Thu vượt dự toán ngân sách: Tỷ lệ nghịch dần đều

Cả 3 nguồn thu cho ngân sách nhà nước năm 2019 đều vượt dự toán, nguồn thu lớn nhất tăng thấp nhất
thu nội địa vượt 100,2 nghìn tỷ đồng tăng 8,5%,
Thu thuế nội địa vượt 100,2 nghìn tỷ đồng tăng 8,5% so với dự toán

Vượt chỉ tiêu toàn diện

Trong tổ chức thực hiện thu NSNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2019.

Đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, nhất là thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề về chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; quyết liệt xử lý thu nợ thuế, qua đó đã giảm số thuế nợ đọng đến cuối năm 2019 xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Cụ thể, cơ quan Thuế đã thực hiện thu hồi 35.200 tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang. Tổng số nợ thuế nội địa cuối tháng 12/2019 là 80.830 tỷ đồng, tăng 5,9% so với thời điểm 31/12/2018.

Trong đó: nợ có khả năng thu là 40.602 tỷ đồng, chiếm 50,2% tổng số tiền thuế nợ, tăng 4,8% so với thời điểm 31/12/2018.

Nhờ chủ động trong triển khai thực hiện, kết hợp với sự phát triển khả quan của nền kinh tế, thu cân đối NSNN đến ngày 31/12/2019 đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt 138,2 nghìn tỷ đồng (+9,79%) so dự toán.

Tỷ lệ nghịch dần đều

Trong đó: thu nội địa vượt 100,2 nghìn tỷ đồng tăng 8,5%, thu từ dầu thô vượt 11,7 nghìn tỷ đồng tăng 26,1% và thu cân đối ngân sách từ xuất nhập khẩu vượt 25,3 nghìn tỷ đồng tăng 13,4%.so với dự toán.

Thu từ dầu thô vượt dự toán cao nhất
Thu từ dầu thô vượt dự toán cao nhất

Như vậy, nguồn thu lớn nhất là thu nội địa lại có mức vượt so với dự toán thấp nhất (8,5%); trong khi thu từ xuất nhập khẩu lớn thứ hai có tỷ lệ vượt cao gấp rưỡi thu nội địa; cuối cùng, thu từ dầu thô thấp nhất lại có tỷ lệ vượt cao nhất, gấp 3 lần thu nội địa, và 2 lần thu từ xuất nhập khẩu. 

Tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 25,7%GDP, huy động từ thuế và phí khoảng 21,1%GDP, vượt so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5%GDP và 21% GDP.

Thu NSTW vượt 32 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với dự toán, thu NSĐP vượt trên 106,2 nghìn tỷ đồng tăng 17,7% so dự toán; 63/63 tỉnh, thành phố vượt dự toán thu NSNN trên địa bàn; 60/63 tỉnh, thành phố đạt và vượt dự toán thu NSĐP.

Cơ cấu thu NSNN tiếp tục có chuyển biến và ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức khoảng 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên trên 82% năm 2019.

Cùng thời gian đó, tỷ trọng thu dầu thô giảm dần, từ mức bình quân khoảng 13% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 3,6% năm 2019, và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm từ mức 18,2% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn 13,9% năm 2019.

Chi thường xuyên còn 61%

Nhờ thu ngân sách đạt khá, các nhiệm vụ chi được đảm bảo theo dự toán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách và có thêm nguồn lực xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh về đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

Đã xuất cấp dự trữ quốc gia 18,5 nghìn tấn gạo để cứu trợ nhân dân
Năm 2019 đã xuất cấp dự trữ quốc gia 18,5 nghìn tấn gạo để cứu trợ nhân dân

Bên cạnh đó, ngân sách trung ương đã sử dụng khoảng 7,6 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Đã xuất cấp dự trữ quốc gia 18,5 nghìn tấn gạo để cứu trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, giáp hạt; cấp 69,5 nghìn tấn gạo hỗ trợ học sinh vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và 17,1 nghìn tấn gạo hỗ trợ hộ tham gia các dự án trồng rừng.

Các địa phương đã chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ đời sống nhân dân.

Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2019 đạt khoảng 27% (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên còn khoảng 61% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%).

Phước Long