Ngày 20/2, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với ông Jozef Sileka, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc và đoàn doanh nghiệp Séc tháp tùng đến Việt Nam.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về tình hình chung trong hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam và Cộng hòa Séc có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ nhiều thập kỷ qua. Năm 2022, hai Bên đã tổ chức thành công Khóa họp lần thứ VII - Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Cộng hòa Séc về hợp tác kinh tế tại Thủ đô Praha, sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Về hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Séc vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của cả Việt Nam và Cộng hòa Séc, cơ cấu hàng hóa giữa hai nước còn hẹp, đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ của nhau còn thấp.
Trong khi đó, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc vẫn còn lớn, cụ thể mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Séc vẫn là các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như giầy dép, hàng may mặc, thủy hải sản, máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện... Nhìn chung, mặc dù giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cộng hòa Séc tuy không cao so với các thị trường lớn khác trên thế giới, nhưng luôn có vị trí quan trọng, là bàn đạp thích hợp vào thị trường Visegrad/Đông Âu.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Séc bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác,sản phẩm từ sắt thép…Ngoài ra, với môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng được cải thiện sẽ là tiền đề thuận lợi để hai bên cùng nhau nghiên cứu, tìm giải pháp tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng.
Do đó theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hai cơ chế quan trọng cần đẩy mạnh khai thác để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước trong thời gian tới đó là Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - CH Séc về hợp tác kinh tế; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị hai Bên có thể trao đổi kỹ hơn các hướng hợp tác như sau:
Thứ nhất, Việt Nam và CH Séc là 2 nền kinh tế có tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, thuỷ hải sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp điện tử và hàng tiêu dùng. Việt Nam là quốc gia có thị trường nội địa lớn, với gần 100 triệu dân, dân số trẻ, tốc độ đô thị hoá, số lượng tầng lớp trung lưu, thu nhập và sức mua hàng hoá đang tăng nhanh, tiêu dùng nội địa thường xuyên tăng trưởng 2 con số.
Ở chiều ngược lại, CH Séc là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, có nhiều sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng thế giới về cơ khí, máy móc, xe ô tô, xe tải, đầu máy xe lửa, động cơ tàu thuỷ, thiết bị quốc phòng và nhiều sản phẩm tiêu dùng có chất lượng mà Việt Nam có nhu cầu lớn. Do đó hai bên cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại để kết nối giao thương hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Thứ hai, hai bên cần nghiên cứu thúc đẩy đầu tư sang nhau. Bộ trưởng đề nghị CH Séc thông qua hợp tác đầu tư sẽ hỗ trợ Việt Nam để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới, luyện kim, hóa chất... Trước mắt, hai Bên cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa Tập đoàn Thành Công và Skoda.
Thứ ba, cùng với xu thế phát triển xanh và chuyển đổi năng lượng, các doanh nghiệp CH Séc có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là Tập đoàn EVN.
Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh cộng đồng người Séc gốc Việt tại CH Séc là rất đông đảo (khoảng 65.000 người). Từ năm 2013, Chính phủ CH Séc đã chính thức công nhận người Việt Nam là dân tộc thiểu số. Cộng đồng này vừa đóng góp tích cực vào tình hữu nghị Việt Nam - Séc vừa là cầu nối rất hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Trong thời gian tới, hai bên cần tích cực tận dụng và tạo mọi điều kiện để Cộng đồng người Séc gốc Việt làm ăn, kinh doanh, phát triển ở cả hai nước.
Về phía Cộng hòa Séc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Séc - Jozef Sileka nhất trí với những chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam vừa là bạn, vừa là đối tác quan trọng của Cộng hòa Séc. Do đó phía Cộng hòa Séc mong muốn hai nước cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc đã gửi lời mời Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên sang thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc trong thời gian sớm nhất.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trân trọng cảm ơn Ngài Jozef Sileka, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc đã đến thăm và làm việc với Bộ Công Thương, đồng thời tin tưởng rằng sau buổi trao đổi lần này, hai bên sẽ có thêm nhiều sáng kiến nhằm đưa quan hệ hợp tác song phương nói chung và giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Cộng hòa Séc nói riêng phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn trong thời gian tới.