Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các doanh nghiệp Séc sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa tại Việt Nam

Việt Nam rất hoan nghênh sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Séc và Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Séc đầu tư vào Việt Nam.

Chiều 21/4/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Cộng hòa Séc.

Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Phòng Thương mại Cộng hòa Séc Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam đồng tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Cộng hòa Séc

Cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam - Cộng hòa Séc

Khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Séc Petr Fiala khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Cộng hòa Séc ở khu vực Đông Nam Á. Sau hơn 70 năm, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển, trong đó kinh tế là một trụ cột quan trọng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Cộng hòa Séc đang đầu tư có hiệu quả cao tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều người Việt từng làm việc, học tập, sinh sống tại Séc về đầu tư thành công tại quê nhà. Doanh nghiệp Séc đã đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp khai khoáng, y tế, tài chính, công nghiệp quốc phòng, hàng không… Trong đó, có các doanh nghiệp đang đầu tư thành công tại Việt Nam như: Tập đoàn Colt CZ, Tập đoàn OMNIPOL…

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Séc Petr Fiala Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Cộng hòa Séc ở khu vực Đông Nam Á

Thủ tướng Petr Fiala cho biết, Cộng hòa Séc có một số lợi thế trong lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng, y tế, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo… Với việc hai bên đã tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), hai bên sẽ tận dụng tốt lợi thế mà EVFTA mang lại để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại mạnh mẽ hơn, vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân và lợi ích quốc gia của cả 2 nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam và Cộng hòa Séc có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp lâu đời, chân thành, thân thiết trong suốt hơn 70 năm qua. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn phát triển mạnh mẽ với những kết quả ấn tượng.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương tăng 15% so với năm trước, đạt mức 848 triệu USD. Với giá trị trao đổi thương mại như vậy, hiện nay Cộng hòa Séc là một trong những bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực Trung và Đông Âu. Trong lĩnh vực đầu tư, Cộng hòa Séc có 41 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 92 triệu USD, đứng thứ 49 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Đông đảo doanh nghiệp Séc và Việt Nam tham dự Diễn đàn
Đông đảo doanh nghiệp Cộng hòa Séc và Việt Nam tham dự Diễn đàn

Để đạt được những thành công này, bên cạnh yếu tố nền tảng là quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu đời giữa hai nước, hai dân tộc; sự hỗ trợ và quan tâm của Chính phủ hai nước, phải kể đến sự góp sức và đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp hai bên, với phương châm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đưa quan hệ hợp tác kinh tế ngang tầm với hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa…

Thủ tướng cho biết, Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.100 USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt trên 730 tỷ USD, thuộc nhóm các nước có quy mô thương mại lớn trên thế giới. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với trên 60 nước, vùng lãnh thổ. Việt Nam đã là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài với hơn 36.400 dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn đầu tư hơn 440 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 142 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với Thủ tướng Petr Fiala một số hình ảnh về quan hệ 2 nước

Theo Thủ tướng, để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, Việt Nam đang ưu tiên tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng); đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên các động lực tăng trưởng bền vững như kinh tế số và chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Trong tiến trình đó, Việt Nam rất hoan nghênh sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Séc. Việt Nam được Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ghi nhận là 1 trong 20 điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trên thế giới. Brand Finance đánh giá thương hiệu quốc gia của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2022, đạt 431 tỷ USD năm 2022. Việt Nam tin tưởng các doanh nghiệp Séc sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa tại Việt Nam.

Đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD

Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam và Cộng hòa Séc đang phát triển với nhịp độ cao và cùng đẩy nhanh tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Séc, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong những lĩnh vực hai nước cùng có tiềm năng và lợi ích như năng lượng, môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, du lịch...

Đồng thời, Việt Nam một lần nữa cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, với việc giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Quang cảnh Hội đàm giữa lãnh đạo Chính phủ hai nước sáng 21/4/2023

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doan nghiệp; đang triển khai và báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện các giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và giãn nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ… để doanh nghiệp bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Trước đó, tại cuộc hội đàm sáng 21/4, hai Thủ tướng đã nhất trí nhiều nội dung quan trọng để tăng cường hiệu quả, thực chất hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước thời gian tới; trong đó có việc tạo điều kiện cho hàng hóa hai nước tiếp cận ngày càng nhiều hơn vào thị trường của nhau; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại sớm đạt 1 tỷ USD trong 1-2 năm tới.

Đồng thời, Thủ tướng nhận định số vốn đầu tư của doanh nghiệp Séc tại Việt Nam còn khiêm tốn, hy vọng sẽ nhiều hơn khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) được hoàn tất phê chuẩn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Cộng hòa Séc sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai bên phát huy truyền thống đoàn kết, hợp tác và những kết quả tích cực đạt được thời gian qua; trao đổi, chia sẻ và tìm hiểu lẫn nhau; đề ra những giải pháp, chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể thời gian tới; tận dụng tốt những cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do EVFTA mang lại để có nhiều thành công hơn nữa, đóng góp thiết thực vào phát triển ở mỗi nước cũng như vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Séc…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Czech chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa cơ quan, doanh nghiệp hai nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Séc chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa cơ quan, doanh nghiệp hai nước

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Séc đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa cơ quan, doanh nghiệp hai nước như thỏa thuận hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Cộng hòa Séc trong công tác trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp hai nước; biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Armex và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam về tăng cường, đẩy mạnh hợp tác chung giữa hai đơn vị.

Một văn bản khác được ký kết trước sự chứng kiến của hai Thủ tướng là thỏa thuận giữa hãng hàng không Vietjet và trường bay F Air - Cộng hòa Séc. Theo đó, Học viện Hàng không Vietjet - cơ sở đào tạo tiêu chuẩn hàng đầu quốc tế của Vietjet sẽ cùng F Air xây dựng các chương trình đào tạo phi công cơ bản, đào tạo phi công cho Vietjet và ngành hàng không trong khu vực.

Nguyên Vỵ