Thứ Hai – 18/5
Trong ngày 15/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu tất cả các công ty bán dẫn nước ngoài nếu đang sử dụng phần mềm và công nghệ của Hoa Kỳ để sản xuất chip điện tử thì phải xin giấy phép của Hoa Kỳ trước khi được bán các sản phẩm chip cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei cũng như các doanh nghiệp liên kết với Huawei.
Điều này đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ có quyền cấm các doanh nghiệp trên toàn cầu bán các loại chip điện tử cho Huawei – hãng sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới nếu thấy cần thiết. Giới phân tích nhận định việc này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất các sản phẩm chip cao cấp mới, các mẫu điện thoại smartphone và thiết bị viễn thông 5G trong thời gian tới khi hầu hết các hãng sản xuất chip điện tử lớn trên thế giới đều sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ.
Huawei là một trong những vấn đề nổi cộm trong quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trước đây, Hoa Kỳ đã yêu cầu các doanh nghiệp của nước này phải xin giấy phép trước khi bán sản phẩm chip điện tử cho Huawei; với các quy định mới, Hoa Kỳ cho thấy quyết tâm ngăn chạn nguồn cung chip của Huawei trên quy mô toàn cầu và khiến căng thẳng Hoa Kỳ - Trung Quốc tăng cao.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết Chính phủ Trung Quốc đã sẵn sàng đưa các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy” nhằm trả đũa hành động của Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng có thể tiến hành các cuộc điều tra và áp đặt các lệnh cấm lên các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Apple Inc, Cisco Systems Inc và Qualcomm Inc.
Thứ Ba – 19/5
Bỏ qua nhiều vướng mắc trong quá khứ, Pháp và Đức đã cùng đạt đồng thuận đề xuất thành lập quỹ cứu trợ kinh tế trị giá tới 500 tỷ EUR (542 tỷ USD) để hỗ trợ các quốc gia thành viên khối Liên minh Châu Âu (EU) khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Theo đó, nguồn tài chính cho quỹ cứu trợ này sẽ được huy động trên thị trường tài chính dưới trái phiếu mang danh nghĩa chung của khối EU, nguồn tiền sẽ được phân bổ cho “các quốc gia và lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch Covid-19” trong 27 quốc gia thành viên khối EU.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh khoản tiền được phân bổ từ quỹ cứu trợ sẽ không phải là “các khoản cho vay” và các quốc gia hưởng lợi từ quỹ cứu trợ sẽ không phải hoàn trả lại tiền cho quỹ này. Đồng thời, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết số tiền của quỹ sẽ được hoàn trả dần qua các khoản ngân sách trong tương lai của khối EU.
Trước đó, các quốc gia có nền kinh tế phát triển trong khối EU như Đức, Áo và Hà Lan liên tục từ chối chia sẻ gánh nặng nợ với các nước có nền kinh tế yếu hơn Tây Ban Nha và Italy và từ chối việc phát hành trái phiếu chung của liên minh EU để huy động tiền chống lại các tác động của đại dịch Covid-19.
Sau thông báo của Pháp và Đức, Áo đã lên tiếng khẳng định bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào cũng phải được xem là khoản vay, không phải là các khoản hỗ trợ không hoàn lại. Sự chia rẽ giữa các quốc gia EU đang khiến khu vực kinh tế này gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi kinh tế các quốc gia thành viên.
Thứ Tư – 20/5
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), cho biết “Với giả định đại dịch Covid-19 không bùng phát lần 2 thì nền kinh tế (Hoa Kỳ) sẽ phục hồi vững chắc trong nửa cuối năm nay”. Tuy nhiên, ông Jerome Powell cũng cho biết không chắc chắn về việc nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bật tăng nhanh chóng trở lại theo mô hình chữ V được hay không và cảnh báo việc phục hồi có thể kéo dài đến tận cuối năm 2021.
Trong quý 1/2020, GDP của Hoa Kỳ đã giảm 4,8%, mức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Dự báo GDP quý 2/2020 sẽ giảm từ 20% - 30% nhưng tăng trưởng có thể sẽ quay trở lại mức dương kể từ quý 3/2020, theo ông Jerome Powell.
