Thanh toán điện tử và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam

ĐẶNG ĐĂNG THƯ (Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm đánh giá tác động của thanh toán điện tử đến hiệu quả hoạt động tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Nghiên cứu chủ yếu sử dụng dữ liệu thứ cấp từ các nguồn báo cáo tài chính và báo cáo thường niên của các ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy máy ATM có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Số lượng máy ATM càng nhiều lợi nhuận trên tổng tài sản và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng càng tăng. Trong khi đó, tác động của máy POS và yếu tố số đơn vị chấp nhận thẻ đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng là không có ý nghĩa thống kê, việc này được giải thích do thói quen thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt của người dân Việt Nam. Từ kết quả trên, nghiên cứu kết luận thanh toán điện tử có đóng góp vào hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Từ khóa: thanh toán điện tử, hiệu quả hoạt động, chấp nhận thanh toán điện tử.

1. Đặt vấn đề

Ngân hàng điện tử tạo sự khác biệt so với ngân hàng truyền thống bằng cách sử dụng một loạt các kênh dịch vụ mới, chẳng hạn như ngân hàng Internet (Internet Banking), máy rút tiền tự động (ATM), thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng (POS), cho phép dịch vụ thực hiện suốt ngày đêm, tăng sự thuận tiện cho khách hàng. Những thay đổi công nghệ này tạo nhu cầu thiết yếu, đó là khách hàng có thể thực hiện các giao dịch mà không cần đến ngân hàng. Các công việc ngân hàng thông thường như thanh toán bằng tiền mặt, séc, lệnh thanh toán và chuyển khoản ngân hàng rất tốn kém và mất thời gian vì khách hàng phải chờ đợi trong một thời gian dài trong khi số giờ hoạt động ngân hàng giới hạn mỗi ngày đã đặt ra những hạn chế nhất định. Do đó, vấn đề liên quan đến hệ thống thanh toán điện tử (TTĐT) đã được xem xét kỹ lưỡng trong những năm gần đây.

Mặt khác, hệ thống TTĐT có một số rủi ro tài chính có thể xảy ra trong quá trình giao dịch. Những tác động tiêu cực của thanh toán này có thể xảy ra do sự không ổn định của internet, cơ sở hạ tầng công nghệ, tính xác thực và bảo mật của các khoản thanh toán. Trong khi đó, TTĐT được yêu cầu không chỉ cung cấp hệ thống thanh toán an toàn, mà còn phải đảm bảo quyền riêng tư của khách hàng và bảo mật dữ liệu giao dịch. Trong những năm qua, yêu cầu đầu tư phát triển công nghệ để gia tăng tính an toàn trong quá trình thanh toán của các ngân hàng. Việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng TTĐT như máy tính, máy quét, máy ATM, máy POS, kết nối internet tốt, phần mềm TTĐT, quảng cáo là một thách thức lớn (Abubakar và Ahmad, 2013). Bên cạnh đó, cần đào tạo nhân sự để họ làm quen với hệ thống TTĐT, điều này làm tăng chi phí hoạt động trong giai đoạn chuyển tiếp từ thanh toán tiền mặt sang TTĐT. Do đó, với sự phát triển này, hiệu quả hoạt động của ngân hàng về mặt lợi nhuận, để đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững và việc tăng chi phí để hỗ trợ sự phát triển trong công nghệ TTĐT ngành Ngân hàng đã đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa TTĐT và hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Trong bối cảnh Việt Nam, TTĐT đang lan rộng nhanh chóng những năm gần đây. Vì được sự định hướng của Chính phủ trong việc thúc đẩy TTĐT, thêm vào đó chi phí cho mỗi giao dịch thấp hơn và bởi sự cạnh tranh gay gắt trong việc phát triển các dịch vụ tài chính. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, TTĐT đã thể hiện được vai trò quan trọng của nó trong hoạt động của các ngân hàng, giúp các ngân hàng Việt Nam thu hút thêm nguồn khách hàng, đa dạng hóa loại hình dịch vụ.

