Đoàn công tác nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 3110/QĐ-BCT ngày 30/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và Quyết định số 3376/QĐ-BCT ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024.
Tham gia đoàn công tác có đại diện Cục Điều tiết điện lực; đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương; đại diện Tổng công ty Điện lực TKV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT); Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1), Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0); Trung tâm điều độ Hệ thống điện miền Bắc (A1).
Đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất điện, sẵn sàng đáp ứng toàn bộ thời gian được huy động
Báo cáo của Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV tại buổi làm việc cho thấy, để chuẩn bị nhiên liệu cho sản xuất năm 2024, Tổng công ty Điện lực TKV đã ký các hợp đồng mua bán than phục vụ cho việc vận hành nhà máy nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn, Mạo Khê, Cẩm Phả, Sơn Động; đồng thời ký hợp đồng cung cấp đá vôi phục vụ sản xuất năm 2024 cho Na Dương.
Các hợp đồng đang triển khai theo đúng các nội dung, đáp ứng được đầy đủ nhiên liệu cung cấp cho duy trì vận hành nhà máy.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Nhiệt điện Na Dương không để xảy ra sự cố làm dừng máy, mà chỉ xảy ra tình trạng một số thời điểm phải giảm công suất tổ máy do sự cố thiết bị như bám dính than bunker, sự cố hệ thống thải xỉ đáy lò…
Về công tác chuẩn bị vật tư và triển khai sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, Công ty đã lập kế hoạch xây dựng chi tiết kế hoạch sửa chữa thường xuyên cho các quý, tháng trong năm 2024 theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được phê duyệt. Các thiết bị thuộc hệ thống Lò hơi, Tuabin và các thiết bị phụ, hệ thống xử lý than, đá vôi, hệ thống xử lý nước và hệ thống phòng cháy chữa cháy… trong dây chuyền công nghệ được luân phiên bảo dưỡng, sẵn sàng đáp ứng trong toàn bộ thời gian được huy động.
Đối với việc dừng bảo dưỡng tổ máy định kỳ năm 2024, Công ty đang trong giai đoạn chuẩn bị về vật tư cũng như nhân lực, sẵn sàng cho việc triển khai theo đúng kế hoạch và thời gian đã được phê duyệt theo Công văn số 4398/ĐĐQG-PT ngày 11/12/2023 của Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia về việc thông báo kế hoạch sửa chữa năm 2024 đã được phê duyệt đối với nhà máy nhiệt điện Na Dương.
Lãnh đạo Nhiệt điện Na Dương đề xuất với đoàn công tác một số kiến nghị liên quan đến việc phân bổ sản lượng hợp đồng đảm bảo ở mức công suất tối thiểu cho các tổ máy ở các thời điểm trong năm và vấn đề bãi chứa, xử lý tiêu thụ tro xỉ.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang đánh giá cao Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV thời gian qua đã hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu của điều độ quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống. Số giờ vận hành của các nhà máy khá cao, đặc biệt trong những thời gian nhu cầu phụ tải hệ thống khá thấp như tháng 2/2024 nhưng nhà máy vẫn nỗ lực huy động, tham gia phát điện.
Trong bối cảnh tình hình cung cấp điện được dự báo có nhiều khó khăn vào mùa khô nói riêng và cả năm 2024 nói chung, Phó Cục trưởng Trần Tuệ Quang đề nghị Công ty Nhiệt điện Na Dương TKV và Tổng công ty Điện lực TKV thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/2/2024 về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới; Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/12/2019 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện; cũng như các văn bản chỉ đạo thời gian qua, các kế hoạch vận hành hệ thống điện và biểu đồ cấp than đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2024;…
Trong đó, cần tiếp tục chỉ đạo công tác vận hành hiệu quả, chú trọng đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất điện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để duy trì hoạt động của nhà máy ổn định theo đúng quy định và huy động của điều độ quốc gia, qua đó phát hiện sớm nguy cơ và phòng ngừa sự cố có thể xảy ra hoặc có phương án kịp thời khắc phục.
