Thực trạng và một số giải pháp tăng cường quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

Đề tài Thực trạng và một số giải pháp tăng cường quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên do Trần Thị Quyên1 - Lê Minh Sơn1 - TS. Phạm Minh Việt2 (1, Học viên Học viện Tài chính - 2 Giảng viên Học viện Tài chính) thực hiện

TÓM TẮT:

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính - ngân sách, điều hành chi ngân sách nhà nước (NSNN) chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo mục tiêu tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, phòng chống dịch Covid-19 và dành nguồn lực cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện nhu cầu chi ngân sách ngày càng lớn, tình trạng bội chi ngân sách thường xuyên…, thì việc nâng cao hiệu quả quản lý chi thường xuyên NSNN là yêu cầu cấp bách. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên giúp việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Từ khóa: quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Điện Biên.

1. Đặt vấn đề

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên. Trong những năm qua, hoạt động quản lý chi thường xuyên NSNN của Sở đã cơ bản đáp ứng nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý sử dụng NSNN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần khắc phục, như: Công tác lập dự toán còn chưa sát với thực tế, còn phải bổ sung điều chỉnh lại, việc chấp hành dự toán và quyết toán còn chậm, vượt định mức… Do vậy, cần có đánh giá toàn bộ quá trình chi thường xuyên NSNN ở các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán, để từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm quản lý hiệu quả nguồn lực tài chính trong thời gian tới.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bài nghiên cứu tập trung phân tích thông tin từ những báo cáo thường niên của HĐND tỉnh Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính và một số Ban, Ngành của tỉnh với phương pháp thống kê mô tả và thống kê so sánh. Ngoài ra, thu thập thông tin qua các cuộc phỏng vấn, thảo luận nhóm, tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn sâu trong công tác quản lý NSNN. Phương pháp chuyên gia được sử dụng nhằm phân tích sâu về kết quả đạt được và tính khả thi của các giải pháp đề xuất.

3. Thực trạng quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2020-2022

3.1. Thực trạng lập dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

Lập dự toán chi thường xuyên NSNN là khâu rất quan trọng trong công tác quản lý chi thường xuyên NSNN. Trình tự lập dự toán tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên được thực hiện như sau:

i. Phòng Kế hoạch Tài chính hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng dự toán.

ii. Các đơn vị trực thuộc xây dựng dự toán.

iii. Phòng Kế hoạch - Tài chính thẩm định dự toán, tổng hợp gửi Sở Tài chính.

iV. Quyết định giao dự toán cho các đơn vị.

ngân sách

 

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo quyết toán năm 2020, 2021 và 2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

Theo nguồn số liệu, dự toán giao đầu năm 2020 giảm nhẹ so với số giao năm 2019: giảm 904 triệu đồng, tương ứng 1,6%. Trong đó, nhóm chi lương, các khoản đóng góp theo lương và chi thường xuyên theo định mức tăng nhẹ; nhóm chi các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ tăng 485 triệu đồng tương ứng 3,3%; trong khi đó nhóm các khoản chi khác giảm 2.210 triệu đồng tương ứng 43,5%. Dự toán giao đầu năm 2021 tăng 5.790 triệu đồng tương ứng với 10,3% so với dự toán giao năm 2020. Tăng chủ yếu ở nội dung chi các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Nhóm các khoản chi khác tăng đột biến so với năm 2020, vì trong năm 2021 đơn vị được giao kinh phí sửa chữa trụ sở làm việc, nhà trưng bày hiện vật. Tổng dự toán chi thường xuyên NSNN giao đầu năm 2022 tăng 9.115 triệu đồng tương ứng 14,7% so với năm 2021, chủ yếu do tăng kinh phí thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, phát sinh nhiệm vụ tổ chức đại hội TDTT tỉnh Điện Biên và tham gia đại hội TDTT toàn quốc. Ngoài ra, cũng do năm 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, định mức chi thường xuyên tăng theo Nghị quyết số 61/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên.

Tổng dự toán chi thường xuyên NSNN cấp đầu năm cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên qua 3 năm (2020-2022) về cơ bản không có sự tăng, giảm đột biến mà ổn định qua các năm. Nhóm mục chi lương và các khoản đóng góp theo lương của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chiếm tỷ trọng lớn nhất với 48%; tiếp theo là nhóm mục chi các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ với 30%, chi thường xuyên theo định mức chiếm tỷ trọng 15%; thấp nhất là nhóm các khoản chi khác với tỷ lệ 7%. Nội dung chi các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ năm sau cao hơn năm trước, điều này thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đến các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

3.2. Thực trạng chấp hành dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

Căn cứ dự toán ngân sách năm được giao, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện rút dự toán chi theo chế độ, định mức chi tiêu ngân sách được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và tiến độ, khối lượng thực hiện nhiệm vụ. (Bảng 1)

Bảng 1. Bảng so sánh số thực hiện với dự toán được giao của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2020-2022