Cũng cần lưu ý, khi các nguồn thu nhập khác của ngân hàng trở nên biến động hơn trong thời kỳ khủng hoảng, các dịch vụ thanh toán góp phần vào sự ổn định hoạt động của ngân hàng bằng cách tạo ra doanh thu thường xuyên và đáng tin cậy. Bên cạnh đó, tình trạng bất ổn tài chính sẽ cho phép ngân hàng sửa đổi mô hình kinh doanh và tập trung vào một trong những nhiệm vụ cốt lõi của họ: cung cấp các dịch vụ thanh toán hiệu quả và sáng tạo (Manh Ha, 2021). Vì vậy, nghiên cứu này tập trung vào “Tác động của hệ thống thanh toán đối đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam”. Cụ thể, đề tài tập trung vào sự đóng góp của số lượng ATM, POS, số đơn vị chấp nhận thẻ đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng, làm cơ sở cho chiến lược tăng tỷ lệ ứng dụng công nghệ nhằm tăng hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Thanh toán điện tử

 TTĐT chủ yếu được gọi là thanh toán tự động hoặc các kênh ngân hàng cho phép cung cấp các dịch vụ ngân hàng một cách hiệu quả và thuận tiện thông qua các kênh điện tử như thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng (POS), máy rút tiền tự động (ATM), ngân hàng trực tuyến và điện thoại di động (Abor, 2005; Kashmari và cộng sự, 2016; Nazaritehrani và Mashali, 2020). Kinh doanh điện tử đã liên tục phát triển như một ngành công nghiệp mới trong thập kỷ qua. Ngành ngân hàng đã dẫn đầu xu hướng này trong những năm gần đây và hiện tất cả các giao dịch ngân hàng hoàn thành thông qua ứng dụng internet đôi khi được gọi là ngân hàng điện tử (Okifo và Igbunu, 2015).

2.2. Ảnh hưởng của hệ thống TTĐT đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng

Một trong những thước đo hiệu quả hoạt động được sử dụng thường xuyên nhất là lợi nhuận (Awwad, 2021; Torki và cộng sự, 2020). Khả năng sinh lời của ngân hàng có thể được đo lường bằng lợi nhuận trên tổng tài sản của ngân hàng (ROA) và tỷ lệ thu nhập ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE), 2 tỷ số này cao cho thấy hiệu quả sử dụng các tài sản thuộc sở hữu của ngân hàng và sức mạnh thị trường đáng kể (Morufu, 2016). Trong khi đó, mức độ sử dụng hệ thống TTĐT có thể tạo ra những thay đổi về giá trị thị trường ngân hàng vì giá trị thị trường phụ thuộc vào kết quả và hiệu suất của ngân hàng. Dựa vào hệ thống TTĐT, các ngân hàng có thể thu được lợi nhuận cao, đạt được vị trí tốt hơn trên thị trường tài chính (Torki và cộng sự, 2020). 

Theo nghiên cứu của Cheng và cộng sự (2006) tại Hong Kong, TTĐT giảm chi phí giao dịch của ngân hàng. Khách hàng thích ngân hàng điện tử vì sự tiện lợi, tốc độ, dịch vụ suốt ngày đêm và truy cập vào tài khoản từ bất kỳ nơi nào trên thế giới. Bên cạnh đó, các ngân hàng có thể hưởng lợi từ chi phí giao dịch thấp hơn vì ngân hàng điện tử yêu cầu ít công việc giấy tờ hơn, ít nhân viên và thuận tiện quản lý hơn. Các ngân hàng có thể đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách tập trung vào chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử, duy trì tiếp xúc với khách hàng bằng cách sử dụng internet và áp dụng các tiến bộ công nghệ mới nhất. Điều này giúp ngân hàng đạt được 2 mục tiêu. Một là thu hút và giữ chân khách hàng; Hai là tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường (Khatoon và cộng sự, 2020).

