Thực trạng và đề xuất một số giải pháp về nguồn lao động chất lượng cao của Việt Nam

THS. MAI THANH HẰNG (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP. Hồ Chí Minh cho thấy, dự báo trong tháng 6/2021, thị trường lao động thành phố có nhu cầu tuyển dụng 20.000 chỗ làm việc, trong đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) là 5.000 chỗ. Theo các nhà tuyển dụng, nhu cầu nhân lực tiếp tục theo xu hướng cần nhiều nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, việc tuyển dụng lực lượng này rất khó bởi nguồn cung lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực luôn ở trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực chất lượng cao như: kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo,…

Từ khóa: nguồn lao động chất lượng cao, cung - cầu, TP. Hồ Chí Minh.

1. Thực trạng nguồn lao động chất lượng cao của Việt Nam

1.1. Tình trạng cung thiếu

Kết quả khảo sát các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy, DN trong khối ASEAN hiện đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng; gần 50% chủ sử dụng lao động trong cuộc khảo sát cho biết, người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần; cử nhân tốt nghiệp đại học dẫu được trang bị những kỹ năng có ích nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Do trình độ phát triển không đồng đều, nên hiện nay lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối ASEAN chủ yếu di chuyển vào thị trường Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và Thái-lan. Còn lại hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng.

Bên cạnh chất lượng thấp, cơ cấu nhân lực lao động của Việt Nam cũng còn nhiều bất cập lớn. Cơ cấu trình độ của nhân lực lao động Việt Nam là: 1 đại học trở lên/ 0,32 cao đẳng/ 0,61 trung cấp/ 0,37 sơ cấp. Trong khi đó, theo quy luật của thị trường lao động, những người lao động trực tiếp (trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp (trình độ đại học). Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam. Tính đến hết tháng 3/3021, cả nước có 417,3 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp (chiếm 39,7%), nhưng người có trình độ đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (155,5 nghìn người).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp và cơ cấu bất hợp lý là một trong những lý do dẫn đến năng suất lao động thấp. Theo đánh giá của ILO công bố trong năm 2019, năng suất của lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương và ở ASEAN: Chỉ bằng 1/15 so với Xin-ga-po; bằng 1/5 Ma-lai-xi-a và 2/5 Thái-lan, chưa kể so sánh với năng suất lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Niu Di-lân,… là những đối tác đã có các hiệp định quan trọng với ASEAN.

1.2. Tình trạng cầu thừa

Theo các chuyên gia, trong năm 2019, thị trường lao động đã định hình rõ nét việc chuyển dịch nhu cầu sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019 của các DN tiếp tục tăng, trong đó cao nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ lệ hơn 48,8%. Xét theo nhóm, công nghiệp - xây dựng là nhóm ngành có sức hút lao động lớn nhất với hơn 70% trong tổng số lao động dự kiến tuyển dụng thêm; tiếp đến là ngành dịch vụ với hơn 28,7%, cuối cùng là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Theo khảo sát của VietnamWorks, 74% nhà tuyển dụng cho biết nhu cầu về nhân lực của họ sẽ tăng lên. Trong đó, 33% số DN có kế hoạch tăng mạnh về quy mô nhân sự với nhu cầu tuyển dụng hơn 30%, trong đó 15% số DN sẽ tăng từ 30% - 40%; 15% tăng từ 40% - 50% và 3% tăng đến hơn 50%. Số DN còn lại, có 33% cho rằng nhu cầu sẽ tăng 10% - 20% và 26% cho rằng nhu cầu sẽ tăng 20% - 30%.

Ví dụ cụ thể tại TP. Hồ Chí Minh, báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong tháng 6/2021, thị trường lao động thành phố có nhu cầu tuyển dụng 20.000 chỗ làm, trong đó, nhu cầu tuyển dụng của các DN trong các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) là 5.000 chỗ. Theo các nhà tuyển dụng, nhu cầu nhân lực tiếp tục theo xu hướng cần nhiều nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, việc tuyển dụng lực lượng này rất khó bởi nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực luôn ở trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực chất lượng cao như: kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo…

Có thể thấy tại thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, nghịch lý là đang rất thừa lao động không phù hợp những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển, nhưng lại rất thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển. Có hơn 70% số sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa được trang bị tốt về chuyên môn cũng như kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ để tiếp cận công việc. Ngoài ra, bằng cấp cao không quyết định vấn đề xin việc khó hay dễ mà nguồn nhân lực đó có đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hay không. Thậm chí, nhiều công ty cho biết họ đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Hàng năm, công ty phải bỏ ra hàng trăm nghìn USD để đưa người lao động đi đào tạo lại, vì nguồn nhân lực tuyển vào không đáp ứng được yêu cầu công việc.

