Ngày 6/12, Thủ tướng Anh Theresa May một lần nữa hối thúc các nghị sĩ trong Quốc hội ủng hộ thỏa thuận sơ bộ về việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, nếu không sẽ phải đối mặt với Brexit không thỏa thuận hoặc thậm chí đảo ngược Brexit.
Phát biểu trên đài BBC, bà May cảnh báo nếu các nghị sĩ bác bỏ thỏa thuận sơ bộ mà bà đã đạt được với giới lãnh đạo EU, theo đó Anh rời khỏi EU vào ngày 29/3 song vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi, những phương án thay thế duy nhất là "chúng ta ra đi mà không có một thỏa thuận hoặc chúng ta không có Brexit nào cả".
Bà May cũng đề xuất trao cho Quốc hội vai trò lớn hơn trong việc quyết định có kích hoạt thỏa thuận "chốt chặn" tại biên giới giữa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh, hay kéo dài giai đoạn chuyển tiếp. Phương án "chốt chặn" bao gồm một khu vực chung thuế quan giữa Anh và EU, bắt đầu từ khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc cho tới khi đạt được thỏa thuận tiếp theo.
Thủ tướng May cũng chỉ trích một số thành viên trong Quốc hội đang tìm cách phá hỏng Brexit, đồng thời nói rõ bà không nghĩ rằng một cuộc trưng cầu ý dân khác về Brexit là đúng đắn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh tiếp tục lảng tránh các câu hỏi về việc liệu bà có trì hoãn cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận sơ bộ Brexit vào ngày 11/12 tới hay không.
Cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier nhấn mạnh cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh về thỏa thuận Brexit vào tuần tới sẽ quyết định tương lai đất nước này, nhắc nhở tất cả các bên liên quan đều phải "chịu trách nhiệm".
Ông Barnier nêu rõ: "Nếu không có một thỏa thuận ra đi, sẽ không có sự chuyển tiếp, không có nền tảng cho sự tin tưởng mà chúng ta cần có với Anh liên quan tới mối quan hệ tương lai". Quan chức này cho rằng điều then chốt hiện nay là thỏa thuận Brexit mà EU và Anh đạt được cần được phê chuẩn, nhấn mạnh đây là phương án tốt nhất đối với Anh nếu muốn đảm bảo một sự ra đi có trật tự.
Những tuyên bố trên được Thủ tướng Anh và giới chức EU đưa ra trong bối cảnh truyền thông Anh đưa tin bà May đang đối mặt với sức ép kêu gọi hoãn tiến hành bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit tại Hạ viện vào ngày 11/12 tới, do một số bộ trưởng trong nội các lo ngại kịch bản văn kiện trên không được phê chuẩn sẽ dẫn đến khả năng sụp đổ chính phủ.
The Sun cho biết hiện đã có ít nhất 3 bộ trưởng trong Chính phủ Anh đang cố gắng thuyết phục Thủ tướng May hoãn việc bỏ phiếu sắp tới tại Hạ viện. Lời kêu gọi này đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước EU đề xuất ngày Anh rời khỏi EU có thể lui lại sau tháng 3 nếu việc bỏ phiếu thông qua tại Hạ Viện của Thủ tướng Anh bị thất bại.
Trong khi đó, Công đảng đối lập lớn nhất tại Anh đang có kế hoạch đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu Thủ tướng May thất bại. Trong bối cảnh thời gian không còn nhiều, sự phản kháng lan rộng khắp quốc hội, một số nhân vật cấp cao trong đảng Bảo thủ cầm quyền đã đưa ra đề xuất Thủ tướng May nên hoãn ngày bỏ phiếu thông qua tại Hạ Viện.
Theo báo Telegraph, các lãnh đạo EU có thể sẽ đưa ra một cơ hội cho Thủ tướng May là kéo dài thời hạn chót đối với Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon nếu như việc bỏ phiếu thông qua của Thủ tướng May bị thất bại vào ngày 11/12 tới đây.
Điều này cho phép Anh có thêm thời gian để đàm phán trong nội bộ về thỏa thuận Brexit. Những nhân vật cao cấp trong đảng Bảo thủ ở cả hai phía ủng hộ và chống lại thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May đều đưa ra tiên đoán rằng thời điểm dự kiến Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019 có thể sẽ bị hoãn lại trong khi các bộ trưởng đang nỗ lực cùng nhau đưa ra một lựa chọn mềm mỏng hơn để làm hài lòng Hạ viện.
Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 6/12, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) thông báo sẽ ra phán quyết về việc Anh có được phép đơn phương đảo ngược quyết định rời khỏi EU hay không vào lúc 8 giờ ngày 10/12 (theo giờ GMT).
Hôm 4/12, một cố vấn của ECJ đã đưa ra quan điểm rằng Anh hoàn toàn có thể ngừng tiến trình Brexit mà không cần tìm kiếm sự chấp thuận của các nước thành viên khác, làm gia tăng hy vọng đối với những người muốn ngừng tiến trình này.