                                                                                                ĐVT: triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Số giao

Số quyết toán

Tỷ lệ giữa số QT/số giao

Dự toán giao trong năm

Số quyết toán

Tỷ lệ giữa số QT/số giao

Dự toán giao trong năm

Số quyết toán

Tỷ lệ giữa số QT/số giao

Quản lý hành chính

9.151

8.863,5

96,9%

8.018

8.035,5

100,2%

9.057

8.834,4

97,5%

Sự nghiệp văn hóa

40.444

40.493,3

100,1%

43.857

44.247,2

100,9%

65.426

65.045,9

99,4%

Sự nghiệp kinh tế

2.855

2.855,0

100,0%

3.661

3.661,0

100,0%

3.750

3.750,0

100,0%

Sự nghiệp thể dục thể thao

6.203

6.203,0

100,0%

6.505

6.282,1

96,6%

9.618

9.536,4

99,2%

Tổng

58.653

58.414,8

99,6%

62.041

62.225,8

100,3%

87.851

87.166,7

99,2%

Nguồn số liệu: Tổng hợp từ báo cáo quyết toán năm 2020, 2021 và 2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

Tổng chi thường xuyên NSNN năm 2020 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 58.414,8 triệu đồng, đạt 99,6% so với dự toán được giao trong năm. Trong đó, lĩnh vực chi QLNN đạt 96,9%; sự nghiệp văn hóa, sự nghiệp thể dục thể thao, sự nghiệp kinh tế khác số thực hiện đều bằng hoặc vượt dự toán giao trong năm. Kinh phí chi thường xuyên NSNN hủy dự toán là 280 triệu đồng; kinh phí chuyển nguồn sang năm sau sử dụng là 458,3 triệu đồng. Năm 2021, tổng chi thường xuyên NSNN của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 62.225,8 triệu đồng, đạt 100,3% so với dự toán được giao trong năm năm. Tuy nhiên, cuối năm vẫn còn dư dự toán phải hủy là 273,5 triệu đồng. Tổng chi thường xuyên NSNN của Sở năm 2022 là 87.166,7 triệu đồng, đạt 99,2 % so với dự giao trong năm. Kinh phí chi thường xuyên NSNN hủy dự toán là 280 triệu; kinh phí chuyển nguồn sang năm sau sử dụng là 458,3 triệu đồng. Kinh phí thực hiện năm 2022 của Sở tăng so với các năm trước là do tăng định mức chi thường xuyên và trong năm 2022 tỉnh Điện Biên đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa Việt Nam - Lào; tổ chức Lễ hội Hoa Ban sau 2 năm dừng tổ chức do dịch bệnh Covid-19.

Như vậy, nguồn chi thường xuyên NSNN năm 2020-2022 tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã cơ bản đáp ứng nhu cầu kinh phí thực hiện nhiệm vụ của ngành. Tuy nhiên, trong quá trình chấp hành dự toán tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên trong cả 3 năm giai đoạn 2020-2022 đều còn tình trạng hủy dự toán cuối năm.

3.3. Thực trạng quyết toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

Theo báo cáo quyết toán năm 2020, 2021 và 2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, công tác lập báo cáo quyết toán chi thường xuyên NSNN của các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cơ bản đáp ứng được quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi nộp báo cáo quyết toán đến Sở Tài chính, đơn vị còn điều chỉnh, gửi lại báo cáo quyết toán nhiều lần. Nguyên nhân do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên chưa quy định thời gian các đơn vị trực thuộc gửi báo cáo quyết toán về phòng Kế hoạch Tài chính nên đến sát ngày Phòng Kế hoạch Tài chính phải gửi báo cáo quyết toán toàn ngành đến Sở Tài chính, các đơn vị trực thuộc mới nộp, nên ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp báo cáo quyết toán toàn ngành.

3.4. Thực trạng công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chi thường xuyên NSNN tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chi thường xuyên NSNN tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên có sự phối hợp tham gia của nhiều bộ phận, cơ quan như: Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Thanh tra tỉnh, Kiểm toán Nhà nước Khu vực VII. Trong quá trình kiểm tra, giám sát tại Sở vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Thời gian phân bổ dự toán có trường hợp còn chậm. Ngoài ra, việc lập dự toán chi NSNN của các đơn vị vẫn chưa đầy đủ và chính xác các nhiệm vụ chi, dẫn đến việc phải bổ sung, điều chỉnh dự toán cho các đơn vị. Đồng thời vẫn còn tình trạng một số khoản thanh toán bị KBNN trả lại, nguyên nhân do chi chưa hoàn toàn đúng tiêu chuẩn định mức.

4. Giải pháp tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên

Trên cơ sở phân tích thực trạng quản lý chi thường xuyên NSNN tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, để tăng cường công tác quản lý chi thường xuyên NSNN, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cần có nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt các chính sách và tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý chi thường xuyên NSNN trong thời gian tới, cụ thể như sau:

- Giải pháp về lập dự toán chi thường xuyên NSNN.

