Khuyến công Bắc Ninh đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn

Trong những năm qua, chương trình khuyến công tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) đóng trên địa bàn tỉnh đổi mới, phát triển sản xuất.

Phát huy tốt vai trò nguồn vốn khuyến công

Ngay khi các chính sách khuyến công được ban hành, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự ủng hộ của các Bộ, ban ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TVPTCN) Bắc Ninh tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả đáng khích lệ.

Theo đó, hoạt động khuyến công tỉnh Bắc Ninh đã tích cực hướng các nội dung hoạt động vào góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, tháo gỡ các khó khăn cho các cơ sở CNNT và góp phần thúc đẩy kinh tế trong tỉnh phát triển.

Bắc Ninh đã tập trung đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hoạt động khuyến công theo đúng tinh thần, nội dung, quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công.

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2022 thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) và khuyến công địa phương (KCĐP) đã có 334 cơ sở CNNT thụ hưởng chính sách khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ là 55.728,87 triệu đồng, trong đó: Kinh phí KCQG hỗ trợ 17.370,40 triệu đồng; Kinh phí KCĐP hỗ trợ 38.358,47 triệu đồng.

khuyến công Bắc Ninh
Kinh phí Khuyến công Quốc gia hỗ trợ 1 tỷ đồng đề án Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bao bì carton

Đặc biệt, dù nguồn kinh phí hỗ trợ không nhiều so với tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở CNNT nhưng chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò là nguồn vốn ban đầu, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh…

Việc triển khai hiệu quả chính sách khuyến công đã động viên và huy động được các nguồn lực trong nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa CNNT, xây dựng nông thôn mới.

Các nội dung của hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương.

3 giải pháp nâng cao chất lượng công tác khuyến công

Để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2023 nhằm nâng cao chất lượng công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và TVPTCN Bắc Ninh phối hợp với các địa phương và các đơn vị thụ hưởng tổ chức triển khai kế hoạch KCQG và KCĐP đã được phê duyệt năm 2023 đảm bảo tiến độ, hiệu quả, đúng quy định. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở CNNT tiếp tục vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, nội dung hỗ trợ theo quy định. Trên cơ sở đó Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cũng đề ra một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh việc rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản về hoạt động khuyến công thống nhất, kịp thời từ trung ương đến địa phương. Tăng cường nội dung công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến đến các chủ cơ sở CNNT kiến thức về hoạt động khuyến công, như duy trì thời lượng phát sóng, cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội và các trang chuyên đề về hoạt động và kết quả của hoạt động khuyến công, nhằm phổ biến, truyền tải kịp thời, đầy đủ về cơ chế, chính sách hoạt động khuyến công.

Khuyến công tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất.
Khuyến công tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất

Thứ hai, tăng cường tư vấn, có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở CNNT trong quá trình lựa chọn hướng đầu tư phù hợp, triển khai đầu tư sản xuất; lựa chọn, tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công sát với thực tế và hiệu quả. Xây dựng kế hoạch khuyến công từ cơ sở cần bám sát vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm và từng giai đoạn để triển khai thực hiện đúng tiến độ, mục đích và đạt hiệu quả cao; chú trọng đối tượng thụ hưởng đủ năng lực và các ngành nghề chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công thông qua việc đẩy mạnh triển khai thực hiện 09 nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về hoạt động khuyến công. Cụ thể hoá bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đầu tư, đổi mới ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất CNNT. Chính sách khuyến khích phát triển cần tập trung theo hướng hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ. Tạo động lực cho CNNT của tỉnh phát triển, đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm.

Thứ ba, tăng cường hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử và các Trung tâm thương mại, trang thông tin điện tử.

Hoàng Dương