Tiếp tục giữ đà tăng trưởng, phát triển bền vững cho doanh nghiệp Logistics

Thời gian vừa qua, ngành dịch vụ logistics nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức một cách mạnh mẽ, tiếp tục giữ đà tăng trưởng và phát triển bền vững, xứng với vai trò là ngành dịch vụ trọng yếu trong nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) “Dự báo tình hình kinh tế 2023 và những thách thức đặt ra cho ngành logistics”, ngày 16/12, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA nhấn mạnh, năm 2022, mặc dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nghiệp Hội viên của Hiệp hội nói riêng và ngành dịch vụ logistics nước ta nói chung đã vượt qua một cách mạnh mẽ, tiếp tục giữ đà tăng trưởng và phát triển bền vững, xứng với vai trò là ngành dịch vụ trọng yếu trong nền kinh tế.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm đã vượt mốc 600 tỷ USD. Tăng tưởng kinh tế ước đạt 8%, là mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đi vào thực thi và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là EVFTA… Điều đó, tạo nên động lực cho ngành logistics phát triển mạnh mẽ.

Các doanh nghiệp hội viên của VLA nói riêng và ngành dịch vụ logistics nước ta nói chung đã vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 trở lại hoạt động bình thường, tăng trưởng và phát triển bền vững, với tốc độ tăng trưởng từ 12% -15% tùy theo ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngành logistics đang có nhiều thuận lợi để phát triển

Thông tin tại Hội nghị thường niên 2022 của Hiệp hội logistics Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngành logistics Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi để phát triển.

phát triển doanh nghiệp logistics
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

Hiện nay rất nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch về phát triển logistics. Cùng với đó, xu hướng đầu tư vào ngành logistics đang tăng rất nhanh, thể hiện qua các công trình hạ tầng như: Đường cao tốc, đầu tư sân bay Long Thành, mở rộng các cảng biển, xây dựng các trung tâm logistics mới và trong sự tham gia này, không chỉ có nhà đầu tư trong nước, nguồn vốn của Nhà nước, mà còn cả nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

“Khi các DN nước ngoài nhìn thấy thị trường logistics của Việt Nam là một thị trường đem lại lợi nhuận cao, thì tốc độ, dòng vốn đổ vào ngành logistics sẽ rất lớn. Đầu tư gia tăng cũng tạo ra sự chuyển biến về mặt hạ tầng, khi đó, DN kinh doanh dịch vụ có điều kiện phát triển tốt hơn", Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Đặc biệt, việc VLA giành được quyền đăng cai FWC 2025 có ý nghĩa vô cùng lớn, ông Hải khẳng định đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong nước có cơ hội kết nối với doanh nghiệp nước ngoài. Cũng như các hoạt động đẩy mạnh công tác đối ngoại để Phó Chủ tịch VLA được bầu làm Phó Chủ tịch AFFA, tham gia dự án Hộ chiếu Logistics thế giới WLP

Bên cạnh đó, nhắc tới việc VLA triển khai dự án trọng điểm Nghiên cứu và triển khai Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (PLCI) và 7 dự khác, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số..., ông Hải khẳng định đây là những thành tích nổi bật.

Hoạt động sản xuất thương mại của Việt Nam đang phục hồi và gia tăng rất tốt. Ngày 15/12, ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 700 tỷ USD. Đây được đánh giá là thuận lợi lớn đối với ngành logistics vì khối lượng hàng hóa sản xuất, luân chuyển trong nước và giao dịch với thương mại quốc tế gia tăng, sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics.

Ngành logistics cũng ghi nhận sự lớn mạnh trong năm vừa qua khi bên cạnh sự gia tăng của các DN mới, nhiều DN của Việt Nam đã phát triển rất tốt và có tốc độ tăng trưởng nhanh. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của các hiệp hội mới, trong đó có những hiệp hội đặc thù như: Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam. Điều này cũng tạo sự đóng góp chung về lực lượng và giúp ngành logistics đạt được những kết quả tốt hơn.

ngành dịch vụ logistics nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức một cách mạnh mẽ, tiếp tục giữ đà tăng trưởng và phát triển bền vững, xứng với vai trò là ngành dịch vụ trọng yếu trong nền kinh tế.