Lãnh đạo Sở cần quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng dự toán năm kế hoạch bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh nói chung và chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành nói riêng; đồng thời, phải dựa trên những căn cứ cụ thể, có tính pháp lý và các văn bản pháp lý hướng dẫn lập dự toán. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cần chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch năm sau trên địa bàn tỉnh vào trước thời điểm xây dựng dự toán năm kế hoạch. Chỉ đạo, quán triệt các đơn vị trực thuộc xây dựng dự toán chi thường xuyên NSNN hàng năm trên tinh thần triệt để tiết kiệm, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương và đúng chế độ chính sách theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra từ khâu lập dự toán của đơn vị, để từ đó chỉ ra những hạn chế, yếu kém của đơn vị trong quá trình thực hiện; kịp thời chấn chỉnh để công tác lập dự toán của đơn vị ngày càng tốt hơn.

- Giải pháp về chấp hành dự toán chi thường xuyên NSNN.

Trong quá trình chấp hành dự toán chi thường xuyên NSNN, các đơn vị cần phải bám sát dự toán được cấp có thẩm quyền giao, đảm bảo khớp đúng về lĩnh vực chi, nội dung chi, chế độ, chính sách theo quy định. Các đơn vị cần đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu NSNN, cần chủ động, linh hoạt trong điều hành dự toán chi thường xuyên NSNN, phải xác định nhiệm vụ ưu tiên thực hiện; chi phải theo khả năng bố trí nguồn kinh phí, tránh tình trạng nhiệm vụ công việc đang còn phải triển khai nhưng lại hết dự toán kinh phí hoặc phải điều chỉnh, bổ sung dự toán nhiều lần trong quá trình thực hiện. Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Thanh tra, Kiểm toán tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc chấp hành chi thường xuyên NSNN tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, nâng cao phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm trong bộ máy quản lý chi thường xuyên NSNN tại Sở để tránh hiện tượng tham ô, tham nhũng trong quản lý nguồn vốn NSNN.

- Giải pháp về quyết toán chi thường xuyên NSNN.

Các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cần chủ động lập báo cáo quyết toán đúng mẫu biểu và nộp đúng thời gian quy định, cần đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn NSNN trong năm để làm căn cứ lập và xây dựng dự toán trong những năm tiếp theo, cần đẩy mạnh công khai tài chính nâng thực hiện quyền kiểm tra, giám sát nội bộ quá trình quản lý và sử dụng NSNN trong đơn vị.

- Giải pháp về công tác kiểm tra, giám sát quản lý chi thường xuyên NSNN.

Cơ quan kiểm tra, giám sát cần tiến hành kiểm tra thường xuyên hay định kỳ từ khâu lập dự toán cho đến khâu quyết toán. Đồng thời cần xác định các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các lĩnh vực có nguồn kinh phí lớn, dễ xảy ra thất thoát, lãng phí như: mua sắm trang thiết bị, tài sản phục vụ hoạt động chuyên môn… Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan kiểm tra, giám sát để tránh chồng chéo, trùng lắp trong quá trình thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị. Ngoài ra, cần nâng cao trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên đào tạo, cập nhật các kiến thức mới không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản lý nhà nước mà còn nhiều kiến thức tổng hợp khác.

- Các giải pháp khác.

Cần xây dựng cơ chế tự chủ về tài chính và biên chế đối với các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện hệ thống định mức phân bổ, định mức chi NSNN, hoàn thiện bộ máy quản lý chi thường xuyên NSNN tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên.

5. Kết luận  

Công tác quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên muốn được thực hiện một cách hiệu lực, hiệu quả cần phải có chính sách phù hợp, quy trình quản lý chi chặt chẽ, hợp lý, khoa học. Công tác tổ chức triển khai cần thường xuyên được đổi mới, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Sau khi phân tích thực trạng công tác quản lý chi thường xuyên NSNN tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, nhóm tác giả đã đưa ra các giải pháp mang tính khả thi cao, nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 342/2016/TT-BTC Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.
  2. Bùi Tiến Hanh (2018), Giáo trình Quản lý chi ngân sách nhà nước, Học viện Tài chính, Hà Nội.
  3. Chính phủ (2016), Nghị định số 163/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Ngân sách nhà nước.
  4. Quốc hội (2015), Luật Ngân sách nhà nước.
  5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên (2022). Báo cáo Quyết toán năm 2020.
  6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên (2021). Báo cáo Quyết toán năm 2021.
  7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên (2022). Báo cáo Quyết toán năm 2022.

The current management of recurrent expenditures of the state budget at the Department of Culture, Sports, and Tourism of Dien Bien province and solutions to improve this management

Tran Thi Quyen1

Le Minh Son1

Ph.D Pham Minh Viet2

1Student, Vietnam Academy of Finance

 2Lecturer, Vietnam Academy of Finance

ABSTRACT:

Recently, the Government of Vietnam has issued many solutions to improve state budget management and manage state budget expenditures closely, economically, and effectively to achieve the goals of creating financial resources for salary reform, COVID-19 prevention, and socio-economic recovery and development programs. However, in the context of increasing budget expenditure needs and frequent budget overspending, it is an urgent task for the government to improve its recurrent expenditures on the state budget. This study analyzes the current management of recurrent expenditures of the state budget at the Department of Culture, Sports, and Tourism of Dien Bien province. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help the department use its state budget more effectively and economically. 

Keywords: managing recurrent expenditures of the state budget, Department of Culture, Sports, and Tourism, Dien Bien province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2023]

Tạp chí Công Thương