Tăng ứng dụng phần mềm mô phỏng trong đào tạo ngành logistics và Quản lý chuỗi cung ứng

Ngày 10/12/2022, tại Hà Nội, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế - Trường Đại học Thương mại đã phối hợp với STC Group và tổ chức tọa đàm về Ứng dụng phần mềm mô phỏng trong đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều trường đại học và doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA).

Tại buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn Logistic và Chuỗi cung ứng Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế - Trường Đại học Thương mại, cho biết phần mềm mô phỏng là một yếu tố quan trọng trong công tác đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, tuy nhiên thực tiễn triển khai thời gian qua tại một số trường cho thấy còn nhiều vấn đề cần được xem xét, giải quyết.

Đại diện Trường đại học Thủ đô Hà Nội, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã trình bày tham luận vê mô hình đạo tạo của các trường này. Ông Nguyễn Duy Linh, đại diện STC Group trình bày một mô hình thực tế ảo chuỗi giao nhận vận tải mà STC đã phát triển và ứng dụng tại các trường ở khu vực Phía Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) cho biết, việc triển khai mô hình mô phỏng thay đổi trong bối cảnh ngành logistics đổi mới. Những bài trình bày đi vào lĩnh vực kho bãi, vận tải, giao nhận, là những vấn đề trên thực tế hiện nay.

Quang cảnh buổi Tọa đàm tại Trường Đại học Thương mại

Qua buổi tọa đàm về Ứng dụng phần mềm mô phỏng trong đào tạo ngành logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tổ chức đã giúp các trường có thêm nhiều thông tin, gợi mở về phương pháp, chương trình đào tạo, định hướng phối hợp giữa các trường và hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Một số vấn đề được đưa ra thảo luận về hoạt động mô phỏng - thực hành tại các trường, doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng chất lượng cho nguồn nhân lực ngành logistics.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, bà Cao Cẩm Linh - Giám đốc chiến lược Viettel Post - Trưởng Ban nghiên cứu VALOMA chia sẻ, sinh viên nhóm ngành về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng cần được đào tạo những kiến thức bắt buộc liên quan đến kỹ thuật mô hình hóa mô phỏng, phân tích chuỗi cung ứng, kho và kênh phân phối… Hiện nay, Viettel Post đang sử dụng các mô phỏng, đặc biệt là sử dụng phân tích dữ liệu lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Đạt, Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế cho rằng, hoạt động thực hành mô phỏng là cần thiết, giúp cho việc gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn. Cùng với đó, sinh viên thực hành, làm việc tời gian 1 tháng trở lên tại các doanh nghiệp là điều doanh nghiệp mong muốn. Việc thực hành mô phỏng trong bối cảnh thay đổi nhiều, dựa trên phần mềm là xu thế lớn, các trường quan tâm vấn đề này.

Mặt khác, việc đầu tư ứng dụng phần mềm mô phỏng trong đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng cần liên kết giữa các nhà trường và nhà trường với doanh nghiệp.

Qua buổi tọa đàm, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam nên có ý kiến với cơ quan chức năng và các trường để tính điểm với hình thức ứng dụng phần mềm mô phỏng trong đào tạo ngành logistics. Khi các trường quan tâm đến hoạt động này, doanh nghiệp sẽ có động lực cao hơn trong phát triển và chuyển giao phần mềm - ông Hải cho biết thêm.

Thăng Long