Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng hiện nay

ThS. TRIỆU THỊ CẨM NHUNG (Trường Chính trị Sóc Trăng)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu về ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Sóc Trăng đã huy động tốt nhất mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ về phương tiện, kỹ thuật, công nghệ hiện đại để hình thành nên những mô hình sản xuất có hiệu quả. Qua đó, đã xây dựng được thương hiệu hàng hóa sản phẩm chủ lực của địa phương, bước đầu tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm mới và mang lại giá trị kinh tế cao.

Từ khóa: nông nghiệp công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh Sóc Trăng.

1. Đặt vấn đề

Trước những thành tựu của việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012, Phê duyệt Chương trình quốc gia ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, nền nông nghiệp Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ mới: tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ngày 19/3/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 979/QĐ-BNN-KH về Kế hoạch xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030. Thực hiện Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến các sở, ban, ngành, địa phương; trên cơ sở Đề án số 04/ĐA-UBND ngày 25/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020. Việc ứng dụng công nghệ cao và an toàn trong nông nghiệp nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Riêng tỉnh Sóc Trăng vốn là một tỉnh nông nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo ra nhiều sản phẩm an toàn trên lúa, rau màu, cây ăn quả, gà, bò sữa, tôm. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh cũng còn nhiều mặt hạn chế, như: quy mô áp dụng chưa lớn, công nghệ áp dụng cũng chưa đồng bộ, cơ chế, chính sách chưa thật sự thu hút nhà đầu tư và nguồn ngân sách địa phương,… Những hạn chế này cần được nhìn nhận một cách toàn diện, để từ đó xác định đúng giải pháp then chốt tháo gỡ những khó khăn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh và góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2021 - 2025.

2. Đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay

Tại Việt Nam, thuật ngữ “nông nghiệp công nghệ cao” được sử dụng rộng rãi trong những năm gần đây. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ1. Bản chất của nông nghiệp công nghệ cao không chỉ được xem xét trên khía cạnh kinh tế, mà còn được xem xét ở khía cạnh xã hội - văn hóa và môi trường (hệ sinh thái của sản xuất nông nghiệp). Mục tiêu cuối cùng của phát triển nông nghiệp công nghệ cao là giải quyết mâu thuẫn giữa năng suất nông nghiệp hiện đang còn thấp, chất lượng sản phẩm kém, thâm dụng vốn và lao động, hiệu quả kinh tế thấp với nhu cầu năng suất và sản lượng chất lượng và hiệu quả cao; thực hiện tốt nhất sự phối hợp giữa con người và tài nguyên, tạo điều kiện phát huy cao nhất hiệu quả lợi thế về tài nguyên, hài hòa và thống nhất lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường.

Đối với bài viết này, tác giả chỉ tập trung đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020. Đồng thời tìm ra những giải pháp phù hợp giúp việc triển khai công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng đạt hiệu quả cao. Thời gian qua, quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Sóc Trăng đã bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Tính đến đầu năm 2020, tổng số diện tích đạt chứng nhận VietGAP 739,5 ha, trong đó: lúa 330,99 ha, màu 35,10 ha và cây ăn trái 373,41 ha. Toàn tỉnh có 1.588 ha thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó: lúa 1.225 ha; cây ăn trái 57 ha và rau màu 306 ha. Toàn tỉnh có 110 nhà lưới, nhà màng, với diện tích là 6,05 ha chuyên sản xuất các loại rau màu như rau ăn lá, hành hẹ,…; có 219 ha diện tích ứng dụng hệ thống tưới phun tự động, cây ăn trái 64 ha và rau màu 155 ha2. Kết quả công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp giảm chi phí lao động trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Cụ thể, tại các mô hình cây ăn trái, các mô hình giảm được khoảng 20 triệu đồng/ha, giúp giảm thời gian tưới trên một đơn vị diện tích (mô hình nông dân cần 4-5 giờ để thuê lao động tưới, trong mô hình ứng dụng tưới tự động chỉ cần 20 phút), giúp giải quyết được tình trạng khan hiếm lao động nông thôn hiện nay. Bên cạnh đó, phun thuốc bằng hệ thống tự động vừa nhanh và ít ảnh hưởng đến người phun thuốc.