Đối mặt với thách thức khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi, ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra những thách thức với ngành logistics trong năm 2023 và giai đoạn tới như kinh tế thế giới suy thoái và lạm phát, nhu cầu tiêu dùng thế giới sẽ sụt giảm, dẫn đến sự sụt giảm về các hoạt động thương mại, kéo theo đó là hoạt động logistics...

Mặc dù hiện nay, cước vận tải container giảm, tuy nhiên các yếu tố bất ổn đe dọa tính bền vững của chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu (dịch bệnh, thiên tai, xung đột, ...). Mặt khác, xu hướng xanh hóa hoạt động thương mại là trào lưu tất yếu, sẽ tạo ra tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với việc thêm chi phí nhiều hơn cho hoạt động thương mại và logistics (ví dụ EU đánh thuế carbon).

Nâng cao năng lực của doanh nghiệp 

Từ thực tế này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã đề xuất một số nhiệm vụ VLA và doanh nghiệp nên lưu ý tập trung trong thời gian tới.

Trước hết, cần phản ứng nhanh nhạy hơn nữa với các vấn đề thực tiễn của thị trường logistics; cần phát huy vai trò tư vấn chính sách, định hướng cho hội viên những xu hướng mới trong logistics như logistics đô thị, logistics thương mại điện tử, logistics nông sản, logistics xanh. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics cũng phải nắm bắt để kịp thời nâng cấp, cập nhật, ví dụ các hãng tàu trong việc sử dụng nhiên liệu, các doanh nghiệp giao nhận chuyển sang sử dụng xe điện, các trung tâm logistics chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, doanh nghiệp sử dụng bao bì tái chế,..

phát triển doanh nghiệp logistics
Các Hội viên đã vượt qua khó khăn sau đại dịch để đạt kết quả kinh doanh đáng khích lệ với tỷ lệ tăng trưởng bình quân từ 12% - 15%.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cũng đề nghị VLA quan tâm và mở rộng tầm phủ sóng của Hiệp hội, đặc biệt là đối với các địa phương Miền Bắc, Miền Trung, khắc phục tình trạng mất cân đối về cơ cấu hội viên. Đồng thời khẳng định, mặc dù một số địa phương đã thành lập các Hiệp hội Logistics riêng của tỉnh thành, nhưng vai trò của VLA với tư cách Hiệp hội cấp quốc gia là không thể thay thế.

VLA cũng cần tư có một kế hoạch hoạt động dài hơi, với thời hạn 5 năm hoặc 10 năm (không phụ thuộc vào nhiệm kỳ Đại hội của Hiệp hội). "Đặc biệt, cần có một Chiến lược về việc nâng cao năng lực doanh nghiệp dịch vụ logistics. Chính phủ đã có đưa vấn đề này vào Quyết định 200/221, nhưng dù sao cũng chỉ đóng vai trò hỗ trợ, còn bản thân các doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ động, có mục tiêu, kế hoạch, bước đi của riêng mình, trong đó có phối hợp, tận dụng những kết quả từ Chiến lược của Chính phủ", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Tiếp thu những ý kiến này, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực VLA, Phó Chủ tịch AFFA cho biết, thời gian tới, phương hướng hoạt động của Hiệp hội sẽ tập trung vào các nội dung cụ thể.

Thứ nhất, về công tác phản biện chính sách, tiếp tục phát huy vai trò của Hiệp hội trong công tác phản biện chính sách xã hội. Trọng tâm vào công tác giảm chi phí logistics, công tác phát triển ngành dịch vụ logistics, công tác Hải quan.

Thứ hai, chú trọng vào hoạt động logistics thông minh, logistics xanh, logistics phục vụ nông nghiệp, thiết thực nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, góp phần giảm chi phí logistics toàn ngành.

Đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ thứ ba, về nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường, các doanh nghiệp hội viên tích cực thực hiện việc chuyển đổi mô hình kinh doanh giao nhận vận tải truyền thống sang kinh doanh mới với ứng dụng khoa học công nghệ số, hiện đại, do đó, cần sớm triển khai các hệ thống có tính năng kỹ thuật cao hơn; đồng thời tham gia vào các nền tảng giao nhận vận tải toàn cầu hiện đang hoạt động.

Bên cạnh đó tiếp tục các hoạt động về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức sự kiện, kết nối kinh doanh, hoàn thành Dự án Nghiên cứu Chỉ số LPI, tiếp tục làm tốt công tác phát triển Hội viên, xây dựng Hiệp hội.

Huyền My