Thực trạng áp dụng công cụ tài chính phi truyền thống thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ LÊ (Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng - Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Các công cụ tài chính phi truyền thống (còn được gọi là công cụ tài chính hiện đại, đổi mới) được thiết kế đa dạng để hỗ trợ các hoạt động hiệu quả năng lượng vượt qua các khó khăn, hạn chế về nguồn lực từ ngân sách, khắc phục các rào cản, phát huy tác dụng tích cực của thị trường năng lượng thông qua các hình thức tài chính linh hoạt. Các công cụ tài chính hiện đại ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên toàn thế giới. Bài  viết trình bày hiện trạng sử dụng 2 công cụ tài chính hiện đại là hợp đồng EPC/ESA thông qua mô hình ESCOhạn mức tín dụng đã được giới thiệu và đưa vào áp dụng thời gian gần đây tại Việt Nam.

Từ khóa: công cụ tài chính, ESCO, hạn mức tín dụng.

1. Thực trạng áp dụng hợp đồng EPC/ESA thông qua mô hình ESCO

Tại thị trường Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN là đơn vị nổi bật trong việc áp dụng các hợp đồng EPC/ESA theo mô hình kinh doanh ESCO. Từ năm 2014 đến 2017, EVN đã chính thức ký kết và triển khai 7 hợp đồng cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO ở khu vực phía Nam với giải pháp được chọn là cung cấp hệ thống bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp.

Nhìn chung, các dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO của EVN đã đạt được những hiệu quả nhất định, đều có tiềm năng tiết kiệm lớn (trên 70%), tiết kiệm điện bình quân/dự án là 240.000 kWh/năm; thời gian hoàn vốn bình quân/dự án là 4,5 năm.

Giai đoạn 2017 - 2020, EVN đã và đang tiếp tục mở rộng và phát triển được mô hình này ra các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là khu vực phía Bắc. EVN cũng đã có chủ trương và giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị trực thuộc triển khai, mở rộng để cung cấp các dịch vụ, giải pháp theo mô hình ESCO. Cụ thể từ năm 2017, EVN đã chỉ đạo các Tổng công ty điện lực khu vực mở rộng triển khai thực hiện mỗi năm bình quân 10 dự án ESCO/TCTĐL.

Ngoài ra, mô hình kinh doanh ESCO còn được áp dụng thí điểm trong một số dự án khác như sau:

- Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam, 2015 - 2020”:

Dự án do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) triển khai thực hiện, dưới sự tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án tập trung hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng (gồm các công ty dịch vụ năng lượng và các trung tâm tiết kiệm năng lượng, gọi tắt là ESCO) và các cán bộ quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Thông qua hình thức đào tạo, thực hành tại các dự án thí điểm, họ có cơ hội được triển khai tất cả các bước thực hiện dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng theo mô hình kinh doanh ESCO.Thông qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ tiết kiệm năng lượng của 2.409 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (danh sách theo Quyết định số 1305/QĐ-TTg 03/09/2017), dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc. Kết quả, 108 giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất. Thực hiện các giải pháp này, các doanh nghiệp có tiềm năng tiết kiệm chi phí khoảng 78 nghìn USD/năm, cắt giảm 606 nghìn tấn CO2/năm, với mức đầu tư dự kiến gần 200 nghìn USD, thời gian hoàn vốn 2,6 năm.

- Dự án “Thúc đẩy sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả năng lượng tại Việt Nam”:

Dự án do Bộ Công Thương phối hợp với UNIDO thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020 là một trong những hỗ trợ kỹ thuật có giá trị của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Dự án thể hiện các trường hợp nghiên cứu điển hình và kinh nghiệm cung cấp dịch vụ tư vấn của các chuyên gia được dự án đào tạo. Đây cũng là dự án thứ hai về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do UNIDO hỗ trợ thực hiện tại Việt Nam.

