TÓM TẮT:
Thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh) là địa phương có nền tảng kinh tế và các điều kiện hạ tầng phát triển tốt nhất trong cả nước, dẫn đầu về chỉ số phát triển Logistics, 70% doanh nghiệp Logistics của cả nước tập trung ở TP. Hồ Chí Minh. Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để hỗ trợ, mở rộng thị trường ngành Logistics đang thực sự trở thành một xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Bài viết đề xuất những giải pháp để phát huy vai trò chuyển đổi số trong ngành Logistics ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay.
Từ khóa: chuyển đổi số, Logistic, Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
Hoạt động Logistics tại Việt Nam với vai trò là ngành dịch vụ trọng yếu, có giá trị gia tăng cao, tạo nền tảng cho thương mại hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng đang từng bước triển khai chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và cuộc cách mạng số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Để thực hiện được mục tiêu “Việt Nam trở thành quốc gia số”, Quyết định số 749/QĐ-TTg về “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/6/2020, đã khẳng định: “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức”, trong những năm qua, chính quyền các cấp, ngành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, xây dựng tinh thần thống nhất nhận thức từ trong tổ chức đến mỗi cá nhân.
2. Thực trạng về chuyển đổi số trong ngành Logistics ở Thành phố Hồ Chí Minh
Một là, về hạ tầng số.
(i) Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành Logistics
Theo Báo cáo thường niên của Bộ Thông tin và Truyền thông về mức độ ứng dụng CNTT vào ngành Logistics, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 4 trong top những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, những ứng dụng CNTT ở TP. Hồ Chí Minh vẫn còn mang tính rời rạc, ít chia sẻ dữ liệu lẫn nhau, chưa có những công nghệ đáp ứng riêng cho ngành Logistics TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hiện tại TP. Hồ Chí Minh chưa có trung tâm ứng dụng CNTT trong Logistics.
(ii) Ứng dụng bản đồ số Logistics (Digital map)
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh chưa thiết lập được bản đồ số Logistics (Digital map) riêng biệt cho địa phương. Phần lớn dữ liệu về vị trí các cơ sở Logistics như cảng, ICD, kho bãi, nhà máy vẫn nằm trên Google map, tiềm ẩn một số khó khăn nhất định về giá. Theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành Logistics trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, Thành phố đặt mục tiêu đến “năm 2025 sẽ hoàn thành việc thiết lập bản đồ số Logistics, kho dữ liệu tập trung, tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức”.
(iii) Các công nghệ kỹ thuật liên quan đến hạ tầng CNTT và viễn thông phục vụ cho hoạt động Logistics
+ Công nghệ định danh tự động: Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang sử dụng hệ thống công nghệ định danh tự động chung của cả nước dựa trên công nghệ quét mã vạch và công nghệ định danh dùng sóng radio - RFID. Đến nay, chưa có báo cáo cụ thể việc ứng dụng công nghệ định danh ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, căn cứ vào “tỷ lệ ứng dụng công nghệ định danh RFID chiếm 10% ở Việt Nam” có thể nhận thấy thực trạng sử dụng ứng dụng này trên toàn quốc còn thấp và chưa tương xứng với những lợi ích mà công nghệ này mang lại cho doanh nghiệp cũng như cho khách hàng.
+ Công nghệ giao tiếp và chia sẻ dữ liệu:
Internet vạn vật - IoT, điện toán đám mây - Cloud Computing và công nghệ chuỗi mã khối - Blockchain đang là xu hướóng mới với tiềm năng lớn và sẽ đóng vai trò quan trọng trong xu hướng phát triển công nghệ ở tương lai gần. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn chưa tận dụng hết các khả năng từ các công nghệ này mang lại để đưa ra sản phẩm ứng dụng, đa số chỉ dừng ở mức dùng đám mây cho mục đích lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trực tuyến, “các doanh nghiệp ứng dụng đám mây trong lĩnh vực Logistics đạt tỷ lệ 24,1%”.
+ Sàn giao dịch Logistics: Hiện nay, các sàn vận chuyển vận hành trên giao diện Web đang dần chuyển sang ứng dụng trên di động với sự phổ biến ngày càng rộng khắp của thiết bị di động và thuận tiện hơn trong việc triển khai tiện tích gia tăng như theo dõi đơn hàng, công nợ,... Các công ty tiêu biểu có sản phẩm như vậy bao gồm: Lalamove, Logiag, Logivan, Eco truck,...
+ Hệ thống truy xuất trực tuyến tình trạng đơn hàng vận chuyển: nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển cần có hệ thống thông tin đảm bảo cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng truy cập qua một giao diện Web hoặc qua ứng dụng di dộng để biết được tình trạng hàng hóa. Tính đến năm 2017, Việt Nam “chỉ có 38% nhà cung cấp dịch vụ giao nhận có tính năng này”.