2. Một số giải pháp khắc phục

Một là: phải xác định cho rõ nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, cần lấy nguồn nhân lực làm tài nguyên thay thế, gọi là tài nguyên nguồn nhân lực, hoặc tài nguyên con người.

Hai là, Nhà nước xây dựng chiến lược nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; xác định thật rõ xây dựng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các nhà hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Ba là, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Chính phủ có biện pháp giải quyết hiệu quả những vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài của nguồn nhân lực, trong đó có vấn đề khai thác, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc khai thác, đào tạo, sử dụng từ nguồn nhân lực trong công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, dịch vụ,…

Bốn là, Nhà nước cần có kế hoạch phối hợp, tạo nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, trí thức; có kế hoạch khai thác, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng các nguồn nhân lực cho đúng.

Năm là, không ngừng nâng cao trình độ học vấn. Hiện nay, nhìn chung, trình độ học vấn bình quân của cả nước mới ở khoảng lớp 6/ đầu người. Tỷ lệ biết chữ mới đạt khoảng 93%. Vì vậy, cần giải pháp để nâng cao trình độ học vấn của mặt bằng chung cả nước, thực hiện toàn xã hội học tập và làm việc.

Sáu là, Đảng và Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, minh bạch, đúng đắn đối với việc sử dụng, trọng dụng nhân tài, nhất là trọng dụng các nhà khoa học và chuyên gia thật sự có tài năng cống hiến. .

Bảy là, Chính phủ cần có quyết định đúng đắn về việc được phép đầu tư những lĩnh vực nào trong việc nâng cao nguồn nhân lực. Cải thiện chính sách tiền tệ và tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa giáo dục là những vấn đề quan trọng vào thời điểm hiện nay.

Tám là, cải thiện thông tin về nguồn nhân lực theo hướng rộng rãi và dân chủ, giúp mọi người thấy được tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực; Mở những đợt tuyên truyền rộng rãi, về nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống, thông tin về học tập, giáo dục ngành nghề trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, học sinh.

Chín là, hàng năm, Nhà nước cần tổng kết về lý luận và thực tiễn về nguồn nhân lực ở Việt Nam, đánh giá đúng mặt được, mặt chưa được, kịp thời rút ra những kinh nghiệm, trên cơ sở đó xây dựng chính sách mới và điều chỉnh chính sách đã có về nguồn nhân lực ở Việt Nam, như: chính sách hướng nghiệp, chính sách dạy nghề, học nghề, chính sách quản lý nhà nước về dạy nghề, học nghề; chính sách dự báo nhu cầu lao động và cân đối lao động theo ngành nghề, cấp trình độ; chính sách thu hút các thành phần kinh tế tích cực tham gia vào lĩnh vực tạo nguồn nhân lực cho đất nước; chính sách chi ngân sách để đào tạo nguồn nhân lực; chính sách đối với các tổ chức phi chính phủ (NGO) có liên quan đến vấn đề nhân tài, nhân lực; chính sách đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; chính sách bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, công nhân, trí thức, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có chính sách, biện pháp kết hợp thật tốt giữa đào tạo và sử dụng trong tổng thể phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng có hiệu quả nguồn lao động có chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Thống kê (2019), Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam,
    NXB Bộ Lao động Thương binh và Xã hội;
  2. Phạm Thị Bạch Tuyết (2014), Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với lao động ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Đại học Khoa học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, số 60/2014;
  3. Một số website: vn, molisa.gov.vn…

 The current situation and some solutions for improving the supply of high-quality human resources in Vietnam

Master. Mai Thanh Hang

Faculty of Accounting, University of Economics – Technology for Industries

ABSTRACT:

According to the Ho Chi Minh City Human Resources Forecast and Labor Market Information Center, the city’s labor market will create 20,000 jobs in June 2021. In which, enterprises in the city’s industrial parks - the export processing zone will need 5,000 workers. According to employers, the demand for high-quality human resources keeps increasing. However, it is difficult for employers to recruit high quality employees as the labour supply has not yet met the requirements of employers. Many industries such as financial and banking, auditing, information technology, electronics, telecommunications, mechanical engineering, etc. always seek high-quality human resources.

Keywords: high quality human resources, supply - demand, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15, tháng 6 năm 2021]