Một số kết quả nổi bật mà dự án đã đạt được như: Bổ sung, sửa đổi, ban hành 2 tiêu chuẩn quốc gia về nồi hơi công nghiệp và ban hành vào 12/2019; Cung cấp dịch vụ cho 390 doanh nghiệp công nghiệp liên quan đến cải thiện hiệu suất nồi hơi; Cải thiện năng lực kỹ thuật/ kỹ năng vận hành nồi hơi cho hàng trăm nhân viên của nhiều doanh nghiệp; Đã có 159 doanh nghiệp thực hiện các giải pháp cải thiện hiệu suất nồi hơi; 72 doanh nghiệp thực hiện các dự án thay thế nồi hơi cũ hiệu suất thấp bằng nồi hơi mới hiệu quả năng lượng. Đặc biệt, Dự án đã góp phần tiết kiệm được 2.905.368 GJ/năm và giảm phát thải khí nhà kính tương đương 487.866 tấn CO2...

- Dự án “PECSME giai đoạn 2010-2015”:

Dự án PECSME do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai, được đề xuất để giải quyết các rào cản đối với việc áp dụng rộng rãi các biện pháp và thực hành tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dự án cung cấp cách tiếp cận chương trình sáng tạo bằng cách tích hợp một loạt các hợp phần và các hoạt động bổ trợ vào một chương trình tổng thể.

Dự án đã triển khai thực hiện được 521 dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong 5 ngành công nghiệp: gạch, gốm sứ, giấy - bột giấy, dệt may, chế biến thực phẩm (mục tiêu 500 dự án); tổng năng lượng tiết kiệm là 180.000 tấn dầu quy đổi (mục tiêu 136.000 tấn); giảm tổng lượng phát thải nhà kính là 740.000 tấn CO2 (mục tiêu 537.000 tấn). Dự án đã kết nối và hỗ trợ 25 tỉnh, thành phố tham gia các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, có 12 tỉnh, thành phố đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng. Về phía các doanh nghiệp, dự án đã tạo ra môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và áp dụng kinh nghiệm quản lý tiên tiến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; trực tiếp thu được hiệu quả kinh tế, tài chính do giảm chi phí sản xuất 10 - 50% và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

2. Thực trạng áp dụng công cụ hạn mức tín dụng

Về nguyên tắc, hạn mức tín dụng đặc biệt cho các dự án hiệu quả năng lượng (HQNL) được thành lập bởi một tổ chức công (chính phủ, hoặc phối hợp cùng tổ chức tài trợ) và cho phép tài trợ cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân. Bằng việc cung cấp vốn cho các tổ chức tài chính địa phương với lãi suất thấp, tổ chức công khuyến khích đơn vị cho vay với lãi suất thấp hơn cho các bên quan tâm đến việc phát triển các dự án HQNL. Việc thiết kế chương trình và đặc biệt là chia sẻ rủi ro giữa các đơn vị tư nhân và Nhà nước rất quan trọng trong việc thực hiện hạn mức tín dụng đặc biệt.

Tại thị trường Việt Nam, công cụ này đã được giới thiệu và áp dụng trong một số dự án, tuy nhiên mức độ phổ biến còn hạn chế. Nhiều ngân hàng Việt Nam cũng mới bước đầu làm quen với công cụ hạn mức tín dụng mặc dù năng lực thực hiện của họ vẫn còn tương đối thấp.

Tháng 4/2017, Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt Dự án sử dụng năng lượng hiệu quả cho các doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam (VEEIE). Đây là dự án do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai xây dựng với tổng giá trị là 158 triệu USD. Dự án có sự tham gia của các ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB). Dự án được thực hiện giai đoạn đầu từ tháng 12/2017 đến hết tháng 7/2022. Chương trình cho vay đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng dự kiến thực hiện toàn bộ trong vòng 10 năm, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) là 100 triệu USD trong tổng số 158 triệu USD nói trên. Khoản vay 100 triệu USD từ IBRD này sẽ được Bộ Tài chính cho các ngân hàng tham gia vay lại. Sau đó, các ngân hàng tham gia sẽ cho các doanh nghiệp công nghiệp hoặc công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) vay để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng. 

