Chuyển đổi số - giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

NGÔ ÁNH NGUYỆT (Trường Bồi dưỡng Cán bộ Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và có cạnh tranh bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Cuộc khủng hoảng Covid-19 một lần nữa nâng cao tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các DNVN, khẳng định rõ đây là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở phân tích, làm rõ những lợi ích của chuyển đổi số với sự phát triển bền vững của DNVN, tác giả đề xuất một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong các DNVN thời gian tới.

Từ khóa: chuyển đổi số, doanh nghiệp, phát triển bền vững, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Chuyển đổi số trong các DNVN đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đã tạo ra những thay đổi lớn cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình và lĩnh vực khác nhau. Ngày càng có nhiều DNVN tham gia chuyển đổi số và đạt được những thành tựu đáng kể. Do đó, cần phải nhận diện rõ xu hướng và những lợi ích to lớn của chuyển đổi số với sự phát triển bền vững của các DNVN, từ đó có giải pháp hiệu quả thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các DNVN hiện nay là vấn đề cấp thiết.

2. Xu hướng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp trên thế giới

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các hoạt động của một doanh nghiệp, làm thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng, từ đó nâng cao hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi số cũng bao hàm sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục đổi mới, sáng tạo, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại trong quá trình đó. Hiện nay, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp trên thế giới đang diễn ra với nhiều xu hướng khác nhau. Căn cứ vào cơ sở dữ liệu về Truy cập và Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu Eurostat về Kinh tế số và Xã hội của OECD (OECD, 2020), có thể nhận diện xu hướng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp trên các nội dung cụ thể sau:

Một là, chuyển đổi số trong doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ nhưng có sự chênh lệch giữa các quốc gia và các loại hình doanh nghiệp. Thống kê của OECD trong 10 năm (2010 - 2019) cho thấy, tỷ lệ lao động ở các nước OECD sử dụng máy tính có kết nối Internet, đã tăng đáng kể. Năm 2019, tỷ lệ này đạt mức trung bình 52%, tăng từ 41% so với năm 2009. Tuy nhiên, giữa các quốc gia lại có sự chênh lệch lớn. Điển hình như năm 2019, tỷ lệ lao động sử dụng máy tính có kết nối Internet ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có 24,8%, trong khi Thụy Điển là 81,7%. Các doanh nghiệp lớn có ưu thế hơn so với các doanh nghiệp nhỏ trong quá trình thực hiện số hóa, thể hiện rõ nét qua tỷ lệ người lao động có sử dụng máy tính kết nối mạng internet. Trong giai đoạn (2009 - 2019), trong khối OECD, tỷ lệ người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ (từ 10 - 49 lao động) sử dụng máy tính có kết nối internet tăng chậm hơn so với các doanh nghiệp khác [1]. Doanh nghiệp trong tất cả các ngành đều thực hiện số hóa, tuy nhiên các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ thông tin và truyền thông, dịch vụ chuyên môn, khoa học và kỹ thuật có tỷ lệ số hóa cao hơn (với khoảng  88,6% người lao động sử dụng máy tính kết nối Internet). Những năm gần đây, các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ xây dựng, vận tải, lưu trữ, bán buôn, bán lẻ có sự gia tăng nhanh chóng về hoạt động số hóa.

