TÓM TẮT:
VNPT Thanh Hóa là một trong những doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin trên địa bàn Thanh Hóa. Doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước sự chuyển mình mạnh mẽ của công nghệ số, cần thực hiện ngay và kịp thời, nhằm khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Bài viết phân tích thực trạng kinh doanh dịch vụ số của VNPT Thanh Hóa giai đoạn 2019-2021 và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các dịch vụ này.
Từ khóa: dịch vụ số, chuyển đối số, năng lực cạnh tranh, VNPT Thanh Hóa.
1. Giới thiệu về VNPT Thanh Hóa và bối cảnh chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa
Trong bối cảnh sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, thúc đẩy nền kinh tế chuyển sang kinh tế tri thức,… của con người dần chuyển mình gắn liền với công nghệ số. VNPT Thanh Hóa là một đơn vị thành viên của Tập đoàn VNPT Thanh Hóa. Theo chiến lược VNPT 4.0, Tập đoàn VNPT đã thực hiện chuyển dịch sang lĩnh vực cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổ số (dịch vụ số), ngoài hạ tầng và công nghệ viễn thông vẫn tiếp tục phát triển thì lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) được tập trung phát triển mạnh mẽ, đã đạt được một số kết quả trong giai đoạn 2016-2020 như sau:
- Hạ tầng kết nối băng rộng vô tuyến 3G/4G đã nâng tốc độ truy cập lên hàng trục lần, mức độ tiếp cận dịch vụ di động 3G/4G tới 90% lãnh thổ, 98% dân số.
- VNPT đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên triển khai thử nghiệm thương mại 5G thành công tại 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố khác và dự kiến sang quý 4 năm 2022 sẽ triển khai tại VNPT Thanh Hóa.
Dich vụ số của VNPT Thanh Hóa những năm gần đây tăng trưởng với tốc độ cao (23-47%), tuy nhiên vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng doanh thu của đơn vị. Năm 2022, Thanh Hóa có 28.512 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 190,4 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 6,68 tỷ đồng/doanh nghiệp [1]. Tỉnh Thanh Hóa luôn luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ nằm trong trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh; doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên trong tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế. Trong bối cảnh này, các dịch vụ số của doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để phát triển [2].
2. Thực trạng doanh thu và thị phần dịch vụ số của VNPT Thanh Hóa
2.1. Thực trạng của doanh nghiệp
Doanh thu dịch vụ CNTT năm 2021 đạt 56,072 tỷ đồng bằng 89% kế hoạch năm 2021; tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy mặc dù không đạt được như kỳ vọng, nhưng các sản phẩm công nghệ số của VNPT Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu cơ bản so với cùng kỳ, thể hiện ở tỷ lệ tăng trưởng so với năm 2020. (Hình 1)
2.2. So sánh về thị phần với các đối thủ cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
So sánh về thị phần của một số các sản phẩm dịch vụ số của VNPT Thanh Hóa theo số liệu báo cáo tổng kết của VNPT và Sở Thông tin và truyền thông cho thấy thị phần các sản phẩm số của VNPT đang chiếm tỷ lệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt một số sản phẩm số như sản phẩm phục vụ cho “truyền hình hội nghị”, “hệ thống quản lý dữ liệu bệnh viện - His” đang chiếm lĩnh 100% thị trường trong tỉnh. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm số của VNPT đang chiếm tỷ lệ hơn nửa, bao gồm sản phẩm cho “phòng họp không giấy tờ”, “website các ủy ban xã, huyện, tỉnh thành phố”, “biên lai điện tử”, “VNPT Money”, “VNedu” và sản phẩm “VNPT Pharmacy hệ thống quản lý dược phẩm”. (Hình 2)
+ Đối với giáo dục số: Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa triển khai thỏa thuận hợp tác cung cấp các sản phẩm dịch vụ CNTT ứng dụng trong ngành Giáo dục, phát triển mô hình lớp học thông minh, VNEDU đã triển khai tại hơn 1.061 trường học, chiếm trên 50% số trường học trong tỉnh. Nhờ đó, doanh thu dịch vụ giáo dục số của VNPT Thanh Hóa năm 2021 đạt 106,5% so với kế hoạch, 23,563 triệu đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ.
