Từ 3 thực trạng
Chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước xuyên suốt quá trình phát động, triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) là từng bước hình thành nền công nghiệp tự chủ, gắn phát triển công nghiệp với hình thành chuỗi cung ứng trong nước.
Xây dựng nền công nghiệp tự chủ cũng là một trong những định hướng mà Chính phủ đã xác định thông qua các mục tiêu cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011), lần thứ XII (năm 2016) và lần thứ XIII (năm 2021) nhằm “sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu” theo Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động.
Bài toán xây dựng nền công nghiệp tự chủ khá hóc búa trong giai đoạn đầu triển khai Cuộc vận động, khi sản xuất trong nước mới chiếm 30-50% nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa; khi nhiều nền tảng căn bản về quản trị và công nghệ đang còn hạn chế. Do đó, doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp FDI phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất. Các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử nhập khẩu từ 70% đến 90% linh kiện, nguyên phụ liệu.
Những hạn chế cụ thể trên xuất phát từ 3 tình trạng: Thứ nhất, công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hầu hết chưa làm chủ được công nghệ nguồn. Bên cạnh đó, các công nghệ rèn, dập, hàn, đúc, xử lý nhiệt, xử lý bề mặt, nhuộm, hoàn tất vải, thuộc da... là nền tảng cơ bản cho các hoạt động gia công, sản xuất cũng chưa phát triển. Thứ hai, khối doanh nghiệp FDI thường sử dụng nguồn nhân lực của Việt Nam ở các khâu gia công, lắp ráp nên lao động Việt Nam vẫn đứng bên lề trong làm chủ công nghệ. Thứ ba, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thường có rào cản gia nhập thị trường lớn. Đây là những rào cản của tự nhiên do đặc thù của ngành như đầu tư ban đầu lớn, thời gian quay vòng vốn dài; đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, sản xuất tác động lớn đến môi trường... khiến công nghiệp chế biến, chế tạo kém hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư của xã hội hơn các ngành kinh tế khác.
Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP
Cú hích mang tên “thị trường”
Với 3 thực trạng trên, việc xây dựng công nghiệp tự chủ rơi vào tình huống “con gà - quả trứng”: Vì hạn chế vốn và công nghệ, ít doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp chế biến chế tạo; vì không nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nên có những khoảng trống về công nghệ nguồn và công nghệ nền tảng.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đã chọn “thị trường” làm khâu đột phá, mà cú hích là xây dựng cơ chế đặt hàng sản xuất và mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng nội địa, đặc biệt với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Khởi đầu là thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau vào năm 2012. Sau một năm thực hiện, các thỏa thuận đã đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu thụ hàng hóa của các tập đoàn, tổng công ty với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng và góp phần giảm tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng như tăng thị phần trong nước của các tập đoàn, tổng công ty.
Những thành công bước đầu gợi mở cho nhiều đơn vị tiến tới hợp tác ở mức cao hơn: Hợp tác chiến lược. Điển hình như EVN, TKV và PVN ký thỏa thuận hợp tác chiến lược trên 6 lĩnh vực, bao gồm quy hoạch phát triển ngành; thực hiện các dự án đầu tư; đầu tư khai thác và vận chuyển than; vận hành các nhà máy điện; hợp tác sử dụng dịch vụ và hợp tác truyền thông.
Hợp tác sử dụng sản phẩm của nhau và hợp tác chiến lược từ các đơn vị trong Bộ Công Thương đã lan rộng sang các doanh nghiệp trong cả nước. Theo thống kê sơ bộ, tính từ năm 2020 đến nay, đã có gần 200 nghìn dự án, công trình thuộc các doanh nghiệp, đơn vị trong khối doanh nghiệp Trung ương sử dụng vật tư, nguyên, vật liệu trong nước, với tổng giá trị gần 1 triệu tỷ đồng.
Hợp tác là nhân tố tích cực cho hình thành chuỗi cung ứng một số ngành công nghiệp có lợi thế và phát triển những doanh nghiệp có tiềm năng thành những tập đoàn kinh tế đủ mạnh, dẫn dắt các phân ngành công nghiệp phát triển theo, như PVN, EVN, TKV, Petrolimex, Vinatex, Công ty CP Ô tô Trường Hải, Vinfast, Công ty CP Tập đoàn Thành Công, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Vinamilk…
Nhiều chuỗi cung ứng trong nước được hình thành, đó là: Chuỗi cung ứng điện năng, khí LNG, điện tử, thép, dệt may - thời trang, da giày, đồ gỗ… Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các doanh nghiệp FDI. Theo điều tra của VCCI, năm 2021 có 52,4% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam, tăng lên 63,3% trong năm 2023, cao hơn rất nhiều so với mức 12,4% vào năm 2010.
Bước đột phá mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghiệp đã giúp vượt qua tình huống “con gà - quả trứng”; trở thành động lực xây dựng tính tự chủ của nền công nghiệp trong nước. Tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh và bền vững qua các năm. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao với vị trí thứ 44 trên thế giới năm 2018 và đứng thứ 30 vào năm 2021, góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tỷ lệ thu mua nguyên, vật liệu của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng nhanh, đạt 41,9% (tăng gần 10% trong 10 năm). Trong đó, thu mua từ các doanh nghiệp địa phương là 17,2%, tăng 2,2% so với năm trước và cao hơn mức trung bình 10,4% từ ASEAN.
(Báo cáo của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam, công bố tháng 01/2024)