Thị trường sữa Việt Nam: Tiềm năng còn rộng mở

Là quốc gia đông dân với mức tăng trưởng dân số cao khoảng 1,2%/năm, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các hãng sản xuất sữa.

Với tỷ lệ tăng trưởng GDP 6 - 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 14,2%/năm cùng với xu hướng cải thiện sức khỏe và tầm vóc của người Việt Nam khiến cho nhu cầu sử dụng các loại sữa và các sản phẩm từ sữa ở mức cao. Theo dự báo của Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), lượng sữa tiêu thụ bình quân đầu người tại Việt Nam vào năm 2010 đạt 15 lít/năm và sẽ tăng gần gấp đôi, lên mức 28 lít/năm vào năm 2020.

Doanh thu ngành sữa Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015 (Nguồn: Cơ sở dữ liệu Tạp chí Công Thương)

Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho biết, trong năm 2014, doanh thu ngành sữa Việt Nam đạt 75.000 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013 và dự báo sẽ tăng lên mức 92.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2014. Trong đó, tăng trưởng doanh thu ngành sữa chủ yếu đến từ mảng sữa bột và sữa nước, các sản phẩm của hai mảng này chiếm 74% tổng giá trị thị trường. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là năng lực sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa trong nước được dự báo sẽ không theo kịp nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất sữa tươi. Hiện Việt Nam chỉ mới đảm bảo tự chủ được 60% nguyên liệu sản xuất sữa, 40% còn lại phải nhập khẩu.

Theo Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước sẽ đạt 660 triệu lít, đáp ứng 35% nhu cầu tới năm 2015, 1 tỷ lít đáp ứng 38% nhu cầu tới năm 2020 và 1,4 tỷ lít đáp ứng 40% nhu cầu tới năm 2025. Trên thực tế, từ trước đến nay, 70% sữa nước được sản xuất tại Việt Nam là từ sữa hoàn nguyên. Trong khi đó, nhu cầu về sữa tiệt trùng và sữa thanh trùng (sữa nước, sản xuất từ sữa tươi) ngày càng tăng cao do thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bổ dưỡng hơn. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ các sản phẩm khác được sản xuất từ sữa tươi ở mức tốt, đặc biệt là sữa chua cũng đẩy nhu cầu về sữa tươi lên cao.

Sản lượng sữa tươi nguyên liệu của Việt Nam qua các năm (Nghìn tấn) (Nguồn: Cơ sở dữ liệu Tạp chí Công Thương)

Nắm bắt được tiềm năng tăng trưởng của thị trường, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia ngành chế biến sữa Việt Nam. Đặc biệt, đa phần các doanh nghiệp hiện đang tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu của riêng mình dưới nhiều hình thức nhằm giải quyết nhược điểm lớn nhất của ngành sữa Việt Nam - thiếu hụt nguyên liệu. Phần lớn lượng bò sữa của Việt Nam hiện được nuôi phân tán trong các hộ nông dân quy mô nhỏ, kỹ thuật chăn nuôi cũng như cơ sở vật chất kém dẫn đến sản lượng sữa thấp và chi phí sản xuất sữa tươi cao. Theo khảo sát của hãng Euromonitor International, chi phí trung bình của sữa ở Việt Nam là 1,40 USD/lít, so với mức 1,30 USD/lít ở New Zealand và Philippines, từ 1,10 - 1,20 USD/lít tại Australia và Trung Quốc, và 0,90 USD/lít ở Anh, Hungary và Brazil.

Một trong những doanh nghiệp sữa thành công nhất với việc tạo lập vùng nguyên liệu để phát triển sản phẩm là Công ty Cổ phần Sữa TH (nhãn hiệu sữa TH True Milk). Công ty Cổ phần Sữa TH hiện đang hình thành đàn bò sữa được chăn nuôi bài bản với quy mô hàng đầu Việt Nam tại tỉnh Nghệ An. Điều này đã giúp Công ty chủ động nguồn nguyên liệu, có tăng trưởng doanh thu nhanh và thị phần ngày càng lớn trên thị trường sữa nước.