Ngoài ra, một số chương trình hạn mức tín dụng với các tổ chức tài chính đang được thực hiện ở Việt Nam, bao gồm Dự án phát triển năng lượng tái tạo (REDP) do Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (International Bank for Reconstruction and Development - IBRD) tài trợ. Các tổ chức tài chính quốc tế đã cung cấp hạn mức tín dụng 25 triệu USD cho Techcombank đầu tư cho hoạt động HQNL và Techcombank đã tài trợ 41,5 triệu USD cho các dự án SDNLTK & HQ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

3. Thuận lợi và khó khăn khi triển khai các công cụ tài chính phi truyền thống tại Việt Nam

3.1. Với Hợp đồng EPC/ESA thông qua mô hình ESCO

Việc triển khai các dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mô hình ESCO là một cách thức mang lại nhiều lợi ích lớn như:

- Khách hàng (doanh nghiệp) được cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện bao gồm kiểm toán năng lượng, lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng năng lượng;

- Không phải bỏ ra vốn đầu tư ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng; Giảm chi phí năng lượng, chi phí bảo dưỡng, rủi ro pháp lý và tránh bị xử phạt; kiểm soát được tình hình sản xuất, tăng tính cạnh tranh;

- Được công ty ESCO chia sẻ lợi nhuận từ các khoản chi phí năng lượng tiết kiệm được, được hưởng toàn bộ hệ thống thiết bị năng lượng mà công ty ESCO đã đầu tư sau thời hạn thỏa thuận hoàn trả chi phí đầu tư ban đầu giữa hai bên, được đảm bảo về lượng điện năng cần thiết và chi phí tiết kiệm được trong thời gian thực hiện hợp đồng;

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình ESCO chưa được phát triển rộng rãi như kỳ vọng tại Việt Nam bởi những khó khăn nhất định sau:

- Do mô hình khá mới nên cần có những nghiên cứu để xây dựng mô hình tổ chức hợp lý, phù hợp với qui định về pháp luật, địa bàn hoạt động của các đơn vị, mang lại lợi nhuận hợp lý cho các bên tham gia. Nhiều đơn vị chưa có kinh nghiệm, hiểu biết thực tế hoạt động của mô hình ESCO nên cần phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, giải quyết các vướng mắc theo các điều kiện thực tế.  

- Khó khăn về nguồn nhân lực có chuyên môn: Triển khai thực hiện mô hình ESCO đòi hỏi phải có các nhân sự có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn cao trong các lĩnh vực quản lý, kiểm toán năng lượng, kỹ thuật, tài chính, tư vấn, quản lý dự án,... Hiện nay, nhiều đơn vị chưa có đội ngũ nhân lực am hiểu về công nghệ cũng như quản lý theo mô hình ESCO, cần phải có kế hoạch, thời gian để đào tạo xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực; 

- Nhân sự triển khai mô hình thí điểm nói chung đều kiêm nhiệm nên việc hạch toán chi phí quản lý dự án chưa phân tách rõ, do đó chưa đánh giá được hiệu quả dự án chi tiết về tài chính, quản lý, khó khăn cho công tác thẩm định giá của thiết bị, phê duyệt dự toán; 

- Công tác truyền thông, tuyên truyền về ESCO đến doanh nghiệp và cộng đồng còn hạn chế. Còn tồn tại sự thiếu tin tưởng của khách hàng và rủi ro có thể của các dự án hiệu quả năng lượng. Nhiều khách hàng quan tâm đến việc tăng doanh số hơn là giảm chi phí thông qua tiết kiệm năng lượng;  

- Khó khăn về nguồn vốn. Ví dụ như trường hợp của EVN, vốn hiện chủ yếu dùng để phát triển hạ tầng điện, còn ESCO chỉ là dịch vụ gia tăng thêm.

