Để thực hiện mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, huyện Tam Nông đã và đang chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cho đội ngũ cán bộ phụ trách về công tác quản lý an toàn thực phẩm; chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm về sản xuất an toàn thực phẩm; tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Với những nỗ lực đó, Tam Nông đã xây dựng được 6 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Huyện cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng và phát triển mới 7 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nông, lâm, thủy sản chủ lực, đặc trưng gắn với phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tỷ lệ cơ sở được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến (VietGAP, HACCP, ISO…) đạt trên 70%.
Huyện Tam Nông là một trong những huyện mạnh mẽ đi đầu trong việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, theo đúng định hướng mà Phú Thọ đang tập trung tới.
Theo số liệu từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Phú Thọ, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 93 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng như: Chè, bưởi, chuối, rau, gạo, hồng không hạt, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản, sản phẩm OCOP… của 93 chủ thể, gồm có 35 doanh nghiệp, 45 hợp tác xã, tổ hợp tác, 13 hộ kinh doanh cá thể; 100% sản phẩm tham gia chuỗi được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng an toàn, có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng tốt yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Trong đó 37,6% cơ sở có sản phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến VietGAP, HACCP, ISO...; giá trị sản phẩm sau khi tham gia chuỗi cao hơn từ 15 - 20% so với sản phẩm chưa tham gia sản xuất theo chuỗi.
Theo Kế hoạch phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, toàn tỉnh tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả đối với các chuỗi cung cấp thực phẩm nông, sản, thủy sản an toàn hiện có; xây dựng và phát triển mới các chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, bình quân mỗi huyện, thành, thị xây dựng 3 - 4 chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn. Phấn đấu giá trị sản lượng tăng 30% so với năm 2022; tỷ lệ cơ sở có sản phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến VietGAP, HACCP, ISO… đạt trên 70%.
Phú Thọ cũng tập trung hỗ trợ xây dựng và phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực như: Chè, bưởi, chuối, rau an toàn, các sản phẩm chăn nuôi… quy mô lớn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp; trong đó phấn đấu tỷ lệ sản phẩm chủ lực được liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 30% (sản lượng chè 68,25 nghìn tấn, sản lượng bưởi là 21,77 nghìn tấn, sản lượng thịt các loại là 80,1 nghìn tấn; sản lượng rau là 100 nghìn tấn...).
Tổng giá trị sản phẩm đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp thủy sản; 100% sản phẩm tham gia chuỗi được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; 100% chủ thể tham gia chuỗi được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, tổ chức sản xuất, phát triển thị trường.
Để thúc đẩy các sản phẩm ngày càng tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng, mỗi cơ quan chuyên trách đều phải phát huy mạnh mẽ vai trò của mình hơn nữa. Về mặt truyền thông, các sở, ban ngành sẽ tăng cường tuyên truyền để các đơn vị hiểu rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi khi tham gia liên kết, xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hòa, tạo liên kết hiệu quả, chặt chẽ giữa đơn vị sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm an toàn. Đồng thời
Phía Chi cục tăng cường hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi trang thiết bị, dụng cụ kiểm tra nhanh, tự giám sát một số chỉ tiêu về an toàn thực phẩm trước khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tỉnh thì tìm nhiều cách đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị sản xuất thiết kế, ứng dụng bao bì, tem nhãn bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả, bảo vệ uy tín cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn.
Đồng thời, các cơ quan quản lý tỉnh Phú Thọ phải phối hợp với nhau để quản lý chặt chẽ chất lượng các sản phẩm nông lâm thủy sản, xây dựng kế hoạch, triển khai các đợt kiểm tra, giám sát tuân thủ các điều kiện sản xuất và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm tại các cơ sở tham gia chuỗi. Đây chính là một trong những nội dung quan trọng trong lộ trình hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn mà Phú Thọ đang nhắm tới.