TÓM TẮT:
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử dẫn đến cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó các hoạt động logistics cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Bài viết trình bày một số kinh nghiệm chuyển đổi số của Trung Quốc, một trong những quốc gia có trình độ phát triển có tốc độ chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực logistics hàng đầu thế giới và có những kinh nghiệm đi trước trong lĩnh vực này. Từ đó, tác giả đưa ra một số những gợi ý bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong xây dựng chuyển đổi số ngành Logistics hiện nay.
Từ khóa: Việt Nam, chuyển đổi số, ngành Logistics, kinh nghiệm, bài học.
1. Đặt vấn đề
Nền kinh tế số đang dần trở thành một trong những lực lượng chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân của Trung Quốc. Trung Quốc đang trên đà đạt được cân bằng giữa các biện pháp quản lý chặt chẽ và kích thích đổi mới sáng tạo. Nền kinh tế số được coi là yếu tố cốt lõi để thoát khỏi trì trệ kinh tế, tạo ra các cơ hội đầu tư và tăng trưởng năng động.
Nền kinh tế số, đôi khi còn được gọi là nền kinh tế mới hay nền kinh tế internet, là một thuật ngữ chung mô tả nền kinh tế, trong đó công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được sử dụng để chuyển đổi các hoạt động kinh tế truyền thống (sản xuất, phân phối, thương mại…), các sản phẩm và dịch vụ ở dạng kỹ thuật số. Đây là một khái niệm tương đối rộng, bất kỳ hình thức kinh tế nào trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng dữ liệu và công nghệ thông tin để phân phối tài nguyên và nâng cao năng suất đều có thể được coi là một phần của nền kinh tế số. Nền kinh tế số đã vượt ra ngoài chính lĩnh vực ICT. Các công nghệ hỗ trợ phát triển nền kinh tế số chủ yếu gồm có dữ liệu lỡ, điện toán đám mây, internet vạn vật, blockchain, AI và 5G…
Trong năm 2021, nền kinh tế số của Trung Quốc đạt giá trị 7,1 nghìn tỷ USD, đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ, theo sách trắng do Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) công bố. Thống kê cũng cho thấy tỷ trọng của nền kinh tế số trong GDP quốc gia, được đo bằng giá trị kết hợp các sản phẩm công nghệ và đầu vào kỹ thuật số tích hợp, đạt 39,8% trong 2021, tăng từ 20,9% vào 2012.
Sự tăng trưởng nhanh chóng đi kèm với việc mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Tổng số trạm gốc 5G ở Trung Quốc đạt 1,43 triệu với hơn 500 triệu người dùng 5G (tính đến đầu tháng 3/2022). Trung Quốc sở hữu một trong những cơ sở mạng lớn nhất và tiên tiến nhất trên toàn thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đẩy mạnh tích hợp dữ liệu lớn, điện toán đám mây và AI. Đến năm 2025, Trung Quốc sẽ chiếm gần 30% tổng khối lượng dữ liệu toàn cầu với nhiều loại dữ liệu phong phú.
Trung Quốc đã đưa nền kinh tế số trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển kinh tế số (FYP14) đưa ra một lộ trình chi tiết và các biện pháp khuyến khích để củng cố kinh tế số. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ nâng cao năng lực của mình trong “các lĩnh vực chiến lược” chẳng hạn như cảm biến, thông tin lượng tử, truyền thông, mạch tích hợp và blockchain, cũng như thúc đẩy các công nghệ như 6G. Kế hoạch này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của chuỗi cung ứng để sử dụng tốt hơn các nguồn dữ liệu và cải thiện quản trị nền kinh tế số.
Chính chủ Trung Quốc luôn khuyến khích cách doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào hệ thống logistics, kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia vào đầu tư hệ thống logistics quốc gia. Đây là chính sách quan trọng để Trung Quốc có thể thu hút nguồn vốn lớn vào đầu tư cho hệ thống logistics quốc gia. Các lĩnh vực đầu tư lớn của Trung Quốc đều có sự góp mặt của kinh tế tư nhân. Như hệ thống mạng lưới giao thông đường bộ, đường biển, đường sắt... và hệ thống kho bãi, trung tâm logistics. Thị trường logistics của Trung Quốc được quản lý bởi Bộ Ngoại thương và Hợp tác kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, hoạt động kho bãi và trung tâm logistics được chính phủ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc đang có xu hướng rõ rệt khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển hệ thống logistics quốc gia. Và nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển hệ thống logistics trong xây dựng nền kinh tế hùng mạnh. Việc kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng vốn đầu tư vào hệ thống logistics đang là động lực mới trong phát triển hệ thống logistics ở Trung Quốc.