3.2. Về Hạn mức tín dụng

Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh, hạn mức tín dụng có hiệu quả trong việc tăng năng lực, sự quan tâm và sự tự tin của các tổ chức tài chính tham gia trong việc đầu tư vào lĩnh vực HQNL thông qua một quá trình vừa học vừa làm và thay đổi nhận thức của họ để họ nhận thấy đầu tư HQNL thực sự là một hoạt động kinh doanh có lãi. Cách tiếp cận này có thể đạt được hiệu ứng đòn bẩy gấp đôi bằng cách tận dụng các khoản đóng góp nợ đáng kể từ các tổ chức tài chính và nguồn vốn chủ sở hữu từ người thụ hưởng cuối và sau đó quay vòng các khoản vay được trả lại quỹ. Nó cung cấp khách hàng tiềm năng tốt nhất vì tính bền vững của chương trình. Bằng chứng từ quốc tế cho thấy rằng các tổ chức tài chính tiếp tục cung cấp tài chính cho HQNL sau khi chương trình hạn mức tín dụng hoàn thành. Có thể tóm tắt các thuận lợi của việc sử dụng công cụ hạn mức tín dụng này là:

- Tương đối hiệu quả về mặt chi phí tác nghiệp và quản lý cũng như chi phí thực hiện;

- Là công cụ giúp nhận thức lan rộng và đạt hiệu quả lâu dài;

- Hoạt động tốt nhất trong thị trường tài chính trưởng thành thấp;

Điểm yếu của công cụ hạn mức tín dụng là:

- Cải tiến hoạt động HQNL một cách gián tiếp nên khó đo lường được hiệu quả của công cụ;

- Có thể bị chấm dứt do thiếu tài trợ vốn giữa chừng;

- Phải thiết kế chương trình chặt chẽ, tránh phát sinh để bảo đảm hiệu quả chắc chắn.

4. Kết luận

Nhìn chung, thiếu các cơ chế và công cụ tài chính hỗ trợ là một rào cản đối với việc mở rộng quy mô các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là đối với các tổ chức năng lực tài chính yếu và khả năng tiếp cận thị trường vốn hạn chế. Cho đến khi thị trường HQNL trưởng thành thì ngân hàng, các đối tác phát triển và Chính phủ có thể giúp đẩy nhanh việc áp dụng các sáng kiến ​​HQNL thông qua mô hình ESCO hoặc bằng cách cung cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để cho vay lại các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả  . Việc sử dụng hạn mức tín dụng là cách tốt để khuyến khích các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả  bằng cách nới lỏng tài chính cho các dự án đó, mặc dù tác động trực tiếp đối với HQNL khó đo lường hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tapan Sarker, Farhad Taghizadeh-Hesary, Aline Mortha, and Anjan Saha, (2020), The role of fiscal incentives in promoting energy efficiency in the industrial sector: case studies from Asia, 1172.
  2. Worldbank, ( 2018), Implementation completion and results report ICR.Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam, (2022), Đề tài: Nghiên cứu, đánh giá các công cụ tài chính về hiệu quả năng lượng tại Việt Nam, đề xuất giải pháp hoàn thiện nhằm thúc đẩy thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2030.
  1. http://nangluongvietnam.vn
  2. https://tietkiemnangluong.com.vn
  3. https://www.climateinvestmentfunds.org
  4. https://cskh.evnspc.vn

 The current use of non-traditional financial tools to promote the efficient energy use in Vietnam

Master. Nguyen Thi Le

Faculty of Energy and Industrial Management, Electric Power University

Abstract:

Non-traditional financial tools, which are also known as modern, innovative financial tools, are diversely designed to support energy-efficient operations to overcome challenges and resource constraints from the budget. These financial tools are also to promote the positive effects of the energy market through flexible types of financing. Modern financial tools play an increasingly important role in promoting the efficient energy use around the world. This paper presents the current use of two modern financial tools, including the EPC/ESA contract through the ESCO model and the credit limit. These two financial tools have been introduced and applied recently in Vietnam.

Keywords: financial tool, ESCO, credit limit.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]