Liên kết chuỗi trong nông nghiệp Nam Định
11/10/2023 lúc 16:30 (GMT)

Liên kết chuỗi trong nông nghiệp Nam Định

Có nhiều chuỗi được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, áp dụng công nghệ cao gắn với việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Việc xây dựng các chuỗi liên kết giá trị đã góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Nam Định, góp phần tô đẹp bức tranh nông thôn mới của địa phương.

Doanh nghiệp dẫn dắt chuỗi

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định, địa phương hiện có 39 chuỗi liên kết; trong đó có 11 chuỗi trong lĩnh vực trồng trọt, 10 chuỗi chăn nuôi, 15 chuỗi thủy sản và 3 chuỗi diêm nghiệp. Toàn tỉnh Nam Định hiện có gần 112 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 90 nghìn ha đất phù sa màu mỡ và trên 17 nghìn ha đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, gắn với tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các mô hình liên kết và xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị.

Là doanh nghiệp đầu tiên tham gia triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lượng, huyện Ý Yên đã được Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh Nam Định phối hợp với đơn vị tư vấn chương trình OCOP. Từ đó định hướng phát triển, hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm bằng việc thay đổi quy trình sản xuất, cải tiến, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã bao bì, tem nhãn, chiến lược quảng bá sản phẩm, xây dựng website tuyên truyền... Sản phẩm “Gạo sạch Toản Xuân” đã được UBND tỉnh Nam Định quyết định công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP với số điểm tương đương xếp hạng 5 sao.

Nam Định
Nam Định
Nam Định

Gạo Xuân Toản Sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm với quy trình khép kín, sản phẩm gắn liền với vùng nguyên liệu, kiểm soát nguồn gốc, minh bạch quy trình sản xuất, gạo sạch Toản Xuân đã khẳng định được vị thế ở thị trường trong nước. Gạo Xuân Toản sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm với quy trình khép kín, sản phẩm gắn liền với vùng nguyên liệu, kiểm soát nguồn gốc, minh bạch quy trình sản xuất.

Nam Định
Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc công ty TNHH Toản Xuân

Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc công ty TNHH Toản Xuân cho biết, sau thời gian gắn bó với nông nghiệp, mong muốn có được sản phẩm gạo sạch để giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, ông đã khai thác triệt để thế mạnh của địa phương, chính là hạt gạo. Để có được nguồn gạo sạch cung ứng ra thị trường đều đặn, Cty đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa các HTX, nông dân với doanh nghiệp. Được sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, Cty đã đàm phán và ký hợp đồng xây dựng chuỗi liên kết với gần chục HTX và một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung ở các huyện Nam Trực, Ý Yên, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy với diện tích trên 500ha lúa chất lượng cao.

Nam Định
Nam Định

Nhận thức được vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn từ khi công ty được đơn vị chức năng giúp đỡ hoàn thiện sản phẩm OCOP, đồng thời được hỗ trợ, trưng bày sản phẩm tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch (Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định) và tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Đến nay, lượng gạo và thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty đã được mở rộng. Công ty đã hoàn thiện các khâu nhãn mác, tem kiểm định chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đưa ra thị trường. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục tập trung quảng bá sản phẩm, đồng thời chú trọng thực hiện các biện pháp giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm...

Cũng theo ông Toản việc tổ chức sản xuất được doanh nghiệp hết sức chú trọng, tất cả các HTX và người dân đã cùng SX một giống lúa chất lượng là Bắc thơm 7. Để xây dựng cơ chế SX theo chuỗi giá trị, HTX tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ thành viên HTX tham gia. Cty cử cán bộ về cam kết đầu tư toàn bộ từ khâu chọn giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm. Các thành viên chỉ bỏ công chăm sóc theo đúng quy trình, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật do Cty cử về cùng bám đồng, bám ruộng với thành viên HTX.

“Cty sẽ bao trọn toàn bộ từ cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và thu mua sản phẩm, lúa thu hoạch sẽ được Cty mua cao hơn giá thị trường, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, ổn định cuộc sống từ đó gắn bó với cây lúa hơn”, ông Toản cho hay.

Trên cơ sở xây dựng chuỗi liên kết, sau khi đảm bảo được nguồn cung ổn định, Cty TNHH Toản Xuân đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho hàng khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn gạo sạch để bảo quản sản phẩm.

