Kinh tế Anh chìm sâu vào vũng lầy suy thoái dưới tác động của Covid-19 và tương lai hậu Brexit bất ổn

Không chỉ đối mặt với các tác động nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, nền kinh tế Anh còn đang đối mặt với những bất ổn trong thoả thuận thương mại hậu Brexit với Liên minh Châu Âu. Điều này khiến Vương quốc Anh có thể ngày càng lún sâu hơn vào suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Thủ tướng Anh Borish Johson
 Thủ tướng Anh Borish Johson phát biểu tại một buổi họp báo sau khi kết thúc điều trị Covid-19 (Ảnh: chardandilminsternews)

Vương quốc Anh hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kép, suy thoái kinh tế và khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cảnh báo Vương quốc Anh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 300 năm trở lại đây trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca tử vong vì dịch Covid-19 cao nhất Châu Âu.

Bên cạnh đó, Vương quốc Anh cũng đang phải chạy đua với thời gian để kịp hoàn tất thoả thuận thương mại hậu Brexit với Liên minh Châu Âu (EU) – thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này trước cuối năm nay. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Vương quốc Anh và EU hiện không diễn ra tốt đẹp, làm tăng khả năng nền kinh tế Anh sẽ đối mặt với một cú sốc nghiêm trọng khác và khó đạt được đà phục hồi sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Kallum Pickering thuộc Ngân hàng đầu tư Berenberg nhận định “Các nền kinh tế phát triển đều đang chịu suy thoái vì đại dịch Covid-19 nhưng Vương quốc Anh còn đối mặt thêm vấn đề nữa là các cuộc đàm phán thương mại giữa nước này với EU trong nửa cuối năm nay”.

Suy thoái sâu kỷ lục trong lịch sử

Ngay cả không tính đến các tác động của thoả thuận thương mại hậu Brexit với EU thì nền kinh tế Vương quốc Anh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Trong đầu tháng 5/2020, BoE dự báo quy mô nền kinh tế Vương quốc Anh có thể suy giảm đến 14% trong năm nay. Đây là mức sụt giảm lớn nhất kể từ lần suy giảm 15% vào năm 1706, dựa trên dữ liệu tốt nhất mà BoE thu thập. Ước tính GDP quý 2/2020 của Vương quốc Anh sẽ giảm mạnh 25%.

Các dữ liệu kinh tế quan trọng mới nhất cũng vẽ nên một bức tranh u ám về nền kinh tế Anh với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng 4/2020 đã tăng vọt 69% lên mức 2,1 triệu đơn. Lam phát đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp xuống còn 0,8% trong tháng 4/2020, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế nước này có thể rơi vào vòng xoáy giảm phát.

Kinh tế Anh suy thoái
Tăng trưởng GDP của Anh kể từ năm 1706 (Nguồn: Ngân hàng Trung ương Anh, đồ hoạ: BBC)

Hiện tại, các nhà hàng và các cơ sở kinh doanh sản phẩm – dịch vụ không thiết yếu tại Vương quốc Anh vẫn buộc phải đóng cửa trong bối cảnh dịch bệnh tại đây chưa có dấu hiệu được kiểm soát tốt và các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng các hoạt động kinh tế sẽ không bật tăng ngay trở lại khi các biện pháp phong toả được dỡ bỏ.

Tình trạng của nền kinh tế Vương quốc Anh được phản ánh rõ hơn khi lần đầu tiên trong lịch sử Chính phủ Anh tung ra trái phiếu với mức lãi suất âm, điều này cho thấy nhu cầu rất cao của giới đầu tư trong việc sẵn sàng cho Chính phủ Anh vay tiền. Các nhà đầu tư nắm giữ những trái phiếu này đến ngày đáo hạn sẽ nhận được ít hơn số tiền họ bỏ ra, tính cả lãi.

Cùng với trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức, trái phiếu Vương quốc Anh được coi là một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều bất ổn. Đặc biệt, nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ của Vương quốc Anh tăng cao phản ánh giới đầu tư đang lo ngại tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ còn suy giảm kéo dài.  

Việc trái phiếu Chính phủ Anh được bán ra với mức lãi suất âm chỉ diễn ra chưa đầy 1 tuần sau khi Thống đốc BoE Andrew Bailey bác bỏ đề xuất áp dụng mức lãi suất điều hành âm. Tuy nhiên, những nhà điều hành chính sách khác của Vương quốc Anh lại cho biết việc áp dụng mức lãi suất âm như một số quốc gia khác đang áp dụng cũng là một lựa chọn trong số các công cụ điều hành kinh tế của nước này.

Khi lãi suất suy giảm thì trái phiếu chính phủ thường có xu hướng tăng giá, kéo theo đó là mức lãi suất trái phiếu giảm xuống. Việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ với mức lãi suất âm sẽ thu lại lợi nhuận khi ngân hàng trung ương đưa mức lãi suất điều hành xuống mức âm.  

