Đối với doanh nghiệp hay cộng đồng, khi thay đổi, chuyển dịch sang áp dụng hay vận hành hoạt động theo một mô hình, quy trình mới luôn có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Việc chuyển đổi quy trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng theo xu hướng xanh, bền vững cũng vậy. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hiện nay quy trình này đang có nhiều điều kiện thuận lợi rõ nét để thúc đẩy hơn.
Xu hướng tất yếu, giúp tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp
Tọa đàm với chủ đề “Sản xuất và phân phối xanh - Giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 30/8 có sự tham gia của đa dạng khách mời: đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, bán lẻ. Ý kiến đầu tiên tất cả các khách mời thống nhất đồng tình đó là sản xuất, tiêu dùng bền vững là một xu hướng tất yếu.
Ông Cù Huy Quang - Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn nguyên vật liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt. Sản xuất bền vững là con đường chiến lược để chúng ta hướng tới phát triển bền vững.
Do vậy, việc nhận thức và chuyển đổi sản xuất xanh, sản xuất bền vững, phân phối xanh, phân phối bền vững là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp.
Hiện nay, ý thức của người dân về sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được nâng cao. Các doanh nghiệp cũng đã bước đầu nhận thức về vấn đề sản xuất bền vững, phân phối xanh.
Việc các doanh nghiệp nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững, phân phối xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với những xu thế trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là những khu vực có tiêu chuẩn cao. Qua đó giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa tiếp cận được thị trường trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và chúng ta đã ký được rất nhiều hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương với các quốc gia, các khu vực tiên tiến trên thế giới.
Động lực từ khung chính sách và xu hướng tiêu dùng mới
Từ góc độ một doanh nghiệp bán lẻ, bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng - Quản lý Bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, MM Mega Market Việt Nam chia sẻ: Người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ rất chủ động trong việc tìm kiếm những sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững hơn.
“Họ nói tôi không lấy túi nilon vì tôi đã mang túi đựng hàng rồi hoặc họ chủ động lựa chọn những sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe, tốt hơn cho môi trường như: không dùng hộp xốp, muốn mua xôi đựng bằng hộp bã mía, muốn sử dụng sữa chua ít đường hơn, lựa chọn những thương hiệu có trách nhiệm với xã hội...”, bà Mỹ Hưng cho biết.
Có thể thấy xu hướng tiêu dùng xanh mạnh mẽ tác động đến doanh nghiệp. Đây là một thuận lợi, động lực khiến doanh nghiệp phải hướng đến sự thay đổi, cải thiện sản phẩm hay dịch vụ của mình ngày càng xanh, bền vững.
Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, khung chính sách khuyến khích chuyển đổi sản xuất, tiêu dùng bền vững hiện nay cũng tạo động lực cho doanh nghiệp. Sau cam kết ở Hội nghị chống biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên hiệp quốc, Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và sau cam kết này Việt Nam đã có những thay đổi về Luật môi trường, cụ thể là Nghị định 08 hướng đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất về bao bì cũng như sản phẩm đưa ra môi trường.
Thứ hai là Nghị định 06 về giảm rác thải cũng như bảo vệ tầng ô dôn. Những khung chính sách này chính là những định hướng, động lực để doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi và hướng đến hành trình phát triển bền vững nhanh hơn.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Huân - Phó Giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) đánh giá, hiện tại các văn bản pháp lý cũng như hướng dẫn của Nhà nước liên quan đến các công tác bảo vệ môi trường khá rõ nét. Đấy là một hành lang pháp lý rất thuận lợi, dễ thực hiện cho các đơn vị, doanh nghiệp.
Ở góc độ thực thi chính sách, ông Cù Huy Quang cho biết: Bộ Công Thương là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tổ chức và thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững theo Quyết định 889 ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong hơn hai năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
Cụ thể, trong sản xuất bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng được những phương pháp tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp. Xây dựng được những mô hình thu gom, tái chế, những mô hình về tái sản xuất, tái sử dụng đối với những mặt hàng, những nguyên vật liệu trong một số lĩnh vực, một số ngành. Xây dựng được những bộ tài liệu từ cơ bản cho đến nâng cao nhằm nâng cao đội ngũ chuyên gia, đội ngũ quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Trong thiết kế bền vững, Bộ Công Thương đã biên soạn, phát hành những sổ tay cũng như có những hướng dẫn về thiết kế bền vững cho sản phẩm.