+ Đối với dịch vụ quản trị doanh nghiệp, thực hiện phát triển kinh tế số: Doanh thu thực tế năm 2021 đạt 96,5% so với kế hoạch, tăng 2,219 triệu đồng so với cùng kỳ, tương ứng mức tăng 17,5%.
Các dịch vụ số như: VNPT - CA; Hóa đơn điện tử (VNPT - Invoice); Quản lý bán hàng VNPT - Kios; VNPT Check (Tem điện tử truy xuất nguồn gốc hàng hóa) có bước lan tỏa rộng, tạo ra doanh thu khá.
3. Đánh giá năng lực cạnh tranh dịch vụ công nghệ thông tin của VNPT Thanh Hóa
3.1. Những kết quả đạt được
VNPT Thanh Hóa đã thể hiện vai trò doanh nghiệp dẫn dắt chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Về thị phần: Thị phần các dịch vụ số của VNPT Thanh Hóa chiếm ưu thế trên địa bàn.
Về chất lượng dịch vụ: Chất lượng triển khai dịch vụ của VNPT Thanh Hóa vẫn được khách hàng đánh giá cao và lựa chọn là nhà cung cấp dịch vụ.
Về tiếp cận khách hàng: Năm 2021, đã có sự thay đổi rõ nét về phương thức tiếp cận khách hàng để triển khai các dịch vụ theo hướng Top down: VNPT với khối chính quyền, sở ngành và từ các địa bàn với với các đơn vị cấp huyện và các đơn vị trực thuộc.
Về năng lực về nhân sự: Bộ máy nhân sự được tinh giảm, tỷ lệ lao động gián tiếp giảm mạnh, lao động được đào tạo ở trình độ trên đại học và lao động đào tạo về kinh doanh tăng lên.
Về năng lực về tài chính: Cơ cấu tài sản có xu hướng giảm các khoản phải thu và tăng vốn chủ sở hữu, các chỉ số về tỷ suất lợi nhuận có xu hướng tăng.
3.2. Một số hạn chế và nguyên nhân
Về doanh thu
Doanh thu tăng trưởng 33-46%, tuy nhiên tỷ trọng của dịch vụ số còn khiêm tốn.
Tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin của của VNPT còn thấp (40,2%).
Về chất lượng dịch vụ:
Sản phẩm của VNPT: rời rạc, thiếu tính tổng thể, khó dùng hoặc chưa đáp ứng nghiệp vụ, chưa có sản phẩm chiến lược cho doanh nghiệp để chiếm lĩnh thị phần, khẳng định vị thế của doanh nghiệp dẫn dắt chuyển đổi số.
Về công nghệ: Việc đồng bộ cơ sở dữ liệu khách hàng các DV viễn thông và khách hàng CNTT đã thực hiện, tuy nhiên chưa triệt để.
Về giá bán sản phẩm: So với các đối thủ lớn trên thị trường, giá bán dịch vụ của VNPT tương đối cao, cơ chế chính sách cho đại lý thấp hơn các sản phẩm tương tự trên thị trường.
Về nhân lực và công tác tiếp cận khách hàng: Đội ngũ bán hàng có khả năng tư vấn, kỹ năng ứng phó cạnh tranh, công tác lập kế hoạch các dịch vụ dịch vụ còn hạn chế. Hoạt động bán hàng, tương tác khách hàng qua môi trường online chưa được quan tâm đúng mức.
Về năng lực tài chính: Tốc độ tăng trưởng doanh thu còn thấp so với các đối thủ cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng về tài sản âm liên tục. Nguyên nhân là do chính sách quản lý vốn của Tập đoàn VNPT.
4. Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ công nghệ thông tin của VNPT Thanh Hóa trong bối cảnh chuyển đổi số
4.1. Giải pháp về định hướng chiến lược cho các dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số VNPT nên coi dịch vụ số là dịch vụ trọng điểm cần phát triển, như:
- Tập trung phát triển các dịch vụ mũi nhọn đem lại sự tăng trưởng doanh thu là dịch vụ số doanh nghiệp và dịch vụ số cá nhân. Tối ưu mục tiêu tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh trên nhóm dịch vụ cốt lõi.
- Tập trung nguồn lực tại các địa bàn trọng điểm có tiềm năng mang lại sự tăng trưởng đột phá về doanh thu, lợi nhuận cho các sản phẩm số.
- Củng cố và mở rộng kênh bán hàng nhằm nâng cao hiệu quả bán hàng, đặc biệt là đối với dịch vụ di động và dịch vụ số doanh nghiệp.
4.2. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số
Thứ nhất, tối ưu nguồn nhân lực: Tối ưu lao động khối chuyên môn nghiệp vụ, thừa hành phục vụ thông qua phương án dùng chung nhân lực làm việc trong các lĩnh vực nhân sự, tổng hợp, kế hoạch, đầu tư.
Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng lãnh đạo, phát triển nhân sự quản lý phù hợp với bổi cảnh chuyển đổi số, như: đào tạo trang bị năng lực quản trị và chuyển đổi số cho nhân sự quản lý.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế KH, BSC/KPI, tiền lương nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động cụ thể.
4.3. Hạ giá thành các sản phẩm dịch vụ số để nâng cao năng lực cạnh tranh
Thứ nhất, kiểm soát thông qua việc tối ưu hoá chi phí thuê cơ sở hạ tầng bằng việc đàm phán, thương thảo điều khoản “thời điểm bắt đầu tính tiền thuế” đối với các trạm phát sinh để giảm chi phí thuê đất, thuê mặt bằng.
Thứ hai, kiểm soát chi phí điện năng và các chi phí khác để hạ giá thành sản phẩm dịch vụ CNTT của doanh nghiệp.
4.4. Số hóa các hoạt động điều hành của doanh nghiệp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ và để nâng cao năng lực cạnh tranh
- Tiếp tục triển khai thực hiện công tác số hóa, ứng dụng triệt để phần mềm ĐHSXKD vào quá trình điều hành, sản xuất; tăng cường kiểm soát, chuẩn hóa số liệu mạng lưới nhằm giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động trong công tác xử lý, phát triển và điều hành, hoạch định chính sách.
- Ứng dụng CNTT trong việc quản lý, giám sát nhà trạm. Kiểm tra, kiểm soát, áp dụng các chế tài xử lý, góp phần đảm bảo quy chuẩn nhà trạm, nâng cao chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ.
4.5. Nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu
Ứng dụng Digital marketing để nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa chi phí truyền thông, quảng bá và phù hợp với xu thế sử dụng của khách hàng, tăng tỷ trọng chi phí truyền thông cho truyền thông online.
Tập trung xây dựng phương án và triển kênh Zalo OA của địa bàn nhằm tăng cường quảng bá sản phẩm đến khách hàng mục tiêu, chăm sóc khách hàng hiện có, tiến tới giảm biên nhận thanh toán in giấy.
4.6. Giải pháp cụ thể đối với từng dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số
VNPT Thanh Hóa cần xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện các chính sách bán hàng đối với các sản phẩm dịch vụ số một cách cụ thể, chi tiết dựa trên việc phân tích đánh giá tình hình thực tại về năng lực, thị phần, thế mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, từ đó tổ chức thực hiện theo kế hoạch đề ra, cụ thể đối với từng sản phẩm như sau:
+ Chương trình bán hàng nhóm dịch vụ hạ tầng số: Triển khai Truyền hình một chiều trên MyTV đến cấp thôn, bản. IDC: Rà soát triển khai dịch vụ webhosting cấp xã, phường đối với các đơn vị còn lại. Để thực hiện được chương trình này cần bám các chỉ số đánh giá chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa để duy trì các dịch vụ khối Chính quyền, triển khai B2B đối với khối doanh nghiệp.