Akhisar và cộng sự (2015) đã kiểm tra ảnh hưởng của dịch vụ ngân hàng điện tử đến hiệu quả sinh lời của ngân hàng. Ảnh hưởng của ROA và ROE đã được phân tích từ dữ liệu của các ngân hàng điện tử của 23 quốc gia phát triển và đang phát triển từ năm 2005 đến năm 2013, cùng với phương pháp dữ liệu bảng động. Kết quả cho thấy, một mối quan hệ tích cực giữa lợi nhuận ngân hàng của các nước phát triển và đang phát triển bị ảnh hưởng bởi số lượng máy ATM và dịch vụ ngân hàng điện tử là rất lớn. Phù hợp với kết quả này, Mustapha (2018) và Morufu (2016) điều tra tác động của TTĐT với khả năng sinh lời cũng cho tác động tích cực giữa 2 yếu tố này. Dịch vụ điện tử cho phép các ngân hàng tăng tốc độ, chất lượng của dịch vụ và tạo ra một vị thế cạnh tranh mạnh mẽ cho các dịch vụ ngân hàng. Theo Mohamad và Kassim (2019), những thay đổi trong công nghệ thanh toán sẽ có tác động tích cực đến thói quen hàng ngày của các cá nhân và tổ chức. Nếu công nghệ có thể được sử dụng đầy đủ, nó có thể tăng hiệu suất của một tổ chức bằng cách giảm chi phí và tăng hiệu quả. Như vậy, nhiều nghiên cứu trong số này cho thấy các dịch vụ TTĐT làm giảm chi phí hoạt động và tăng hiệu suất sinh lời của các ngân hàng.

Mặt khác, đối với các nước châu Á, các phát hiện cho thấy TTĐT tác động đến lợi nhuận của một số ngân hàng điện tử là tiêu cực. Al-Smadi và Al-Wabel (2011) xác định tác động tiêu cực của ngân hàng điện tử đến hiệu quả của hoạt động ở Jordan, khách hàng của các ngân hàng ở Jordan phụ thuộc vào các kênh truyền thống để thực hiện các hoạt động thanh toán của họ. (Hossein, 2013) nghiên cứu cho thấy chi phí cơ sở hạ tầng cao của ngân hàng điện tử cùng với số lượng khách hàng ít đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng ở các nước ASEAN. Ở các nước đang phát triển, việc hạn chế cơ sở hạ tầng công nghệ thanh toán điện tử đã ảnh hưởng đến hiệu quả chi phí và lợi nhuận dự kiến (Shah Alam và., 2007).

Phù hợp với nghiên cứu này, nghiên cứu của Akhisar và Tunay, N (2015) đã cho thấy, thanh toán điện tử sử dụng máy POS có quan hệ tiêu cực đến lợi nhuận ngân hàng do chi phí cơ sở hạ tầng công nghệ và quảng cáo cao. Thêm vào đó, ngân hàng trực tuyến nói chung được kích hoạt bởi các ngân hàng lớn ở một số nước đang phát triển (Malhotra và Singh, 2009). Theo quan sát, các ngân hàng có quy mô lớn, khối lượng tiền gửi cao, số lượng chi nhánh và tài sản cố định thấp có xu hướng chuyển sang ngân hàng trực tuyến nhằm mục đích thúc đẩy thị phần, tăng khả năng cạnh tranh (Malhotra và Singh, 2007). Từ những nghiên cứu trên cho thấy, chi phí cơ sở hạ tầng công nghệ là mối quan tâm hàng đầu khi các ngân hàng quyết định đầu tư vào công nghệ thanh toán điện tử và lợi thế của hoạt động đầu tư này có xu hướng nghiên về các ngân hàng lớn. Như vậy, đã có một số mâu thuẫn trong các nghiên cứu liên quan đến tác động của TTĐT đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.

Ở Việt Nam, dịch vụ TTĐT đã xuất hiện khá phổ biến trong hoạt động thanh toán. Công nghệ và công cụ thanh toán mới (ví dụ: máy ATM và máy POS) đã thay thế các công cụ thanh toán cũ trên giấy. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến quý 2/2022, số lượng máy ATM của các ngân hàng là 20.610 với tổng cộng 270.857.309 giao dịch, số lượng máy POS/EFTPOS/EDC là 364.447 với tổng cộng 150.557.902 giao dịch. Trong một thị trường cạnh tranh như Việt Nam, khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn để hoàn thành giao dịch của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả. Sự cạnh tranh giữa các công cụ thanh toán thúc đẩy các ngân hàng công nghệ hóa TTĐT, cải thiện dịch vụ của họ để thu hút nhiều khách hàng hơn và gia tăng lợi nhuận. Sự đa dạng hơn của các công cụ thanh toán thúc đẩy sự đổi mới ngân hàng (Manh Ha, 2021). Từ các quan điểm trên dẫn đến giả thuyết nghiên cứu:  TTĐT giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Phương pháp thu thập dữ liệu

Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu là dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các Báo cáo tài chính, Báo cáo thường niên của 28 ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2021. Số lượng NHTM đại diện trong mẫu với tổng tài sản chiếm 80% toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, đảm bảo tính đại điện cho hệ thống NHTM Việt Nam. Nghiên cứu không tính đến các NHTM liên doanh, NHTM nước ngoài tại Việt Nam do tính không đồng nhất về đặc điểm, cơ cấu tổ chức hoạt động.

3.2. Mô hình thực nghiệm

Để ước lượng tác động của hệ thống TTĐT đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy OLS (Ordinary Least Square) được sử dụng trong phân tích để cung cấp kết quả tin cậy và hiệu quả. Mô hình nghiên cứu được đề xuất như sau:

BPi,t = β0  + β1ATM  + β2POS  + β3 ĐVCN +eit  

Trong đó:

β0 là hệ số tự do, β1 - β3  là hệ số hồi quy riêng, e là sai số ngẫu nhiên i đại diện cho thứ tự các ngân hàng, t là năm.

BPt : Hiệu quả hoạt của ngân hàng được đo bằng: (1) tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản của ngân hàng (ROA), (2) tỷ lệ thu nhập ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE).

Thanh toán điện tử được thể hiện bằng: (1) Số lượng máy ATM (ATM), (2) Số lượng máy POS (POS); (3) Số đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCN). Các thước đo trên dựa theo nghiên cứu của Akhisar và cộng sự (2015), Manh Ha (2021), Morufu (2016).

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Phân tích thống kê mô tả

Bảng 1 cung cấp các thống kê mô tả về giá trị của các biến trong mô hình. Tất cả các biến đều có giá trị trung bình và độ lệch chuẩn dương. Tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản có giá trị trung bình là 0,84%, trong khi đó, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu có giá trị trung bình là 10,84%. Số lượng máy ATM trung bình là 193 máy cho mỗi ngân hàng, giá trị lớn nhất là 1.043 máy và giá trị nhỏ nhất là 758 máy. Tương tự đối với số lượng máy POS trung bình cho mỗi ngân hàng 185 máy, giá trị lớn nhất là 1.397 máy và giá trị nhỏ nhất là 989 máy. Số lượng đơn vị chấp nhận thẻ trung bình 120 điểm cho mỗi ngân hàng, thấp hơn so với số máy POS (185). Nhìn chung, việc đầu tư vào tài sản hệ thống TTĐT của các ngân hàng có sự chênh lệch. (Bảng 1)

Bảng 1. Thống kê mô tả dữ liệu

Tên biến

Số quan sát

Giá trị trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

ROA

28

0,8447423

0,6642452

0,03

2,35

ROE

28

10,83874

7,300946

0,85

24,44

ATM

28

193,1623

217,2771

1,043

758

POS

28

185,2046

278,2284

1,397

989

ĐVCNT

28

120,3668

155,858

1,025

638

Nguồn: Tính toán của tác giả

4.2. Phân tích hồi quy

Kết quả hồi quy cho mô hình được thể hiện trong Bảng 2. Kết quả cho thấy, yếu tố ATM có hệ số dương ở mức ý nghĩa 1% trong cả 2 trường hợp ảnh hưởng đến ROA và ROE. Kết quả này chứng tỏ rằng ngân hàng có nhiều máy ATM lợi nhuận trên tổng tài sản và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của (Manh Ha, 2021; Morufu, 2016; Torki và cộng sự, 2020), khi có nhiều máy ATM người dân dễ dàng giao dịch (rút tiền, chuyển khoảng, truy vấn số dư,…), làm tăng thu dịch vụ cho ngân hàng.