Hai là, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp diễn ra trên nhiều khía cạnh, với các loại ứng dụng đa dạng. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều loại công nghệ cho nhiều mục đích khác nhau, từ việc mở rộng thị trường và tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng cuối, đến tích hợp các quy trình kinh doanh hoặc nâng cao năng lực công nghệ thông tin của doanh nghiệp,... Phổ biến nhất là các loại công nghệ, như: Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) để nâng cao hiệu quả và hoạch định chiến lược của bộ phận hành chính. Công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) làm tăng hiệu quả sản xuất và logistics. Phần mềm Quản lý quan hệ khách hàng (CRM) và Quản lý chuỗi cung ứng (SCM) giúp tăng cường tích hợp bộ phận mũi nhọn của doanh nghiệp và các hoạt động của chuỗi cung ứng. Điện toán đám mây giúp nâng cao năng lực của các hệ thống CNTT. Phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ tăng hiệu quả của quá trình ra quyết định và lập kế hoạch chiến lược, quản trị chung, sản xuất, tiền sản xuất và logistics hoặc tiếp thị, quảng cáo và thương mại hóa. Mạng xã hội giúp tăng cường nền tảng khách hàng, mở rộng tầm nhìn trong kinh doanh và quảng bá. Thương mại điện tử giúp củng cố nền tảng khách hàng và nhà cung cấp, tiếp cận các thị trường phi truyền thống trong khu vực hoặc ở nước ngoài. Hóa đơn điện tử giúp tăng cường khả năng tích hợp của hệ thống kế toán và các quy tắc thuế, giảm bớt gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp. Băng thông rộng tốc độ cao là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Ba là, có sự khác biệt lớn trong việc tiếp cận hạ tầng số của doanh nghiệp giữa các quốc gia. Hiện nay, sự khác biệt về hạ tầng số giữa các quốc gia ngày càng lớn, tác động trực tiếp đến việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Sự khác biệt này không chỉ diễn ra giữa 2 nhóm nước: phát triển và đang phát triển; mà ngay trong nhóm các nước phát triển cũng có sự khác biệt lớn. Ở Đan Mạch và Thụy Điển, hơn một nửa số doanh nghiệp nhỏ được kết nối với băng thông rộng tốc độ cao, tuy nhiên ở Pháp, Hy Lạp, Ý, tỷ lệ này thấp hơn (chỉ gần 10%). Tương tự như vậy, ở Đan Mạch và Thụy Điển, gần 90% các doanh nghiệp lớn đã kết nối băng thông rộng tốc độ cao; nhưng ở Hy Lạp, Cộng hòa Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ này chỉ gần 35%. Điều này tạo nên cuộc cạnh tranh “không cân sức” giữa các doanh nghiệp khi tham gia thị trường quốc tế [1].

3. Chuyển đổi số - giải pháp phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam

Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing),...; từ đó thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp. Để chủ động tiếp cận và tận dụng cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, các DNVN cần phải tự chủ “tái cấu trúc” toàn diện để phát triển bền vững, mà cốt lõi là chuyển đổi số trên mọi phương diện. Xem xét từ góc độ phát triển bền vững, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các DNVN.

Trước hết, chuyển đổi số làm thay đổi khung thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ điện tử và các nền tảng trực tuyến đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi cần tham vấn và cung cấp dịch vụ công. Mọi quan hệ của doanh nghiệp với các cơ quan công quyền có thể được thực hiện trên nền tảng số, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tận dụng được cơ hội kinh doanh và tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực. Các ứng dụng kỹ thuật số đã và đang lan rộng trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, như: dịch vụ phát triển kinh doanh; dịch vụ chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (hay còn gọi là li - xăng),... được pháp luật thừa nhận và bảo đảm. Điều này giúp doanh nghiệp có thể chủ động xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình. Cùng với đó, công nghệ dữ liệu lớn cho phép Chính phủ điều chỉnh dịch vụ công theo hướng tốt hơn, phục vụ kịp thời theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Thứ hai, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận những nguồn lực chiến lược, tạo tiền đề cho sự phát triển trước mắt và lâu dài. Trong đó, rõ nét nhất là chuyển đổi số tạo ra nhiều dịch vụ tài chính cho phép các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, để bổ sung cho sự thiếu hụt vốn. Dịch vụ tài chính kỹ thuật số như: tiền điện tử, dịch vụ tài chính di động, dịch vụ tài chính trực tuyến, i-teller và ngân hàng số,… được thực hiện thông qua các tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng cho phép các DNVN dễ dàng tiếp cận, so sánh trực tuyến và xác định những ưu đãi tối ưu nhất, phù hợp nhất với nhu cầu. Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thực hiện tốt việc tuyển dụng lao động, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phù hợp hoặc kết nối với các đối tác trong và ngoài nước.