“Đặc biệt đối với những sự cố đã xảy ra thời gian qua như sự cố thải xỉ hay sự cố bám dính than phải có phương án khắc phục, cố gắng giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố một lần nữa”, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh.
Về những khó khăn còn tồn tại trong quá trình hoạt động, đoàn công tác đề nghị Công ty có báo cáo cụ thể với Tổng công ty Điện lực TKV, phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia để có phương án giải quyết sớm và phù hợp. Nghiên cứu sử dụng các nguồn than linh động hơn, phù hợp với yêu cầu để đảm bảo than cho sản xuất điện. Phối hợp với các bên liên quan để sớm xây dựng kế hoạch thử nghiệm các đặc tính vận hành P-Q, khả năng phát vô công để đảm bảo hỗ trợ điện áp cho lưới điện khu vực.
Vận hành an toàn lưới truyền tải điện
Tại buổi làm việc ở Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa (Bắc Giang), ông Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3 cho biết, để đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã chỉ đạo quán triệt lực lượng vận hành thường xuyên, liên tục giám sát chặt chẽ tình trạng mang tải, tình trạng làm việc của các thiết bị đặc biệt là đối với TBA 500kV Hiệp Hòa, các đường dây 500kV, các trạm biến áp và đường dây đấu nối nguồn. Trên cơ sở phương thức vận hành tuần, tháng do các cấp điều độ lập, chủ động rà soát để nắm được kế hoạch vận hành và có phương án kiểm tra, tăng cường theo dõi thiết bị, đường dây vận hành đầy tải, quá tải.
Truyền tải điện Đông Bắc 3 cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện các văn bản của các cấp về đảm bảo vận hành an toàn, ngăn ngừa sự cố; hàng năm lập phương án ngăn ngừa sự cố đối với từng trạm biến áp, từng đường dây và triển khai thực hiện.
Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Hùng cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên phong trào chơi thả diều vẫn đang diễn ra phổ biến nguy cơ rất lớn cho sự vận hành an toàn lưới truyền tải điện. Diều thường có kích thước lớn 5-6m, thả cao đến hàng trăm mét khi đứt dây có thể bay xa 2-3km.
Để ngăn ngừa sự cố do diều, Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã thực hiện công tác tuyên truyền như phát tờ rơi và ký cam kết tại các trường học, các hộ dân sinh sống gần khu vực đường dây; tuyên truyền qua loa phát thanh, treo pano, cắm biển cảnh báo khu vực cấm thả diều; tổ chức các hội nghị tuyên truyền;… Đồng thời, tại các khu vực có phong trào người dân chơi thả diều phát triển mạnh, đã thành lập chốt kiểm tra, kiểm soát diều, hàng ngày kiểm tra dọc tuyến đường dây, khi phát hiện diều thả gần hành lang đường dây sẽ phối hợp cùng công an xã tuyên truyền thu hạ diều.
Bên cạnh đó, làm việc với UBND, Sở Công Thương, Công an các tỉnh để ra các văn bản chỉ đạo xuống các cấp địa phương phối hợp tuyên truyền và xử ly vi phạm do diều.
Ông Phạm Quang Hòa - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) thông tin thêm, để vận hành lưới điện Trung - Bắc nhằm đảm bảo cấp điện cho miền Bắc mùa khô năm 2024, PTC1 đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong đợt cắt điện cuối năm 2023 và đầu năm 2024 đường dây 500kV Vũng Áng - Hà Tĩnh - Nghi Sơn - Nho Quan - Thường Tín. Toàn bộ các vị trí xung yếu, đầu cực dao cách ly, lèo pooctic đầu trạm biến áp cung đoạn Trung - Bắc tại các TBA 500kV Vũng Áng, Hà Tĩnh, Nho Quan, Thường Tín đã được lắp bổ sung lèo phụ để tăng cường khả năng dẫn dòng và ngăn ngừa phát nhiệt.