+ Chương trình bán hàng nhóm chính quyền số: Triển khai các phần mềm, dữ liệu chuyên ngành để cung cấp dữ liệu cho Trung tâm IOC của tỉnh Thanh Hóa. Tư vấn đề án/kế hoạch chuyển đổi số cho các Hội, Tỉnh đoàn, UBND huyện, thị xã, thành phố,...
+ Chương trình bán hàng nhóm y tế số: Phối hợp Sở Y tế, các cơ sở y tế triển khai các giải pháp, phần mềm số hóa ngành Y tế. Phối hợp với Sở Y tế để đôn đốc các trung tâm y tế ký hợp đồng, yêu cầu 100% trạm y tế ký hợp đồng sử dụng HMIS (HIS và Y tế cơ sở).
+ Chương trình bán hàng nhóm Giáo dục số: Triển khai cụ thể các mục tiêu Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021 - 2025 và Biên bản ghi nhớ triển khai giai đoạn 2021 - 2022, giữa VNPT Thanh Hóa và Sở Giáo dục và Đào tạo. Triển khai dịch vụ và phần mềm tại các cơ sở giáo dục.
+ Chương trình bán hàng nhóm SME: Đẩy mạnh tiếp cận phát triển khách hàng đối với DN mới thành lập. Chương trình tăng sản lượng trên tập khách hàng hiện hữu. -VNPT-CA: Tiếp cận Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham gia đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2025.
+ Thâm nhập thị trường nông nghiêp số: Đề xuất giải pháp V-Farm với Sở NN&PTNT lập kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2022 - 2023. Bám sát tư vấn của Tập đoàn với Bộ NN&PTNT về đề án CĐS ngành. Tiếp cận theo hướng thỏa thuận hợp tác, lập kế hoạch chuyển đổi số trong ngành giai đoạn 2021 - 2025, trình UBND tỉnh để xin chủ trương đầu tư.
5. Kết luận
Với mong muốn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động cung cấp dịch vụ CNTT của VNPT Thanh Hóa trong bối cảnh chuyển đổi số, bài viết đã nghiên cứu và đánh giá thực trạng của đơn vị. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp giải quyết hạn chế về năng lực cạnh tranh của VNPT Thanh Hóa trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- UBND tỉnh Thanh Hóa (2020), Quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 06/10/2020 về việc ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- UBND tỉnh Thanh Hóa (2021), Quyết định số 1768/QĐ-UBND ngày 27/5/2021 về việc phê duyệt Đề cương Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.
- VNPT Thanh Hóa, Báo cáo đánh giá kết quả kinh doanh các năm 2029, 2020, 2021.
Improving the competitiveness of VNPT Thanh Hoa’s digital services in the context of the current digital transformation trend
Ph.D Le Thi Lan1
Nguyen Anh Tu2
1Faculty of Accounting - Business Administration, Hong Duc University
2Vice Director, Center of Information Operations, VNPT Thanh Hoa
Abtract:
VPNT Thanh Hoa is one of the first information technology and telecommunication services companies in Thanh Hoa province. VPNT Thanh Hoa is facing many difficulties and challenges brought by the strong digital transformation trend. It is urgent for VPNT Thanh Hoa to immediately and promptly conduct the digital transformation in order to affirm its leading position in Thanh Hoa province’s information technology and telecommunication services market. This paper analyzes VPNT Thanh Hoa’s digital services performance in the period from 2019 to 2021, and proposes some solutions to help the company improve the competitiveness of its digital services.
Keywords: digital services, digital transformation, competitiveness, VNPT Thanh Hoa.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]