Thứ ba, các công nghệ mới như: phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và in 3D, cho phép các DNVN nâng cao năng suất làm việc, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; từ đó tối đa hóa lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh. Khác với mô hình doanh nghiệp truyền thống, với sự hỗ trợ từ công nghệ, người lao động trong các doanh nghiệp sẽ giảm thiểu được những công việc lao động thủ công, tiêu tốn nhiều thời gian, công sức. Bên cạnh đó, người lao động có thể làm việc cho doanh nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi, xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh trong công việc chỉ với những thiết bị được kết nối internet. Do đó, năng suất làm việc của người lao động được nâng lên đáng kể. Cùng với đó, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thỏa sức sáng tạo, đưa ra những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, hàm lượng tri thức cao, thỏa mãn được tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là những yếu tố quan trọng để các DNVN có thể trụ vững và không ngừng phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ở thị trường trong và ngoài nước. Tham gia quá trình chuyển đổi số, người điều hành sẽ có thể chủ động và dễ dàng truy xuất báo cáo về các hoạt động của doanh nghiệp, như: ghi nhận doanh số, biến động nhân sự, tệp khách hàng tìm hiểu sản phẩm,… giúp việc quản lý doanh nghiệp hiệu quả và minh bạch hơn. Ngoài ra, chuyển đổi số còn tạo điều kiện thuận lợi cho DNVN hội nhập nhanh chóng, hiệu quả vào thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến vận tải và hoạt động xuyên biên giới, tăng khả năng thương mại nhiêu dịch vụ.

Thứ tư, chuyển đổi số là phương án tối ưu giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Thực tế số liệu từ Tổng cục Thống kê trong năm 2021 cho thấy, do dịch bệnh kéo dài cả nước có gần 120.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể (tăng 17,8% so với năm 2020); bình quân mỗi tháng có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường [5]. Chính trong bối cảnh khó khăn đó, công nghệ số đã trở thành một công cụ quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số là chiến lược tất yếu, là sự lựa chọn duy nhất để các doanh nghiệp có thể trụ vững và “hồi sinh” sau khủng hoảng do dịch bệnh.

Nhận thức rõ những lợi ích to lớn từ chuyển đổi số đối với sự phát triển bền vững, các DNVN đã bước đầu đẩy mạnh hoạt động này, với mức độ và khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số của các DNVN đang có những khó khăn cần được tháo gỡ, cụ thể như sau:

i) Trở ngại về công nghệ: Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước “đi sau” về công nghệ so với thế giới, chưa làm chủ được công nghệ lõi của chuyển đổi số, do đó các DNVN chủ yếu sử dụng các công nghệ có sẵn. Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi chuyển đổi số.

ii) Khó khăn từ vốn đầu tư: Chuyển đổi số đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, đồng thời tiềm ẩn rủi ro thất bại là “rào cản” lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Do đó, nhiều doanh nghiệp nhận thức rằng chuyển đổi số là “cuộc chơi” của các doanh nghiệp lớn, vững mạnh về tài chính. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc thực hiện chuyển đổi số.

iii) Thách thức từ sự chuyển đổi toàn diện: Chuyển đổi số là hoạt động “tái cấu trúc” doanh nghiệp, làm thay đổi căn bản đến hệ thống tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp. Điều này gây nên nhiều áp lực cho các nhà quản trị.

4. Một số giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

4.1. Đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp về sự cần thiết, cấp bách của chuyển đổi số

Bên cạnh hoạt động tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Tăng cường chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình của các doanh nghiệp về chuyển đổi số. Duy trì hoạt động hiệu quả liên minh chuyển đổi số trên cơ sở tập hợp các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam để truyền cảm hứng, chuyển đổi nhận thức trong toàn xã hội về chuyển đổi số, chủ động tiên phong thực hiện chuyển đổi số và tạo ra hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp khác của Việt Nam thực hiện chuyển đổi số. Phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; giữa hội, hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin với hội, hiệp hội chuyên ngành trong các lĩnh vực khác để tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội;

4.2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp

Cần tập trung vào hệ thống văn bản pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, Internet và không gian mạng. Chú trọng sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông, như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông,... Nghiên cứu chính sách, quy định cụ thể về thuế, phí để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số. Rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật dân sự, hình sự và các luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng mức và hình phạt cho các hành vi lừa đảo, gian lận khi giao dịch trên không gian mạng cũng như các hành vi lợi dụng, khai thác trái phép thông tin riêng, cá nhân trên mạng để người dùng an tâm khi thực hiện các giao dịch số.