Toàn tỉnh hiện có 8 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 6 trại gà với tổng đàn 300.000 con (áp dụng công nghệ dây truyền tự động của Ý và Đức bao gồm chuồng kín, tự động từ khâu cho ăn, uống nước, thu gom phân, thu gom và vệ sinh trứng, theo dõi bằng hệ thống máy tính kết nối với các camera quan sát), 1 trang trại nuôi heo và 1 trang trại nuôi bò (điều khiện nhiệt độ ẩm độ và hệ thống vắt sữa tự động). Đã triển khai 36 mô hình điểm chăn nuôi bò sữa an toàn sinh học. Thực hiện 5 hộ chăn nuôi bò thịt đạt chứng nhận VietGAP. Xây dựng 50 mô hình ủ rơm tạo ra sản lượng thức ăn khoảng 110 tấn; 271 mô hình ủ phân Compost sản lượng phân hữu cơ tạo ra ước đạt 813 tấn.

Hiện nay, Sóc Trăng có 6 doanh nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 886 ha, quy mô 30 tấn/ha bao gồm Sta 175 ha (Vĩnh Châu), Stapimex 33 ha (Trần Đề), Vina Clean Food 200 ha (Trần Đề), Khánh Sủng 130 ha (Trần Đề), Vĩnh Thuận 120 ha (Trần Đề) và Út Xi 29 ha (Trần Đề), Tân Nam Farm 160 ha, Green Farm 33ha, Khai Minh 6,2 ha, (Công nghệ sử dụng bao gồm: nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm 3 giai đoạn mật số cao, nuôi tuần hoàn, sử dụng thiết bị cho ăn tự động, quan trắc môi trường tự động, lót bạt đáy, che lưới lan, xi phong đáy tự động,…). Toàn tỉnh có 34 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản áp dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP) với diện tích 1.200 ha sản lượng khoảng 10.000 tấn. Trong đó, Công ty Fimex đang hình thành vùng dự án công nghệ cao với 250 dự án tại Vĩnh Châu và các công ty chế biến thủy sản (Công ty Khánh Sủng, Công ty Fimex VN, Công ty Stapimex, Công ty Vina Clean Food, Công ty Út Xi) thực hiện liên kết từ đầu vào chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hình thành vùng nuôi tôm khép kín với 460 ha nuôi tôm.

Về số lượng cơ sở được hỗ trợ chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến GMP có 7 cơ sở (loại hình sản xuất lạp xưởng, sơ chế thủy hải sản), HACCP có 5 cơ sở (loại hình sản xuất lạp xưởng, chế biến chả cá, sơ chế nguyên liệu thủy sản và chế biến rau củ quả), VietGAP có 2 cơ sở (loại hình trồng rau màu). Có 10 hợp tác xã/cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP,… tham gia chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm với tổng số 1.500.000 tem với 61 sản phẩm chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn như: chuỗi nấm linh chi, nấm bào ngư, dưa lưới, trứng gà, rau, củ, quả, hành tím, thịt tươi, tỏi, rau mầm, gạo, bưởi, nhãn, xoài, vú sữa tím, chả cá rô phi,… Kết quả triển khai các mô hình sản xuất an toàn đã giúp thay đổi tập quán sản xuất của nông dân theo hướng tiên tiến, hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất, góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng đạt an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt sau khi tạo ra sản phẩm an toàn, các hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm như hành tím theo hướng hữu cơ, rau an toàn trong nhà lưới tại thị xã Vĩnh Châu, vú sữa tím, bưởi Kế Sách, góp phần tạo đầu ra và tăng thu nhập cho người sản xuất.

Một số cơ sở tiêu biểu trong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất cụ thể, như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín ứng dụng dây chuyền công nghệ hiện đại khép kín trong sản xuất gạo từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm, phân phối và chi nhánh trang trại gà đẻ công nghệ cao. Công ty TNHH Dư Hoài ứng dụng công nghệ khép kín trong chăn nuôi, xử lý và đóng gói trứng sạch. Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Tân Huê Viên ứng dụng dây chuyền sản xuất tự động hóa khép kín trong sản xuất bánh pía, lạp xưởng…; Chi nhánh Công ty Cổ phần Thực phẩm An San, Công ty TNHH Sản xuất Nấm xuất khẩu Tư Thao Sóc Trăng và Công ty TNHH Thiên Vạn Tường ứng dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại trong chế biến nông sản đóng lon, cấp đông IQF góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị cao, thuận lợi cho bảo quản và tiêu thụ; Công ty TNHH Cẩm Thiều với nguồn nguyên liệu là mãng cầu thu mua từ vùng trồng được chứng nhận VietGAP, ứng dụng thiết bị nhà kín để phơi bán thành phẩm, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm điện tử hiện đại đã góp phần tạo ra sản phẩm trà mãng cầu uy tín, chất lượng và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, trong quản lý sản xuất tại địa phương đã áp dụng một số công nghệ như sau: Lắp đặt 4 bẫy đèn điện tử để thu thập tình hình di trú của sâu rầy phục vụ cho công tác dự báo sâu hại phục vụ cho công tác quản lý dịch hại trên cây trồng, 2 trạm quan trắc tự động để quản lý nước tại Thị trấn Kế Sách và xã Nhơn Mỹ huyện Kế Sách. Ứng dụng công nghệ Flycam trong quản lý và bảo vệ rừng, kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển. Thử nghiệm 2 mô hình tự động quản lý môi trường nước trong ao nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu và Cù Lao Dung. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã lắp đặt thí điểm 2 hệ thống quan trắc môi trường tự động điều khiển thông minh bằng điện thoại tại Cầu Trà Niên (Thị xã Vĩnh Châu) và Bến Phà Dù Tho (huyện Mỹ Xuyên), bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng nhìn chung, tình hình ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ mới bắt đầu ở các mô hình thí điểm, quy mô nhỏ, công nghệ áp dụng chưa đồng bộ. Cơ cấu kinh tế nông, thủy sản của tỉnh chuyển dịch chưa thực sự bền vững. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và yếu, trình độ sản xuất còn chênh lệch rất lớn giữa các cộng đồng dân cư và còn thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giá tiêu thụ nông sản trên thị trường còn nhiều biến động do chưa tạo được các sản phẩm nông, thủy sản hàng hóa có hàm lượng kỹ thuật tiên tiến, nên chưa phát huy ở mức cao các lợi thế về phát triển của tỉnh. Thu nhập của người dân nông thôn tăng chậm. Khả năng đầu tư của tỉnh có hạn, nội lực trong dân còn hạn chế, sức hút đầu tư bên ngoài mà nhất là đầu tư nước ngoài còn yếu. Sản xuất các ngành kém ổn định cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, chưa chủ động và an toàn trong canh tác, nhất là kiểm soát mặn và tưới, tiêu.

3. Một số giải pháp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian tới

Thực trạng ứng dụng công nghệ cao và an toàn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian qua là căn cứ quan trọng để Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2020 -2025: “… cơ cấu lại sản xuất theo hướng các ngành hàng chủ lực thủy sản, lúa đặc sản, cây ăn trái, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, hướng đến ứng dụng công nghệ cao, theo nhu cầu thị trường, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, liên kết tiêu thụ, chế biến xuất khẩu. Đẩy mạnh chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây, con có giá trị kinh tế”3. Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp của Tỉnh trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 – 2025, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, thúc đẩy việc tuyên truyền phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đối tượng thực hiện ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là nông dân và doanh nghiệp. Do đó, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giải pháp đầu tiên là nâng cao nhận thức của nông dân và doanh nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông bắt đầu từ việc củng cố mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư từ tỉnh xuống đến xã, phường và thị trấn. Phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, các trung tâm nghiên cứu trên cơ sở phát huy có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, phong phú hóa một cách thiết thực các hoạt động khuyến nông - khuyến ngư để người nông dân có thể tiếp nhận nhanh nhất, ứng dụng hiệu quả nhất các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, kích thích tính sáng tạo của người dân. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông dân và doanh nghiệp sẽ có những hành động phù hợp.