Hai là, số hóa dữ liệu và bảo đảm an toàn thông tin.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã thiết lập được các tiêu chuẩn kết nối thông tin và sử dụng ứng dụng blockchain để quản trị dữ liệu. TP. Hồ Chí Minh đang áp dụng bộ tiêu chuẩn chung về mã vạch (hệ thống GS1), tích hợp trao đổi thông tin giữa các hệ thống, ban hành các chuẩn kết nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp (chữ ký số), giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (hóa đơn điện tử, eDO,…), doanh nghiệp với người tiêu dùng (truy xuất nguồn gốc). Đồng thời, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa dựa trên công nghệ blockchain theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay, các doanh nghiệp Logistics đang ứng dụng một số phần mềm như: phần mềm giao nhận (API, website nhận hàng); phần mềm vận chuyển (GPS, định vị bưu gửi); phát hàng (nhân viên sử dụng smartphone để xác nhận hoàn thành phát hàng); khai thác (hệ thống chia chọn tự động, định vị bưu gửi). TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện xây dựng kế hoạch, lộ trình số hóa toàn bộ chuỗi cung ứng - sử dụng dịch vụ Logistics và các hạ tầng kèm theo. Xây dựng phiên bản số các luồng di chuyển hàng hóa trong nước và xuất - nhập khẩu thông qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Ba là, nguồn nhân lực công nghệ.
Theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành Logistics trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ “thành lập và phát triển 1 trung tâm đào tạo nguồn nhân lực Logistics” để Thành phố trở thành đầu tàu cả nước về đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao cho cả nước và quốc tế. Hiện nay, nguồn nhân lực ngành Logistics ở TP. Hồ Chí Minh được đào tạo bởi một số trường đại học, cao đẳng - trung cấp, các khóa đào tạo nghiệp vụ. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, một số trường đã lồng ghép thêm chương trình học thực tế, được chấp nhận trên thị trường quốc tế do FIATA, AFFA cấp.
Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra tại địa phương, đó là “hơn 54% doanh nghiệp Logistics nằm ở TP. Hồ Chí Minh” và tính đến năm 2030, “riêng TP. Hồ Chí Minh cần đến 100.000 nhân lực, mỗi năm cần 10.000 nhân lực”, trong khi “các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Thành phố mới chỉ đào tạo ra 2.500 nhân lực, đáp ứng khoảng 10% nhu cầu về số lượng”. Nguồn nhân lực của doanh nghiệp Logistics trình độ ngoại ngữ, năng lực quản lý còn chưa bảo đảm, chủ yếu là tự đào tạo theo kinh nghiệm thực tế, mức độ chuyên nghiệp còn kém. Nhất là khi có các doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động hoặc các doanh nghiệp tự tách ra thành lập công ty riêng thì việc thiếu hụt nhân lực giỏi lại càng trở nên bức thiết.
Bốn là, trải nghiệm số cho khách hàng sử dụng dịch vụ.
Để đáp ứng nhu cầu giao nhận hàng thương mại điện tử, ở TP. Hồ Chí Minh đã hình thành các trung tâm phân phối hàng hóa với cơ sở vật chất hiện đại, có công suất lớn. Điển hình là Trung tâm phân loại hàng hóa tự động, hệ thống này sử dụng robot để phân loại, chia chọn hàng hóa đến các điểm trung chuyển nhỏ thuộc hệ thống hoặc chuyển sang kho của bên thứ 3 (3PL). Hiện nay, chỉ riêng 4 sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Sendo, Lazada đã có 38 trung tâm phân phối và điểm trung chuyển hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, với tổng diện tích trên 110.000m2.
3. Giải pháp phát huy vai trò chuyển đổi số trong ngành Logistics ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật cho chuyển đổi số trong ngành Logistics ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của chủ sàn giao dịch Logistics và người chủ hàng theo hướng: Tăng cường nghĩa vụ của chủ sở hữu các sàn giao dịch Logistics trong việc kiểm soát, sàng lọc thông tin, cũng như trong việc hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp; Bổ sung các quy định về vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc quản lý hoạt động Logistics.
Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành Luật về Logistics, trong đó các yêu cầu, điều kiện cho các giao dịch Logistics trên cơ sở tổng hợp các nguyên tắc, quy phạm pháp luật trong các ngành luật cùng điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi thương mại bằng phương tiện điện tử.
Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng Logistics.