Chuyển đổi số trong logistics tại Trung Quốc
Theo kế hoạch hành động do Bộ Thương mại và 8 cơ quan chính phủ khác cùng ban hành, Trung Quốc sẽ cải thiện mạng lưới logistics trên cả nước, bao gồm các hoạt động thương mại nội địa và thương mại quốc tế, hướng đến một hệ thống hiện đại, xanh và hiệu quả hơn vào năm 2025. Trong giai đoạn thực hiện "FYP14” (2021 - 2025), Trung Quốc xác nhận sẽ nỗ lực thiết lập hệ thống logistics thông minh với các doanh nghiệp trong ngành có ảnh hưởng và lợi thế cạnh tranh quốc tế.
Bản kế hoạch hành động khuyến khích các doanh nghiệp tích cực ứng dụng dữ liệu lớn (big data), công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống logistics, tạo nền tảng công nghệ vững chắc, góp phần giúp việc giao hàng diễn ra nhanh và hiệu quả hơn. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, nhân lực, thời gian mà còn góp phần thay đổi trải nghiệm người dùng. Nhất là trong thời điểm hiện tại, thương mại điện tử bùng nổ mạnh mẽ trên toàn cầu đòi hỏi logistics buộc phải nâng cấp để theo kịp sự tăng trưởng nhanh chóng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng lên kế hoạch thiết lập một số cơ sở, kho bãi logistics lạnh nhằm mục đích phát triển, cải thiện toàn bộ quy trình và đẩy nhanh quá trình phát triển chuỗi cung ứng lạnh từ nay đến năm 2025. Sự phát triển về chất lượng dịch vụ logistics cho các hoạt động thương mại nội địa và quốc tế sẽ góp phần hoàn thiện mô hình phát triển mới về "lưu thông kép". Mô hình này cho phép thị trường trong nước và quốc tế củng cố, tương trợ lẫn nhau. Trong đó, thị trường nội địa Trung Quốc được xem là cốt lõi phát triển.
Trước đó, ngành Logistics Trung Quốc cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định, tiềm năng khôi phục nhanh chóng và đạt mức trước đại dịch. Theo Liên đoàn Giao nhận và Mua hàng Trung Quốc (CFLP - China Federation of Logistics and Purchasing), chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị dịch vụ hậu cần xã hội của nước này đạt khoảng 15.250 tỷ USD (tương đương 97.400 tỷ nhân dân tệ), tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã nỗ lực đưa ra những giải pháp và thực hiện chính sách mới, từng bước cải tiến về mặt công nghệ, tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cùng cơ chế tự động hóa, đưa logistics quay trở lại mức tăng trưởng như cũ, giữ vững vị thế là một trong những quốc gia đứng đầu ngành Logistics trên thế giới.
Những yếu tố góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Trung Quốc
Thứ nhất, quy mô thị trường trong nước rộng lớn và chính sách khuyến khích doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển: Trung Quốc đạt được sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ số nhờ sở hữu thị trường dân số khổng lồ và trẻ trung, giúp thương mại hóa nhanh các mô hình kinh doanh số. Quy mô thị trường rộng lớn được bảo hộ với bên ngoài, khuyến khích sử dụng dản phẩm kỹ thuật số trong nước. Trong định hướng phát triển kinh tế số, Trung Quốc thực hiện bảo hộ thị trường công nghệ số trong nước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, khẳng định vị thế độc quyền. Các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để chiếm lĩnh thị trường công nghệ số trong nước trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Lợi thế này được nhân lên khi quy mô dân số lớn của thị trường nội địa giúp các doanh nghiệp nhanh chóng đạt được lợi ích kinh tế.
Thứ hai, hệ sinh thái số phong phú đang mở rộng: hệ sinh thái này được phát triển bởi những gã khổng lồ công nghệ “BAT” gồm Baidu, Alibaba, và Tencent. Hệ sinh thái này tận dụng khả năng tiếp cận đa ngành và tích lũy nhanh chóng dữ liệu người tiêu dùng. Trung Quốc có hệ sinh thái internet dẫn đầu về đổi mới, và có một trong những hệ sinh thái đầu tư và khởi nghiệp kỹ thuật số tích cực nhất trên thế giới. Sản phẩm cốt lõi của BAT được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, trong đó người tiêu dùng dễ chấp nhận công nghệ mới, các doanh nghiệp mở rộng mô hình kinh doanh với chi phí thấp. Hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp đã tạo được hệ sinh thái toàn diện, kéo theo rất nhiều doanh nghiệp khác gia nhập thị trường.
Thứ ba, Trung Quốc có nhiều công ty công nghệ lớn: Hiện tại, Trung Quốc đã có 9 trong tổng số 20 công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn do lệnh cấm các công ty Mỹ bán chip cho Huawei và đại dịch Covid-19, nhưng doanh thu của các tập đoàn công nghệ như Huawei vẫn đạt hơn 139 tỷ USD (2020), nhờ vào mảng cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin AI đang bùng nổ tại Trung Quốc.
