Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua Cơ chế một cửa ASEAN

Thúc đẩy Cơ chế một cửa ASEAN giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong xuất khẩu hàng hoá sang khối này. Trong 6 tháng đầu năm, do suy giảm tổng cầu, xuất khẩu sang thị trường ASEAN giảm 9,7%, thấp hơn mức suy giảm 12% của tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam.

cơ chế một cửa asean

Khai thác hiệu quả

Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, Việt Nam đã khai thác rất hiệu quả Cơ chế một cửa Asean. Cụ thể, tính đến tháng 4/2023, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là hơn 1 triệu C/O, trong khi tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước hơn 3,2 triệu C/O.

Bên cạnh đó, việc trao đổi các chứng từ điện tử theo cam kết trong ASEAN đã được thực hiện. Việt Nam đã hoàn thành việc phát triển các chức năng phục vụ cho việc kiểm thử trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và đang phối hợp với các nước để kết nối qua môi trường thử nghiệm.

Từ đầu tháng 8/2021, Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN với Indonesia, Brunei, Lào và các nước ASEAN khác. Theo kế hoạch của ASEAN, dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành giai đoạn kết nối thử nghiệm trong tháng 10/2021 và kết nối chính thức từ tháng 11/2021.

Liên quan đến triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, phía Việt Nam đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu.

Đồng thời, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, sẽ triển khai “Thỏa thuận về việc tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử” giữa Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ các ngành cơ bản (New Zealand) thông qua Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam.

Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippine. Trong năm 2022, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 233 nghìn hồ sơ. Từ ngày 01/12/2021, Bộ Công Thương triển khai việc in thẳng C/O mẫu D điện tử thành file PDF có mã phản hồi nhanh QRCode trên hệ thống eCoSys. C/O mẫu D là mẫu C/O đầu tiên trong 10 mẫu C/O sẽ được triển khai điện tử trong giai đoạn này.

Cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành

Hiện Việt Nam tiếp tục duy trì kết nối chính thức với tất cả 9 nước thành viên ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử. Phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước thành viên để trao đổi chính thức tờ khai hải quan ASEAN theo kế hoạch. Đồng thời, chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2023. Trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Về triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, hoàn thành trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu giai đoạn 1, tiếp tục phối hợp để tiến hành giai đoạn 2. Ký kết Biên bản ghi nhớ về Hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES) với Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan Hàn Quốc nhằm tạo thuận lợi trong thực thi Hiệp định Thương mại tự do. Hiện tại các bên đang tiếp tục hoàn thiện các vấn đề kỹ thuật để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.

Liên quan đến công tác tạo thuận lợi thương mại, một trong những nhân tố quan trọng giúp Hải quan Việt Nam tăng cường hiệu quả quản lý và tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thông quan, đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, phấn đấu đến năm 2025 là hoàn thành hải quan số; phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành hải quan thông minh.

Hải quan Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, có tới 100% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa. 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan. 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan.

Cùng đó, 100% các cửa khẩu đường bộ triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, thông qua thúc đẩy Cơ chế một cửa ASEAN, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể:

Bộ Tài chính chủ trì, quyết liệt đôn đốc các bộ, ngành triển khai nhiệm vụ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 về Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018; khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo Cơ chế một cửa quốc gia và Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; chủ trì, phối hợp Bộ Công thương, các bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để chủ động đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo quy định, bảo đảm tạo thuận lợi thương mại và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân...

Các bộ, ngành, cơ quan tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg; khẩn trương lập Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại gửi Cơ quan thường trực để tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2023-2026; tổ chức giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc và trực thuộc; đo lường thời gian giải quyết thủ tục hành chính và công khai kết quả giám sát, đo lường lên Cổng thông tin một cửa quốc gia...

Thúc đẩy Cơ chế một cửa ASEAN giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong xuất khẩu hàng hoá sang khối này. Trong 6 tháng đầu năm, do suy giảm tổng cầu, xuất khẩu sang thị trường ASEAN giảm 9,7%, thấp hơn mức suy giảm 12% của tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam.

Cơ chế một cửa ASEAN

Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) là một sáng kiến khu vực duy nhất kết nối và hợp nhất các Cơ chế một cửa Quốc gia (NSWs) của các nước Thành viên ASEAN. Mục tiêu của ASW là đẩy nhanh việc thông quan hàng hóa trong bối cảnh tăng cường hội nhập kinh tế trong ASEAN. Thực thi ASW sẽ đảm bảo khả năng tương thích của các nước thành viên NSWs với tiêu chuẩn giao thức mở quốc tế đồng thời đảm bảo rằng mỗi nước thành viên sau đó có thể trao đổi thông tin một cách an toàn và đáng tin cậy với bất kỳ đối tác thương mại sử dụng các tiêu chuẩn mở quốc tế. Đơn giản hóa thủ tục và giảm thời gian xử lý, tăng cường sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh - đó là những mục tiêu chính của sáng kiến Một cửa ASEAN.

Hiện tại, ASW hỗ trợ việc trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ trong nội khối ASEAN (ATIGA Form D) và Tờ khai Hải quan ASEAN (ACDD) trên cơ sở thí điểm tại bảy quốc gia thành viên và sẽ được mở rộng để trao đổi thêm những loại thông tin khác. Cuối cùng do ASW sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế nên có thể hỗ trợ việc trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và thông tin với các đối tác thương mại ngoài ASEAN. Những lợi ích gia tăng khác bao gồm khả năng tương thích về mặt pháp luật, hỗ trợ tăng cường hài hòa hóa chính sách ASEAN (ví dụ các biện pháp kiểm dịch thực vật), và tầm nhìn tốt hơn về trao đổi thông tin giữa các nước thành viên.

Về mặt thể chế, việc phát triển ASW được quản lý bởi Ủy ban chỉ đạo thực hiện ASW và được hỗ trợ bởi các nhóm kỹ thuật và pháp luật, hiện tại đang được mở rộng để bao gồm cả các kiến trúc kỹ thuật và pháp luật. Việc tham vấn với khu vực tư nhân đã được tiến hành trên các thông tin được trao đổi trong kiến trúc ASW, cũng như các sáng kiến bổ sung khác, như nghiên cứu tính bền vững ASW, trong đó cung cấp các khuyến nghị về quản trị, mô hình kinh doanh, và tính khả thi về tài chính.

Khánh Huyền Thanh