Đối với phát triển hạ tầng cứng: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn khá phức tạp, nguồn vốn giải quyết an sinh xã hội, chống dịch đang đặt tài khóa nước nhà đối diện với thâm hụt ngân sách trầm trọng thì việc trông đợi vào tài chính công phát triển hạ tầng Logistics TP. Hồ Chí Minh còn khá xa. Do đó, “chủ động” trong huy động nguồn lực tài chính phát triển cơ sở hạ tầng bằng sự chung tay của các doanh nghiệp Logistics là điều kiện cần để rút ngắn quá trình phát triển có mục tiêu.
Đối với phát triển hạ tầng mềm (khoa học công nghệ): Làm chủ khoa học công nghệ chính là điểm mấu chốt giúp doanh nghiệp Logistics bứt phá trong kinh doanh ngành này và tiệm cận với các giá trị phát triển mới. Nhà nước cần giữ vai trò “đầu tàu” trong việc tái cấp vốn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng đầu tư vào khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tổ chức lại hoạt động Logistics theo chuỗi liên kết, doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, hướng đến 3 tiêu chí của chuyển đổi số trong ngành Logistics, đó là: Logistics sinh thái, Logistics hiện đại và ứng dụng đơn giản, tích hợp, thông minh.
Thứ ba, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Thông qua khảo sát thực tế của VCCI (2021), hầu hết các doanh nghiệp Logistics đều cho rằng: chưa ghi nhận những bất thường hay rủi ro lớn từ quá trình giao dịch Logistics qua mạng. Điều này có thể được giải thích bởi quy mô thương mại ở mức nhỏ, những rủi ro chưa ghi nhận các giá trị lớn nhưng với mức độ phát triển hiện nay của TMĐT, ngành Logistics TP. Hồ Chí Minh đòi hỏi phải có sự “thay áo”. Do đó, các yêu cầu về an ninh mạng cũng như quản trị dữ liệu người mua - người bán cần được được tăng cường hơn bao giờ hết.
Một khó khăn hiện nay đối với giao dịch thương mại điện tử của người tiêu dùng đó chính là trình độ khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT còn khiêm tốn, nên rõ ràng các giải pháp về an ninh mạng và quản trị dữ liệu họ rất khó nắm bắt. Do đó, rất cần sự chung tay góp sức của các ban, ngành địa phương trong việc hỗ trợ các giao dịch này được thuận tiện hơn thông qua các buổi tập huấn cho các đối tượng trong hoạt động Logistics.
Thứ tư, đào tạo và phát triển nhân lực phục vụ chuyển đổi số cho ngành Logistic.
Cần rà soát và tiếp tục thực hiện các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động Logistics. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với DN nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực Logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực Logistics,… TP. Hồ Chí Minh nên hình thành và liên kết với những trường đào tạo chuyên ngành về Logistics, đặc biệt liên kết với nhà đầu tư từ nước ngoài trong việc đào tạo nguồn nhân lực này.
Để nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực Logistics, cần kiên trì phát triển nguồn nhân lực giảng viên giảng dạy về Logistics; thu hút các chuyên gia về Logistics trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, đào tạo; liên kết chặt chẽ với DN xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, thực tập,… Việc hợp tác với doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho sinh viên đi thực tế, thực tập, hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Sinh viên ngành Logistics cần thường xuyên được đi thực tế, tìm hiểu về các quy trình, thiết bị liên quan đến lĩnh vực đang được học.
* Bài viết trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2022: Chuyển đổi số trong ngành Logistics ở Thành phố Hồ Chí Minh, do ThS. Lương Quang Huy làm chủ nhiệm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (2018), Kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2018.
- UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Đề án phát triển logistics trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2022), Kế hoạch chuyển đổi số ngành logistics trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
- Thu An (2019), TP. Hồ Chí Minh sẽ ứng dụng blockchain vào dự án đô thị thông minh, truy cập tại https://danviet.vn/tphcm-se-ung-dung-blockchain-vao-du-an-do-thi-thong-minh-77771030428.htm
The digital transformation in Ho Chi Minh City’s logistics industry – Current situation and solutions
Master. Luong Quang Huy
Faculty of Political Economy, Academy of Politics Region II
Abstract:
Ho Chi Minh City has the best economic foundation and the most developed infrastructure conditions in Vietnam. The city is also ranked the first in the country’s Logistics Development Index. 70% of Vietnamese logistics enterprises are in Ho Chi Minh City. Applying scientific and technological achievements to expand operations has become an inevitable trend in Vietnam’s logistics industry. This paper proposes some solutions to promote the role of digital transformation in Ho Chi Minh City’s logistics industry.
Keywords: digital transformation, logistic, Ho Chi Minh City.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 8 năm 2022]