Tập đoàn Hà Đô (HDG): Đang M&A mảng thuỷ điện, chờ cơ chế cho dự án điện gió 50 MW

Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG) cho biết, sẽ tập trung phát triển mảng bất động sản và năng lượng trong năm nay. Trong đó, tập đoàn đang thực hiện M&A 2 nhà máy thuỷ điện và chờ thời điểm phù hợp để mở bán Giai đoạn 3 - Hado Charm Villas.

Chờ thời điểm phù hợp để mở bán Giai đoạn 3 - Hado Charm Villas

Tập đoàn Hà Đô
Dự án Hado Charm Villas được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận của Tập đoàn Hà Đô trong năm nay.

Trong năm nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG - sàn HoSE) cho biết sẽ tập trung nguồn lực cho lĩnh vực bất động sản và năng lượng. Tập đoàn này hiện đang hoạt động trong ba mảng, gồm: bất động sản, năng lượng, và xây dựng.

Trong mảng bất động sản, các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh chính của Tập đoàn Hà Đô là khu đô thị, nhà thấp tầng, chung cư, văn phòng cho thuê, khách sạn ở Hà Nội và TP.HCM.

Tại mảng năng lượng, tập đoàn này đang sở hữu 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời, và 1 nhà máy điện gió với tổng công suất 462 MW. Còn trong mảng xây dựng, Tập đoàn Hà Đô chủ yếu thi công các công trình dân dụng, giao thông cho Bộ Quốc phòng và đơn vị hưởng Ngân sách Nhà nước.

Mảng bất động sản và năng lượng hiện là hai trụ cột kinh doanh chính, đóng góp phần lớn vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hà Đô trong những năm gần đây. Trong hai năm gần đây, trước các khó khăn của thị trường bất động sản, tập đoàn này gần như không triển khai thêm các dự án bất động sản mới mà chỉ tập trung hoàn thiện dự án Hado Charm Villas (quy mô 30 ha tại Hà Nội).

Tập đoàn Hà Đô
Danh sách các dự án bất động sản gối đầu của Tập đoàn Hà Đô. (Nguồn: Tập đoàn Hà Đô, MBS)

Hiện tại dự án Hado Charm Villas đã sẵn sàng mở bán giai đoạn 3 với 130 căn nhà ở thấp tầng. Theo đánh giá của hãng chứng khoán MB Securities (MBS), giá bán dự kiến trong giai đoạn 3 sẽ ở khoảng 80 - 95 triệu đồng/m2. Trong bối cảnh không gặp áp lực về dòng tiền, Tập đoàn Hà Đô cho biết vẫn đang chờ đợi thời điểm tốt của thị trường và đà tăng giá trong khu vực để mở bán nhằm tối đa hoá giá trị.

MBS hiện ước tính dự án này sẽ đem về hơn 2.100 tỷ đồng doanh thu và 917 tỷ đồng lợi nhuận ròng cho Tập đoàn Hà Đô trong giai đoạn 2024 - 2026.

Theo chia sẻ mới đây của ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô, nhằm cơ cấu lại tổ chức một cách tinh gọn, đồng bộ, tập đoàn đã quyết định giải thể chi nhánh miền Nam. Thay vào đó, 4 đơn vị thành viên là các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại TP.Hồ Chí Minh sẽ được tăng cường hơn trọng trách phát triển các dự án mới tại khu vực này.

Đang thực hiện M&A mảng thuỷ điện, sẵn sàng mở rộng mảng điện gió

Trong mảng năng lượng, MBS dự báo sản lượng điện của các nhà máy thuỷ điện thuộc Tập đoàn Hà Đô trong năm 2024 sẽ phục hồi nhẹ 5%, chủ yếu nhờ hiện tượng El Nino dự kiến chuyển sang pha trung tính vào giữa năm nay, cũng như là giai đoạn mùa mưa tại miền Trung - nơi đặt các nhà máy thuỷ điện của tập đoàn.

Tập đoàn Hà Đô
Tập đoàn Hà Đô duy trì mục tiêu nâng tổng công suất (MW) lên gấp đôi trong giai đoạn 2025 - 2030, tập trung vào nhóm thủy điện và điện gió. (Nguồn: Tập đoàn Hà Đô, MBS)

Hiện Tập đoàn Hà Đô đang thực hiện M&A 02 dự án thuỷ điện quy mô nhỏ là Sơn Linh (15 MW) và Sơn Nham (9 MW), tại tỉnh Quảng Ngãi. Hai dự án này dự kiến đi vào vận hành trong giai đoạn 2027 - 2028. Ngoài ra, tập đoàn cũng đang nghiên cứu cơ hội đầu tư vào một dự án cụm 3 nhà máy thủy điện (tổng công suất 300MW) trong giai đoạn 2025 - 2030.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo, hai nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn Hà Đô vẫn đang hoạt động hiệu quả, ghi nhận sản lượng cao, trung bình đạt 92-93% sản lượng thiết kế giai đoạn 2024 - 2025.

Tuy nhiên, MBS lưu ý, dự án SP Infra 1 (50 MW) của Tập đoàn Hà Đô có nguy cơ phải giảm giá FIT từ năm 2025 và sử dụng khung giá chuyển tiếp làm cơ sở tính giá cho hiện tại do dự án này nằm trong trong danh sách 14 dự án điện mặt trời đang hưởng cơ chế giá FIT sai quy định.

Giá cổ phiếu HDG Tập đoàn Hà Đô
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HDG của Tập đoàn Hà Đô từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tập đoàn Hà Đô (HDG) muốn đầu tư 2 cụm công nghiệp quy mô 100 ha tại Ninh Thuận" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với điện gió, sản lượng tại dự án 7A Ninh Thuận trong năm 2023 đã tăng 23% so với năm 2022 khi các sự cố kỹ thuật được khắc phục. Dự kiến sản lượng tại dự án này sẽ tăng thêm 13% trong năm 2024, đạt 83% sản lượng thiết kế nhờ tỷ lệ vận hành turbine được cải thiện.

Về kế hoạch phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, Tập đoàn Hà Đô cho biết vẫn đang theo sát dự án điện gió Phước Hữu 50MW tại Ninh Thuận. Trong trường hợp mức giá cho năng lượng tái tạo mới được ban hành trong năm nay ở mức “đủ khả thi”, dự án này sẽ được triển khai ngay sau đó.

Ngoài ra, Tập đoàn Hà Đô cũng sở hữu danh sách một số dự án điện gió khác đã được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII), gồm: Ea H’leo (57 MW) và Hướng Phùng (30 MW), Sóc Trăng (40 MW), và An Phong (300 MW).

Duy Quang