Thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đưa ra 5 giải pháp trọng tâm

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đưa ra 5 giải pháp trọng tâm để tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước tính đạt 336,32 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập khẩu đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2%.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đưa ra 5 giải pháp trọng tâm để tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm.

1. Tiếp tục đôn đốc, tổng hợp Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của các Bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, triển khai các Kế hoạch này.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.

3. Triển khai xây dựng Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do với mục tiêu rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam; hình thành được hệ thống nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường chuyên sâu cho các ngành hàng chủ lực; rà soát, xác định các thị trường mục tiêu tiềm năng (căn cứ các tiêu chí về dung lượng, nhu cầu thị trường, cam kết FTA với Việt Nam).

4. Tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch. Chú trọng công tác quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử và đề nghị đối tác có thể thẩm tra năng lực của doanh nghiệp mình thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại trong bối cảnh dịch bệnh không thể thực hiện các chuyến giao thương, làm việc trực tiếp với nhau.

5. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số, tận dụng cơ hội đẩy mạnh thương mại điện tử thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

san xuat dien tu
Ngành sản xuất điện tử vẫn duy trì là động lực tăng trưởng xuất khẩu cho ngành chế biến chế tạo

Tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỷ USD (chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 4,5%. Trong 8 tháng có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản của Việt Nam có sự sụt giảm, chỉ có nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ.

Ngành sản xuất điện tử vẫn duy trì là động lực tăng trưởng xuất khẩu cho ngành chế biến chế tạo với sự chuyển dịch tăng trưởng từ điện thoại các loại và linh kiện sang xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện (tăng 24,8%).

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác cũng tăng mạnh 31,9%, đạt 15,05 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 9,6%, đạt 7,32 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại tăng 5,7%...

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng khác trong nhóm hàng này 8 tháng so với với kỳ lại giảm như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 5,5%; hàng dệt và may mặc giảm 11,6%; giày dép các loại giảm 8,6%; xơ, sợi, dệt các loại giảm 19,4%; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù giảm 15,6%...

Về nhập khẩu, tính chung 8 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 72,05 tỷ USD, tăng 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 90,16 tỷ USD, giảm 6,0%.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới giảm do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, điều này dẫn đến kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 4,3%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 2,5%; vải các loại giảm 13%, sắt thép các loại giảm 13,2%; chất dẻo nguyên liệu giảm 12,3%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày giảm 14,1%; hóa chất giảm 8%...

Trong số các mặt hàng nhập khẩu chính, chỉ có một số ít mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2019 như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 15,2%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 6,5%; sản phẩm hóa chất tăng 2,1%...

Tương tự nhóm hàng cần nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng giảm khá mạnh 15,6% trong 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu rau quả và ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm mạnh nhất, giảm tới 35,6% và 46,8%.

Hoàng Hà