Thứ tư, chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển kinh tế số của Trung Quốc: Trung Quốc quyết định bảo hộ thị trường công nghệ số đã tạo cho doanh nghiệp trong nước của Trung Quốc vị thế độc quyền, mở ra một không gian lý tưởng cho các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường công nghệ đầy tiềm năng trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện và không gian để các doanh nghiệp số thử nghiệm. Chính phủ vừa là nhà đầu tư, vừa là người tiêu dùng các công nghệ số. Trung Quốc cũng có chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số. Theo dự báo của Hãng Nghiên cứu dữ liệu thị trường toàn cầu IDC (International Data Corporation), tối thiểu 80% các ứng dụng doanh nghiệp mới của Trung Quốc năm 2025 sẽ sử dụng các công nghệ AI. Định hướng của Chính phủ Trung Quốc tập trung vào những lĩnh vực công nghệ số đòi hỏi công nghệ vừa phải như thương mại điện tử, tiếp đến tiến tới phát triển những lĩnh vực công nghệ số khó hơn như AI, robot. Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD để hỗ trợ các nhà phát triển AI, trong đó có cả công viên phát triển AI trị giá 2 tỷ USD ở Bắc Kinh. Hãng IDC dự báo, khoảng 51,3% GDP của Trung Quốc năm 2030 sẽ liên quan tới xu hướng số hóa trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh số hóa các hoạt động kinh doanh.
Thứ năm, đóng góp của những tài năng kỹ thuật số (nguồn nhân lực tài năng): nguồn nhân lực tài năng là nền tảng cơ bản cho chuyển đổi số và kinh tế số. Theo thống kê người dùng LinkedIn hoạt động trong công nghệ thông tin ở 31 thành phố trên toàn thế giới (2020), số lượng nhân lực tài năng trong lĩnh vực này ở Trung Quốc cao hơn ở cả châu Âu và Mỹ.
2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành Logistics, Việt Nam cần khuyến khích tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số. Chính phủ cần hậu thuẫn với tư duy quản lý thông thoáng, cởi bỏ những rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chúng ta cần chuyển dịch từ lắp ráp, gia công công nghệ thông tin sang sản xuất sản phẩm công nghệ, phát triển phần mềm và hệ thống. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ hiện đại để triển khai ứng dụng số kết nối thông minh, đặc biệt các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Trên nền tảng viễn thông phát triển mạnh, Việt Nam tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác đồng thời phát triển các giải pháp bảo mật và an toàn thông tin trên mạng. Chính phủ và doanh nghiệp cần triển khai dịch vụ 5G để theo kịp xu hướng thế giới do công nghệ 5G tạo cơ sở hạ tầng tốt cho kết nối internet vạn vật, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh.
Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực có thể ứng dụng các thành tựu công nghệ kỹ thuật số cũng là một hoạt động quan trọng. Một khi việc áp dụng công nghệ và các hệ thống kỹ thuật số là việc làm bắt buộc để không bị tụt hậu so với đối thủ, nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động thường nhật sẽ giúp nâng cao hiệu quả lao động, hiệu quả kinh doanh, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp lý nhằm tạo khuôn khổ cho chuyển đổi số diễn ra thuận lợi cũng cần phải được thực hiện. Trong đó, cần xây dựng các kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp gắn liền với nguồn tài chính và kinh phí để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện.
Cuối cùng, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số có vai trò quan trọng. Nhận thức của doanh nghiệp về kinh tế số cần được tăng cường thông qua nhiều kênh khác nhau như báo chí, truyền thông, trường học... Các thông điệp này giúp doanh nghiệp có nhận thức đúng và chuẩn bị tốt để thích nghi với xu hướng phát triển kinh tế số.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Huaxi (2022). China unveils plan to boost digital economy in 2021 - 2025 period. Available at: https://english.news.cn/20220112/4a0801b5429144a7b390e868ee6c23fb/c.html.
- China Academy of Information and Communications Technology (Oct, 2021). White Paper: China’s Wireless Economy. Available at: http://www.caict.ac.cn/english/research/whitepapers/202112/t20211224_394507.html.
- Liên đoàn Giao nhận và Mua hàng Trung Quốc (CFLP - China Federation of Logistics and Purchasing). Truy cập tại: com.cn.
- Dữ liệu thị trường toàn cầu IDC (International Data Corporation). Truy cập tại: https://www.idc.com/.
Digitalization experiences in logistics from China and lessons learned for Vietnam
Bui Thi Hong Ngoc (MBA)
Vietnam Institute of Economics, Vietnam Academy of Social Sciences
ABSTRACT:
The rapid development of e-commerce leads to increasingly fierce competition in logistic services. In addition, the COVID-19 pandemic has disrupted global supply chains and severely affected logistics activities. This paper presents some digitalization experiences of China, one of the leading countries in digital transformation, especially in the logistics industry. Based on these experiences, the paper proposes some lessons learnt for Vietnam to promote the digital transformation in its logistics industry.
Keywords: Vietnam, digitalization, logistics, experience, lessons.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2022]