Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần qua (8/6 - 12/6)

Trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ đã chính thức rơi vào suy thoái kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang nước này tuyên bố tiếp tục duy trì mức lãi suất cực thấp, gần 0% nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh nhất trong vòng 80 năm trở lại đây vì đại dịch Covid-19.

Thứ Hai – 8/6

Thất nghiệp tại Hoa Kỳ
 Hàng dài người thất nghiệp tại Hoa Kỳ chờ nhận hỗ trợ thực phẩm tại khu Brooklyn, New York (Ảnh: Getty Images)

Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (NBER) cho biết Hoa Kỳ đã chính thức rơi vào suy thoái kinh tế kể từ tháng 2/2020. Thông thường, tình trạng suy thoái kinh tế sẽ được công bố khi hai quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng kinh tế âm. Trong quý 1/2020, GDP của Hoa Kỳ đã giảm tới 5% và giới phân tích nhận định GDP quý 2/2020 của Hoa Kỳ có thể giảm đến 40% - mức giảm mạnh nhất trong lịch sử kinh tế Hoa Kỳ.

NBER cho biết nền kinh tế Hoa Kỳ đang sụp đổ với tốc độ nhanh đến mức cơ quan này không cần chờ dữ liệu kinh tế về quý 2/2020 để công bố việc Hoa Kỳ đã rơi vào suy thoái. Động thái này trái ngược hoàn toàn với các đợt suy thoái trước khi NBER chỉ công bố tình trạng suy thoái sau khoảng 1 năm sau khi các số liệu đã phản ánh đầy đủ tình trạng suy thoái.

Theo thông báo của NBER, thị trường lao động và hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ đang suy giảm mạnh chưa từng có với các tác động sâu rộng trên quy mô toàn nền kinh tế. Giới phân tích kỳ vọng đợt suy thoái lần này sẽ diễn ra ngắn và nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu phục hồi trở lại trong quý 3/2020. 

Thứ Ba – 9/6

Khai thác dầu thô Texas
Việc giá dầu thô tăng cao đang khuyến khích các hãng khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ gia tăng khai thác trở lại, đe doạ đà phục hồi mong manh của thị trường dầu mỏ (Ảnh: Reuters)

Giá dầu thô hiện đã tăng vượt qua ngưỡng 40 USD/thùng chỉ trong thời gian ngắn, tuy nhiên tập đoàn ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cảnh báo giá dầu thô có thể sẽ điều chỉnh giảm mạnh 15% - 20% trong thời gian tới do giá dầu thô đang vượt xa các yếu tố cơ bản.

Giá dầu thô hiện được hỗ trợ mạnh nhờ việc liên minh OPEC+ bao gồm các nước khai thác dầu thô lớn nhất thế giới như Ả-rập Xê-út và Nga đồng ý duy trì quy mô cắt giảm sản lượng khai thác khổng lồ - 10% tổng nguồn dầu thô toàn cầu đến cuối tháng 7/2020, thay vì kết thúc vào cuối tháng này. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng dầu thô đang bắt đầu phục hồi trở lại khi ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên Goldman Sachs cảnh báo lượng tồn trữ dầu thô trên toàn cầu hiện vẫn ở mức rất lớn, khoảng 1 tỷ thùng và một số nhà phân tích nhận định phải đến giữa năm 2021, thị trường mới hấp thụ được hết số dầu thô tồn trữ này. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng dầu thô vẫn đang ở mức yếu và rủi ro ngày càng tăng về sự bùng phát của đại dịch Covid-19 lần hai có thể đánh gục thị trường dầu mỏ lần nữa.

Thứ Tư – 10/6

Chủ tịch FED Jerome Powell
Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết mối quan tâm hiện nay là các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi chứ không phải là câu hỏi điều chỉnh lãi suất (Ảnh: AP Photo)

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cho biết tiếp tục giữ mức lãi suất ở gần mức bằng 0% như hiện nay và cho thấy dấu hiệu mức lãi suất này sẽ được duy trì đến năm 2022 để hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.

FED cũng đưa ra dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ suy giảm 6,5% trong năm nay với việc các hoạt động kinh doanh bị đình trệ nghiêm trọng ở mức độ chưa từng có khi các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 được áp dụng. Tuy nhiên, FED cho biết nền kinh tế nước này sẽ bật tăng mạnh 5% trong năm 2012 và 3,5% trong năm 2022, cả hai đều vượt xa xu hướng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Thứ Năm – 11/6

Biểu tình phản đối Brexit
Người dân Anh biểu tình phản đối việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) (Ảnh: Reuters)

Liên minh Châu Âu (EU) đã lên tiếng cao buộc Chính phủ Vương quốc Anh đang đòi hỏi một thoả thuận thương mại hậu Brexit giúp nước này có trạng thái thương mại với EU tương tự như lúc còn là một thành viên của khối EU. Ông Michel Barnier, trưởng ban đàm phán thoả thuận hậu Brexit của EU, cho biết điều này là không thể chấp nhận và đồng ý với các điều kiện của Vương quốc Anh.

Ông Michel Barnier cũng cho biết Vương quốc Anh vẫn không linh hoạt trong đàm phán với EU bất chấp nền kinh tế nước này đang suy giảm nghiêm trọng dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Dự kiến Nghị viện Châu Âu sẽ đưa ra lời kêu gọi Vương quốc Anh cần “khẩn trương xem xét lại vị thế đàm phán của nước này” trong ngày 12/6 trong bối cảnh đàm phán thoả thuận thương mại giữa hai bên không thực sự đạt được bước tiến và hạn chót của việc đàm phán đang đến gần.

Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi EU vào tháng 1/2020 và đang duy trì trạng thái kinh tế - thương mại chuyển đổi với EU đến cuối năm nay. EU hiện sẵn sàng kéo dài thời hạn đàm phán thoả thuận thương mại với Vương quốc Anh tuy nhiên Thủ tướng Anh Boris Johnson đã liên tục bác bỏ đề xuất này.

Thứ Sáu – 12/6

Đường phố New York vắng vẻ vì đại dịch Covid-19
Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các hoạt động kinh tế bị đình trệ và nhiều thành phố lớn như New York rơi vào trạng thái vắng lặng (Ảnh: Reuters)

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy bất chấp việc hàng loạt quốc gia trên thế giới tung ra các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có, tổng GDP toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 5,2% dưới các tác động của đại dịch Covid-19, đánh dấu mức suy giảm kinh tế mạnh nhất trong vòng 80 năm trở lại đây.

WB cảnh báo suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ để lại những vết sẹo sâu đối với nền kinh tế toàn cầu như hoạt động đầu tư sẽ giảm xuống mức thấp trong tương lai gần, hoạt động thương mại toàn cầu cũng như các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị suy yếu, và hàng triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Tình trạng suy thoái lần này có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu như đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài hoặc số lượng lớn các doanh nghiệp buộc phải phá sản, không trụ được trước các áp lực tài chính do đại dịch gây ra.

Các nền kinh tế đang nổi lên cũng gặp những rủi ro kinh tế lớn do đại dịch gây ra do hệ thống chăm sóc y tế kém hiệu quả hơn và vị thế kinh tế chịu rủi ro lớn hơn khi các chuỗi cung ứng, hoạt động du lịch bị đình trệ, và phụ thuộc nhiều hơn vào diễn biến thị trường hàng hoá và các thị trường tài chính.

Quang Đặng