10 năm thực hiện 585 đề án khuyến công
Giai đoạn 2012-2022, Chương trình khuyến công tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện 585 đề án với tổng kinh phí khuyến công thực hiện là 104,818 tỷ đồng. Trong đó: Khuyến công địa phương triển khai thực hiện 530 đề án với kinh phí 86,064 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 82% tổng kinh phí khuyến công); Khuyến công quốc gia triển khai thực hiện 55 đề án với kinh phí là 18,754 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 18% tổng kinh phí khuyến công).
Đồng thời, trong giai đoạn 2012-2022, tổng nguồn vốn được cấp, thu hồi và huy động của Chương trình khuyến công là 614,818 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương (cấp hàng năm, thu hồi từ các đề án khuyến công hỗ trợ có thu hồi) là 86,064 tỷ đồng (thực hiện hỗ trợ có thu hồi 181 đề án cho 134 cơ sở, kinh phí 59,065 tỷ đồng; Hỗ trợ không thu hồi 349 đề án cho 79 cơ sở, kinh phí 26,999 tỷ đồng); Ngân sách Trung ương là 18,754 tỷ đồng, hỗ trợ 55 đề án cho 54 cơ sở; Nguồn vốn tự có của doanh nghiệp 510 tỷ đồng.
Ngoài ra, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất với nguồn kinh phí ngân sách địa phương là 81.688.000.000 đồng, đã huy động được 394,556 tỷ đồng; nguồn kinh phí Trung ương (khuyến công quốc gia) là 14,377 tỷ đồng, đã huy động được 115,444 tỷ đồng.
Đặc biệt, khuyến công tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện có hiệu quả việc duy trì nguồn vốn cho ngân sách, đó là hình thức “hỗ trợ có thu hồi kinh phí” (cho vay không tính lãi) đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Các doanh nghiệp được hỗ trợ đã thực hiện tốt việc hoàn trả kinh phí khuyến công. Thông qua hình thức hỗ trợ có thu hồi hồi kinh phí, trung bình cứ 1 đồng vốn khuyến công hỗ trợ thì thu hút được gần 5 đồng vốn của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào quá trình phát triển sản xuất (hơn 81 tỷ đồng huy động được gần 400 tỷ đồng).
Số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể, tăng trưởng bình quân mỗi năm là 6,4%/năm (từ 2012 - 2020). Cơ cấu kinh tế - lao động của tỉnh có bước chuyển dịch đáng kể theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá..
Chính sách khuyến công giúp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội
Theo đó, giai đoạn (2012-2022) khuyến công tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ được 213 cơ sở công nghiệp nông thôn, trong đó có 187 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 13 hộ kinh doanh và 13 hợp tác xã. Trong 213 cơ sở công nghiệp nông thôn có 33 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc địa bàn khó khăn và 180 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn.
Chính sách hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn thực sự mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần đáng kể vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo việc làm và nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân vùng nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các hoạt động hỗ trợ như nâng cao năng lực quản lý, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm v.v… đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất - kinh doanh một cách bền vững, chủ động và có lộ trình hợp lý để tham gia hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, hoạt động khuyến công tỉnh Lâm Đồng cũng mang lại hiệu quả cao trong việc sử dụng nguồn ngân sách tỉnh từ hình thức hỗ trợ có thu hồi kinh phí cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất. Kinh phí phân bổ cho hoạt động khuyến công tỉnh Lâm Đồng hàng năm tăng đều qua các năm nhưng ngân sách cấp của tỉnh không tăng như: tổng kinh phí khuyến công địa phương giai đoạn 2012 - 2022 là 86,064 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh cấp là 35,596 tỷ đồng, kinh phí thu hồi từ các đề án khuyến công hỗ trợ có thu hồi là 50,468 tỷ đồng.
Từ đó các cơ sở chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông - lâm sản gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện phát triển các vùng nguyên liệu giúp cho nông dân có thu nhập ổn định.
Việc đầu tư đã đi vào chiều sâu, nếu trước đây chủ yếu chỉ sơ chế hoặc sản xuất nguyên liệu thô thì dần dần đã chuyển sang chế biến sâu để cho ra các sản phẩm có chất lượng như sản phẩm trà xanh viên, trà olong, cà phê rang xay, cà phê bột, tơ lụa, các loại nước uống trái cây đóng chai, gỗ tinh chế, chế biến các mặt hàng nông đặc sản của địa phương v.v.. góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Nhiều doanh nghiệp được sự hỗ trợ của Chương trình khuyến công tỉnh Lâm Đồng đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến. Giai đoạn 2012-2022 với nội dung hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất với kinh phí 81,688 tỷ đồng, thu hút gần 510 tỷ đồng từ nguồn vốn khác của các cơ sở sản xuất công nghiệp tham gia thực hiện các đề án khuyến công.
Việc triển khai thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm “hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất và chất lượng trong chế biến cà phê giai đoạn 2018-2020” mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp cho doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Tổng kinh phí hỗ trợ đề án trên là 3,4 tỷ đồng, thu hút được 10 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của các doanh nghiệp. Đề án đã hỗ trợ được 44 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, trong đó: hỗ trợ 2 nội dung ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 12 cơ sở và hỗ trợ 300 lượt học viên ngành chế biến cà phê tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý.