Hôm nay, 4/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Phiên họp nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội sau nửa chặng đường của năm “bứt phá” 2019 và thảo luận các biện pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả đạt được về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của nền kinh tế cơ bản là tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát... Động lực hỗ trợ tăng trưởng cả phía cung và phía cầu, trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển, nông nghiệp dần phục hồi.
Cụ thể, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, trong đó, quý I tăng 6,82%, quý II ước tăng 6,71%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng là mức tăng tích cực so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ, cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017. Nếu không có yếu tố bất thường tác động đến tăng trưởng, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt được mục tiêu đã đề ra (6,8%).
Từ nay đến cuối năm, tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi nhanh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, tăng trưởng kinh tế chậm, thương mại toàn cầu suy giảm, căng thẳng thương mại diễn biến khó lường. Các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống 2,6% trong năm 2019, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Trong bối cảnh đó, các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, trong đó WB và IMF dự báo tăng 6,6%, ADB dự báo tăng 6,8% trong năm 2019.
Nhìn lại 6 tháng qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đến hôm nay, chúng ta có thể vui mừng đánh giá kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt kết quả quan trọng, toàn diện. Chúng ta đã và đang làm được rất nhiều việc: Xây dựng kịch bản tăng trưởng, phương án điều hành hằng tháng, hằng quý, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, chế biến nông sản, phát triển bền vững ĐBSCL, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển du lịch, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử…
Tuy nhiên, qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp theo dõi nắm bắt tình hình, nổi lên một số vấn đề cần tập trung thảo luận. Trong đó có câu chuyện xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm, do giá giảm. “Chúng ta đã ký EVFTA, vấn đề đặt ra là phải triển khai hiệu quả, có sản phẩm xuất khẩu, bảo đảm chất lượng. Trước tình hình thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải nỗ lực hơn để đáp ứng hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay”, Thủ tướng lưu ý. Đây là câu hỏi mà hội nghị lần này phải quán triệt, phải thảo luận để từ hội trường đi vào cuộc sống, sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, người dân.