Ông Robert Wood, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách thị trường Vương quốc Anh tại Bank of America, nhận định việc trái phiếu chính phủ Vương quốc Anh được bán ra với lãi suất âm đã phản ánh sự sụp đổ của nền kinh tế nước này.

Tính từ đầu năm đến nay, đồng bảng Anh đã giảm hơn 8% so với đồng USD, xuống còn dưới mức 1 bảng Anh đổi 1,22 USD và giảm hơn 5% so với đồng Euro; chỉ số chứng khoán chính của nước này là FTSE100 cũng đã giảm tới hơn 21% và FTSE250 đã giảm hơn 26%, so với mức giảm chỉ gần 9% của chỉ số S&P500 của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Nhằm giảm thiểu các thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ Anh đã buộc phải vay nợ 62,1 tỷ bảng Anh (75,7 tỷ USD) trong tháng 4/2020 – mức vay nợ theo tháng cao nhất kể từ khi dữ liệu này được cập nhập vào năm 1993. Dự kiến, từ giờ đến tháng 3/2021, Chính phủ Anh sẽ cần vay tổng cộng 298,4 tỷ bảng Anh (363,3 tỷ USD) – cao gấp đôi so với hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008.

Bên cạnh đó, Thống đốc BoE Andrew Bailey đã thay đổi quan điểm khi ám chỉ mức lãi suất điều hành của Vương quốc Anh có thể lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới mức 0% nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này; mức lãi suất hiện nay đạt 0,1%.

Thời hạn hậu Brexit đang cận kề

Rủi ro đối với nền kinh tế Anh đang ngày càng tăng cao khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết sẽ đạt được thoả thuận thương mại mới với EU vào cuối năm 2020 sau khi nước này chính thức rời bỏ EU vào tháng 1/2020.

Việc không đạt được thoả thuận thương mại mới với EU như cam kết đã đề ra có thể khiến các doanh nghiệp Vương quốc Anh đối mặt với hàng loạt mức thuế quan tăng cao, những rủi ro trong việc duy trì chuỗi cung ứng cũng như khiến hàng hoá – dịch vụ của Vương quốc Anh trở nên đắt đỏ hơn, suy giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù Vương quốc Anh có thể yêu cầu EU gia hạn thời gian đàm phán trước ngày 30/6 tới đây nhưng chính quyền của Thủ tướng Borish Johnson vẫn kiên quyết khẳng định không thực hiện điều này.

Tuy nhiên, mọi việc đang diễn ra không suôn sẻ. Trong tuần trước, ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán hiệp định thương mại hậu Brexit của EU, cho biết “không lạc quan” về việc sẽ đạt được thoả thuận thương mại với Vương quốc Anh vào cuối năm nay và cho biết EU sẽ đang đẩy mạnh việc chuẩn bị cho kịch bản không đạt được thoả thuận mới. Bên cạnh đó, Trưởng đoàn đàm phán của Vương quốc Anh David Frost cho biết EU đang đưa ra “một thoả thuận chất lượng thấp” với nước này.

Việc không đạt được thoả thuận thương mại sẽ khiến các ngành công nghiệp của Vương quốc Anh vốn đang vật lộn với các tác động của đại dịch Covid-19 sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới. Chỉ tính riêng ngành công nghiệp ô tô, nếu như thoả thuận thương mại mới không đạt được thì xe ô tô của Anh xuất khẩu vào thị trường EU sẽ chịu thêm mức thuế 10% và khiến nước này chịu thiệt hại ít nhất 18,3 tỷ USD, theo ông David Henig – Giám đốc Dự án chính sách thương mại Vương quốc Anh.

Chi tiêu hộ gia đình vốn chiếm khoảng 70% GDP của Vương quốc Anh và đóng vai trò quyết định trong động lực phục hồi của nền kinh tế nước này cũng đang đối mặt với nguy cơ suy giảm khi người dân Anh có xu hướng gia tăng tiết kiệm khi đối mặt với rủi ro cao trong duy trì công việc hoặc nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ hai. Suy giảm chi tiêu hộ gia đình cũng sẽ làm hạn chế các nỗ lực cứu trợ nền kinh tế của Chính phủ Anh và BoE. Sự không chắc về tương lai thời hậu Brexit sẽ càng khiến người dân Anh hạn chế chi tiêu.

Ngay cả khi Vương quốc Anh và EU đạt được thoả thuận thương mại kịp lúc thì thoả thuận thương mại này sẽ không có nhiều lợi ích như khi Vương quốc Anh vẫn còn là một thành viên của EU. Trong tuần này, Chính phủ Anh tiếp tục khẳng định nước này không muốn là một phần của thị trường chung EU và mong muốn đạt được thoả thuận thương mại ngang bằng những gì mà EU đã ký kết với Canada hoặc Nhật Bản.

Những điều không chắc chắn về thoả thuận thương mại với EU đã khiến giới chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Vương quốc Anh sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái sâu và đà phục hồi của nền kinh tế sẽ có dạng chữ U với đáy suy giảm kéo dài thay vì bật tăng nhanh trở lại như hình chữ V.  

Quang Đặng (Tham khảo CNN)