Trong lĩnh vực tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh những vấn đề như tái chế, tái sử dụng cũng như thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Đơn cử là việc sử dụng túi nilon sử dụng một lần bằng những vật liệu có thể tái chế được như túi cói hay những vật liệu khác áp dụng trong những hệ thống siêu thị, hệ thống chợ đầu mối nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiêu dùng. Bên cạnh đó, chú trọng công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, truyền tải và nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng thông minh hơn những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Những tác động tích cực và sự chủ động của doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng nhìn nhận, quy trình chuyển đổi sang sản xuất, tiêu dùng xanh có tác động hai chiều giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Từ phía người tiêu dùng, xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng mạnh mẽ hơn, tác động đến doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp phải có tư duy thay đổi, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay.
Về phía doanh nghiệp, nếu có những cải tiến về sản phẩm, dịch vụ, thân thiện hơn với môi trường, những giải pháp mới và nếu có cách truyền tải những thông điệp, những ý nghĩa đó hiệu quả đến người tiêu dùng thì người tiêu dùng cũng có thể thay đổi lựa chọn, thay đổi hành vi tiêu dùng của họ với sản phẩm của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Huân cho biết, ở trường hợp cụ thể của ngành Than, một trong những thuận lợi nhất trong quá trình triển khai chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững đó là sự đồng bộ trong chủ trương, quản lý, giải pháp thực hiện của doanh nghiệp.
Đơn cử, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có sự đồng bộ đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác môi trường đồng bộ từ Tập đoàn cho đến các đơn vị và quản lý cũng theo một hệ thống đồng bộ. Việc triển khai các giải pháp cũng như các phương án liên quan đến nâng cao sản xuất xanh, sạch hơn diễn ra khá thuận tiện, bởi vì có sự liên kết cũng như sự trao đổi, học tập và rút kinh nghiệm từ nhau rất nhanh.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hoàng Huân, xu hướng sản xuất xanh, sạch hơn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp theo cả hai hình thức là chủ động và bị động.
Ảnh hưởng chủ động là việc sản xuất xanh, sạch bây giờ không thể đơn giản là một công đoạn, là một giai đoạn nào trong một chuỗi sản phẩm mà là một quá trình hình thành ngay từ khi bắt đầu cho đến lúc triển khai và đến sau này là lúc kết thúc dự án.
Chính vì vậy mà chuyển đổi xanh, sạch là cả một quá trình dài và ở đây tính chủ động là nó tác động, làm thay đổi về mặt nhận thức, tư duy của các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành than là rất lớn.
Về vấn đề tác động theo hướng bị động là trong quá trình triển khai sản xuất xanh, sạch hơn các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sản xuất than nói riêng có cơ hội được tiếp cận với những công nghệ, phương pháp khai thác, chế biến hiện đại để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường một cách tốt hơn. Ngoài ra có thể giúp cho hiệu quả thực hiện các dự án và uy tín của doanh nghiệp được nâng cao; các sản phẩm sản xuất ra cũng có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường…
Trao đổi của chính những “người trong cuộc” cho thấy quá trình chuyển đổi sản xuất, phân phối xanh và tiêu dùng bền vững hiện đang có nhiều điều kiện, động lực thuận lợi để triển khai. Câu hỏi đặt ra tiếp theo có thể là bên cạnh những thuận lợi đó, quá trình này có gặp khó khăn, thách thức nào? Câu trả lời là Có.
Bài viết kỳ sau:“Sản xuất và phân phối xanh: Nhận diện những khó khăn và hướng giải quyết”sẽ nhận diện, phân tích rõ hơn về những khó khăn và hướng giải quyết khó khăn trong triển khai sản xuất, phân phối xanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.