Tập đoàn KIDO: Đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức cao nhất 6 năm, đề xuất chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông

Trong năm nay, Tập đoàn KIDO đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ năm 2017 đến nay. Tập đoàn này dự kiến sẽ giảm mức cổ tức đặc biệt năm 2022 từ 50% xuống còn tối đa 10% nhưng đề xuất sẽ chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông.
Tập đoàn KIDO
Tập đoàn KIDO hiện đặt mục tiêu sẽ xếp thứ 2 ngành chế biến bánh của Việt Nam, hiện mảng bánh trung thu của tập đoàn này đang nằm trong Top 3 thương hiệu bánh trung thu lớn xét theo quy mô kinh doanh.

Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (mã chứng khoán: KDC – sàn: HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Theo đó, trong năm nay, Tập đoàn KIDO đặt mục tiêu doanh thu thuần 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 20% và 76% so với mức thực hiện của năm 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất của Tập đoàn này kể từ năm 2017.

Năm 2023 được đánh giá là năm quan trọng đối với sự phát triển của Tập đoàn KIDO trong giai đoạn tới trong bối cảnh tập đoàn này tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp theo 4 nhóm ngành, bao gồm kem, bánh kẹo, dầu ăn và nước mắm (và các loại nước chấm).

Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, Tập đoàn KIDO đang dẫn đầu ngành hàng kem lại tại Việt Nam với thị phần nắm giữ chiếm 44,5%; trong đó, thương hiệu kem Merino chiếm 24,2% thị phần và thương hiệu kem Celano chiếm 19,2% thị phần. Tập đoàn này cũng đang dẫn đầu ngành bơ thực vật tại Việt Nam với 74,9% thị phần, theo Euromonitor.

Theo số liệu nội bộ của Tập đoàn KIDO, tập đoàn này đang xếp thứ 2 trong ngành dầu ăn của Việt Nam với các thương hiệu nổi bật như Tường An Cooking Oil, Marvela, Olita, Vio… thị phần theo tỷ lệ sở hữu và chi phối ở khoảng 39%.

Đối với mảng bánh kẹo, Tập đoàn KIDO đã quay trở lại lĩnh vực bánh tươi với thương hiệu KIDO’s Bakery kể từ cuối năm 2021 và trở lại mảng bánh trung thu vào năm ngoái. Theo chia sẻ của Hội đồng Quản trị Tập đoàn KIDO, hiện tập đoàn này đang nằm trong Top 3 thương hiệu bánh trung thu lớn xét theo quy mô kinh doanh.

Tập đoàn KIDO cũng vừa cho biết đã hoàn tất việc mua lại 25% cổ phần Công ty TNHH MTV Chế Biến Thực Phẩm Thọ Phát – đơn vị sở hữu thương hiệu Bánh bao Thọ Phát và đang trong quá trình thương thảo để nắm quyền chi phối từ 51% đến 70% công ty này. Thương vụ này là bước đi chiến lược để Tập đoàn KIDO hiện thực hoá mục tiêu xếp thứ 2 ngành chế biến bánh Việt Nam, sau Mondelez Kinh Đô Việt Nam (thuộc tập đoàn Mondelēz International, Hoa Kỳ) khi mục tiêu này đã bị trì hoãn trong 2 năm đại dịch COVID-19 vừa qua.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 8/6, cổ phiếu KDC của Tập đoàn KIDO có giá tham chiếu đạt 64.800 đồng/cổ phiếu.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Tập đoàn KIDO cũng sẽ trình cổ đông xem xét thông qua đề xuất giảm tỷ lệ cổ tức đặc biệt năm 2022 từ mức 50% xuống còn tối đa 10% bằng tiền mặt (1.000 đồng/cổ phần). Quyết định này được đưa ra dựa trên tình hình thực tế và các kế hoạch đầu tư mới trong năm nay, điển hình là thương vụ mua lại thương hiệu Bánh bao Thọ Phát.

Việc chi trả cổ tức đặc biệt dự kiến sẽ được thực hiện trong thời gian từ quý 3 - quý 4/2023, sau khi đã hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) năm 2022. Dự kiến cổ tức năm 2023 của Tập đoàn KIDO sẽ được chi trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 6% mệnh giá cổ phần (600 đồng/cổ phần).

Ngoài ra, Tập đoàn KIDO cũng đề xuất cổ đông xem xét việc huỷ phương án phát hành 25 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần với tỷ lệ 10%. Thay vào đó, Tập đoàn này dự định sử dụng 22.5 triệu cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông hiện hữu. Theo kế hoạch, tỷ lệ thực hiện dự kiến là 100:8,42434, tức là mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 8,42434 cổ phiếu quỹ.

Số lượng cổ phiếu được chia từ cổ phiếu quỹ cho các cổ đông sẽ được tự do chuyển nhượng. Nếu được cổ đông thông qua, việc chia cổ phiếu quỹ này sẽ diễn ra trong quý 4/2023 sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo về việc đã nhận đủ Hồ sơ đăng ký chia cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ của Tập đoàn.

Duy Quang