản trị tốt, tinh thần công dân và trách nhiệm giải trình, thúc đẩy tính đổi mới, sáng tạo, tính trách nhiệm và tính bền vững, trực tiếp gắn với kết quả phát triển [1].

Cách tiếp cận có sự tham gia được sử dụng trong suốt quá trình nghiên cứu để thu thập thông tin và ý kiến đánh giá của các tác nhân cũng như những ý kiến đề xuất nhằm hoàn thiện và tăng cường các mô hình hợp tác tại nông thôn. Các tác nhân được tham vấn trong quá trình nghiên cứu bao gồm các tác nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hình thức hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa ở nông thôn như các hộ nông dân, hộ tiểu thủ công nghiệp, hộ kinh doanh, trang trại trồng trọt, trang trại chăn nuôi, HTX và tổ hợp tác, doanh nghiệp.

Tiếp cận hai khu vực kinh tế: Nhìn tổng thể nền kinh tế được chia thành hai khu vực cơ bản: kinh tế công và kinh tế tư nhân. Trong cơ chế thị trường, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào quyết định: Sản xuất ra cái gì? Sản xuất như thế nào? Những quyết định này thường do tư nhân đảm nhiệm. Khu vực kinh tế tư nhân bao gồm các hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp,... sẽ quyết định cơ cấu sản xuất - kinh doanh của mình theo tín hiệu thị trường. Khu vực kinh tế công sẽ can thiệp vào các lĩnh vực đầu tư công như phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực, đào tạo, chuyển giao,... để hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển [4].

Theo quan điểm phát triển của hai khu vực, để phát triển các hình thức TCSX, nhất là trên địa bàn các huyện, chiến lược đầu tư công cần tập trung vào các lĩnh vực sau đây: 1) Phát triển cơ sở hạ tầng (điện, giao thông, thủy lợi,); 2) Phát triển nhân lực và khuyến nông; 3) Cung cấp thông tin thị trường và công nghệ. Do đó, cần xác định rõ vai trò của quản lý nhà nước, các chính sách phát triển các hình thức TCSX cần tập trung vào đầu tư công, tạo môi trường thuận lợi để cho các hình thức phát triển.

Tiếp cận theo loại hình TCSX: Các loại hình TCSX trong nông nghiệp bao gồm nhiều loại với các nội dung khác nhau, như: hộ nông dân, trang trại, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp, liên kết nông dân - doanh nghiệp, khu sản xuất tập trung. Nghiên cứu phát triển các loại hình TCSX trong nông nghiệp được nhìn nhận theo các loại hình và phân tích tìm ra loại hình tổ chức hiệu quả nhất tương ứng với những điều kiện và cách thức thực hiện khác nhau. Tiếp cận theo loại hình tổ chức trong sản xuất nông nghiệp giúp nghiên cứu phát hiện những khó khăn, thuận lợi trong thực hiện phát triển các loại hình TCSX trong nông nghiệp và đề xuất hiệu quả theo loại.

Tiếp cận theo chuỗi giá trị: Khái niệm về Value Chain (Chuỗi giá trị) lần đầu tiên được đưa ra bởi Michael Porter (1985) [13]. Theo ý kiến của Poter, có hai bước chính trong việc phân tích chuỗi giá trị, bao gồm: Xác định từng hoạt động riêng lẻ trong tổ chức; Phân tích giá trị tăng thêm trong mỗi hoạt động và liên hệ nó với sức mạnh cạnh tranh trong các hình thức TCSX. Trong nghiên cứu này, loại hình doanh nghiệp và liên kết giữa hộ dân, HTX, trang trại với doanh nghiệp là một trong những vấn đề cần xem xét trên khía cạnh chuỗi giá trị.

Dựa vào mục tiêu nghiên cứu, tổng quan tài liệu nghiên cứu và các phương pháp tiếp cận phân tích trên đây, đề tài dự kiến khung phân tích ở Sơ đồ 1.

Sơ đồ 1: Khung phân tích

Khung phân tích

Nguồn: Tổng hợp của tác giả, 2020

Phương pháp phân tích: Nghiên cứu kết hợp cách tiếp cận kinh tế với các cách tiếp cận phi kinh tế khác nhằm phân tích, đánh giá thực trạng phát triển các hình thức TCSX ở các điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Phương pháp phân tích sử dụng cho nghiên cứu phát triển các hình thức TCSX trong nông nghiệp là các phương pháp truyền thống về định tính và định lượng.

Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng nhằm phân tích tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, huyện, tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm trong các mô hình liên kết của các nhóm đối tượng điều tra, các ý kiến đánh giá về các hình thức liên kết trong tiêu thụ nông sản của hộ.

Phương pháp phân tích so sánh được sử dụng để đánh giá sự biến động về tình hình biến động đất đai, dân số, lao động, kết quả sản xuất - kinh doanh của tỉnh và các huyện khảo sát qua các năm, đánh giá sự phát triển của các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm của các đối tượng liên quan trong thời gian qua. Đồng thời còn phân tích so sánh giữa các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm của các đối tượng ở các khía cạnh khác nhau như về tác nhân tham gia liên kết, về cơ chế nội dung liên kết, về phương thức liên kết, kết quả thực hiện liên kết để. Qua đó đã chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm của từng hình thức liên kết trong tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức kinh tế trong tỉnh nói chung và các huyện khảo sát nói riêng hiện nay.