Tác động của yếu tố số lượng máy POS đến ROA và ROE là không đáng kể. Nguyên nhân thứ nhất được cho là người dân Việt Nam còn quen sử dụng tiền mặt thanh toán trực tiếp. Thứ hai, máy POS là hình thức thanh toán bán lẻ chỉ cung cấp dịch vụ thanh toán tại địa điểm cụ thể. Vì vậy, khách hàng của ngân hàng có xu hướng sử dụng thanh toán trực tuyến như một phương thức thay thế TTĐT khi thanh toán tại địa điểm mua hàng. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của (Manh Ha, 2021).

Tương tự máy POS, tác động của yếu tố số đơn vị chấp nhận thẻ cũng không có ý nghĩa thống kê trong việc giải thích ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Kết quả tương tự nhau trong cả 2 trường hợp là đối với ROA và ROE. Số đơn vị chấp nhận thẻ thanh toán sẽ biến động theo việc chấp nhận thanh toán bằng máy POS. Do đó, yếu tố này cũng có tác động không đáng kể đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. (Bảng 2)

Bảng 2. Kết quả hồi quy

Yếu tố

ROA

ROE

Coef.

Giá trị t

P>|t|

Coef.

Giá trị t

P>|t|

ATM

0,0014

3,04

0,006

0.0146

3,18

0,004

POS

-0,0002

-0,63

0,534

0.0009  

0,20

0,842

ĐVCNT

-0,0004

-0,67

0,509

-0.0093 

-0,96

0.346   

CONS

0.6724

3,35

0,003

8.9451

4,36

0,000

Prob > F

 

 

0,0009

 

 

0,0141

R-squared

 

 

0,2255

 

 

0,1922

N

 

 

28

 

 

28

Nguồn: Tính toán của tác giả

5. Kết luận

Kết quả ước lượng tác động của hệ thống TTĐT đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam cho thấy, tác động yếu tố số lượng máy ATM là có ý nghĩa thống kê. Cụ thể qua kết quả ước lượng cho thấy, số lượng máy ATM có tác động rất tích cực đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, nghĩa là càng nhiều máy ATM hiệu quả hoạt động của các ngân hàng càng tốt. Tuy nhiên, 2 yếu tố là số máy POS và số đơn vị chấp nhận thẻ có tác động không đáng kể đến lợi nhuận ngân hàng cho thấy, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn nhiều và hình thức thanh toán bán lẻ thông quá máy POS bị hạn chế bởi địa điểm thanh toán. Từ các kết quả trên cho thấy, người dân Việt Nam chủ yếu rút tiền mặt từ máy ATM hoặc chuyển tiền qua máy ATM, nên hạn chế thực hiện thanh toán qua hệ thống POS ở các đơn vị chấp nhận thẻ. Kết quả là hệ thống máy ATM thu được phí dịch vụ làm tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng trong khi dịch vụ qua máy POS ở các đơn vị chấp nhận thẻ ít được sử dụng, nên không có tác động đáng kể đến lợi nhuận ngân hàng.

