Cục Công Thương điạ phương: Công tác khuyến công xác lập những bước đi quan trọng

Hai mươi năm qua, có thể khẳng định, công tác khuyến công đã xác lập những bước đi quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là tại khu vực nông thôn; khai thác các điều kiện thuận lợi của từng vùng, từng địa phương cho phát triển lực lượng sản xuất; phát huy cao nội lực của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trên cơ sở có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Hơn 200 tỷ đồng hỗ trợ Chương trình khuyến công hàng năm

Có thể thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công ở trung ương và địa phương đã từng bước được hoàn thiện, bám sát thực tiễn, đưa công tác khuyến công đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn, các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

khuyến công
Tổ chức hệ thống khuyến công toàn quốc đã kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả

 

Tổ chức hệ thống khuyến công toàn quốc đã không ngừng được củng cố, trưởng thành, kết nối thống nhất từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng hiệu quả. Đến nay, ngoài Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 trực thuộc Cục Công Thương địa phương, 63/63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước có đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về khuyến công với tổng số trên 1.300 cán bộ, viên chức. Ngoài ra còn có các tổ chức dịch vụ khuyến công khác, như: Viện, Trường, Hiệp hội...  tham gia và thực hiện  các nội dung hoạt động khuyến công.

Chương trình khuyến công hàng năm với nguồn ngân sách hỗ trợ bình quân hơn 200 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí trung ương và địa phương) đã động viên và huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và xây dựng nông thôn mới; Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

hoạt động khuyến công
Từ nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Thành Nhật, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư mua máy CNC đục tượng mang lại hiệu quả kinh tế cao

 

Các nội dung hoạt động khuyến công như xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ tư vấn, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; đào tạo nghề theo nhu cầu… đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương gia tăng đáng kể, góp phần nâng cao tỷ trọng công nghiệp nông thôn trong toàn ngành; tăng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hoá - xã hội, ổn định dân sinh ở nông thôn…

Cùng với đó, giai đoạn 2005-2010 giá trị sản xuất công nghiệp cả nước tăng bình quân 13,77%/năm, trong đó giá trị sản xuất CNNT tăng bình quân 16,54%/năm, số lượng các cơ sở CNNT tăng bình quân 8,64%/năm; số lao động làm việc trong các cơ sở CNNT tăng 8,94%/năm. Giai đoạn 2008 - 2012, giá trị sản xuất CNNT của cả nước năm sau luôn có mức tăng trưởng cao hơn so với năm trước, bình quân 5 năm là 19,85 %/năm; số lượng cơ sở CNNT tăng trung bình cả giai đoạn đạt 8,74%/năm. Giai đoạn 2014-2018, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng bình quân 12,7%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Tạo động lực cho phát triển công nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới

Giai đoạn 2021 – 2025, hoạt động khuyến công tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ với các mục tiêu cụ thể nhằm tạo động lực cho phát triển công nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới: Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm CNNT và hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

khuyến công quốc gia
Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ ngành điện tại Công ty TNHH Vinh Nam, tỉnh Nam Định từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 2023

 

Đặc biệt, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu. Do đó, Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, cũng sẽ: Tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, với những định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra, công tác khuyến công sẽ tiếp tục từng bước đổi mới theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp; theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số.

Từ thực tế trên, qua 20 năm triển khai các hoạt động khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, mặc dù nguồn kinh phí so với nhu cầu của thực tế là không đáng kể nhưng đã tạo động lực khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp ở nông thôn; tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở địa phương, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước “ly nông, không ly hương”. 

Hoàng Dương