Các doanh nghiệp khác cũng không đứng ngoài cuộc đua phát triển vùng nguyên liệu. Đầu tháng 5/2015, Vinamilk - doanh nghiệp đứng đầu ngành sữa Việt Nam đã đầu tiếp 1.600 tỷ đồng xây Tổ hợp các trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Thanh Hóa để tạo nguồn nguyên liệu chế biến sữa, chủ động mở rộng hoạt động sản xuất. Trước đó, Vinamilk đã đầu tư xây dựng “siêu” nhà máy sữa nước và sữa bột tại Bình Dương có tổng vốn đầu tư là 2.400 tỷ đồng, công suất bằng tổng 9 nhà máy sữa hiện tại của Vinamilk.

Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Việt Nam vốn là doanh nghiệp tập trung vào thị trường ngách với dòng sản phẩm sữa bột chuyên biệt, đã tham gia thị trường sữa nước với việc đầu tư 1.600 tỷ đồng xây dựng nhà máy sữa lớn nhất miền Bắc tại tỉnh Hà Nam. Nguồn cung nguyên liệu sữa tươi chính cho NutiFood sẽ đến từ đàn bò sữa của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua quyết định đầu từ 6.300 tỷ đồng để lập trang trại nuôi bò sữa vào cuối tháng 7/2015.

Sức hấp dẫn của thị trường sữa Việt Nam không chỉ kích thích các doanh nghiệp nội địa mở rộng sản xuất mà còn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào ngành. Ví dụ, doanh nghiệp sữa FrieslandCampina Việt Nam (nhãn hiệu sữa Cô gái Hà Lan) đang xúc tiến đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu tại tỉnh Hà Nam theo hình thức hợp tác với các hộ nông dân, hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô gia đình (50 - 80 bò sữa/trại) khác với mô hình trại lớn 500 - 1000 bò sữa/trại của các doanh nghiệp khác.

Cuối năm 2014, Quỹ đầu tư VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) và Daiwa PI Partners (Nhật Bản) rót 45 triệu USD vào Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP - nhãn hiệu sữa Ba Vì). Tuy nhiên, khác hoàn toàn với các doanh nghiệp sữa khác, định hướng của IDP sẽ là kết hợp với các đối tác nước ngoài như hợp tác với một đối tác từ Australia để nhập khẩu trực tiếp sữa tươi Australia vào thị trường Việt Nam.

Gia tăng đầu tư sữa nước là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa Việt Nam khi mà 75% thị phần mảng sữa bột hiện nay thuộc về các doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư tham gia mảng sữa bột như Công ty cổ phần DFB Hanco Việt Nam (DFB Hanco Nutrition) đã chi 700 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất sữa và ngũ cốc nảy mầm GABA tại tỉnh Đồng Nai với sản phẩm chính là sữa và bột dinh dưỡng.

Tập đoàn NOVA (sở hữu Công ty Cổ phần Anova Milk) cũng tham gia dòng sữa bột công thức cao cấp thông qua việc hợp tác độc quyền với Tập đoàn Kerry (Ireland), sản xuất và đóng hộp sữa bột hoàn toàn tại châu Âu rồi chuyển về bán tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh mảng sữa nước, sữa bột, các mảng sản phẩm từ sữa khác như sữa chua cũng rất sôi động với sự góp mặt tham gia của nhiều thương hiệu mới như TH True Milk hay IDP (nhãn hàng sữa chua Love’in Farm). Các thương hiệu mới này hiện đang tích cực đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất lẫn hệ thống phân phối nhằm cạnh tranh với các thương hiệu cũ như Vinamilk.

Với mức tăng trưởng cao, nhu cầu trên thị trường chưa được đáp ứng hết, đặc biệt là tại các nhóm hàng nhỏ - thị trường ngách như sữa chua, bơ - phô mai… ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá có tiềm năng phát triển tốt, đem lại mức sinh lời cao; tuy nhiên, áp lực cạnh tranh trong ngành sẽ tăng cao trong thời gian tới do sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới trong và ngoài nước.