Hàm ý chính sách từ nghiên cứu là các ngân hàng cần tăng số lượng máy ATM để người dân dễ tiếp cận hơn, từ đó tăng hiệu quả hoạt động cho ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng máy ATM nhiều sẽ giúp ngân hàng tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, số lượng máy ATM tăng đến mức độ nào thì cần có nghiên cứu cụ thể để ngân hàng đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, các ngân hàng cần tăng cường chương trình khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đặc biệt ở các nơi có chấp nhận thanh toán qua thẻ. Chính sách này, một mặt nhằm xóa bỏ dần thói quen sử dụng tiền mặt của người dân theo định hướng ngân hàng điện tử, mặt khác tăng hiệu quả hoạt động cho ngân hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Abor, J. (2005). Technological innovations and banking in Ghana: An evaluation of customers’ perceptions. IFE PsychologIA : An International Journal, 13(1), 170-
  2. Abubakar, F. M., và Ahmad, H. B. (2013). The Moderating Effect of Technology Awareness on the Relationship between UTAUT Constructs and Behavioural Intention to Use Technology: A Conceptual Paper. Australian Journal of Business and Management Research, 03(02), 14-
  3. Akhisar, İ., Tunay, K. B., và Tunay, N. (2015). The Effects of Innovations on Bank Performance: The Case of Electronic Banking Services. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 195, 369-
  4. Al-Smadi, M. O., và Al-Wabel, S. A. (2011). The Impact of E- Banking on The Performance of Jordanian Banks. Journal of Internet Banking and Commerce, 16(2).
  5. Awwad, B. (2021). The role of e-payments in enhancing financial performance: A case study of the Bank of Palestine. Banks and Bank Systems, 16, 114-
  6. Cheng, T. C. E., Lam, D. Y. C., và Yeung, A. C. L. (2006). Adoption of internet banking: An empirical study in Hong Kong. Decision Support Systems, 42(3), 1558-
  7. Hossein, S. M. (2013). Consideration the effect of E-Banking on Bank Profitability; Case Study Selected Asian Countries.
  8. Kashmari, A., Nejad, A., và Nayebyazdi, A. (2016). Impact of Electronic Banking Innovations on Bank Deposit Market Share. The Journal of Internet Banking and Commerce, 21(1). https://www.icommercecentral.com/peer-reviewed/impact-of-electronic-banking-innovations-on-bank-deposit-market-share-69051.html
  9. Khatoon, S., Zhengliang, X., và Hussain, H. (2020). The Mediating Effect of Customer Satisfaction on the Relationship Between Electronic Banking Service Quality and Customer Purchase Intention: Evidence From the Qatar Banking Sector. SAGE Open, 10(2), 2158244020935887.
  10. Malhotra, P., và Singh, B. (2007). Determinants of Internet banking adoption by banks in India. Internet Research, 17(3), 323-
  11. Malhotra, P., và Singh, B. (2009). The Impact of Internet Banking on Bank Performance and Risk: The Indian Experience. Eurasian Journal of Business and Economics, 2(4), 43-
  12. Manh Ha, T. (2021). Payment system and bank performance: Evidence from Vietnam. Journal of Contemporary Issues in Business and Government, 27(02).
  13. Mohamad, S. A., và Kassim, S. (2019). Examining the Relationship between UTAUT Construct, Technology Awareness, Financial Cost and E-Payment Adoption among Microfinance Clients in Malaysia. 351-
  14. Morufu, O. (2016). E-payments adoption and Profitability performance of Deposits Money Banks in Nigeria. I PASJ I Nternational Journal of I Nformation Technology, 4(3).
  15. Mustapha, S. A. (2018). E-Payment Technology Effect on Bank Performance in Emerging Economies–Evidence from Nigeria. Journal of Open Innovation: Technology, Market, and Complexity, 4(4), Article 4.
  16. Nazaritehrani, A., và Mashali, B. (2020). Development of E-banking channels and market share in developing countries. Financial Innovation, 6(1), 12.
  17. Okifo, J., và Igbunu, R. (2015). Electronic Payment System in Nigeria: Its Economic Benefits and Challenges. Journal of Education and Practice, 6(16), 56-
  18. Shah Alam, S., Khatibi, A., Solucis Santhapparaj, A., và Talha, M. (2007). Development and prospects of internet banking in Bangladesh. Competitiveness Review: An International Business Journal, 17(1/2), 56-
  19. Torki, L., Rezaei, A., và Razmi, S. F. (2020). The Effects of Electronic Payment Systems on the Performance of the Financial Sector in Selected Islamic Countries. International Journal of New Political Economy, 1(1), 113-

The impact of e-payment method on the operational efficiency of Vietnamese commercial banks

Dang Dang Thu

An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study evaluates how e-payments impact the operational efficiency of Vietnamese commercial banks. This study is mainly based on secondary data from financial statements and annual reports of commercial banks. The study’s results show that automated teller machines (ATMs) have positive impacts on the performance of Vietnamese commercial banks. The higher number of ATMs is, the higher return on total assets of the bank is. Meanwhile, the impacts of the number of Point of Sale (POS) machine and the number of Card Acceptance Unit on the bank’s performance is not statistically significant as cash payment is still prefered in Vietnam. Based on these findings, the study conculeds that e-payment improves the operational efficiency of Vietnamese commercial banks.

Keywords: electronic payment, operational efficiency, e-payment acceptance.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]