4.3. Phát triển hạ tầng số và nền tảng số phục vụ kịp thời nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp

Về hạ tầng cần chú trọng xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G; mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT). Các nội dung phát triển hạ tầng phải bảo đảm hiệu quả, phát triển các hạ tầng dùng chung, tránh đầu tư trùng lặp. Về nền tảng số, cần tập trung xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia; xây dựng hệ thống thanh toán điện tử; xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây (Cloud); xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư phát triển các hệ thống này.

4.4. Có chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chuyển đổi số

Đây là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích, tạo động lực và giúp DNVN vượt qua khó khăn trong khi thực hiện chuyển đổi số. Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phù hợp với tình hình của từng doanh nghiệp. Xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và ngành, địa phương để tăng cường sự tương tác trên môi trường số giữa doanh nghiệp với chính quyền. Nâng cao năng lực của các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số theo các tiêu chuẩn, xu hướng thế giới; kết nối các chuyên gia với các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số. Xây dựng và tổ chức triển khai các khóa đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp. Xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ tài chính, các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp phù hợp với quy mô, lĩnh vực, ngành nghề của doanh nghiệp.

4.5. Tăng cường hợp tác quốc tế, tham vấn kinh nghiệm về chuyển đổi số cho doanh nghiệp ở các quốc gia

Đây là giải pháp cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đi sau các nước phát triển về chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Hợp tác quốc tế giúp cho doanh nghiệp Việt Nam rút ngắn khoảng cách công nghệ và học hỏi được những thành công, tránh những sai lầm, thất bại từ các nước đi trước. Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan cần xây dựng chương trình hợp tác quốc tế về nghiên cứu, chuyển giao, triển khai các công nghệ mới ở Việt Nam. Nghiên cứu, xây dựng các khu thử nghiệm dành cho doanh nghiệp công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới để tiên phong thử nghiệm công nghệ mới nhất, mô hình mới nhất trên thế giới. Chủ động hợp tác quốc tế trong việc tham gia quản lý các tài nguyên chung trong môi trường số và trên không gian mạng; tham gia các tổ chức quốc tế và chủ trì, dẫn dắt triển khai một số sáng kiến về chuyển đổi số.

5. Kết luận

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là giải pháp quan trọng giúp các DNVN phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh tình hình hiện nay. Trên cơ sở nhận thức rõ những lợi ích to lớn và thách thức trong quá trình chuyển đổi số, Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần chung tay triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Trong đó, cần tập trung thay đổi căn bản nhận thức cho các doanh nghiệp về chuyển đổi số; có chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả để các DNVN chuyển đổi số nhanh chóng và thành công.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (2022). Những cân nhắc chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển đổi số và tăng cường bảo mật kỹ thuật số, Tổng luận Khoa học - Công nghệ - Kinh tế, Số 3.
  2. Đảng Hải Long (2022). Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong bối cảnh Covid-19. Tạp chí Con số sự kiện, 5, 18-20.
  3. Nguyễn Đình Quyết (2021). Chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay: Những khó khăn cần tháo gỡ. Tạp chí Cộng sản, truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/824511/chuyen-doi-so-trong-doanh-nghiep%C2%A0o-viet-nam-hien-nay--nhung-kho-khan-can-thao-go.aspx.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg, Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
  5. Tổng cục Thống kê (2022). Niên giám thống kê 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội.

 

DIGITAL TRANSFORMATION - A SUSTAINABLE DEVELOPMENT SOLUTION FOR VIETNAMESE ENTERPRISES 

NGO ANH NGUYET

Banking Training School

ABSTRACT:

In recent years, the digital transformation has been conducted rapidly in many Vietnamese enterprises, opening up many opportunities for enterprises to promote their innovation, improve their productivity, and compete better with rivals in the international market. The COVID-19 pandemic has once again highlighted the important role of digital transformation in Vietnam. The digital transformation is affirmed as an important solution to help enterprises grow sustainably. This paper analyzes and clarifies the benefits of digital transformation for the sustainable development of Vietnamese enterprises. In this paper, some solutions are proposed to facilitate the digital transformation in Vietnamese enterprises in the coming time.

Keywords: digital transformation, business, sustainable development, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18(1), tháng 8 năm 2022]