Ông Jerome Powell cũng khẳng định FED sẽ không đưa lãi suất về mức âm như một số ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới đang làm để kích thích nền kinh tế và áp lực từ Tổng thống Donald Trump khi liên tục thúc giục FED áp dụng mức lãi suất âm. Kể từ giữa tháng 3/2020, FED đã khẩn cấp hạ lãi suất điều hành về 0% - mức thấp nhất kể từ năm 2015 và lần đầu tiên FED cắt giảm khẩn cấp lãi suất mạnh như vậy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, FED có thể gia tăng kiểm soát đường cong lãi suất nhằm giữ mức lãi suất tại mức nhất định như cách mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang thực hiện. Giới phân tích dự báo FED có thể bắt đầu thực hiện điều này kể từ cuối năm nay.
Thứ Năm –21/5
Nhật Bản là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật (2 quý liên tiếp có tăng trưởng âm) dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Dữ liệu mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho thấy GDP của nước này trong quý 1/2020 đã giảm 3,4%; trong quý 4/2019, GDP của nước này đã giảm 1,9%.
Giới phân tích nhận định nền kinh tế Nhật Bản sẽ còn ghi nhận các dữ liệu kinh tế tiêu cực hơn trong những tháng tới và đối mặt với thác thức kinh tế lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Nhật Bản được đánh giá là một trong những nền kinh tế lớn dễ tổn thương nhất khi đại dịch Covid-19 bùng phát do nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào giao thương với Trung Quốc – quốc gia khởi phát dịch bệnh và Hoa Kỳ - vùng dịch lớn nhất thế giới hiện nay.
Chính phủ Nhật Bản đã tung ra gói cứu trợ kinh tế khổng lồ với trị giá lên tới 108 nghìn tỷ Yên Nhật (1.000 tỷ USD) – cao nhất lịch sử nước này, bao gồm các khoản viện trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và phát tiền cho người dân. Trong tuần trước, Nhật Bản đã bãi bỏ tình trạng khấn cấp trên hầu hết quốc gia, trừ các điểm nóng về dịch bệnh như Tokyo nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo các hoạt động kinh tế và tiêu dùng của người dân sẽ không nhanh chóng phục hồi trở lại như kỳ vọng.
Thứ Sáu – 22/5
Singapore sẽ cho phép thêm nhiều hoạt động kinh tế được phép diễn ra trở lại kể từ ngày 2/6 tới đây, góp phần đưa tỷ lệ hoạt động của nền kinh tế nước này lên mức 75% trong bối cảnh nước này đang dần kiểm soát tốt sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Việc nới lỏng các biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sẽ được Chính phủ Singapore triển khai theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 sẽ bắt đầu từ 2/6, và mất khoảng 4 – 6 tuần để hoàn tất. Nhiều cơ sở kinh doanh tại các lĩnh vực khác nhau và trường học sẽ được phép mở cửa trở lại nếu như tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng được duy trì ở mức thấp hoặc về mức 0. Để hạn chế tình trạng lây nhiễm tại các lĩnh vực vốn đòi hỏi nhiều sự tiếp xúc giữa người với người như tài chính, bảo hiểm, vận tải… khoảng 2/3 người lao động tại Singapore sẽ tiếp tục được yêu cầu làm việc tại nhà.
Trong giai đoạn 2, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, bán lẻ và phòng tập thể dục có thể hoạt động trở lại. Tuy nhiên, có thể sẽ mất nhiều tháng để Singapore đạt trạng thái này. Ở giai đoạn 3, tụ họp xã hội và các hoạt động kinh doanh như rạp chiếu phim, spa, câu lạc bộ đêm sẽ quay trở lại bình thường với quy mô đám đông được hạn chế; giai đoạn này có thể kéo dài tới khi có vaccine chống Covid-19 hoặc căn bệnh không được coi là mối đe doạ.
Trong khi đó, Singapore sẽ dần mở cửa lại biên giới cho việc thực hiện các hoạt động thiết yếu và cho phép đi lại an toàn với người nước ngoài đến từ những nơi an toàn. Dự kiến Singapore sẽ đưa ra đề xuất gói kích thích kinh tế thứ 4 trong tuần tới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nước này vượt qua các tác động của đại dịch Covid-19.