Hiện Cty đã đầu tư và đưa vào vận hành lò sấy công suất 200 tấn lúa/mẻ, cùng dây chuyền xay xát gạo công nghệ hiện đại trị giá trên 20 tỷ đồng. Gạo SX đến đâu sẽ đóng gói tới đó theo đơn đặt hàng nên vấn đề tồn đọng thóc, gạo được giải quyết ngay.

Nam Định

Gạo sạch được đóng gói trên dây chuyền hiện đại. Trên mỗi bao bì đều in đầy đủ ngày sản xuất và hạn sử dụng. Đặc biệt, bên góc trái túi gạo được Cty in sẵn tem QRC màu xanh, đây là tem truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin khi mua hàng, tránh mua phải hàng giả, chất lượng kém.

Hiện sản phẩm gạo sạch của Cty TNHH Toản Xuân đang được bày bán tại Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… và được người tiêu dùng đón nhận và tin cậy. Chuỗi SX lúa gạo của Toản Xuân tự hào là đơn vị SX lúa gạo đầu tiên tại đồng bằng sông Hồng được Bộ NN-PTNT công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”, đây là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực của Cty từng bước đưa sản phẩm nông sản sạch và an toàn phục vụ đông đảo người tiêu dùng.

Nam Định

Người nông dân năng động

Tại Nam Định, cùng với đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhiều nông dân là chủ doanh nghiệp, giám đốc các HTX đã đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến nông sản, thực phẩm, góp phần nâng cao giá trị nông sản.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nuôi trồng chế biến Hải Điền, xã Hải Chính (Hải Hậu) cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, chế biến đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài việc đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là thị trường xuất khẩu, các sản phẩm chế biến có thời gian bảo quản lâu hơn, giảm được tổn thất sau thu hoạch, hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Vì thế, nhiều năm qua, HTX đã áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, thiết bị hiện đại và quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Bên cạnh việc tập trung nuôi các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cá đối mục, cá thu, cá vược, cá mú, tôm…, HTX còn đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế, đóng gói, hút chân không, bảo quản đông lạnh các sản phẩm đã chế biến từ 3-5 tháng nên không bị phụ thuộc vào thị trường. Nhiều sản phẩm của HTX đang được khách hàng tin dùng lựa chọn như chả mực, chả cá, tôm sú, cá mú, cá vược, cá thu cắt khúc, tôm nõn, trong đó các sản phẩm chả cá, chả mực đã được chứng nhận sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

Nam Định

Tại xã Trực Thái (Trực Ninh), nhiều năm qua ông Nguyễn Văn Thục, hội viên nông dân tiêu biểu đã thành công với mô hình trang trại chăn nuôi lợn bằng thảo dược gắn với chế biến các sản phẩm từ thịt lợn.

Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng hiện nay đối với các sản phẩm sạch, an toàn, gia đình ông đã đầu tư xây dựng dây chuyền khép kín từ chăn nuôi đến chế biến các sản phẩm từ thịt lợn đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm thịt lợn, ruốc, xúc xích.

Hiện nay, nông dân 9 huyện trong tỉnh Nam Định có nhiều mô hình như mô hình liên kết chế biến nông sản sấy của Công ty TNHH MTV Minh Dương; mô hình liên kết sản xuất, chế biến dược liệu của nông dân huyện Hải Hậu với Công ty Cổ phần Traphaco; mô hình nuôi cá trắm đen, cá Koi kết hợp chế biến các sản phẩm từ cá trắm đen như ruốc cá, cá nướng, cá tươi cắt khúc của anh Trần Văn Khoa, hội viên nông dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).

Tới thăm mô hình nuôi cá chạch đồng kết hợp chế biến “Cá chạch kho niêu” của hộ anh Nguyễn Văn Thỉnh, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) được công nhận là sản phẩm OCOP, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động...

Nam Định
Nam Định

Anh Thỉnh cho biết: “Ở thị trấn, giống cá chạch bản địa có từ lâu đời. So với nuôi cá truyền thống, nuôi cá chạch đồng có hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần. Ngày nay, nhờ thương mại điện tử, mạng xã hội mà “tiếng tăm” về con cá này vang xa nên thời gian qua, nhiều người dân ở nơi đây đã tận dụng lợi thế vươn lên làm giàu từ nuôi cá chạch đồng”.

Trò chuyện với anh, chúng tôi được biết, sinh ra và lớn lên ở vùng đất có truyền thống nuôi cá chạch, ngay từ nhỏ anh Thỉnh đã biết đến những giá trị của loài cá này theo kinh nghiệm dân gian cổ truyền.