Đối với mạch sa thải đặc biệt theo công suất chiều Bắc - Nam cung đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng/Vũng Ánh tại Hà Tĩnh và thiết lập mạch sa thải đặc biết đáp ứng yêu cầu dự phòng đúp trên lưới điện truyền tải theo cả 2 chiều Nam - Bắc, Bắc - Nam, PTC1 đã hoàn thành đưa vào vận hành vào ngày 6/1/2024.
Đối với dự án thay thế bộ phận dẫn dòng cho các dao cách ly tại TBA 500kV Nho Quan, Hà Tĩnh, Vũng Áng, dự kiến đầu tháng 4/2024 có vật tư thiết bị PTC1 sẽ thực hiện thay thế.
Liên quan đến các tụ bù dọc tại các TBA, công ty đã thực hiện lắp bổ sung khung định vị sứ xuyên của các tụ bù dọc. Đã thực hiện vệ sinh, kiểm tra siết chặt các đầu cốt, kiểm tra mạch dòng, thiết bị trên sàn tụ và tủ bảng nhất nhị thứ, cáp quang trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024, đến thời điểm hiện tại đảm bảo vận hành. Hiện tại PTC1 đang dự phòng 30 bình tụ (đã phối hợp NPTS kiểm tra, thí nghiệm đảm bảo sẵn sàng đưa vào vận hành khi cần thiết). Đang thực hiện mua sắm card PFOI và GFOI để phục vụ công tác vận hành.
Tuy nhiên, đại diện các đơn vị truyền tải cho rằng, còn nhiều khó khăn, vướng mắc như diễn biến phức tạp của thời tiết, thay đổi mật độ dân cư các khu vực có đường dây đi qua, nhu cầu điện gia tăng của nền kinh tế,… Từ đó, các bên đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện, góp phần đảm bảo cung ứng điện mùa khô và cả năm 2024.
Kết luận buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang nhấn mạnh lĩnh vực truyền tải điện, đặc biệt tại khu vực miền Bắc, có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong cân bằng cung - cầu, đảm bảo cung ứng điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đoàn công tác biểu dương PTC1 và Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã có những kế hoạch, phương án chuẩn bị cho đảm bảo cung ứng điện thời gian qua cũng như giai đoạn tới, đặc biệt trong mùa khô 2024.
Để tăng cường khả năng truyền tải và vận hành lưới điện ổn định, an toàn, Phó Cục trưởng Trần Tuệ Quang đề nghị PTC1 và Truyền tải điện Đông Bắc 3 lưu ý một số nội dung trong thời gian tới.
Thứ nhất, quán triệt tinh thần không để xảy ra sự cố, nâng cao kỷ luật vận hành của cán bộ, công nhân viên, phân quyền công tác giám sát.
Thứ hai, tăng cường công tác sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn đối với thiết bị truyền tải theo đúng quy định và đặc tĩnh kỹ thuật của nhà sản xuất; kiểm soát tình trạng vận hành của các thiết bị trong trạm biến áp, đặc biệt các máy biến áp, hệ thống giám sát hàm lượng khí trong dầu,… Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm khi có dấu hiệu bất thường để đưa ra kế hoạch và biện pháp ngăn ngừa sự cố có thể xảy ra.
Thứ ba, tiếp tục phát huy việc tăng cường khả năng dần dần ở các vị trí xung yếu, như lắp lèo phụ, tăng dòng định mức của dao cách ly,…
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và thực hiện các phương án dự phòng cụ thể, như phương án thiết bị dự phòng tại chỗ tại các điểm xung yếu, giúp giảm thời gian khắc phục khi xảy ra sự cố.
Thứ năm, tăng cường kiểm tra, đảm bảo việc vận hành hệ thống điện một chiều, rà soát hệ thống rơ le bảo vệ, phối hợp thời gian tác động rơ le tự động lại để đảm bảo tự động lại thành công,…
Thứ sáu, hoàn thiện hệ thống tụ bù ngang để đảm bảo có các thiết bị ổn định chất lượng điện áp ở trong khu vực, đặc biệt đối với các khu vực có thể xảy ra nguy cơ thiếu an toàn hành lang lưới điện.