Tiền Giang: 52 sản phẩm tham dự sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023

Năm 2023, Sở Công Thương Tiền Giang đã tiếp nhận được 52 sản phẩm của 28 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn của 10/11 huyện, thành, thị đăng ký tham gia bình chọn.

 Kết quả, Ban tổ chức đã trao chứng nhận 20 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào ngày15/8/2023.

Theo đó, các sản phẩm thuộc 4 nhóm, trong đó nhiều nhất là nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm với 42 sản phẩm. Còn lại 3 sản phẩm thủ công mỹ nghệ; 1 sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí; 6 sản phẩm thuộc nhóm khác.

Qua đánh giá, Hội đồng bình chọn đã chọn ra được 20 sản phẩm của 19 cơ sở đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023. Mỗi sản phẩm được cấp giấy chứng nhận và số tiền là 5 triệu đồng.

Tiền Giang
Hội đồng bình chọn đã chọn ra được 20 sản phẩm của 19 cơ sở đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá cao những nỗ lực của các chủ thể sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Ông mong muốn việc hình thành sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu trở thành phong trào chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng tốt hơn. Các doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm được công nhận cần chú ý đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong chế biến, sản xuất để tạo sản phẩm đạt chuẩn.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định một trong ba khâu đột phá mang tính chiến lược là tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực của tỉnh trên cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản hàng hóa nói chung. Cụ thể hóa mục tiêu trên, tỉnh Tiền Giang chú trọng hình thành các khu, cụm công nghiệp ở những địa bàn trọng điểm; tăng cường mời gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản lợi thế địa phương: Lương thực - thực phẩm xuất khẩu, thủy hải sản, rau quả, thức ăn chăn nuôi...

Tỉnh hình thành 04 khu công nghiệp, trong đó có 03 khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy trên 92% tổng diện tích; 05 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 04 cụm công nghiệp lấp đầy gần 100% diện tích. Với sự khuyến khích, tạo thuận lợi trong đầu tư, kinh doanh, làm ăn của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, ngành công nghiệp chế biến mũi nhọn của tỉnh đang phát huy vai trò gắn kết vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa, phát triển theo hướng hiện đại, làm hậu cần phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Địa phương hiện có trên 500 doanh nghiệp chuyên doanh xay xát, chế biến lúa gạo tiêu dùng và xuất khẩu, tập trung tại các huyện, thị vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp phía Tây là huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, huyện Châu Thành, thị xã Cai Lậy. Hầu hết doanh nghiệp đều đầu tư dây chuyền tự động hóa từ phơi sấy, phân loại, đánh bóng, tách màu, chọn hạt đến đóng gói sản phẩm, giúp nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa đưa ra thị trường.

Tại buổi trao danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023, các chủ thể cũng mong muốn được Sở Công Thương hỗ trợ để góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương, chuyển đổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn.

Qua đó, thu hút, khuyến khích, động viên kịp thời các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nói chung và các đơn vị có sản phẩm được bình chọn tích cực hơn trong việc duy trì sản xuất và phát triển sản phẩm có chất lượng cao, có tiềm năng lợi thế của địa phương…

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang mong muốn việc hình thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trở thành phong trào chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tiền Giang
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

Được biết, trong thời gian sắp tới Sở Công Thương Tiền Giang sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Tư vấn đến các cơ sở công nghiệp nông thôn chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung đầu tư máy móc, thiết bị ứng dụng vào sản xuất để tạo ra sản phẩm đa dạng về mẫu mã, có giá trị cao.

Đông Sơn