CSIS dự báo Trung Quốc có thể chỉ nhập khẩu được 60 tỷ USD giá trị hàng hoá từ Hoa Kỳ trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với con số 186,6 tỷ USD theo các yêu cầu trong thoả thuận thương mại giai đoạn 1.
Ông Mitch Scott Kennedy, cố vấn cấp cao về Trung Quốc tại CSIS, nhận định mặc dù Trung Quốc có thể gia tăng thu mua hàng hoá của Hoa Kỳ trong nửa cuối năm nay khi nền kinh tế nước này phục hồi trở lại nhưng bất kỳ sự gia tăng nào cũng không thể thay đổi bức tranh tổng thể.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc hồi đầu năm nay đã khiến nước này phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt như phong toả hàng loạt thành phố lớn và tạm thời đóng cửa các hoạt động kinh tế, điều này đã khiến nhu cầu đối với các hàng hoá và dịch vụ tại nước này sụt giảm mạnh. Trung Quốc hiện là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Hoa Kỳ sang Trung Quốc trong quý 1/2020 đã giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; hiện chưa có dữ liệu về xuất khẩu dịch vụ. Tuy nhiên, ông Mitch Scott Kennedy dự báo kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Hoa Kỳ sang Trung Quốc cũng sẽ giảm mạnh do việc ngưng các hoạt động du lịch và di chuyển của người dân Trung Quốc và việc các trường đại học tại Hoa Kỳ buộc phải đóng cửa để ngăn ngừa dịch bệnh.
Các dữ liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy xuất khẩu năng lượng của Hoa Kỳ sang Trung Quốc trong quý 1/2020 đã giảm tới 33,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu máy bay thương mại cũng “gần như ở con số 0”, kim ngạch xuất khẩu xe ô tô giảm 46,9%; xuất khẩu đậu tương cũng giảm 39,4%. Đây đều là những mặt hàng trọng tâm được Hoa Kỳ kỳ vọng sẽ được Trung Quốc gia tăng nhập khẩu sau khi hai nước ký kết thoả thuận thương mại giai đoạn 1 hồi giữa tháng 1/2020.
Theo thoả thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc cam kết thu mua thêm 200 tỷ USD hàng hoá và dịch vụ từ Hoa Kỳ trong năm 2021, so với mức 2017. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ cần phải nhập khẩu lượng hàng hoá và dịch vụ trị giá 290 tỷ USD trong năm 2020 và tương đương 330 tỷ USD trong năm 2021.
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong những tuần gần đây đang trở nên xấu đi khi Hoa Kỳ và Trung Quốc liên tục bất đồng vì nhiều vấn đề, bao gồm cả các tranh cãi về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã liên tục cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc thiếu minh bạch thông tin khiến đại dịch Covid-19 bùng phát, gây hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu.
Việc gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến nhiều người nghi ngờ về triển vọng duy trì thoả thuận thương mại giai đoạn 1. Thoả thuận này đã được kỳ vọng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cải thiện quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc và tạm thời giúp làm dịu cuộc chiến thương mại giữa hai nước sau gần 2 năm kéo dài.
Trong ngày 3/5, Tổng thống Donald Trump đã lần đầu tiên công khai chỉ trích Trung Quốc về việc thực thi thoả thuẩn thương mại giai đoạn 1 và đe doạ có thể huỷ bỏ thoả thuận này nếu như Trung Quốc không thực hiện đúng các cam kết trong thoả thuận. Các quan chức cấp cao của hai nước đã tiến hành điện đàm thảo luận về các vấn đề kinh tế giữa hai nước vào ngày 7/5 vừa qua.
Kết thúc điện đàm, đại diện Hoa Kỳ và Trung Quốc đều cho biết sẽ duy trì thoả thuận thương mại giữa hai nước và Trung Quốc khẳng định sẽ nỗ lực thực thi đầy đủ các cam kết đã đề ra trong thoả thuận. Tuy nhiên, ông Donald Trump tiếp tục cho biết đã “suy nghĩ rất nhiều” về việc có nên chấm dứt thoả thuận thương mại với Trung Quốc hay không.
Theo ông Mitch Scott Kennedy, trong trường hợp Trung Quốc không đáp ứng đủ các cam kết đã đề ra trong thoả thuận thì chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể thực hiện các biện pháp như sau:
1) Tiến hành quá trình giải quyết xung đột phức tạp như đã đề ra trong thoả thuận thương mại giai đoạn 1, bao gồm việc tái đàm phán lại các cam kết và các cam kết chưa đạt được, tung ra các biện pháp như áp đặt thêm thuế quan lên hàng hoá của Trung Quốc;
2) Thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc và, thậm chí, có thể rút hoàn toàn khoải thoả thuận thương mại giai đoạn 1;
3) Thừa nhận rằng sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã cản trở việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ từ Hoa Kỳ, và Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu trở lại khi nền kinh tế nước này phục hồi trở lại.
Ông Mitch Scott Kennedy cho biết mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm riêng. Hai phương án ban đầu có thể thúc đẩy Trung Quốc tiến hành các biện pháp trả đũa lên nền kinh tế Hoa Kỳ; trong khi phương án thứ ba có thể khiến ông Donald Trump đối mặt với các rủi ro chính trị. Ông Mitch Scott Kennedy nhận định chính quyền của ông Donald Trump cần xem xét lại toàn bộ cách thức tiếp cận với Trung Quốc trong giải quyết xung đột thương mại giữa hai quốc gia.