Thứ hai, Tỉnh cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các doanh nghiệp, công ty đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao trong nông nghiệp. Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và khuyến nông. Tăng cường tìm kiếm và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở xây dựng danh mục chương trình, dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài. Kêu gọi các dự án tài trợ từ các chính phủ và các tổ chức quốc tế cho lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất đối với vùng đồng bào dân tộc và bảo vệ tài nguyên môi trường của tỉnh.

Thứ ba, thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây được xem là trung tâm khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, là đầu tàu quan trọng để đưa kết quả ươm tạo, nghiên cứu vào sản xuất của tỉnh. Tại đây sẽ diễn ra những lớp đào tạo, chuyển giao công nghệ, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư để xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và cạnh tranh cao. Khi ứng dụng công nghệ cao, mô hình chuẩn vào sản xuất nông nghiệp, nơi đây sẽ tạo ra những sản phẩm chủ lực địa phương giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất loại hình công nghệ cao vào từng nhóm đối tượng, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng sản xuất.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp phải gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hình thành các hợp tác xã dịch vụ, gắn kết tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường thúc đẩy liên kết sản xuất trong nông nghiệp nhất là trong các hợp tác xã nhằm tạo điều kiện tăng nguồn lực tài chính để đầu tư công nghệ.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên lĩnh vực nông nghiệp qua đẩy mạnh công tác đào tạo bằng cách phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật của tỉnh, đi đôi với việc thực hiện tốt chính sách khuyến khích cán bộ có trình độ cao về công tác trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ.

4. Kết luận

Việc đẩy mạnh áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã làm cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi khá rõ rệt. Ngày càng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và phù hợp đặc điểm của từng địa phương, gắn với công nghiệp chế biến và nhu cầu thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ngành Nông nghiệp của Tỉnh có khả năng phát triển với quy mô lớn, tập trung các loại nông sản có lợi thế cạnh tranh cao. Người dân đã và đang tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập trên một đơn vị đất đai và thu nhập của nông hộ, từ đó cũng tăng động lực cho người nông dân không ngừng đổi mới sáng tạo trong sản xuất.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Lê Bá Tâm (2020). Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam (Trường hợp mô hình thực tiễn Lâm Đồng). Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, tr.9-10.

2 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng (2020). Báo cáo số 46/BC-SNN ngày 9/03/2020 về Kết quả ứng dụng công nghệ cao và an toàn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020, tr.2.

3 Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025. Công ty Cổ phần In Sóc Trăng, tr.103.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng (2020). Báo cáo số 46/BC-CCTTBVTV ngày 09/03/2020 về Kết quả ứng dụng công nghệ cao và an toàn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
  2. Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng (2020). Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025. Công ty Cổ phần In Sóc Trăng, Sóc Trăng.
  3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng (2020). Báo cáo số 438/BC-SNN ngày 16/10/2020 về Kết quả phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2012 - 2020.
  4. UBND tỉnh Sóc Trăng (2018). Báo cáo số 175/BC-UBND ngày 25/7/2018 về Sơ kết 3 năm (2016 - 2018) thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện giao đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
  5. UBND tỉnh Sóc Trăng (2014). Đề án 04/ĐA-UBND ngày 25/6/2014 về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát trển bền vững đến năm 2020.

 

PROMOTING THE DEVELOPMENT OF HIGH-TECH AGRICULTURAL PRODUCTION IN SOC TRANG PROVINCE

Master. TRIEU THI CAM NHUNG

Soc Trang Province School of Politics

ABSTRACT:

This paper presents how Soc Trang Province has restructured its agricultural sector in the direction of increasing added value of agricultural products and developing sustainably to cope with climate change. Soc Trang Province has mobilized effectively its social resources to develop morden, high-tech and effective agricultural production models. As a result, the province has built a good brand for its agricultural products, especially its main agricultural specialities, initially entering a new market with high economic value.

Keywords: high-tech agriculture, economic restructuring, Soc Trang province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 1, tháng 1 năm 2022]