Thúc đẩy dòng vốn đầu tư Hàn Quốc "chảy về" địa phương

Kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát từ giữa năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong việc đồng hành cùng Việt Nam từng bước “Thích ứng An toàn” trước đại dịch.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo Giao thương trực tuyến “Kết nối Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc” trong khuôn khổ hoạt động của của Ban Korea Desk. Buổi Hội thảo thu hút gần 100 đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự trực tuyến.

Hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương), Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An tổ chức.

Thái Bình: Xác định điểm cốt lõi thu hút FDI

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Huy Quân - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết, trong 10 tháng của năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng việc xúc tiến thu hút đầu tư của tỉnh Thái Bình tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Toàn tỉnh Thái Bình có 68 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trên 18.000 tỷ đồng; trong đó vốn đăng ký mới gần 16.800 tỷ đồng.

Tính đến tháng 10 năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 97 dự án đầu tư FDI, trong đó có 24 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 83.02 triệu USD, trong đó lĩnh vực đầu tư chủ yếu là dệt may, có 01 dự án lắp ráp phụ tùng ô tô, 01 dự án lắp ráp đèn led.

Hiện nay tỉnh Thái Bình đang định hướng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp với các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sản xuất các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện với môi trường; khuyến khích phát triển thương mại điện tử, thương mại nội địa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - phân phối; đầu tư các dự án hạ tầng du lịch hiện đại quy mô lớn (Dự án phát triển khu du lịch sinh thái Cồn Vành, Cồn Đen...).

tran huy quan

“Với Thái Bình: Phòng chống dịch tốt, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả, được tiếp cận vaccine sớm và đầy đủ là cốt lõi của thu hút FDI tại thời điểm này” . 

Ông Trần Huy Quân

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình.

Nghệ An: 3 lĩnh vực tập trung thu hút dòng vốn đầu tư

Nghệ An là một trong những tỉnh thành của Việt Nam luôn chú trọng đến mối quan hệ hợp tác với các tỉnh thành, các địa phương của Hàn Quốc. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Nam - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, năm 2005 Nghệ An đã thiết lập quan hệ hợp tác giữa TP. Vinh với các tỉnh tại Hàn Quốc. Tháng 11/2005, TP. Vinh và TP. Namyangju, tỉnh Gyeonggi đã thiết lập mỗi quan hệ kết nghĩa với nhau trên các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục,...

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 28 dự án có vốn đầu tư FDI từ Hàn Quốc với tổng vốn cam kết đầu tư là 158,13 triệu USD với đa dạng ngành nghề như may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông... thu hút khoảng hơn 15.000 lao động đang làm việc.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An tập trung kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực: Công nghiệp kỹ thuật cao; Công nghiệp hỗ trợ (chế tạo phụ liệu, phụ kiện, linh kiện, cấu kiện, bộ phận, phụ tùng, chi tiết máy móc thiết bị… cung cấp cho ngành công nghiệp lắp ráp cơ khí, điện - điện tử, công nghệ thông tin, ô tô, công nghiệp hóa dầu, nhiệt điện); Logistic (Hậu cần cảng biển); Cơ khí chế tạo, gạch lát cao cấp; sứ vệ sinh cao cấp sản xuất các loại vật liệu mới, dệt may và một số lĩnh vực khác...

Trong những năm tới, Nghệ An có định hướng thu hút đầu tư ở 3 lĩnh vực:

- Về thu hút lĩnh vực đầu tư công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất linh kiệt điện tử, lắp ráp phụ tùng ô tô xe máy sản xuất kim loại nhẹ, dệt may và vật liệu xây dựng.

- Về tiêu dùng, chú trọng đến chế biến thức ăn, các đồ tiêu dùng, gia dụng thiết bị gia đình và đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Về logistics, ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển cảng nội địa, dịch vụ logistics hiện đại đồng bộ, có hệ thống kho bãi. 

nghe an

“Nghệ An mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm, ghé thăm tìm hiểu và là một địa điểm đến đầu tư an toàn hấp dẫn của các doanh nghiệp Hàn Quốc.”  

Ông Nguyễn Văn Nam 

Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An.

Kiên Giang: Ưu tiên thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột

Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam, là một trong 04 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu thu hút từ 30 đến 40 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 60 đến 100 triệu USD.

Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh phấn đấu thu hút từ 40 đến 50 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 80 đến 120 triệu USD. Tỉnh phấn đấu tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ của các nước G7 và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 45 đến 50% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt từ 60 đến 70%; tỷ lệ nội địa hóa bằng mức trung bình của cả nước…

Để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh tập trung cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch trong công tác đăng ký đầu tư, thẩm định các dự án đầu tư nước ngoài. Ngành chức năng tỉnh kiểm tra, thanh tra, giám sát theo quy định của pháp luật nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm và có hướng khắc phục những hạn chế của hoạt động đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội thảo, Bà Nguyễn Duy Linh Thảo - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tiếp tục ưu tiên mời gọi thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột phát triển kinh tế xã hội: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; Phát triển du lịch; Phát triển có trọng tâm các lĩnh vực thương .mại dịch vụ - giáo dục đào tạo - y tế chất lượng cao và Phát triển Kinh tế biển.

Đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Kiên Giang mong muốn thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc có đủ nguồn lực (công nghệ, vốn, năng lực quản trị, kinh nghiệm đầu tư,…) đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến nông thủy sản, giày da; Nông nghiệp sạch, chế biến nông sản giá trị tăng cao và Năng lượng tái tạo; xử lý rác thải, nước thải.

kiên giang

 “Chúng tôi mong nhận được tiếp cận các công nghệ hiện đại để giảm thiểu được các tác động về môi trường. Chúng tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các nhà đầu tư trong nước”.

Bà Nguyễn Duy Linh Thảo 

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang 

Hà An