Phương pháp phân tích SWOT được sử dụng để phân tích và chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu trong các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm ở các huyện nghiên cứu, bao gồm những điểm mạnh, điểm yếu trong sản xuất các sản phẩm của các nhóm đối tượng, trong việc chấp hành các cam kết của hợp đồng liên kết của các nhóm đối tượng, cũng như các điểm mạnh, yếu của các tác nhân tham gia liên kết tiêu thụ nông sản phẩm như doanh nghiệp sản xuất chế biến, HTX, trang trại,… Phương pháp SWOT cũng được sử dụng nhằm phân tích và chỉ ra những cơ hội, thách thức trong phát triển các hình thức liên kết tiêu thụ nông sản phẩm trong thời gian tới, bao gồm các cơ hội và thách thức về thị trường tiêu thụ sản phẩm, môi trường chính sách có liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản phẩm, về tiến bộ khoa học công nghệ.

Phân tích mạng lưới xã hội được sử dụng để thiết lập bản đồ và định lượng sự tham gia, sự liên quan liên kết và ảnh hưởng, tầm quan trọng của các bên liên quan bao gồm các cá nhân, cơ quan ban ngành các cấp trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển các hình thức TCSX [9]. Nghiên cứu thực hiện hai chỉ tiêu phân tích mạng lưới xã hội để đo lường mật độ liên kết và đo lường tầm quan trọng, ảnh hưởng của các tác nhân trong hệ thống, bộ máy thực hiện chính sách từ cấp trung ương đến cấp địa phương.

4. Kết luận

Nghiên cứu phát triển các hình thức TCSX trong nông nghiệp là cần thiết. Bản chất của phát triển các hình thức TCSX trong nông nghiệp là phát triển các hình thức TCSX phù hợp với quy mô và trình độ nhằm tạo ra sản lượng cao, đem lại giá trị kinh tế cao của nông sản sản xuất ra bao gồm các hình thức như hộ nông dân, trang trại, HTX, doanh nghiệp, doanh nghiệp liên kết. Cần xác định rõ và kết hợp các phương pháp tiếp cận và phương pháp phân tích khi nghiên cứu phát triển các hình thức TCSX trong nông nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. ADB. (2008). Strategy 2020: The Long-Term Strategic Framework of the Asian 2008 - 2020. [Online] Available at https://www.adb.org/sites/default/files/institutional-document/32121/strategy2020-board-doc.pdf
  2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (2014). Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 về hướng dẫn thực hiện một số điều tại quyết định số 62/2013/QĐ-TTG ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
  3. Đặng Kim Khôi & Trần Công Thắng (2019). Bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập (1990 - 2018). NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
  4. Đỗ Kim Chung và cộng sự (2009). Giáo trình Nguyên lý kinh tế nông nghiệp, NXB Nông nghiệp Hà Nội.
  5. Hồ Thanh Thủy (2017). Vai trò của liên kết trong sản xuất nông sản. Tạp chí Giáo dục lý luận, 269+270, 36-40.
  6. Hương Hạnh, T. T. (2018). Phát triển hình thức tổ chức sản xuất ở các xã nông thôn mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa. Truy cập tại: https://truyenhinhthanhhoa.vn/kinh-te/201812/phat-trien-hinh-thuc-to-chuc-san-xuat-o-cac-xa-nong-thon-moi-8166639/
  7. Key, N and D, Runsten (1999). Contract Farming, Smallholders, and Rural Development in Latin America: The Organization of Agroprocessing Firms and the Scale of Outgrower Production. World Development, 27(2), 381-401.
  8. Lê Anh, (2017). Phát triển kinh tế trang trại bền vững: Giải quyết tốt vốn và đất đai. Truy cập tại https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-trang-trai-ben-vung-giai-quyet-tot-von-va-dat-dai-446816.html
  9. Lê Minh Tiến, (2006). Tổng quan phương pháp phân tích mạng lưới xã hội trong nghiên cứu xã hội. Tạp chí Khoa học Xã hội, 09, 66-77.
  10. Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu, (2009). Môi trường và phát triển bền vững. NXB Giáo dục Hà Nội.
  11. OECD (2001). Handbook of Household Surveys, Revised Edition, Studies in Methods, Series F, No. 31, United Nations, New York, para. 13.15
  12. Phạm Vân Đình, Đỗ Kim Chung và cộng sự (1997). Giáo trình Kinh tế nông nghiệp. NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
  13. Porter, M. E. (1985). Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance. New York: Simon and Schuster.
  14. Quốc hội, (2012), Luật số 23/2012/QH13: Luật Hợp tác xã.
  15. UNDP-UNCDF-CIDA. (2000). Institutionalizing Participation: Lessons learnt and Implications for Strengthening Vietnams National Programs. Hanoi: UNDP. Manufactured in the United States of America.

RESEARCH METHODS IN DEVELOPING

THE AGRICULTURAL PRODUCTION ORGANIZATION FORMS

• NGUYEN THANH PHONG1

• NGUYEN PHUONG LE1

1Vietnam National University of Agriculture

ABSTRACT:

Currently, the renewal of production organization forms is the top goal of the agricultural sector in Vietnam. Accordingly, relevant industries and local governments will replicate appropriate and effective production organization forms in order to develop forms of cooperation, production - consumption linkage along the value chain. This paper presents the nature and some research methods to develop production organization forms in the agricultural sector.

Keywords: development, production organization form, agriculture.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5, tháng 3 năm 2022]