          

Sau nhiều năm tìm hiểu thị trường, tận dụng lợi thế sẵn có anh đã đầu tư đào ao nuôi cá chạch đồng. Trải qua không ít thăng trầm, khó khăn vất vả trong những năm đầu nuôi cá chạch, đến nay diện tích nuôi của gia đình anh được mở rộng gần 3ha sản xuất thương phẩm. Mọi quy trình sản xuất cá chạch đồng thương phẩm theo chuỗi khép kín đạt tiêu chuẩn VietGAP.

          

Theo anh Thỉnh, nuôi cá chạch khó khăn nhất là thời gian ương cho trứng nở, gột cá bột và nuôi con giống phát triển đến kích cỡ 3cm. Chạch sau khi đạt độ dài thân 3cm sẽ sống khoẻ, nuôi dễ dàng. Khác với cá chạch bùn thường sinh sống dưới bùn, cá chạch đồng có tập tính nổi lên mặt nước để tìm kiếm thức ăn do đó khá thuận lợi cho việc chăm sóc, vệ sinh ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh.

Ngoài ra, anh còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cá chạch đồng cho hơn 20 hộ nuôi “vệ tinh” với khối lượng thu mua hơn 300 tấn. Trung bình mỗi tháng gia đình cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn khoảng 8-10 tấn cá chạch đồng thương phẩm.

Đồng hành cùng nông dân

Theo ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, cấp ủy, chính quyền tỉnh Nam Định xác định OCOP là một trong những chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng khai thác phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Nam Định
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định

Để gắn kết sản phẩm OCOP của tỉnh với thị trường, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nam Định đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia hàng chục hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả Trung ương và địa phương; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm, kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm cho các chủ đại diện sản phẩm; tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỉnh Nam Định đã tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến và hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.gov.vn; ocopvietnam.gov.vn; sàn thương mại điện tử Nam Định…

Sở NN và PTNT đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông kết nối 2 doanh nghiệp viễn thông chủ lực trên địa bàn tỉnh là Chi nhánh VNPT Nam Định và Viettel Nam Định với các hộ nông dân, thiết lập và đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) nhằm hỗ trợ kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm là PostMart.vn và Voso.vn.

Nam Định

Trong đó, sàn giao dịch TMĐT Voso.vn của doanh nghiệp Viettel hỗ trợ 5 gian hàng trưng bày, quảng bá 40 sản phẩm gồm (lúa gạo, muối, thịt và rau củ quả) với 100 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn giao dịch TMĐT này. Tham gia sàn giao dịch TMĐT, các cơ sở sản xuất được hướng dẫn, đào tạo về kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số.

Nam Định

Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT, Sở Công Thương tỉnh cũng chú trọng công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn; xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam tại TP Nam Định, trong đó có trên 70% sản phẩm là hàng hóa do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, có những sản phẩm OCOP nổi tiếng như: Gạo sạch Toản Xuân, nước mắm Ninh Cơ, Lâm Bão, muối sạch, muối dược liệu, thủy hải sản Hùng Vương, nông sản sấy khô Minh Dương, rau tươi Nam Cường, Ngọc Anh, nấm ăn, nấm dược liệu Linh Phát…

Các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng đã có mặt trong hệ thống các siêu thị lớn. Nhiều đơn vị, chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý và các nhà phân phối.

Toàn tỉnh Nam Định có gần 20.000 hộ sản xuất, kinh doanh đã không ngừng cải thiện chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu, nâng tầm sản phẩm đạt các chuẩn chất lượng cao, như là quy chuẩn của Chương trình OCOP... nâng cao hiệu quả hoạt động của 142 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh, tạo việc làm thường xuyên cho 130 nghìn lao động.

          

Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông sản hàng hóa hiện nay ở các địa phương trong tỉnh Nam Định. Kết quả đạt được trong xây dựng các chuỗi liên kết giá trị đã góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Nam Định. Sản phẩm nông nghiệp của nông dân đã được tiêu thụ rộng rãi trong nước và phục vụ chế biến xuất khẩu, mang lại giá trị thu nhập đáng kể cho các thành viên.

          

Ngoài ra, một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Nam Định đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó sản phẩm ngao sạch Lenger được các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản ký hợp đồng tiêu thụ thường xuyên. Sản phẩm cá bống bớp Nghĩa Hưng được đón nhận rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và Trung Quốc.

Bài: Thăng Long
Ảnhbìa: Thanh Hải


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí